Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

Thấy Cây, Không Thấy Rừng!

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay nhiệt độ tại thành phố này là 10 độ Fahrenheit (-12 độ Celcius) nhưng ngồi trong nhà nhìn ra ngoài thì phong cảnh vẫn thật đẹp. Suy nghĩ miên man và cảm nhận sức sống của con người, nói chung, và nhất là người ở những môi trường khắc nghiệt. Cho đó là khí hậu khắc nghiệt hay là chế độ khắc nghiệt thì cũng phải cảm phục sức sống mãnh liệt trong tất cả chúng ta.
Thấy Cây, Không Thấy Rừng!
Thường thì chúng ta chỉ có thể thấy, nghe, suy diễn với sự kiện, tình hình trước mắt và trong khoảng thời gian ngắn, không gian hạn hẹp. Từ đó chúng ta đưa ra kết luận.
Một sự kiện xảy ra thì thường là chúng ta đưa ra một kết luận có tính tổng thể. Thí dụ như Ngài Trump nói là người nhập cảnh bất hợp pháp là những kẻ hiếp dâm, cướp của, giết người là Ngài dùng một số sự kiện để đưa ra một kết luận tổng thể. Ngài dùng "anecdotal evidence" (phụ chú B) để đưa đến kết luận với "informal fallacy" (ngụy biện không chính thức, phụ chú C).

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

Thấy Cây, Không Thấy Rừng

Khi chúng ta nói:
  • X là đúng với A
  • X là đúng với B
  • Nên chi, X là đúng với C, D, E, vân vân 
là chúng ta thấy cây mà đoán rừng, là võ đoán, là dùng informal fallacy!

Thấy Cây thì Có Gì Sai?

Thấy cây thì đương nhiên là không sai. Chúng ta PHẢI thấy cây.
Bởi không thấy sự kiện chung quanh chúng ta thì làm sao sống, làm sao chống chọi lại với những môi trường sống khắc nghiệt? Sự thật là chúng ta luôn dùng anecdotes vì anecdotes khả tín là sự kiện có thật và nói lên sự thật thì đâu có sai!
Cái không đúng ở đây là chỗ chúng ta có khuynh hướng kết luận vội vã mà không tìm hiểu sâu hơn để thấy rừng

Thấy Rừng

Thấy rừng là khi ta thấy số lớn những cây tạo ra khu rừng (đủ dữ kiện để mẫu thử có thể đại diện cho một chủng loại, một nhóm; big enough sample to represent the group). Thí dụ Ngài Trump không đề cập tới tỷ lệ tội phạm trong số nhập cảnh bất hợp pháp, theo Đệ là một vấn đề cần phải suy nghĩ.  Đây có thể là thái độ vơ đũa cả nắm.
Thế người Mỹ hợp pháp có phạm tội không? Câu trả lời đứng đắn là: Có.
Nhưng sao người nghe Trump thấy hợp lý là "nhập cảnh bất hợp pháp mà hiếp dâm, cướp của là KHÔNG ĐƯỢC". Có lẽ là chúng ta không muốn đối xử với người bất hợp pháp giống như những người khác. Điều muốn này đúng hay sai lại là một vấn đề khác mà Đệ không muốn bàn ở bài này.
Xin trở lại đề tài chính là, khi nghe Ngài Trump phán như vậy thì chúng ta phải sáng suốt mà tự đi một bước nữa để tìm hiểu xem tỷ lệ tội phạm trong người bất hợp pháp và trong người hợp pháp có khác nhau không mà phải là "statistically different" (phụ chú D). Có nghĩa là sự khác biệt phải mang tính khoa học và phải qua những thách đố và phản biện của những người nghiên cứu khoa học và xã hội. Những người hoạt đầu chính trị (demagogue; phụ chú E) luôn dùng những lời lẽ mị dân để lôi kéo người dân theo mình bằng những sự kiện có thật (như cướp của, hiếp dâm) gây nên bởi "những kẻ thù, những người không phải là phe ta".
Ngài Trump là sư phụ về cách dùng phương thức đánh vào nỗi sợ hải của người dân: "Người khác giống (nhập cảnh bất hợp pháp) mà hiếp dâm con cái chúng ta thì chúng ta sẽ không thể tha được!" Nhưng Bê ơi! TẤT CẢ chúng ta đều dùng phương cách này, lúc này hay lúc khác trong đời, để thuyết phục người khác.
Nếu có khinh ghét Trump thì cũng xin nhìn lại chính mình!

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ.
(1) Baì này không trực tiếp nói đến một thành ngữ của người Mỹ: "Can't see the forest for the trees"
vì câu này có ý nghĩa khác với lý luận trong bài này.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Anecdotal evidence
C. Informal fallacy
D. Statistical significance
E. Người mị dân

Không có nhận xét nào: