Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Alzheimer's -- Hội Chứng Lãng Trí phần I -- 10 Triệu Chứng

Thân chào các Bê 60*,

Trước hết xin các Bê ghi nhận nơi đây là Đệ chỉ viết với mục đích kích thích sự tò mò của quý vị. Đúng hay sai, kiến thức này có thể dùng được hay không, hoàn toàn là trách nhiệm của người đọc. Xin các Bê bàn thảo với bác sĩ của mình trước khi dùng bất cứ tin tức, tài liệu, hoặc những bài như thế này. Chúng ta vẫn thường nghe câu "ranh" ngôn: "Đọc sách mà tin sách thì thà là đừng đọc còn hơn". Câu này không phải bảo chúng ta đừng đọc sách. Chỉ khuyên là nên đọc rồi tham khảo thêm từ nhiều nguồn khác rồi tự mình đi đến kết luận; chứ đừng cả tin vào một nguồn, đặc biệt là thời buổi Internet, ai muốn viết gì thì viết!
Bài này xin đề cập đến những căn bản y khoa về Alzheimer's, bệnh lãng trí và một vài điều hiểu chưa rõ mà chúng ta hay mắc phải. Tài liệu chính lấy ra từ trang mạng Alz.org về  10 dấu hiệu của căn bệnh này. Quý vị vào đây đọc thì đầy đủ chính xác và có hình minh họa nữa. Chỉ cái là nó bằng tiếng Mỹ nên có khi phải nhờ con cháu nó đọc dùm. Đệ (diễn) dịch là đại khái cho thuận câu thuận chữ chứ không bảo đảm độ chính xác cũng như trình độ văn chương (dạ, em xưa kia học ban B).

Dạ, dạ, Đệ xin vào đề... 
Mười triệu chứng cảnh báo bệnh lãng trí Alzheimers's: 
  1. Không nhớ những tin tức vừa được biết (forgetting recently learned information). Ngoài ra, quên những ngày và sự kiện quan trọng; hay hỏi đi hỏi lại, được câu trả lời rồi chốc sau lại hỏi nữa; càng ngày càng phải dựa vào trợ cụ như ghi ra giấy hoặc thiết bị điện tử hoặc dựa vào người thân nhắc nhở những vấn đề mà xưa kia mình tự mình nhớ, không cần phải nhắc.
  2. Khó khăn trong việc định đoạt và giải quyết vấn đề. Một số người gặp khó khăn trong việc hoạch định chương trình, hoặc khả năng thực hiện chương trình đã định, hoặc khó khăn với các con số. Những người này không còn khả năng làm theo một phương thức nấu ăn quen thuộc (familiar recipe) hoặc không còn khả năng thanh toán hóa đơn hàng tháng (monthly bills) như trước. Nếu còn làm được thì cũng mất nhiều thời gian hơn trước đây.
  3. Khó khăn trong việc thực thi những chuyện hàng ngày (familiar tasks) ở nhà, ở sở hoặc lúc đi chơi. Người có hội chứng Alzheimer's thường gặp khó khăn để hoàn tất những việc thường ngày. Đôi khi không lái xe đến chỗ quen thuộc được (mà xưa kia mình thấy là... chuyện nhỏ.) Có thể không còn nhớ luật chơi của môn thể thao mà minh ưa thích trước đây.
  4. Mất ý thức về thời gian. Không nhớ được ngày giờ hoặc khoảng thời gian mình đang trải nghiệm. Họ có vấn đề trong nhận thức nếu sự kiện không xảy ra ngay trước mắt. Nhiều lúc họ không nhớ nổi nơi họ đang đứng và làm sao họ tới nơi này. Không nhớ hôm nay là ngày nào trong tuần; nghĩ mãi mới ra!
  5. Đối với một số người, có vấn đề về thị giác là dấu hiệu của Alzheimer's. Trở ngại trong việc đọc chữ; trở ngại trong việc lượng định khoảng cách, nhận định và phân biệt màu sắc (là những thứ rất cần thiết cho việc lái xe).
  6. Khó khăn với ngôn ngữ và ngôn từ (words in speaking or writing)
Người có hội chứng Alzheimer's gặp khó khăn trong việc theo dõi những cuộc đối thoại hoặc tham gia vào một cuộc đối thoại. Họ có thể "ngưng ngang" giữa câu và không biết làm sao tiếp tục hoặc chỉ biết lập lại những gì đã nói. Họ cảm thấy khó khăn tìm câu tìm chữ khi nói chuyện.
  7. Để đồ đạc sai chỗ và mất khả năng "lần tìm lại những bước" (losing the ability to retrace steps). Người mắc hội chứng này có thể để đồ đạc ở những chỗ "dị thường" (unusual places) rồi vì mất khả năng "lần theo lối cũ" nên sẽ không tìm ra các đồ vật đó. Nhiều khi lại la hoảng lên là có người ăn cắp! Càng ngày chứng tật này càng hay xảy ra thường xuyên hơn.
  8. Mất khả năng phán đoán. Chẳng hạn như khả năng tiêu tiền (dễ bị dụ dỗ mua đồ từ TV telemarketers). Họ ít chú trọng đến việc chăm sóc thân thể và giữ vệ sinh cá nhân (có nhớ đâu mà tắm, chẳng hạn). Nếu bị "chê trách xài xể", từ từ họ sẽ xa lánh mọi người.
  9. Người với Alzheimer's sẽ bắt đầu rời xa những thú vui, những hội hè đình đám và thể thao vì những mất mát khả năng (tham dự) mà họ đang trải nghiệm.
  10. Thay đổi tính tình. Người với hội chứng này có thể trở nên hoang mang, lẫn lộn, nghi ngờ, trầm cảm, sợ hãi và hồi hộp. Họ trở nên dễ giận hờn, cáu bảnh ở sở làm, ở nhà, với bạn bè khi họ cảm thấy bất an (out of their comfort zone).

Tản mạn
Có phải ai mắc phải một hoặc nhiều điều trên đều là bị hội chứng Alzheimer's không? Dạ, không! Nếu mình (hoặc người nhà mình) nhìn thấy những triệu chứng trên thì PHẢI gặp bác sỹ y khoa để tìm hiểu thêm về tình trạng của mình. Bê nên nhớ cho là: "người thân của mình chỉ có thể kể những triệu chứng cho bác sỹ nghe; bác sỹ và những khảo nghiệm mới có thể đoán định là mình có mắc phải hội chứng này hay không."
Xin Nửa Kia hoặc con cháu của Bê đừng in bài này ra đọc rồi quyết đoán là Bê mắc phải ba bốn trong mười điều trên nên chi kết luận là vợ/chồng/cha/mẹ/ông/bà mình mắc bệnh Alzheimer!!! Nói cho đúng thì Alzheimer's là một hội chứng chứ không phải một bệnh. Nhưng vì bài này viết để đọc chơi thôi nên cũng không cần quá khắc khe về ngôn từ chuyên môn.
Chữ "họ" trong bài này được dùng khá nhiều trong bài này để chỉ "người với hội chứng Alzheimer's". Đơn giản là vì Đệ đánh chữ  "người với hội chứng Alzheimer's" mỏi tay quá nên dùng chữ "họ" cho đỡ phải gõ phiếm; chứ hoàn toàn không có hàm ý coi thường "họ".

Kết phần I
Bài này cũng khá dài xin hẹn Bê phần II sẽ nói nhiều hơn về vấn đề làm sao sống với Alzheimer's cùng với những suy nghĩ của Đệ. Hôm nay cũng là cận với ngày Thanksgiving Day--Lễ Tạ Ơn (ở Mỹ; Canada thì tuần trước thì phải là thứ Hai tuần thứ nhì của tháng Mười), xin chúc Bê và gia đình một mùa lễ vui vẻ đầm ấm bên người thân.

Phụ chú:
Mười dấu hiệu cảnh báo hội chứng Alzheimer's

Không có nhận xét nào: