Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

Canh Bạc Cuối Đời -- Put Option

Thân chào các Bê(*),
Như mọi khi, xin nhắc Bê là Đệ viết là viết nhăng cho đầu óc đỡ "mụ" đi. Đúng hay sai, xin người đọc tham khảo ở bản chính (thưởng là những đường dẫn cuối bài) và các nguồn khác. Quyết định về tài chính là những quyết định lớn của đời mình nên xin Bê rất chi là cẩn thận cho. Sai thì xin... ráng mà chịu chứ đừng đổ thừa là tại Đệ, nghe!

Dạ, dạ Đệ xin vào đề....
Mấy tuần nay, Bê chắc cũng biết là thị trường chứng khoáng (TTCK) trên thế giới đang sa sút khá nhiều và kinh tế toàn cầu đang trong thời kỳ trì trệ (1). Chuyện đang xảy ra không phải là một hiện tượng mới vì lịch sử TTCK cho thấy năm 1929 với đại khủng hoảng (2), rồi trong thập niên 80's và mới gần đây (2007-2009) cũng có những lần "chỉnh giá" (market corrections). Sự kiện 1929 được phe chống tư bản dùng để chứng minh và tiên đoán sự giẫy chết của chủ nghĩa tư bản. Bài này xin không bàn thêm về đề tài này vì "ai thắng ai" thì đã rõ rồi. Hôm nay xin đề cập đến một khía cạnh rất nhỏ trong canh bạc cuối đời.

Phiếm

Cuối đời là nói đến Đệ và các Bê đó. Ngoài 60 tuổi trẻ thì cũng có thể là chúng ta đang sống ở phần cuối cuộc đời. Phần này dài hay ngắn thì còn tùy vào nhiều yếu tố và vào lịch sử gia đình của mỗi người.
Canh bạc là nói đến quyết định tài chánh làm sao để "kiếm tiền" và duy trì cuộc sống sung túc trong tuổi "Bê" khi sắp về hưu hoặc đã về hưu.

Mỗi người đánh canh bạc này một cách khác nhau: tùy vào vốn, tùy vào tính khí (gan hay nhát), tùy vào hoàn cảnh nơi cư trú, tùy vào nền kinh tế, và quan trọng hơn cả là tùy vào... máu cờ bạc của mỗi chúng ta.
Từ một cực đoan là có bao nhiêu sống bao nhiêu, nghĩa là không đem số tiền (thường là hạn chế) của mình ra cờ bạc hoặc đầu tư để mong làm lời thêm, cho tới cái cực đoan là bao nhiêu tiền của, "cụ" nướng vào bài bạc hoặc đầu tư (nguy hiểm/rủi ro) để mong làm giàu, để mong đổi đời, để mong một lần nữa chứng tỏ là mình... giỏi; thua thì sống dựa vào con cháu.
Không cờ bạc và không đầu tư thì cũng là một cách đánh canh bạc cuối đời theo nghĩa tiêu cực. Ham mê bài bạc, đầu tư/đầu cơ thì rủi ro quá lớn và đây cũng là cực đoan: thấy bạn bè, người quen khoe hoặc nổ về đầu tư/đầu cơ mà sốt ruột lẫn ái ngại cho họ. May thay là đa số chúng ta không ở hai cực đoan đó. Không ở hai cực đoan này không có nghĩa là mình "an toàn", nghe Bê! Cái chết của người cờ bạc thì đã rõ nhưng người không cực đoan thì cũng có thể chết vì tính toán sai lầm (tưởng là mình tính đúng lại thấy "cơ hội" làm giàu dễ dàng; đó là "tưởng" vì thật sự thì máu tham/máu cờ bạc làm mình mờ mắt).

Put Option

Tại Hoa Kỳ, Âu Châu và những nơi có TTCK phát triển, người đầu cơ (3) có thể tham gia vào mua bán chứng khoán theo lối "put option".  Put option có thể là chiêu trò mà người có máu ăn thua thường quảng bá trong vòng bạn bè; để chứng tỏ sự hiểu biết, để vay tiền, để kêu gọi hùn hạp. Thật sự put option là sự cá cược mang tính rủi ro rất, rất là lớn. Thống kê cho thấy là hơn 90% trường hợp là mất tiền. Nhưng trước khi bàn về lợi hại, chúng ta thử tìm hiểu về put option.

Người mua "put option"

Người đầu cơ (NĐC) mua put option vì nghĩ (tiên đoán) là giá của một chứng khoán nào đó sẽ giảm mạnh trong tương lai gần (thường là ba tới sáu tháng). NĐC sẽ mua put bằng cách đặt mua với cơ quan trung gian (option brokers; OB). NĐC trả lệ phí cho OB và OB sẽ dàn xếp để NĐC ký khế ước giao dịch (agreement) với người bán put option (NBPO). NĐC phải trả cho NBPO một số tiền gọi là "premium" (tiền mua put option) mà tiền này NĐC sẽ không thể lấy lại (trừ trường hợp NĐC bán lại những options này cho người thứ ba; trước khi những options này quá hạn--expired). Khế ước giao dịch cho NĐC quyền được bán chứng khoán đó trong thời gian options này chưa hết hạn (3 hoặc 6 tháng hoặc lâu hơn) với giá được thỏa thuận (strike price) trong khế ước. Nãy giờ chỉ thấy NĐC trả tiền phí cho brokers và tiền premium cho NBPO. Còn lời ở đâu thì xin Bê kiên nhẫn đọc tiếp...

Người bán "put option"

NBPO nhận tiền premium từ NĐC và nếu NĐC quyết định thi hành quyền bán chứng khoán (khi chưa hết hạn) cho NBPO với giá đã định thì theo thỏa thuận NBPO phải mua với giá đó. Tiền premium thì chắc chắn là NBPO hưởng trong mọi trường hợp.

Thí dụ

  • NĐC mua một khế ước để được bán 100 shares (100 đơn vị chứng khoán) của hãng XYZ cho NBPO với giá $50 một share. Giá hiện tại của share này là  $50 và NĐC trả cho NBPO tiền premium là $5 một share. Nếu trong vòng 3 tháng (nếu khế ước định đặt là ba tháng) tới mà chứng khoán này sụt giá còn $40, thì NĐC sẽ mua vào 100 shares ở giá thị trường ($40) rồi bán cho NBPO với giá đã định trong khế ước là $50 (vì NBPO đã cam kết là sẽ mua ở giá strike price là $50). 
  • NĐC được lợi như sau: 
    • Mua 100 shares ở giá $40: Q = $40 x 100 = $4,000
    • Bán cho NBPO 100 shares ở giá strike price $50: P = $50 x 100 = $5,000
    • NĐC đã trả premium: R =  $5 x 100 = $500 
    • Thì chưa tính lệ phí giao dịch với option broker và thuế, NĐC lợi: S = ( P - Q ) - R = ($5,000 - $4,000 ) - $500 = $500.
    • Bỏ ra $4,500 mang về $5.000 trong ba tháng nếu giá share xuống $10 (lời $500). 
    • Nếu giá trị share còn $1 thì lời rất nhiều theo công thức trên: ($5,000 - $100 ) - $500 = $4,400.
  • Nếu, trong thời hạn ba tháng (hoặc thời gian định bởi khế ước) mà trị giá của chứng khoán ở giá cao hơn strike price ($50) thì NĐC sẽ đương nhiên không dại gì mà mua share với giá cao (thí dụ $55/share) để bán cho NBPO với giá $50. Vì làm vậy là lỗ thêm. Trong trường hợp khế ước hết hạn thì NĐC sẽ lỗ tiền premium $500 mà NBPO hưởng. NĐC còn mất tiền phí giao dịch cho option broker.
Hy vọng là đọc đến đây Bê nhìn ra là put option là đầu cơ/cá cược chứ không phải đầu tư. Cái giá premium (trong thí dụ trên là $5/share) được định đặt theo toán học nên trường hợp giá share của một chứng khoán đang từ $50 xuống còn $1 là rất khó xảy ra (nếu có thể là dễ xảy ra thì premium rất cao).  Bởi nếu dễ ăn như vậy cho NĐC thì ai dại gì mà làm NBPO? Option brokers ở giữa làm trung gian (bảo đảm khế ước được thi hành) là luôn có lời. Như nói ở trên 10 lần mua put option thì NĐC lỗ tiền premium hết 9 lần. Còn nếu lời (10% còn lại) thì có thể chỉ đủ để trả premium và tiền phí giao dịch.
Bê sẽ nói: "Chuyện rõ như ban ngày vậy thì có ai dại mà mua put option mà ông lo!" A, vậy mà có người mua kẻ bán đó, Bê ơi. Đệ có người bạn (đã về hưu) suốt ngày rịt mọ/miệt mài vào Internet để tìm cách làm giàu và đã "tìm" ra cách làm giàu cho người "gan dạ" là mua put option với số tiền dành dụm (khoảng vài ngàn; vẫn còn là khôn ngoan vì không đi vay mượn). Bê này tính là nếu thị trường chứng khoán đi vào khủng hoảng và trị giá chứng khoán giảm 89% như năm 1929 thì Bê này có thể kiếm được cả trăm ngàn... như chơi!!! Còn nếu không xảy ra như vậy thì mất tiền premium cũng chỉ vài ngàn. Vài tháng sau, lại dành dụm lại... mua put option! Đệ bảo Bê này: "Thôi ông ơi! Ông cứ bỏ ra $2 mua vé số PowerBall thì xác suất trúng số còn cao hơn!".

Chúc Bê cuối tuần vui vẻ hạnh phúc bên gia đình và người thân.
Happy Labor Day cho những Bê ở Hoa Kỳ.


Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Đệ chỉ xin Bê nhớ cho rằng tuổi già là tuổi không còn chịu được những cú "hích" của cuộc đời như ngày trẻ đâu. Cẩn trọng!
(1) Thật ra TTCK và Kinh Tế (KT) không phải là lúc nào cũng lên xuống cùng chiều đâu. Thí dụ như KT Hoa Kỳ có chiều hướng phát triển và đi lên hiện nay nhưng TTCK thì lại đi xuống vì khủng hoảng ở Hy Lạp và Trung Quốc. Nhưng đây là một đề tài khác xin không bàn nhiều ở đây.
(2) Năm 1929 giá trị chứng khoáng mất 89% giá trị.
(3) Đầu tư (investment) là dùng tiền "mua" một thành phẩm như bất động sản (BĐS), chứng khoán, một nỗ lực như học tập (để thành đạt trong tương lai), vân vân và nhờ thời gian--thường là lâu dài--để sinh lợi/sinh lời. Trái với đầu tư là đầu cơ (speculation), đầu cơ dựa vào tiên đoán để làm lời. Nhiều Bê tưởng mình đầu tư nhưng thật sự là dùng tiền để đầu cơ. Sự khác biệt được phân định khá rõ ràng trong bài này.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Wikipedia's Put Option.

Không có nhận xét nào: