Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

Trong Tay Nàng - Mozart Ơi!


Thân chào các Bê (*),
Hôm nay Đệ xin giới thiệu một người nhạc trưởng kiêm dương cầm thủ, Mitsuko Uchida. Trong bài Tâm Tình với Tchai Đệ đã nói rồi là Đệ không có cửa để viết về âm nhạc cổ điển đâu. Viết đây là viết lăng nhăng cho vui mà thôi...Nhạc trưởng giỏi trên thế giới thì không hiếm; dương cầm thủ (pianist) thì cũng khá nhiều danh tài mà Bê có thể thưởng thức live hoặc qua Internet. Sao lại nói về Mitsuko Uchida? Dạ nói về Uchida là nói đến đôi tay nàng và cảm biến trên khuôn mặt...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề... 

Mitsuko Uchida có một tiểu sử rất dài với rất nhiều giải thưởng và là hội viên/giám đốc nhiều nhạc viện danh tiếng nên Đệ xin miễn đề cập thêm ở đây. Bê nào có muốn đọc thêm thì vào wikipedia để có tài liệu chính xác về nghệ nhân này. Ở đây  Đệ chỉ xin nêu ra một điều mà giới âm nhạc công nhận: Uchida là người có thẩm quyền giải thích (acclaimed interpreter) những tác phẩm của Mozart, Beethoven, Schubert, Chopin, Debussy và Schoenberg.

Có bao nhiêu người được giới âm nhạc ban cho cái danh dự này?

Thế đôi tay nàng có gì lạ? Bê mà nhìn đôi tay nàng mà không thấy gì lạ thì mới... là lạ! Tay nàng phát ra âm thanh. Hay nói đúng hơn là phát ra âm nhạc! Không phải là chỉ khi Uchida dùng ngón tay gõ vào phiếm dương cầm thì mới phát ra âm nhạc mà,  với cương vị người nhạc trưởng, tay nàng mà chỉ, vung, vuốt, run, vẫy, chận đến đâu thì âm nhạc từ các bộ đàn dây, dàn kèn đồng, bộ sáo, trống phát âm thanh hoặc ngưng theo ý nàng. Từ trước tới giờ Đệ vẫn thắc mắc là tại sao dàn nhạc cần người nhạc trưởng khi đa số nhạc công chỉ nhìn vào trang nhạc trước mắt chứ không mấy khi nhìn người nhạc trưởng. Thắc mắc là vậy nhưng thâm tâm Đệ vẫn biết chắc là người nhạc trưởng là linh hồn của dàn nhạc nên các nhạc công "thấy" người nhạc trưởng mà không cần nhìn. Uchida là một minh chứng rõ ràng về sự tương tác, tương giao giữa nhạc trưởng và nhạc công qua các giác quan khác với thị giác. Đôi bàn tay của Uchida (và biểu cảm trên gương mặt) bảo đảm sự truyền đạt ý tưởng và quả là khi nàng trình diễn Mozart thì cả toàn thân nàng và cả các nhạc công trong dàn nhạc diễn tả công trình của  Mozart, như  Mozart muốn. Không có đôi ban tay này thì chắc sự liên lạc (mà Đệ xin đùa là "wireless connection") giữa Uchida và các nhạc công sẽ không làm vừa lòng Mozart (hay các thiên tài âm nhạc khác).

Không tin? Bê vào phụ chú số 1 thì sẽ thấy, sẽ cảm điều Đệ muốn nói. Video có hơi dài và Đệ đã chuẩn bị giấy và cây bút để ghi lại các cột mốc thời gian (time markers) ở những đoạn mà Đệ muốn Bê xem/nghe nếu Bê không có thì giờ xem/nghe nhạc cổ điển trên 30 phút một lần. Ghi được khá nhiều  các time markers này rồi nhưng Đệ thấy được là giây phút nào cũng đáng coi nên đành bỏ qua ý định này. Chỉ muốn nói với Bê là 15 phút đầu cũng là đủ với Bê nào bận rộn.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và một lễ Tạ Ơn với nhiều ơn phúc.

Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê thường cười thầm khi các cháu thắc mắc là sao ông/bà không nhìn mà vẫn biết chúng đang làm gì.


Phụ chú:
(1) Mozart: Concerto for piano and Orchestra (d-minor) K.466 -- Mitsuko Uchida, Piano & Conductor, Camerata Salzburg
(2) Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài.

Không có nhận xét nào: