Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Ném Đá

Thân chào các Bê (*),
Ném đá người có tội là một tục lệ tuy xưa và tàn nhẫn nhưng vẫn hiện hữu ở vài nơi như Afghanistan (phụ chú C và D). Các nơi khác thì hình thức ném đá... vẫn còn nhưng đi qua lãnh vực ảo (virtual): ném đá bằng ngôn ngữ, bằng lời nói, và hiện đại hơn qua mạng xã hội như Facebook. Bài này chỉ xin bàn lăng nhăng về hiện tượng này mà ở Việt Nam, mỗi khi ai có ý kiến gì mà người nhận không bằng lòng thì gọi là bị ném đá.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
A, nói về cội nguồn thì phải tìm ngược lại thời cổ: Chúa Giêsu nói  "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." khi những người thuộc phái Pharisêu có ý định ném đá một người đàn bà bị cáo buộc tội ngoại tình (phụ chú G). Thánh kinh nêu lên sự kiện này và về sau rất nhiều con chiên rút tỉa lời Chúa là nếu mình có sạch tội, có thánh thiện hơn, có giỏi hơn thì mình mới có quyền phán đoán, phán xét, hay "xử", người khác. Đệ không dại gì mà "bàn ngang" về chuyện này (1). Động chạm đến lòng tin thì thật là... không khôn ngoan. Bài này chỉ muốn bàn loạn về chuyện ném đá và văn hóa Đông Tây.

Có lẽ là phải phiếm về một nhận xét của một người Việt lớn lên và được học tại Hoa Kỳ, cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Cô là người dẫn chương trình cho Thúy Nga Paris, một chương trình ca nhạc nổi tiếng tại hải ngoại. Cô về Việt Nam và cũng nổi tiếng ở Việt Nam. Sở dĩ Đệ bàn nhăng về lời nhận xét của cô là vì cô là nhân vật của đại chúng (public figure) và hơn nữa cô đưa ra một nhận xét trên báo chí về văn hóa Việt thì có Đệ là người phản biện cũng là chuyện bình thường (2). Cô Kỳ Duyên bực mình vì bị chỉ trích và cô lên lớp cả cái văn hóa Việt là thiên về chỉ trích. Theo cô thì cái này xấu lắm, xấu lắm; nhìn vào văn hóa Tây kìa, người ta thiên về khuyến khích, đấy!  
How convenient!  Cô Kỳ Duyên làm một việc là... chỉ trích cái văn hóa Việt là thiên về chỉ trích!!!  Đệ vẫn thường nghe các cháu của mình than phiền là cha mẹ chúng cứ hay chỉ trích chúng thế này, thế kia... Các cháu tôi hoàn toàn không nhìn ra là chúng đang chỉ trích cha mẹ mình! Và có vẻ là nhân sinh thích chỉ trích người khác nhưng ai chỉ trích mình thì... thật là bực mình!

Văn Hóa Tây Thiên về Khuyến Khích?

Quý vị nào cho là văn hóa Tây thiên về khuyến khích thì theo ý Đệ người đó chưa hiểu về văn hóa Âu Tây mấy.
  • Cứ nhìn và nghe Donald Trump phát biểu trong thời gian (tranh cử chức Tổng Thống Hoa Kỳ) gần đây vả nhìn vào mắt Đệ mà nói là văn hóa Tây thiên về khuyến khích! Thật là rõ ràng là Trump không hề khuyến khích sự hội nhập của người theo Hồi Giáo vào xã hội Mỹ; vậy mà Trump lại được đại diện đảng Cộng Hoà ra ứng cử Tổng Thống. Điều này cho thấy là số người ủng hộ ông ta không phải là ít. Đó là chưa kể những người bỏ phiếu cho Trump trong im lặng vào tháng 11 sắp tới.
  • Một thí dụ nữa là khi Phó Tổng Thống Dan Quayle sửa lỗi cho học sinh 12 tuổi là chữ khoai tây phải đánh vần là potatoe (học sinh viết đúng là potato). Chuyện này đã đi vào lịch sử và chắc sẽ mãi mãi là đề tài chế diễu người có bằng J.D. (Juris Doctor. Doctor of Law degree). Ông còn là Dân Biểu Hạ Viện, rồi Thượng Nghị Sĩ, rồi là Phó Tổng Thống cho Tổng Thống Bush. Không biết ma dẫn lối, quỷ đưa đường làm sao mà ông lại nghĩ là chữ khoai tây phải viết với chữ "e" ở cuối trong giờ phút đó. Ông đã không bù lu, bù loa lên là văn hóa Mỹ thiên về chỉ trích. Ông nhận là ông sai nhưng người chỉ trích ông đâu có tha!
  • Bê có thể nói: "Thí dụ ông đưa ra là về chính khách/chính trị!" Dạ đúng, nhưng Bê cứ coi các báo lá cải ở Mỹ, Pháp và Anh thì thấy họ không có "khuyến khích" các người  nổi tiếng (celebrities) đâu. Họ bới móc đủ điều đó thôi. Sự thật có, mà bịa đặt cũng có. Simon Cowell của chương trình "Britain's Got Talent" nổi tiếng về những lời chỉ trích thẳng thừng, đấy thôi. 
  • Còn nhiều, nhiều thí dụ mà Đệ có thể kể cả ngày không hết về sự chỉ trích rất là quan trọng trong xã hội tự do như Âu Mỹ. Từ những chỉ trích xây dựng cũng có mà soi mói, bôi xấu, lôi đời tư người ta mà bôi bác cũng có. Chắc Bê cũng có nghe nói đến báo chí săn tin, săn hình với paparazzi mà không từ một thủ đoạn nào. Cái chết thương tâm của công chúa Diana xẩy ra ở bên Tây có thể luận ra nguyên nhân là hành động thiếu tính toán nhằm phản ứng lại với những kẻ bới móc, chỉ trích mà đoàn hộ tống của Diana đưa chiếc xe chở nàng vào tai nạn và tử vong. Cứ ngẫm về số người mua và đọc những tờ báo lá cải này thì có thể nhìn ra là xã hội Tây (phương) có "thiên về khuyến khích" không.

Văn Hóa Việt Thiên về Chỉ Trích?

Quý vị nào cho là văn hóa Việt thiên về chỉ trích thì theo ý Đệ người đó chưa hiểu về văn hóa Việt mấy.
  • Quá khứ thì ta đã có hiện tượng "Mặc áo thụng mà vái nhau". Xin tạm gác qua là ai đúng ai sai trong sự kiện mà nhà thơ Nguyên Sa và nhà văn Mai Thảo khen tặng nhau mà có người cho là hai nhân vật này "mặc áo thụng vái nhau" (như các cụ trong buổi cúng tế) mà chỉ nhìn vào đây để mà suy ra là "ta" có khen tặng, tán dương, khuyến khích nhau đấy chứ.
  • Bê cứ đọc các bài báo cáo thành tích của bất cứ cơ quan, tổ chức nào tại Việt Nam thì sẽ thấy là ta... khuyến khích nhau quá đấy chứ. Cái báo cáo nào cũng là đạt tiêu chuẩn, đạt chỉ tiêu, thành công, đại thành công,vân vân... Trong khi ai cũng thấy là sự thật là làm chẳng đi đến đâu! "Thành tích năm qua là vượt chỉ tiêu.... nhưng một bộ phận không nhỏ vẫn còn làm chưa tốt", câu này chắc Bê nghe quen quen, phải không? Dạ đúng vậy nếu Bê nghe báo cáo của nhà nước ta. "Ta" khuyến khích nhau kịch liệt đến thế là cùng!
  • Tất cả các "hiện tượng" khuyến khích trong xã hội Việt đã là nề nếp đi vào chữ nghĩa như "Con hát mẹ then hay", hoặc "Mèo khen mèo dài đuôi", vân vân... Tuy đây là tự khuyến khích, là khuyến khich con cái mình. Còn khuyến khích người khác, thì đây: Bê cứ xem thử các chương trình văn nghệ truyền hình ở Việt Nam mà nghe giám khảo nói lời khen tặng, lời tán tụng cho người trình diễn. Tán tụng đúng cũng có mà những lời "có cánh" mà chính khán giả khi nghe còn phải ngượng, cũng có! Cứ nhìn vào số "diva" ở Việt Nam để thấy là "ta" đâu có thiên về chỉ trích. Chính những xã hội Tây Phương mới "thiên về chỉ trích" khi số "diva" ở nước ngoài rất ít.
Khuyến khích và chỉ trích đều rất cần cho bất cứ xã hội nào trọng sự thật và sự tiến bộ.

Vấn đề sẽ đơn giản hơn nếu ta không bàn về văn hóa, thưa các ông, các bà!

  • Người bị chỉ trích, dù đúng dù sai, thường bực mình và có khi phẫn nộ với lời chỉ trích. Thường là bù lu, bù loa lên là bọn GATO nó ném đá tôi. Tôi là nạn nhân của thói GATO (3).
  • Người được khen, được khuyến khích có khi tự mãn và sẽ không cố gắng và không sửa được những lỗi lầm của mình vì lời khuyến khích làm mất động cơ sửa chữa của người làm việc chưa tốt vì chỉ toàn nhận lời khen.
  • Người Tây Phương có thể là lịch sự và khéo léo hơn nên thường là dùng lời khuyến khích vô thưởng vô phạt. Có khi là "thương nhau mà không bằng mười hại nhau". Bê chớ có quá tin lời khen, lời khuyến khích mà lơ là thiếu cảnh giác.
  • Người Đông Phương có thể là trọng tôn ti trật tự hơn nên "người trên" có quyền bảo ban cho "người dưới" và trong cái "bảo ban" này thì vạch ra những cái xấu (mà người nhận cảm thấy bị chỉ trích) là điều tự nhiên.
  • Khuyến khích những cố gắng để đạt kết quả tốt hơn thì là nên khuyến khích chứ tuyệt đối không phải là chấp nhận những sai trai trong hành vi của con người. Thí dụ như học được điểm nhì thì nên khuyến khích để người học sẽ đạt được điểm nhất. Còn nếu người có dấu hiệu "đạo" nhạc nước ngoài hoặc ăn cắp thơ người khác thì khuyến khích cái nỗi gì??? 
Một bài học Đệ học được từ người bạn của BB. Hai vợ chồng Đệ thường hay được mời ăn vì tính Đệ hay thích nói và bàn về thức ăn. Bạn bè có làm món gì mới thường hay mời ăn thử. Vì lịch sự nên lúc đầu Đệ khen món cơm chiên của một người bạn; mặc dầu là cơm chiên này có hơi nhiều dầu ăn. Vì thấy Đệ khen nên người bạn ấy cứ tiếp tục làm cơm chiên trong tất cả mọi cuộc hội họp ăn uống. Người khác trong vòng bạn bè (làm cơm chiên ngon hơn) không dám làm cơm chiên trong các dịp này vì đoán chắc là có "người ấy" làm cơm chiên rồi (4). Thật khổ khi cứ phải ăn cơm chiên đẫm dầu ăn!!!
Trong văn hóa nào thì ta cũng thấy cả hai cách hành xử (khuyến khích VÀ chỉ trích).
  • Khuyến khích làm con người cố gắng hơn--nếu khuyến khích đúng chỗ (phụ chú F). 
  • Chỉ trích vạch ra những sai lầm và thiếu xót mà người biết nhận sự chỉ trích có thể sửa chữa khắc phục. 
  • Còn ganh ghét nên phê bình thì sao? Bê ơi, thì nếu sau khi nhận lời chỉ trích mà biết chắc là chỉ vì ghen ghét thì đừng nghe thôi, chứ việc gì mà tức bực!

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Trên 60 rồi thì thích nói gì thì nói, phải không Bê?
(1) Lời khuyên là hãy xét mình trước xem mình có trong sạch hơn người không rồi mới kết tội người khác thì rất đúng; nhưng khi ta mang nó đi quá xa mà nói chẳng hạn như: "Có hát bằng người ta không mà đã chê là người ta hát dở!" thì không còn hợp lý nữa. Vì người nghe (dù không biết hát) vẫn có thể biết nghe và lời phê bình vẫn có thể là chính xác.
(2) "Nguyễn Cao Kỳ Duyên dẫn lời: "Anh Ngạn (MC hải ngoại Nguyễn Ngọc Ngạn) có lần nói với tôi về sự khác biệt giữa văn hóa Tây Phương và văn hóa Việt Nam: "Văn hóa Tây thiên về khuyến khích, còn văn hóa Việt thiên về chỉ trích" (Trích bài phỏng vấn; phụ chú B)
À thì ra là cô Duyên trích lời ông Ngạn. Tại sao Đệ không đặt vấn đề với ông Ngạn mà lại nhắm vào người phụ nữ Nguyễn Cao Kỳ Duyên? Đơn giản thôi: là người được đào tạo tại Hoa Kỳ, đáng lẽ ra với sự hiểu biết và kiến thức của mình, cô Duyên có thể phản bác lời ông Ngạn. Ông Ngạn xác nhận là ông không dùng Internet và rõ ràng là ông không được đào tạo và giáo dục tại hải ngoại. Giới hạn của ông Ngạn là rõ ràng; lời ông nhận xét có đúng có sai như bao người (trong đó có Đệ) về văn hóa xứ này xứ kia.
(3) GATO: chữ tắt của "Ghen Ăn, Tức Ở" để chỉ người hay ghen ghét, chỉ trích người có ăn sang, có nhà sang.
(4) Chuyện là chuyện thật; chỉ có tên cái món ăn là đổi để "người ấy" không nhận ra.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. MC Kỳ Duyên: Văn hóa Việt là ngồi rình để chỉ trích!
C. Muslims Butcher Woman By Crushing Her To Death With Giant Rocks As She Screams In Agony << xin Bê xem video này với tinh thần độc lập và cảnh giác. Đệ không có thì giờ và khả năng để kiểm tra mức độ chính xác và khả tín của những video như thế này.
D. Why women are still being stoned to death in 2015
E. Criticism Or Encouragment: Which Is Better?
F. Encouragement and Criticism - Why is criticism a dangerous habit? 
G. Người đàn bà ngoại tình (Tân Ước) 
H. 10 Words You Mispronounce That Make People Think You’re an Idiot
I. Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau

Không có nhận xét nào: