Thứ Năm, 6 tháng 1, 2022

Diminishing Return -- Quá Độ

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay có chút thời giờ rảnh ngồi nhâm nhi ly cà phê sáng nên lại xin viết lăng nhăng. Làm gì mà làm quá (quá độ) thì kết quả không tăng theo ý mình mong muốn. Thường thì chúng ta nếu có dịp trải nghiệm một sự kiện kỳ thú nào đó thì chúng ta muốn lập lại sự trải nghiệm đó trong tương lai...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Không có gì sai trái trong ước muốn được vui sướng, hạnh phúc, được... "wá đã" (đương nhiên là nếu nó nằm trong vòng luân lý, đạo đức và không xâm hại tới người khác hoặc xã hội). 
Mưu cầu hạnh phúc có lẽ là mưu cầu chính đáng nhất của con người.

Duy chỉ có một "luật", cũng từ nhận thức của con người, là cái gì lập lại nhiều lần cũng sẽ không còn cái hiệu ứng ban đầu; tới một lần nào đó thì ta không còn thấy "phê" nữa (diminishing return). Thí dụ như đi coi ca nhạc, một thời hai vợ chồng Đệ cuối tuần nào cũng đi: cũng số ca sỹ đó, rất có thể là cũng những bài nhạc (hay) đó. Nhưng càng về sau, sự kiện không còn mang lại cái hào hứng như lúc trước.

Tại sao?
Đơn giản là:
  • Những lần sau, yếu tố bất ngờ, yếu tố "mới" không còn nữa.
  • Cái hay, cái đẹp trong đầu chúng ta thay đổi (thường là đòi hỏi hơn, thêm). Cũng người ca sỹ đó, cũng giọng ca trau chuốt đó, nghe nhiều lần lại không còn thấy hay.
    Lỗi là lỗi ở chúng ta, chúng ta kỳ vọng nhiều hơn (một cách vô lối) ở người ca sỹ đó.
  • Sự lập lại trong thời gian ngắn là đảm bảo cho sự nhàm chán.
  • Sự lập lại trong thời gian ngắn cũng sẽ làm chúng ta bớt tập trung chú ý.
    Có nhiều con đường dẫn đến chỗ mua cà phê hằng ngày. Nếu chúng ta chọn một lối (trong nhiều lối) để đến tiệm cà phê thì dù cái lối đó có ngắn nhất, có tối ưu nhất thì cũng là một lựa chọn không tốt cho trí não. Sự tập trung chắc chắn bị giảm thiểu.
Dù là việc gì, thích thú nhất, hay nhất, đi chăng nữa thì hiệu ứng không tăng (như mong muốn) khi đi đến quá độ. Làm sao chống hiện tượng này?

Không chống được đâu!
Mà sao phải chống?
Có vài cách để tình trạng không đi đến quá độ:
  • Có nhận thức khi mình làm việc gì (một hình thức "chánh niệm"). 
  • Ý thức là đời vô thường. 
  • Mơ ước sự thường hằng là không tưởng.
  • Vui hưởng cái đương cơ, cái đang xảy ra.
  • "Mê" nhiều thứ thì tốt hơn "mê" một thứ (tất nhiên là "mê" trong vòng lễ giáo và đạo đức).
    Ý thức là "mê" nhiều thứ thì "không chuyên". 
Bài viết trong phụ chú B là luật giảm thiểu hiệu ứng trong lãnh vực tài chánh nhưng có lẽ nó cũng nằm trong lãnh vực lớn hơn: hoạt động và tâm lý của con người.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Ở một lớp tuổi nào đó, như Bê và Đệ, thì không chuyên cũng là chấp nhận được.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Law of Diminishing Marginal Returns

Không có nhận xét nào: