Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Đến Đảo sau 38 Năm – 38 Ans Après

Thân chào các Bê (*),

Ngày lễ Độc Lập tại Hoa Kỳ (ngày 04 tháng 7 mỗi năm) đã qua thật nhanh có lẽ là Bê chúng ta tuổi ngày một… lớn nên thấy thời gian như… không đợi ai!
Nhanh quá trời, chuyến đi lên thăm Đảo (1) vậy mà đã xảy ra hơn hai tuần rồi. Một kỷ niệm khó quên cho gia đình Đệ: bốn người, hai vợ chồng, cô em vợ và cô con gái, mà chỉ một mình Đệ đã từng “ở bên đảo” (sau khi rời Việt Nam). Nói chính xác thì trong 38 năm sống ở nước ngoài thì Đệ có thăm nhiều đảo nhưng những đảo này thường là nơi du lịch nên tuy gọi là đảo nhưng không khác gì đất liền về văn minh, tiện nghi. Đến đảo này thì mới là giống lần lên những đảo ở Nam Dương: những tiện nghi hằng ngày, thường ngày mình cứ tưởng là đâu cũng phải có, như nước uống, như chỗ tiêu tiểu đều là do công sức của người sống tại đó làm ra mà có.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
“Thằng Em” mà giờ xin gọi là P. mua một hòn đảo trên một cái hồ ở tiểu bang mà người Việt gọi là xứ Vạn Hồ vì người Mỹ gọi Minnesota là “land of the ten thousand lakes” (2). Khi P. mua hòn đảo này hơn hai năm trước thì gia đình và người quen ai cũng nói là cậu ta đúng là điên và không biết tiêu tiền (trong khi mình biết tiêu mà không có tiền). Bê nên nhớ là chỉ có thể ra đảo mấy tháng mùa  Hè và mùa Thu chứ mùa tuyết thì chẳng ai ra đó làm gì vì rất, rất là lạnh và cách nơi Đệ ở khoảng 5 tiếng xe hơi.

Đảo đã khai hoang được hơn hai năm kể từ ngày mua. Đệ nghe kể là lúc đầu, cặp thuyền vào đảo thì chỉ có rừng rậm mà không có cả chỗ đặt chân lên đảo (hoang). Mấy đứa em cứ rủ BB và Đệ lên đảo từ ngày mới mua mà chúng tôi cứ khất lần, khất lần hoài cho tới lễ Độc Lập năm nay vì tụi nó nói là rắn và muỗi mòng rất nhiều.
  • Bây giờ thì trên đảo đã cất được 9 căn nhà (nhà một phòng) với tiện nghi vừa đủ.
  • Nước thì chưa đào giếng nên vẫn phải mang nước từ đất liền qua.
  • Điện thì mỗi căn hộ (mỗi gia đình anh em của P.) đều có máy phát điện riêng.
  • Tiêu tiểu thì có nơi có chốn với tiện nghi tối thiểu nhưng sạch sẽ (ban đêm thì dùng nhà tắm trong nhà; căn nhà của L. mà BB và Đệ ở có cả bồn tắm). 
  • Khu nhà ở thì đã được mấy Cậu, lên trước một ngày, rải thuốc chống muỗi, chống bọ nên cũng quang đãng và an toàn.
  • Thức ăn, thức uống thì ai thích gì thì mang nấy: ăn chơi, ăn thiệt, uống hay nhậu thì gì cũng có và trái cây thì ai cũng mang. Chợ thì phải đi thuyền ra trở lại đất liền cách đó khoảng 30 dặm; nhưng thường là khi ra đảo thì ai cũng mang thêm đồ ăn thức uống theo; nên không thiếu. 
  • Cá tươi thì biết bao người mang cần câu và mồi câu. Đi thuyền trên hồ mà câu được cá thì khi mang về đảo mà “thằng chúa đảo” hỏi có cá không thì phải trả lời "không" vì P. ăn chay trường! Nó mà biết thì nó bắt thả cá trở lại hồ: câu cho vui rồi thả; chứ không được ăn! Đứa em kế của P. thì "săng phú" lời anh nó. Bắt được cá là nó giấu đi; lén làm cá rồi khi nướng cá thì chuyện đã rồi nên P. cũng phải để mọi người ăn.
  • Thuyền thì nhiều nhà kéo thuyền theo và ai cũng khoái chở mình đi để khoe thuyền và khoe cách lái. Tụi trẻ thì thích lái và lạng thuyền cho mấy bà, mấy ông lớn tuổi lên ruột nên cứ phải dặn chúng mỗi lần lên thuyền. Cầu tàu khá khang trang và đã có thể đậu được bốn, năm chiếc thuyền rồi. 
  • Ngày nay, bên đất liền P. đã mua được miếng đất khá lớn để làm bãi xuống thuyền và chỗ đậu xe. Trên khu đất này cũng có một "trailer" (nhà di động) có đầy đủ tiện nghi điện, nước, phòng ngủ, nhà bếp, chỗ tiêu tiểu. 
  • Trên đảo thì ngoài khu nhà ở và bến tàu đã nói ở trên thì đã có qui hoạch thành nhiều khu thắng cảnh hoặc vãn cảnh. P. đã đặt rất nhiều tượng Phật khắp nơi trên đảo, nơi nào cũng có chỗ ngồi nghỉ chân, có đèn chiếu (solar lighting) ban đêm nên đi dạo rất thú (thú khi mặc quần áo kín với thuốc chống muỗi, chống bọ).
  • Vì là đảo tư nhân nên có nhiều giải trí ngoài trời (outdoor activities) như đi dạo trên đảo, đi thuyền, đi câu, chạy xe ba bánh, bốn bánh (lần tới thì P. sẽ mang lên đảo khoảng 30 chiếc xe gắn máy; tha hồ mà chạy). Có lẽ năm sau thì lũ trẻ mang paint ball guns lên đảo để chơi trò chơi nữa. Nói tóm lại thì vì là đảo của tư nhân nên sinh hoạt và giữ vệ sinh là hoàn toàn do mình tự nguyện; vả lại chỉ có người nhà nên cũng rất thoải mái: nhà nào cũng tự động mang rác ra khỏi đảo khi về.
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi này rồi thì dù cho Bê có ở nhà thì nhiều lúc cũng không khác gì ở một (ốc) đảo: chung quanh mình dần không còn mấy người mà mình “nói chuyện” được; trừ gia đình và một số ít bạn thân.
(1) Đảo đây là một đảo tư nhân (private island) mà “thằng em”, triệu phú, mua từ khu tự trị của người Da Đỏ. Xin không nói địa chỉ chính xác ra đây vì không tiện. Đảo nằm giữa một hồ rất lớn, giữa hai tiểu bang của Hoa Kỳ nên “thằng em” được vinh dự đóng thuế đảo ở cả hai tiểu bang.
(2) Theo Wikipedia thì Minnesota có 11,842 hồ trên 4ha (hơn 4 mẫu tây mỗi hồ). Đảo của P. là khoảng 50 mẫu tây.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Một số hình:

Trên đường đến đảo. Chiếc Cadillac truck kéo tàu bị hư phải bỏ lại cây xăng. May mà còn hai chiếc trucks khác!

















Người đến ngày hôm trước đang đón "phái đoàn".




BB: 'Có thiệt không đây?!', khi tàu cặp vào đảo.


Lên đảo.
Nhưng BB lại cười tươi khi được đãi phở với đủ tái, nạm, gân, sách.







Một cảnh gần khu nhà ở.
Tô bún chay cho Chúa Đảo và những người ăn chay trường.

Sáng sớm. Lửa đêm qua còn cháy. Lớp còn ngủ nhưng một lớp người khác đã đi câu.


BB phải chuẩn bị đồ ăn sáng.

Dân câu mang cá về.
Cô con gái nói: "Chưa từng ăn con cá nào ngon như vầy".




Không có nhận xét nào: