Thân chào các
Bê*,
Tình cờ
đọc được một bài viết về vấn đề an sinh xã hội ở Mỹ cho những người trên 62
tuổi đã làm trên 40 tín chỉ (credits), Đệ xin bàn phiếm cho quý vị đọc chơi. Tín
chỉ là gì xin được nói sau. Nguyên văn bài này trong trang mạng Kiplinger, một
cơ quan tài chính tư nhân có uy tín của nước Mỹ. Tuy nhiên, khi đọc tại hạ vẫn thấy có vài điều cần kiểm chứng thêm nên
quý vị cũng cần cảnh tỉnh nhen! Cái gì tại hạ viết dưới đây mà không có
trong nguyên bản của Kiplinger thì là Đệ lấy từ mạng An Sinh Xã Hội (http://www.ssa.gov).
Đệ xin
nhấn mạnh (như một đĩa hát bị rè) là quý vị chỉ dùng những lời bàn phiếm của
tại hạ để tham khảo thôi. Muốn chắc ăn thì vào đường dẫn (link) ở cuối bài; đọc
nguyên bản tiếng Mỹ, nghe quý vị. Nếu quý vị nào… lười đọc thì kiếm đứa con hay
cháu nào đó nhờ nó đọc dùm. Sau này có chửi thì chửi nó, đừng chửi tui, nghe!
Và hơn nữa,
đây là những kiến thức phổ thông mà “một bộ phận không nhỏ” các quý vị đã biết
hết trơn, hết trọi rồi! Nhưng, đã là Bê rồi thì mặc dầu biết rồi… “rồi lại quên,
Em biết tin ai bây giờ…” nên đọc bài này chắc cũng không chán lắm. Nếu chán
thật thì xin đừng đọc tiếp, mỉm cười, lướt mạng… phượt đi chỗ khác.
Dạ, dạ, Đệ
xin vào đề…
I. Càng già càng tốt
Tuồi thọ khi nào bắt đầu lãnh an
sinh xã hội (ASXH) có một ảnh hưởng lớn đối với tổng số tiền quý vị lấy lại từ
chương trình này. [Chú thích tại chỗ: Có một vài bài được luân chuyển qua
emails mà tác giả muốn chứng minh là “lãnh hưu non khi 62 tuổi hay lãnh hưu
toàn phần (full retirement) thì số tiền cũng xấp xỉ nhau vào năm 77 tuổi. Từ đó
kết luận là nên lãnh hưu non… cho nó khỏe mà chắc ăn.” Cái này đúng mà sai,
nghe quý vị. Đúng là chắc ăn vì người Mỹ cũng nói: “một con chim trong tay bằng
hai con chim trong bụi”. Nhưng sai vì bài viết này bỏ sót quá nhiều yếu tố
(quan trọng). Nhưng thôi “Cãi mà chi! Tiếc thương qua rồi!”, tại hạ xin đóng
chú thích này lại.] Kiplinger và chính sở ASXH, xác định là lãnh hưu non (ở
tuổi 62) làm giảm tiền hưu 25% so với hưu toàn phần (permanent reduction, giảm
thường trực). Hai mươi lăm phần trăm là
một phần tư, nghe quý vị! Khỏi phải đoán quý vị cũng thấy Đệ thuộc phái
đồng ý với Kiplinger và Sở ASXH. Quý vị nào còn thắc mắc về “về sớm hay ở”, thì xin đọc
bài tuần trước của ngu mỗ.
Kiplinger chỉ ra rằng lãnh hưu toàn phần, ngoài việc tránh bị mất ¼ số tiền, còn mở ra nhiều phương cách để những Bê có gia đình (married couples) có thể tối ưu hóa cách khai sao cho có lợi nhất. Đại khái, con cái vị thành niên (dưới 18 tuổi, hoặc dưới 19 tuổi nếu học tiểu học hoặc trung học toàn thời gian) hoặc con cái tập nguyền (không giới hạn tuổi) có thể lãnh tới một nửa lương hưu của cha hoặc mẹ. Xin đọc tiếp để biết thêm chi tiết.
Kiplinger, nhắc cho chúng ta nhớ là hưu toàn phần cho người sanh năm 1943 tới 1954 là ở tuổi 66 (không phải tuổi 13 đâu, đừng có ham!). Sanh năm 1960 và sau nữa thì là ở tuổi 67. Còn lưng chừng sanh năm 1955 tới 1959 thì 66 tuổi cộng thêm mấy tháng. Bao nhiêu tháng thêm thì tùy sanh vào năm nào. Thí dụ, 1955 thì cộng thêm hai tháng, 1956 thì cộng thêm hai tháng nữa, tức là 66 tuổi bốn tháng, vân vân…
II. Tiêu chuẩn để được hưởng ASXH.
Giờ thì mới nóng sốt, nghe quý vị: Quyền lợi ASXH của Bê được tính trên 35 năm trong đời (tỵ nạn) của Bê. Ba mươi năm làm lương cao nhất sẽ được tính mà những năm này không cần liên tục. Thí dụ, Bê làm tổng cộng 40 năm có năm thứ 20 bị… hạn hán nên làm ít lương hơn những năm khác thì mặc dầu năm thứ 20, ngay giữa, “chặt” đời đi làm của Bê thành hai mảnh… tình thì năm này chẳng ảnh hưởng gì trong cách tính vì cứ “lượm” ra 35 năm lương cao nhất trong 40 năm này là ổn. Nếu Bê qua Mỹ trễ không làm đủ 35 năm thì sao? Đọc đoạn trên, Bê biết là Bê phải làm ít nhất 10 năm mới đủ tiêu chuẩn, phải không? Tỉ dụ, Bê làm được 20 năm đi. Thì cách tính là cộng tất cả 20 năm này lại nhưng vẫn chia trung bình cho 35. Có nghĩa là ASXH sẽ thấp hơn người làm đủ hoặc hơn 35 năm.
Một điểm nữa hay được hỏi là, nếu trên con đường dốc xuống (going downhill) sau khi làm hơn 35 năm rồi bây giờ… hơi bị già nên làm bán phần (part-time), hoặc làm toàn phần nhưng lương thấp thì có ảnh hưởng gì tới tiền ASXH không. Câu trả lời là: không! Vì cách tính đã chọn 35 năm lương cao nhất rồi. Đừng có lo, nhà nước Mỹ tính rất chuẩn!
Một tình huống ly kỳ khác: Đang lãnh ASXH (có nghĩa là tiền lãnh mỗi tháng đã được tính dựa vào 35 năm lương cao nhất trong đời tỵ nạn), đùng một cái: ông Bill Gates bảo ra làm cho ỗng hai năm nữa mỗi năm ỗng “cho” $200,000. Ngu sao nói “không” với ỗng! Thì sau khi làm xong một năm, “nhà nước” phải tính lại vì năm này lương cao hơn ít nhất một năm trong 35 năm tình cũ kia. Thế là năm $200,000 “đẩy” một năm trong 35 năm này ra để thế chỗ. Có nghĩa là lương hưu sẽ tăng lên. Năm thứ hai với $200,000 cũng lại bổ cũ soạn lại! Life is wonderful! (câu này khỏi cần dịch).
À suýt nữa thì quên! Tin không được vui: lương ASXH có cái “ngưỡng” quái quỷ! Làm nhiều lương mấy chăng nữa trong đời thì lương ASXH cũng tối đa ở một số tiền nhất định! Thí dụ, hưu toàn phần vào năm 2014 là $2,642 tối đa mỗi tháng; dù cho lương… cực cao trong 35 năm được tính. Con số này thay đổi theo từng năm; thí dụ trên là của năm 2014 và nên nhớ rằng số tiền này là số tiền tối đa cho hưu toàn phần ở tuổi 66 (hoặc 67 cho các Bê Tương Lai sanh năm 1960 hoặc trễ hơn). Nếu bắt đầu về hưu năm 70 tuổi thì lương hưu còn cao hơn lương tối đa cho hưu toàn phần. Lý do là nhà nước ta tạo điều kiện để khuyến khích Bê hoãn chuyện hưu trí ngay cả khi đã đến tuổi hưu toàn phần ở tuổi 66 (hoặc 67 cho người sanh năm 1960 hoặc sau nữa). Thí dụ, Bê quyết định làm tiếp khi đã quá tuổi hưu toàn phần thì mỗi năm làm thêm, nhà nước tăng 8% cho lương hưu khi Bê về hưu trễ. Nếu làm thêm 4 năm sau tuổi hưu toàn phần thì phần trăm tăng là 36%, nghen quý vị. 36% chứ không phải là 8% x 4 = 32% vì tăng kép (compound rate). Kiplinger tính lãi đơn nên là 32%. Làm thêm bốn năm lương là khối của!!! Lại tăng hơn một phần ba lương hưu mỗi tháng: tha hồ mà ăn chơi lẫn ăn thiệt!
Bê sẽ nói: "Bẩy chục tuổi hơn còn ăn chơi gì nữa! Biết sống quá 70 không!" Dạ, dạ, Đệ nghe! Bê đặt ra hai vấn đề: 1) Nói ăn chơi, ăn thiệt là nói cho có vẻ "oách" vậy thôi; chứ mục đích chính khi thêm được tí tiền là ưu tiên cho sức khỏe. Có thêm tiền thì chắc là dễ chăm sóc sức khỏe hơn. 2) Vấn đề sống được quá 70 tuổi không thì đây là dữ kiện chính thức của Sở ASXH:
- Bê Trai, hiện tại 65 tuổi, trung bình có thể sống đến tuổi 84.
- Bê Gái, hiện tại 65 tuổi, trung bình có thể sống đến tuổi 86.
Ngay trường hợp Bê chưa từng đi làm và không đóng ASXH ngày nào nhưng Bê Thân Yêu đủ điều kiện hưu bổng, thì Bê vẫn có bảo hiểm sức khỏe (Medicare) ở tuổi 65 và Bê cũng vẫn được hưởng sái ở tuổi 62 (xem điều IV ở dưới).
III. COLA không
chỉ là tên của nước giải khát
COLA là chữ tắt của Cost of Living Adjustment
(tạm dịch là Điều Chỉnh Giá Sinh Hoạt). Không cần nói nhiều! Nhà nước biết là
giá sinh hoạt ngày càng đắt đỏ nên tự động điều chỉnh tiền lương hưu
theo giá sinh hoạt (cho năm tới). Đã nghen! Có năm ít (1.5% năm 2014), có năm
nhiều (5.8% năm 2009), có năm “xù” (số không trong năm 2010 và 2011). COLA cho
năm tới sẽ được công bố vào tháng mười, mỗi năm. Nhớ, nghen! Tháng mười năm nào
mà thấy các Bê Hưu cười toe thì biết COLA năm sau được khá khá.
IV. Hưởng sái
cũng rất phê.
Cái này gọi là “spousal benefit”.
Tiếng Việt gốc cây (Gốc cây chứ không phải Gốc Tây) gọi là “ăn theo” hoặc
“hưởng sái”.Ngắn gọn là: nếu một người (trong hai vợ chồng; tạm gọi là Bê Cao) có hưu toàn phần là $2,000 và người kia (tạm gọi là Bê Thấp) có hưu (toàn phần hay non) là $800. Khi Bê Cao bắt đầu lãnh hưu toàn phần (ở tuổi 66) số lương $2,000, thì nhà nước sẽ chỉnh lại cho Bê Thấp lãnh $1,000 (một nửa của $2,000) thay vì $800. Cụ thể hơn: Bê Thấp lãnh hưu non mỗi tháng $800 trong khi Bê Cao chưa về hưu; cho tới năm Bê Cao về hưu toàn phần thì Bê Thấp sẽ được điều chỉnh để lãnh $1,000.
Không còn ngắn gọn: Trường hợp trên chỉ đúng khi Bê Cao bắt đầu lãnh hưu toàn phần thì Bê Thấp cũng đến tuổi cặp kê, ý lộn, tuổi hưu toàn phần (66 hoặc 67 tùy vào năm sanh; xem ở phần trên). Nếu Bê Thấp chưa đến tuổi hưu toàn phần (lãnh $800 hưu non, chẳng hạn) thì khi Bê Cao hưu toàn phần (mà Bê Thấp vẫn hưu non), Bê Thấp muốn lãnh theo Bê Cao (spousal benefit) thì số tiền có thể ít hơn 50% của Bê Cao. Thấp bao nhiêu thì phải vào trang mạng của sở ASXH đề tính (xem phụ chú “C”). Xin thí dụ, tôi đánh vào ngày tháng năm sanh (số giả tưởng, nhen quý vị) là 06/15/1954 và tháng năm bắt đầu lãnh là tháng 8 năm 2016 thì ASXH trả lời như sau: “You choose to receive benefits 46 months before normal retirement age. Your benefit will be 35.42 percent of the worker's primary insurance amount.”. Có nghĩa là $2,000 x 35.42% = $708.40, ít hơn lương hưu riêng của Bê Thấp. Trong trường hợp này sở ASXH biết là Bê Thấp thích lãnh $800 hơn là lãnh $708.40 nên sở ASXH để Bê Thấp lãnh số tiền cao hơn giữa hai con số. Thương dân đến thế này thì quả là… trên cả tuyệt vời! Ngược lại, nếu Bê Thấp hưu non là $700 thì ASXH sẽ trả $708.40.
Nếu Bê Thấp không đủ 40 tín chỉ,
nghĩa là không đủ tiêu chuẩn để lãnh ASXH bằng chính thành tích của mình, thì
ăn theo bị giảm như sau: Số phần trăm (như thí dụ trên) là 35.42% sẽ được tính
trên 50% lương hưu toàn phần của Bê Cao ($2,000 x 50% = $1,000). Bê Thấp chỉ
lãnh được $354.2.
Tin sốt dẻo: Nếu các Bê nào có “qualifying child” thì được lãnh đủ 50% lương hưu toàn phần của Bê Cao; không bị trừ phần trăm dù là hưu non. Qualifying child là con dưới 16 tuổi hoặc bị tàn tật. Trên 62 tuổi mà có con dưới 16 thì… hơi bị vất vả với con thơ sau năm 46 tuổi, nhưng không phải là hiếm.
V.
Lợi tức cho người ở lại.
Nếu “nửa kia” của Bê lên Thiên Đàng
hay Niết Bàn trước để dành chỗ cho Bê lên sau, thì khi còn ở lại chốn này và
hưu toàn phần, Bê sẽ lãnh 100% lương hưu mà “Bê Thân Yêu” kia đang lãnh hoặc
chưa kịp lãnh. Cái này được gọi bằng cái tên “survivor benefit”. Trong trường
hợp Bê Thân Yêu chưa kịp lãnh mà ra đi… vội vã thì nhà nước tính dùm xem Bê
Thân Yêu sẽ được lãnh bao nhiêu nếu còn sống. Thêm nữa, Bê phải trên 60 tuổi
mới bắt đầu được lãnh survivor benefit (trên 50 tuổi nếu Bê bị tàn tật hoặc không
căn cứ vào tuổi nếu Bê còn phải lo cho con tàn tật hoặc dưới 16 tuổi). Trên 60
tuổi nhưng chưa đến tuổi hưu toàn phần (66 đến 67 tuổi; tùy năm sanh), thì thay
vì 100%, tiền survivor benefit sẽ giảm theo tỉ lệ nghịch với tuổi; có nghĩa là
lúc bắt đầu lãnh càng nhỏ tuổi (nhưng trên 60) càng giảm nhiều. Trong trường
hợp Bê có con dưới 16 hoặc con tàn tật kể trên thì Bê lãnh 75% số lương hưu. Dĩ
nhiên là nếu Bê là Bê Cao thì Bê cứ lãnh tiền hưu trên chính thành tích của
mình nếu lương hưu của mình lớn hơn Bê Thân Yêu.
Trường hợp “nửa kia” đã không còn là Bê Thân Yêu nữa nên Bê đã ly dị (xin gọi Bê "bị ly dị" là Bê Quá Khứ) và Bê đi thêm một bước nữa (tái hôn với người mới) thì Bê sẽ không được hưởng survivor benefit từ Bê Quá Khứ, nếu Bê tái hôn trước năm Bê “lên” 60 tuổi. Nếu tái hôn sau năm Bê 60 tuổi thì Bê có thể hưởng survivor benefit. Bài học: Có muốn tái hôn thì nên chờ đến tuổi 60 hoặc nhớn hơn.
Trường hợp “nửa kia” đã không còn là Bê Thân Yêu nữa nên Bê đã ly dị (xin gọi Bê "bị ly dị" là Bê Quá Khứ) và Bê đi thêm một bước nữa (tái hôn với người mới) thì Bê sẽ không được hưởng survivor benefit từ Bê Quá Khứ, nếu Bê tái hôn trước năm Bê “lên” 60 tuổi. Nếu tái hôn sau năm Bê 60 tuổi thì Bê có thể hưởng survivor benefit. Bài học: Có muốn tái hôn thì nên chờ đến tuổi 60 hoặc nhớn hơn.
Con cái (eligible children) người
quá cố cũng có thể nhận survivor benefit lên tới 75% lương hưu của người quá
cố. Eligible children là con cái dưới 18 tuổi (hoặc dưới 19 tuổi nếu còn học
tiểu học hay trung học toàn thời gian (full-time student). Nếu con cái bị tàn
tật trước năm 22 tuổi và vẫn bị tàn tật khi cha hoặc mẹ qua đời thì không hạn
định tuổi.
Ối giời! Rắc rối! Quên không nói một
quy định cực quan trọng: Tất cả gia đình sẽ lãnh tối đa là 180% lương hưu người
quá cố. Quả phu/Quá phụ là đã lãnh 75% đến 100% rồi một đứa con đủ điều kiện
lãnh 75% nữa thì hai người đã chiếm 150% (75% + 75%) tới 175% (100% + 75%). Tại
hạ tìm không ra chỗ nào trong mạng ASXH đề cập đến trường hợp nhiều hơn một đứa
con!!! Mà định tối đa cho một gia đình cũng là phải. Cứ tưởng tượng một cụ già
lấy cô vợ trẻ; cụ ra đi sau 12 năm sản xuất. Lúc này cụ và cô… nhờ trời thương,
đã được 10 cháu. Cháu nhớn nhất mới 11 tuổi và cháu nhỏ nhất còn ẵm ngửa. Không
giới hạn tối đa thì cô và các cháu lãnh 75% x 11 = 825% (tức là hơn tám lần
lương hưu của cụ). Chắc nếu cụ chưa tới số, cô cũng tìm cách đẩy cụ đi về với Chúa, Phật; hoặc cụ sẽ tình nguyện ra đi như một tấm lòng... hy sinh cho vợ con, quá!
Nói là nói vậy, khi nào về hưu là một quyết định rất riêng tư. Mỗi người chúng ta sẽ phải tự mình tính và nhận trách nhiệm về (hậu) quả tốt hoặc quả xấu mà mình gieo. Xin đừng đổ thừa cho Đệ. Đệ không phải là chuyên gia về vấn đề ASXH. Viết là viết chơi để hầu các Bê một vài trống canh, mà thôi!
Viết đến đây cũng đã dài cho Bê đọc trong tuần. Hẹn tuần sau với phần II (cũng là phần cuối) của bài.
Thân,
Chú thích:
(*) Bê: Chữ tắt của Bê 60, B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác đã bước vào tuổi 60. Các Bê gặp nhau hay hỏi: "Lãnh hưu chưa?" hay "Làm sao mà bác lãnh nhiều vấy?"
Phụ chú:
A. Nguyên bản trang mạng Kiplinger : http://www.kiplinger.com/slideshow/retirement/T051-S001-10-things-you-must-know-about-social-security/
B. Trang mạng Sở An Sinh Xã Hội: http://www.ssa.gov/
C. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
Nói là nói vậy, khi nào về hưu là một quyết định rất riêng tư. Mỗi người chúng ta sẽ phải tự mình tính và nhận trách nhiệm về (hậu) quả tốt hoặc quả xấu mà mình gieo. Xin đừng đổ thừa cho Đệ. Đệ không phải là chuyên gia về vấn đề ASXH. Viết là viết chơi để hầu các Bê một vài trống canh, mà thôi!
Viết đến đây cũng đã dài cho Bê đọc trong tuần. Hẹn tuần sau với phần II (cũng là phần cuối) của bài.
Thân,
Chú thích:
(*) Bê: Chữ tắt của Bê 60, B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác đã bước vào tuổi 60. Các Bê gặp nhau hay hỏi: "Lãnh hưu chưa?" hay "Làm sao mà bác lãnh nhiều vấy?"
Phụ chú:
A. Nguyên bản trang mạng Kiplinger : http://www.kiplinger.com/slideshow/retirement/T051-S001-10-things-you-must-know-about-social-security/
B. Trang mạng Sở An Sinh Xã Hội: http://www.ssa.gov/
C. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét