Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

Về hay ở--To "về" or Not to "về"?



Thân chào các Bê*,

Hôm này đệ lại xin viết thêm về vấn đề “về hay ở?”  (về hưu hay ở lại làm tiếp).
Người ơi, người ở đừng về…” câu ca Quan Họ sao mà… hay thế!

Nếu đọc tiếp quý vị có thể thấy những sự kiện như sau (cho một nhân vật giả tưởng):

1.       Bốn năm đi làm từ lúc 62 đến 66 tuổi chàng Bê này kiếm thêm được số lương ($397,457) gấp 10.5 (mười lần rưỡi) lương năm 1983 (khi chàng mới gia nhập lực lượng lao động ưu tú của xã hội tư bản Mỹ).
           Diễn nghĩa: Một năm làm… chơi chơi lúc già bằng 2.625 lần lương năm làm đầu tiên! Sống lâu là thành lão làng: 30 năm làm thì có dốt lắm cũng tìm ra được cách trốn việc và làm sao để mồm miệng đỡ chân tay. Nên về già làm khỏe mà lương nhiều là vì cớ sự này!
 2.       Làm thêm bốn năm cuối, lợi ở chỗ vẫn còn bảo hiểm y tế do hãng bao cấp. Không có trợ tài, trợ lực này thì từ năm 62 tới năm 65 tuổi, chưa được hưởng Medicare, là… “hơi bị vất vả”, phải bỏ tiền túi ra cho bảo hiểm sức khỏe ở giá mua cho cá nhân (trừ trường hợp người phối ngẫu còn bảo hiểm của hàng "người ấy" thì mình ăn theo). Khi mua bảo hiểm trong hãng, mình mua với giá cho tập thể nên giá rất thấp so với giá cá nhân. Có thể giá tập thể là một thì giá cá nhân có thể gấp bốn, năm lần hoặc hơn!
 3.       Sự lợi hại của tiền lãi kép trong hành động (compound interest rate at work) qua tháng năm dành dụm. Tiền như rượu! Càng để (dành) lâu càng… ngon cơm!

Nhưng trước hết xin được nhấn mạnh là đây chỉ là ý kiến cá nhân của tại hạ. Nếu quý vị
      1.       đã để dành bạc triệu ở tuổi 62,
      2.       hoặc sức khỏe không cho phép,
      3.       hoặc… thích trông cháu hơn thích làm,
      4.       hoặc được hãng mời… về mà không tìm được việc mới,
      5.       hoặc thâm chí nghĩ rằng mình nhận đã đủ và đến lúc mình phải về hưu và làm việc thiện nguyện để trả ơn người, trả ơn đời,

thì xin quý vị cứ mỉm cười, đừng đọc tiếp và lướt mạng… phượt đi chỗ khác!

A. Thực tế… phũ phàng (realities):
     1. Khi nào có lợi tức (income) là còn đóng thuế! Đi làm hay về hưu thì lợi tức vẫn là đối tượng của sở thuế. 
     2. Tiền trong quỹ tiết kiệm: 401k, 403b, Four…something, mutual fund, stock, pension, vân vân mà mỗi năm rút ra chi tiêu là tính là lợi tức. Hơn nữa, đến 70 tuổi thì bắt buộc phải rút theo lịch trình định sẵn. 
     3. Ở trong bài này, xin được miễn tính đến thuế… má!

B. Sau đây là những giả thiết (assumptions):
    1.       Tất cả con số về người lao động này là số ảo (không phải là trường hợp của nhân vật nào trong thực tại).  
    2.       Rất nhiều yếu tố đã bị bỏ qua, thí dụ như người này còn độc thân hay là có vợ/chồng đại gia. Không ai được biết!
    3.       Các phương trình trong bảng tính (spreadsheet) Excel không chắc là đúng 100%. Phương trình tính lãi kép là đúng nhưng có thể chệch đi một năm. Mặc dầu sai một ly đi một dặm nhưng trong trường hợp giả định này, điều ấy là…“chưa được tốt” chứ không nguy hại gì cho lý luận của đề tài này. 
    4.       Bài này chỉ nên đọc để tham khảo chứ đừng dựa hoàn toàn vào tại hạ để quyết định cho tương lai của quý vị.

C. Những giả thuyết (hypotheses) cho bảng tính Excel:
    1.     Chàng/nàng Bê đi làm vào năm 1983 sau khi tốt nghiệp đại học ngành kỹ sư vào năm 1982. Chú thích tại chỗ: nghề Neo chưa thịnh hành vào những năm 80’s; vả lại, bài này nói về người làm hãng, công sở chứ không dám động chạm gì tới những người tự làm chủ trong công việc của mình. 
    2.       Lương năm đầu là $38,000. Năm này lương tốt nghiệp cử nhân trung bình là $35K tới $45K thì phải? Tại hạ không chắc. 
    3.       Mỗi năm xếp cho tăng lương là 3 phần trăm (3%). Tăng 3% là hơi bị thấp nhưng tại hạ dùng nó để tính đổ đồng, có năm cao hơn, có năm “xui” không được tăng lương. 
   4.       Mỗi năm để dành 5% lương cho hưu trí. [Tiêu chuẩn Mỹ là từ 15 đến 20%, nghe quý vị. Có chỗ còn "xúi" là cho chắc chắn nên tiết kiệm khoảng 20% đến 30% vì ngoài tiết kiệm cho hưu trí còn phải tiết kiệm để trả cho những món lớn nữa như: cưới gả cho con,  sắm xe, du lịch xa, vân vân.] Tiền lời đều đặn là 6% một năm. Trong lịch sử thị trường chứng khoán, chỉ số S&P 500 (xin xem phụ chú #1) trung bình cho các năm từ 1983 đến 2013 là 10.08%. Ở đây, tại hạ chỉ xin… Giời có 6% thôi!
   5.       Làm đến hết năm 2013 là đủ 31 năm và Bê vừa chớm 62 tuổi (đầu năm 2014).

Vấn đề cần trợ giúp:
Thưa thầy… bói! Tôi nên làm tiếp 4 năm nữa hay là nên về hưu cho nó khỏe? Nếu về hưu cuối năm 2013 thì mất bao nhiêu tiền so với làm thêm bốn năm nữa?

Bê ơi, hy vọng là thầy trả lời thế nào thì Bê cũng sẽ thưởng công!

Câu trả lời ngắn gọn và đúng trăm phần trăm là:
Còn tùy ở Bê!
Nghỉ thì khỏe thân mà làm nữa thì cũng khỏe thân mà lại… thêm của!
Nếu sức khỏe cho phép, tiền đến tay mà sao không lấy?

Dài dòng thì như thế này, Bê cứ nhìn vào bảng tính thì rõ:



Chú thích tại chỗ: Khi nói "ô C2" có nghiã là ô ngay giao tuyến của cột "C" và hàng số 2.

   1.       Cột B: lương mỗi năm. Ô B37 là tổng số tiền làm được trong đời cô Lựu. Á không! Lộn! Đời Bê. Gần hai triệu ba trăm ngàn đấy (nếu làm luôn bốn năm cuối); còn không thì gần hai triệu. Sướng nhá! Khối của đấy!
   2.       Cột C: so sánh luong năm này với lương năm đầu ($38,000). Thí dụ ô C2 để là 273% có nghìa là lương năm 2017 gấp 2.73 lần lương năm 1983. 
   3.       Ô D4 chỉ 10.459 là để nói lên sự kiện sau: Bốn năm từ 2014 tới hết 2017 làm được gần 10 lần rưỡi lương năm 1983. 
  

Dạ dạ, để tại hạ túm gọn lại:

Bốn năm từ 2014 đến hết 2017 Bê có thể "lủm" thêm được $397,457 (ô D2). Nếu về hưu năm 2014 thì không có khoảng tiền này. Lãnh hưu non bốn năm này thì tùy theo mỗi tháng lãnh bao nhiêu. Giả thử lãnh $1,500 mỗi tháng thì bốn năm mới được $1,500 x 48 tháng = $72,000. Giả thử lãnh $2,000 mỗi tháng thì bốn năm mới được $2,000 x 48 tháng = $96,000.
Nhớ nghen! $96,000 so với $397,457 (lãnh hưu non bốn năm không bằng… cái lẻ của bốn năm đi làm!!!)

Mà không phải chỉ mất bao nhiêu thôi, nghe! Xin xem tiếp cách tính dưới đây:

   1.       Về hưu non năm 62 tuổi, thì bốn năm tới đương nhiên là không để dành lương bỏ tiết kiệm nữa! Nghĩa là không có số tiền trong các ô B2, B3, B4 và B5 (tổng cộng là $23,080). Nhưng số tiền đã để dành $247,960 (ô M6) vẫn sinh lời thành $315,030 (ô M2). 
   2.       Vậy, trong bốn năm này không đi làm mất thêm $338,112 - $315,030 = $23,082 (ô N2; số tiền hơi khác nhưng không sao; coi như $23,080 đi) tiền để dành và tiền lời. 
   3.       Ở bảng trước, ta đã biết mình mất khoảng $300,000 (sai biệt giữa đi làm và lãnh hưu non trong bốn năm). Giờ lại hụt thêm $23,080 tiền để dành (lẫn tiền lời). Mất trắng $323,000! (người bắc bảo là “mất trắng” tương đương với người nam biểu là “mấc (sp) mẹ nó hết…”). Số tiền này bằng số tiền trúng số nửa triệu (năm trăm ngàn U Ét Sì Đê) sau khi đóng thuế, nghen quý vị.

Đọc đến đây không biết các Bê có thấy...phê không? Đệ thì nhìn con số mà phê còn hơn dzít một hơi thuốc lào!!! Quên, đệ bỏ thuốc từ năm 1983 cơ nên chả còn nhớ thuốc lá, thuốc lào nó phê làm sao nữa!

Để kết bài này, xin nhắc lại là "về hay ở" là một quyết định rất cá biệt cho từng người (personal decision). Có chăng là căn cứ thêm về hoàn cảnh gia đình, vợ chồng và con cái, và mình... muốn gì khi về hưu. Thế nào là đời sống hạnh phúc, đối với mình? Tính là tính chơi vậy thôi!

Trân trọng,

Chú thích:
(*) Bê: chữ tắt của Bê 60, B60, Beyond 60 years young. Nghĩa là những người trên 60 tuổi.  Bê 60 khi gặp nhau, thường hay hỏi nhau: "Về chưa?", "Chừng nào về?" Tôi thường trả lời: "Dạ, từ đó dến giờ chưa về Việt Nam lần nào!". Bê nói: "Tôi hỏi là về hưu chưa? Rõ là lẩn thẩn!".

Phụ chú:
1.       S&P 500 Index Yearly Returns: http://www.1stock1.com/1stock1_141.htm

Không có nhận xét nào: