Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020

Không Đánh Mà Khai!

Thân chào các Bê (*), 

Sáng hôm nay thứ Bảy nhưng lại là một trong vài lần trong năm phải tắt (power down) tất cả các máy tính trong trung tâm và bật trở lại (power up). Sau đó là cài đặt nhu liệu mới... Việc làm thì đã có cả toán làm nhưng mình vẫn phải... chỉ tay năm ngón. Trời nắng nhưng phải ứng trực tại nhà nên ngồi viết lăng nhăng.
Từ khi bắt đầu viết blog thì Đệ đã nói là "đọc mà tin ngay không kiểm chứng thì thà là đừng đọc"; có nghĩa là những điều Đệ viết chỉ là cảm nhận của một cá nhân, các đường dẫn (links) có thể là không đúng (hoặc mất thời gian tính), sự kiện trích dẫn có thể đã thay đổi, vân vân...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Ngày nay với công nghệ thông tin ở mức vệ tinh, cáp quang cũng như mạng xã hội phổ biến và phổ cập thì cái gì Bê đăng ra (posting) sẽ đi khắp nơi trên trái đất này gần như là lập tức. Lifestream là một thí dụ: Bê đang ở đâu, làm gì, ăn gì, có nhà hay không, ngay cả mang trang sức gì cũng được người tò mò nhìn thấy. Thường thì chẳng sao. Người vào xem lifestream thì "u", thì "a" rồi bỏ qua nhưng kẻ gian nhìn thấy thì đây là "tin tình báo" (intelligence) mà xưa kia muốn có thì phải cho người theo dõi (tốn phí, có khi phải được cấp trên chấp thuận (approved), dễ bị lộ, không xâm nhập vào nhiều nơi chốn, vân vân...) Nhiều nhà nước hiện nay lẳng lặng theo dõi công dân của họ qua những thông tin tình báo không mất tiền này. Nói it xin Bê hiểu nhiều; cái này là không đánh mà khai.

Khi vào Facebook/Tweeter/Instagram thì Đệ chắc là mình đoán trúng ai theo phe nào. Có gì mà sợ? Bê sẽ hỏi. Thường thì chẳng có gì mà sợ, có khi là điều tốt để thêm bạn cùng chí hướng, bớt bạn nghịch chí hướng. Đây là trường hợp mà Bê muốn cho mọi người biết cơ mà! Nhưng cái mầm hại là nếu mình không biết là mình đang không đánh mà khai.

Nếu Bê có trương mục (account, xin đừng gọi là tài khoản vì không tốn tiền để có trương mục) với Parler chẳng hạn thì người có đầu óc tổng hợp thông tin, như... điều tra viên chẳng hạn, có thể ghi nhận đây là một mảnh của nguyên phần lý lịch (a piece of a whole picture). Đây là không đánh mà khai.

Chuyện xa xưa nhưng xin kể ra đây vì không hại gì: Khi ra trường với bằng cử nhân về tin học thì Đệ là sinh viên xuất sắc của khoa và của năm đó (cum laude), trường tổ chức cho các hãng IT lớn trong nước vào trường tuyển nhân viên. Đệ tham gia vào những buổi phỏng vấn này với hy vọng khá cao là họ sẽ rất ngưỡng mộ thành tích học tập của mình. Khi người phỏng vấn của một hãng rất lớn của Hoa Kỳ hỏi là: "Tại sao bạn lại muốn làm cho hãng chúng tôi?" Câu hỏi khá là thông thường nhưng ông ấy lại nhận được câu trả lời, khá là dại, của Đệ. Đệ nói với ông là Đệ rất ngưỡng mộ ông Tổng Giám Đốc của hãng và Đệ mong là sẽ được làm việc dưới trướng của ông. Bê thấy câu trả lời dại chỗ nào không? Dại chỗ là Đệ không biết là ông này có thích ông Tổng Giám Đốc của ông không. Hừm, không đánh mà khai.

Phụ chú B và C là hai bài tiêu biểu cho việc thu thập thông tin để tuyển nhân viên của các hãng ở Hoa Kỳ và để thêm dữ kiện trong trường hợp hãng bảo hiểm điều tra để bồi thường. Đây chỉ là hãng xưởng, hãng bảo hiểm, còn cơ quan nhà nước (của một số quốc gia) thì họ có vào mạng xã hội không? Hỏi thế thôi, chứ câu trả lời là CÓ.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân, 

Chú thích: 
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê thì sợ gì nữa?!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài 
B. The top three things that employers want to see in your social media profiles

Không có nhận xét nào: