Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

S&T: Răng Xanh - Bluetooth

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay xin hầu các Bê một bài mới trong loạt bài về Khoa Học & Kỹ Thuật (S&T): kỹ thuật truyền tín hiệu điện tử tầm ngắn không dây, Bluetooth (1 & 2). 
Bluetooth thường được xử dụng như một phương tiện để tạo ra một môi trường truyền thông không dây cá nhân (wireless personal area network; wireless PAN), thường là trong khoảng không gian khoảng 10 thước tây (~30 feet) bán kính. Nhưng class 2 có thể xa cả cây số...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Nếu Bê nào lại thích đào sâu, cuốc rộng về đề tài này thì xin vào phụ chú B và C. Ở đây Đệ xin không nói quá chi tiết về kỹ thuật mà chỉ xin nêu lên hai chuyện (3):
  • Tính phổ cập của dụng cụ dùng Bluetooth.
  • Những biện pháp giúp việc chống xâm nhập bất hợp pháp từ kẻ gian (hackers)

Tính phổ cập của dụng cụ dùng Bluetooth.


Bê cứ nhìn chung quanh mình thì thấy biết bao dụng cụ điện tử có hỗ trợ Bluetooth. Từ "tai nghe" (headset) không dây, máy in trong văn phòng, cho tới hệ thống âm thanh trong xe hơi hiện đại. Và ít nhất thì với những ứng dụng sau đây:

  • Ngày nay bảng gõ (keyboard) và con chuột (mouse) của máy tính cũng đã không dùng dây với kỹ thuật Bluetooth.
  • Từ phone (hoặc máy tính) có thể "răng xanh" một tài liệu qua máy in (hỗ trợ Bluetooth) để in ra bản văn trên giấy.
  • Chuyển tải tài liệu điện tử giữa hai thiết bị "gần nhau" (within Bluetooth reach) cũng đã phổ biến.
  • Từ phone có thể "phóng" nhạc từ mp3 (hoặc mp4) qua tai nghe (2), loa trong nhà hoặc vào hệ thống âm thanh (HTAT) của xe hơi (BB mà lên xe hơi thì việc đầu tiên là chiếm đoạt HTAT trước đã!).
  • Các dụng cụ thể dục/thể thao ngày nay đều có khả năng chuyển tải (không dây) dữ kiện như kết quả mỗi lần tập thể dục qua máy điện thoại, rồi từ phone lên... mây (cloud storage). 
  • Các máy chơi "games" đa số hỗ trợ Bluetooth nên thiết bị điều khiển (wireless controllers) không còn có dây nối. 
  • Các thiết bị y khoa không dây rất tiện dụng mà lại không làm bệnh nhân sợ hãi như khi xưa khi thiết bị nào cũng có dây nối chằng chịt. 
  • Một ứng dụng khá lợi ích là việc chống bỏ quên (hoặc bị lấy trộm) điện thoại. Thí dụ như Đệ để cái phone trên bàn làm việc và thiết định là âm thanh sẽ truyền qua tai nghe không dây (Bluetooth headset). Khi rời bàn làm việc khoảng mười thước thì trong tai đã có tiếng nhắc là mình sắp mất tín hiệu từ phone. Điều này giúp mình không quên phone khi rời sở làm. Tương tự thì nếu có kẻ nào đánh cắp cái phone và chạy đi khoảng 10 thước thì mình sẽ được báo động. Tình huống này có cái tên là "man overboard alarm" (có người văng khỏi tàu, xuống sông biển). Chuyện có rượt theo mà lấy lại cái phone không lại là... chuyện khác!
  • Một ứng dụng nữa được nêu ra là cơ quan Giao Thông của Calgary, Alberta, Canada dùng tín hiệu Bluetooth của người xử dụng giao thông để tiên đoán giờ đến (ETA, Estimated Time of Arrival) cũng như tình trạng giao thông có kẹt xe hay không...
Cái hay của Bluetooth là ngay như với các thiết bị cũ không hỗ trợ Bluetooth cũng có thể được "Bluetooth hoá" thí dụ loa cũ có dây cắm âm thanh thì thay vì cắm vào máy khuếch âm thì chỉ cầm cắm vào máy Bluetooth audio receiver. Từ đó loa sẽ nhận được âm thanh từ bất cứ nguồn âm thanh nào có thể phát sóng âm thanh dùng Bluetooth (Bluetooth transmitter).
Hơn nữa, chưa thấy có nghiên cứu nào khả tín về đề tài sóng Bluetooth có làm hại sức khoẻ con người hay không.

Những biện pháp giúp việc chống xâm nhập bất hợp pháp từ kẻ gian (hackers)

Từ thí dụ của sở Giao Thông Calgary, Alberta, Canada, Đệ muốn chỉ ra hai khái niệm khác nhau trong truyền tải không dây, nói chung, và  truyền tải bằng Bluetooth nói riêng:
  • Khám phá (discovery) và nhận diện (detecting) là khả năng dò tìm xem chung quanh có thiết bị nào hỗ trợ Bluetooth không và biết được tính danh, thí dụ như tên của thiết bị và những dữ kiện về danh tính, như MAC ID (4) của thiết bị. Khám phá và nhận diện là thao tác "làm một lần" giữa hai thiết bị (one time configuration) và thường đòi hỏi là người thiết kế phải có cả hai thiết bị trong tay để "ra lệnh" cho hai máy từ đây có thể nối kết với nhau. Thuật ngữ chuyên môn gọi là "pairing" và hai thiết bị đã "paired". Bê nên nhớ là khám phá và nhận diện không đòi hỏi mật mã hoặc sự ưng thuận của hai bên. Khám phá và nhận diện là giai đoạn "nhìn thấy nhau" mà chưa bắt chuyện. Pairing là chấp nhận sự liên lạc trong tương lai.
  • Nối kết (connecting) hay còn gọi là "bắt tay" (handshake) là trạng thái truyền thông được thiết lập và sẵn sàng để chuyển và nhận (transmitting and receiving). Nối kết chỉ có thể xảy ra khi hai thiết bị đã qua giai đoạn khám phá và nhận diện, trước đó và hai thiết bị bằng lòng giao dịch với nhau (paired).
Như vậy thì giao dịch qua giao diện Bluetooth có an toàn không? Không ai có thể bảo đảm là hackers không tìm cách lợi dụng. Nên cẩn thận thì vẫn hơn. Bê nên nhớ những hành xử này và thực hành chúng những lúc có thể (có những lúc mình không thực hành được vì cần chạy ứng dụng)...
  • Chỉ mở (turn on) Bluetooth khi cần thiết chứ không mở thường trực.
  • Chỉ để thiết bị khác khám phá khi mình chủ động muốn được nhận diện. Chỉ cho hai thiết bị "nhận nhau" (mutually recognition) khi mình có cả hai thiết bị. Thí dụ mình có phone và máy in trong tay thì mới tiến hành thủ tục khám phá và nhận diện.
  • Khi không còn cần cho giao dịch nữa thì Bê nên "unpair" chúng: lần sau muốn giao dịch thì lại làm lại phần discovery&detecting và pairing; mất công một chút mà an toàn.
  • Cần phải cập nhật phần dẻo (firmware, không mềm không cứng) của Bluetooth trên các thiết bị của mình.
Điều cần nhớ là phát sóng sự hiện diện của mình ra môi trường chung quanh cũng đã là không nên rồi vì như vậy kè gian (hoặc chính quyền) có thể theo dõi sự di chuyển của mình rồi. Bình thường thì chả có vấn đề gì. Nhưng trong trường hợp tranh tụng mà mình cả quyết là mình không có mặt tại hiện trường vào lúc đó mà cơ quan cảnh sát có thể chứng minh được sóng điện thoại hoặc sóng Bluetooth của mình được ghi nhận tại hiện trường thì hết chối!
Tiện đây xin kể ra một chuyện mà Đệ đọc qua báo (không trích dẫn nguồn) về việc những kẻ cắp có thể vừa đi đường (hoặc bãi đậu xe) vừa dùng smartphone để "scan" (rà soát) xem có tín hiệu Bluetooth từ những thiết bị có Bluetooth trong các xe hơi đang đậu và khoá cửa. Nếu họ biết được là trong xe có thiết bị phát sóng Bluetooth thì họ mới đập cửa kính mà lấy trộm các thiết bị điện tử này. Việc này là có thể xảy ra vì "discovery" không cần là thiết bị có ưng thuận cho kết nối hay không. Vì vậy nên nếu có laptop thì nên "shutdown" hoàn toàn chứ không nên để laptop ở trạng thái "ngủ Đông" (sleep hay hybernated) vì ở trạng thái này máy vẫn có thể phát sóng Bluetooth (vừa tốn pin vừa quảng cáo sự hiện diện của laptop) dù có nằm chỗ khuất trong xe hơi. Hơn nữa các laptops còn có nút để tắt Bluetooth thì nên luôn để ở vị trí tắt (khi cần dùng Bluetooth thì hẵng bật lên).
Bê cứ thử làm một thí nghiệm như sau: cầm cái smartphone của mình đi vào chỗ đông người như shopping center và dùng phone để tìm (rà soát, scanning) những tín hiệu của các thiết bị mà người chủ để mặc cho thiết bị "tự quảng cáo mình" (visible to other Bluetooth devices) thì sẽ thấy là thiên hạ chưa thật sự hiểu về Bluetooth!
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Nhờ có Bluetooth mà các Bê có thể nối kết với thế giới bên ngoài 24 giờ mỗi ngày nếu có smartphone và một đồng hồ đeo tay: khi rời xa phone thì đồng hồ sẽ nhắc là bạn đang đi xa dần cái phone. Khi để quên dồng hồ đeo tay (trên bàn) thì khi cần tìm cái đồng hồ thì dùng cái phone mà lùng kiếm cái đồng hồ. Thiết bị nghe (heatset) cũng vậy.
(1) Truyền thuyết về cái tên "Bluetooth" thì nhiều và không thống nhất.  Bê có thể vào trang Where does the computer term "Bluetooth" come from? Did they name the system after the Viking kings?
Có nguời đề cập đến chuyện chữ bị đổi nghĩa theo thời gian cũng là lý thú:
The name 'Bluetooth' is the result of confusion between old Danish words and modern ones. 'Blaa' is the modern Danish word for 'blue', but once meant 'dark skinned'. 'Tan' once meant 'great man', and has been confused with 'tand', the modern Danish word for 'tooth'.

Richard Thompson, Allerod, Denmark

(2) Tai nghe không dây hỗ trợ Bluetooth có khi "bị" gọi là cái bluetooth.
(3) Ở đây xin không nói đến hai kỹ thuật khác dùng để chuyển tải dữ liệu: NFS (Near Field Communication) và MST (Magnetic Secure Transmission) mà nhiều thiết bị điện tử dùng để thay thế thẻ nhựa như thẻ tín dụng bằng smartphone (hoặc smartwatch). Trong trường hợp này thì tín hiệu chỉ truyền qua khoảng cách ngắn giửa smartphone (hoặc đồng hồ thông minh, smartwatch) và máy cà thẻ. Khoảng cách ngắn (ngắn hơn một gang tay) là quan trọng vì nếu sóng truyền xa hơn thì lại có nguy hiểm bị nghe lén, đọc lén.
(4) MAC ID giống như số căn cước không trùng lập của mỗi thiết bị (unique device MAC address).

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Wikipedia - Bluetooth (English)
C. Wikipedia - Bluetooth (Tiếng Việt)

Không có nhận xét nào: