Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Thuế lợi tức liên bang Hoa Kỳ -- Lũy tiến và làm thêm giờ/tăng lương (progressive taxing vs. overtime pay/pay increase)

Thân chào các Bê*,

Hôm nay, Đệ xin mạn phép bàn phiếm về thuế lợi tức ở Mỹ và những hiểu lầm mà nhiều người trong chúng ta mắc phải (kể cả người bản xứ). Đệ xin nhấn mạnh ở đây là bàn phiếm thôi. Muốn chắc ăn thì các Bê vào các đường dẫn (links) ở cuối bài mà đọc nguyên bản. Có lười thì nhờ con cháu đọc dùm, nghe.

Dạ, dạ, Đệ xin vào đề...

Trước hết xin định nghĩa progressive tax như sau: thuế lũy tiến là thuế đánh trên số tiền mà cá nhân kiếm được (như trường hợp lợi tức, income) hoặc trên số tiền chi tiêu (như trường hợp mua hàng hóa xa xỉ, sales tax on luxury goods). Thuế được gọi là lũy tiến khi tỷ lệ thuế tăng theo số tiền. Nói cách khác đi thì thuế lũy tiến không dùng một tỷ lệ nhất định; trái với khái niệm "flat rate taxing", thuế chì dùng một tỷ lệ duy nhất bất kể số tiền là bao nhiêu. Không cứ gì là liên bang Hoa Kỳ, nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ, hầu như đa số các nước có hệ thống thuế ổn định đều ít nhiều dùng lũy tiến trong lãnh vực thuế. Như nói ở trên, không cứ gì là thuế lợi tức mà có thể là thuế bất động sản, thuế mua bán (nhu yếu phẩm có thể ít thuế hơn xa xỉ phẩm), đều mang tính chất lũy tiến.

Trong bài này, Đệ xin phép không bàn luận gì về có nên đánh thuế lũy tiến hay không? Hoặc đánh thì đánh ai? Hoặc đánh (đau) cỡ nào? Đây là những đề tài cho các chuyên gia và các chính khách chứ không phải cho một thường dân như tại hạ. Đệ chỉ muốn cống hiến cho các Bê một nhận định nhỏ bé mà mình có được qua học hỏi từ những trang mạng. Không có gì bảo đảm là những điều mình viết là đúng, nghe quý vị. Tại hạ viết chơi thì quý vị cũng đọc chơi thôi.

Một thí dụ cụ thể là bảng thuế lũy tiến trên lợi tức mà quý vị phải trả cho năm 2014 (năm tới mới khai thuế). Bảng thuế dưới đây là cho người độc thân và lấy từ phụ chú "C".http://blogs-images.forbes.com/kellyphillipserb/files/2014/04/single.png
Từ bảng thuế này, Đệ xin chỉ nêu lên hai điều:

1. Thuế lợi tức liên bang Hoa Kỳ là thuế lũy tiến vì càng kiếm được nhiều tiền càng đóng thuế bạo. Thuế này gồm có 7 hạng thuế: 10%, 15%, 25%, 28%, 33%, 35% và 39.6%.
Khoảng cách giữa hai hạng thuế là 5%, 10%, 3%, 5%, 2% và 4.6%, Khoảng cách là phần trăm sai biệt giữa hạng trên (thí dụ 15%) và hạng dưới (thí dụ 10%). Nhưng khoảng cách lợi tức giữa hai hạng thuế thì là vấn đề khác (thí dụ ô E3 cuả bảng tính dưới đây là sai biệt của hai mức lương $36,900 và $9,075). Đây lại thêm một bằng chứng là muốn rơi vào hạng thuế trên cũng không thường xảy ra khi tăng lương hoặc làm overtime.



Lằn số 8 trong bảng tính trên là do tại hạ đặt đại để làm thí dụ là người làm nửa triệu một năm thì đóng bao nhiêu cho thuế lợi tức năm 2014, nghe quý vị.

So với một số nước khác, thuế lợi tức lũy tiến liên bang Hoa Kỳ là cao nhưng thấp hơn một số nước khác; chẳng hạn như Úc Đại Lợi (xin xem bảng ở phụ chú "D"). Các Bê sẽ bảo là sự so sánh này là "khập khiễng"? Dạ phải! So là so chơi thôi! Bởi vì so như vậy là bỏ qua quá nhiều yếu tố như lợi tức trung bình của công nhân Úc, như tỉ lệ số người làm trên 180,001 Úc kim, vân vân...
Điều nên biết để có tức vì bị đóng thuế nhiều thì cũng... bớt tức là người có lợi tức ở một hạng thuế nhất định BAO GIỜ cũng đóng thuế ít hơn hạng thuế đó:


Trong bảng tính trên người làm lương $129,000 (ô A22) mặc dầu là rớt vào hạng thuế 28% (ô C22) nhưng chỉ phải đóng $29,295.75 (ô B22) nghĩa là thuế chỉ chiếm 22.71% (ô D22).    [Chú thích tại chỗ: ông hay bà này mỗi năm mất trắng một chiếc Toyota hạng sang với đầy đủ trang thiết bị (fully loaded). Bởi vì đây chỉ mới là thuế lợi tức liên bang (cho người độc thân) còn "trăm" thứ thuế khác nữa. Quên không đề cập tới chữ "mất trắng"; người niềm Nam tụi tui gọi là "mấc (sp) mẹ nó hớt (sp)!"]


Đường đỏ là những hạng thuế; đường xanh lam là những mức thuế thực sự phải đóng. Đường xanh KHÔNG BAO GIỜ vượt lên trên đường đỏ. Các Bê có thể nói:  "Thôi ông ơi! Có tin được ông không?" Dạ Đệ coi vậy chứ ít khi sai khi làm toán; các Bê hãy tin đi mà!

2. Hai hiểu lầm mà giới chuyên gia cố gắng giải thích là a) làm tăng ca (overtime) và b) được tăng lương thì thuế ăn hết. Đây là hai sự hiểu lầm mà trong cuộc đời đi làm, tại hạ nghe rất nhiều lần; kể cả từ những người có bằng cấp đại học! (không có nghĩa là những người này dốt đâu; chỉ có nghĩa là luật quá nhiều và phức tạp, không ai có thì giờ đi sâu vào nên phó mặc cho người/sở khai thuế để họ lo dùm mình.)

Nguyên nhân của cả hai sự hiểu lầm này là vì khi nghe nói đến thuế lũy tiến thì biết làm càng nhiều tiền càng đóng thuế nhiều. Điều này là đúng nhưng phần hiểu lầm là tưởng rằng khi mình làm nhiều hơn và "rơi" vào hạng thuế cao hơn thì toàn thể số tiền mình kiếm được sẽ bị đánh thuế ở hạng thuế cao này.
Thí dụ Bê đang làm được $36,900 thì tính ra là Bê phải trả $5081.25 tiền thuế lợi tức liên bang. Vậy là trừ thuế lơi tức liên bang rồi mang về $36,900 - $5081.25 =  $31,818.75.
Đùng một cái; hãng Bê thương mà tăng lương (cho là tăng thêm $50 một năm), Bê hiểu lầm mà rằng "hãng nó đểu thật"; vì bây giờ mình phải đóng [$36,900 + $50 (tăng lương)] x 25% = $9237.5 và mang về có $36,950 - $9237.5 = $27,712.5. Thua số tiền mang về trước khi tăng lương!!! Hiểu như vậy là hiểu sai rồi:
Theo bảng thuế ở trên, làm tới $36,900 thì thuế là $5081.25. Bây giờ được tăng $50 một năm ($50 này rơi vào hạng thuế 25%) thì phải đóng thêm $50 x 25% = $12.5 thuế. Vị chi là $5081.25 + $12.5 = $5093.75 tiền thuế. Nghĩa là sau khi trừ thuế lợi tức liên bang mình mang về $36,950 - $5093.75 =  $31,856.25 (mang về thêm $37.25 khi được tăng lương $50).

Làm tăng ca (overtime with overtime pay) cũng vậy. Như thí dụ trên, giả thử như làm overtime thêm $5,000 trong năm đó thì $5,000 này phải đóng thêm $5,000 x 25% = $1,250 thuế vì $5,000 này rơi vào hạng thuế 25%.  Đơn giản là vẫn mang về $5,000 - $1,250 = $3,750. Đừng để con số thuế bị giữ lại trên pay stub (cuống lương) làm nản lòng mình. Thường các hãng sẽ thiết định giữ nhiều thuế khi công nhân làm tăng ca nhưng cuối năm khai thuế mọi chuyện sẽ được điều chỉnh lại.

Các Bê Khó Tánh sẽ bảo: "Hừm... vẫn chưa đúng! Còn những thuế khác nữa chứ có phải là chỉ có thuế liên bang?" Dạ, Đệ biết. Nhưng có cộng tất cả CÁC thuế thì chắc chắn cũng không "ăn" hết số tiền kiếm thêm, thưa Bê Khó Tánh. Lại nữa, lương nhiều sẽ có thể có lợi cho lương hưu sau này.

Để kết bài này, tại hạ xin quý vị cứ đòi tăng lương (không cho thì thôi; đòi thì cứ đòi, mất mát gì?) và nếu có sức khỏe thì nếu hãng mong quý vị làm overtime thì cứ "say yes", nghe quý vị.
Tuần sau, tại hạ xin "hầu" các Bê một bài về nỗi khổ của nhà giàu.

Chú thích:
Bê: Từ chữ tắt Bê 60,  B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê 60 thường hay nói chuyện "sao mà lắm thuế thế!" khi gặp nhau.


Phụ chú:
A. Wikipedia: http://en.wikipedia.org/wiki/Progressive_tax
B. Progressive Tax -- http://www.investinganswers.com/financial-dictionary/tax-center/progressive-tax-1536
C. 2014 Income Tax Brackets -- http://www.forbes.com/sites/kellyphillipserb/2013/10/31/irs-announces-2014-tax-brackets-standard-deduction-amounts-and-more/
D. Sở thuế Úc Đại Lợi: http://www.ato.gov.au/Individuals/Income-and-deductions/How-much-income-tax-you-pay/Individual-income-tax-rates/




E. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài






Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Mười Điều Cần Biết về An Sinh Xã Hội -- Hoa Kỳ -- Phần II (cuối)

Thân chào các Bê*,

Xin xem phần mở đầu với đầy đủ những "rào trước, đón sau" (disclaimers) ở bài tuần trước để hiểu là Bê phải đọc bản gốc từ trang mạng Kiplinger và trang mạng của Sở ASXH. Đệ không phải là một chuyên gia về ASXH nên không chịu trách nhiệm cho Bê được đâu! Viết là viết chơi thôi cho đầu óc khỏi "mụ" đi theo thời gian. Nếu Bê nào thấy bổ ích thì.. trên cả tuyệt vời; nếu Bê nào không thấy thích thì xin mỉm cười, lướt mạng... phượt khi nơi khác, nghe!

Dạ, dạ, Đệ xin vào đề...

VI. Ly dị người (chứ) không ly dị quyền lợi.

Nếu biết rằng... Bê kia sẽ buồn lắm, nhưng Bê cứ vẫn ly dị (Bê kia trở thành Bê Quá Khứ), thì sao? Sở ASXH định là nếu cuộc hôn nhân đã được (hoặc trên) 10 năm và bi giờ Bê chớm (hoặc trên) 62 tuổi, và Bê Quá Khứ đang lãnh hưu, thì Bê có thể hưởng hưu bổng trên thành tích của Bê Quá Khứ (hưởng sái cả trong trường hợp đã ly dị.)

Giống như trường hợp hưởng sái (xem điều IV phần I; bài tuần trước): Bê có thể lãnh tới 50% lương hưu của Bê Quá Khứ. Cái hay ở đây là: Bê khai khiếu (claiming) thẳng với Sở ASXH và Bê Quá Khứ sẽ không được biết đến việc lãnh tiền này. Vì bảo mật và cũng vì việc lãnh tiền này không làm giảm quyền lợi hưu bổng cùa Bê Quá Khứ. Nếu Bê Quá Khứ có gọi điện thoại hỏi dò, thì Bê cứ nói: "Mắc gì tới YOU, mà YOU hỏi!" (Xin đừng gác điện thoại cái rụp liền sau đó; chỉ cần lảng qua chuyện khác...)

Khác với trường hợp hưởng sái: Nếu Bê Quá Khứ đủ điều kiện hưởng hưu nhưng chưa thèm khai khiếu thì Bê cũng vẫn được khai khiếu để nhận quyền lợi nếu và khi chuyện ly dị đã được hai năm hoặc lâu hơn (vẫn phải theo điều kiện tuổi ở trên.)


Nếu Bê Quá Khứ buồn quá mà... ra đi về cõi không còn thù hận và đau khổ thì Bê vẫn được hưởng 100% lương hưu của Bê Quá Khứ (xin xem điều V phần I, bài tuần trước). Nếu Bê nghe lời dụ dỗ mà sang thuyền lần nữa sau tuổi 60, thì vẫn có quyền lợi này. Bài học: "Xin đừng dại dột, đi bước nữa trước tuổi 60!"

Ngay trường hợp Bê chưa từng đi làm và không đóng ASXH ngày nào nhưng Bê Quá Khứ đủ điều kiện hưu bổng, thì Bê vẫn có bảo hiểm sức khỏe (Medicare) ở tuổi 65 và Bê cũng vẫn được hưởng sái ở tuổi 62 như đã nói ở trên.

Thế mới thấy hôn nhân (có giấy tờ) có nhiều cái lợi, nhỉ!

VII. Càng hoãn càng phê
Khi đã dến tuổi tròn hưu (không phải tròn trăng 16 tuổi), Bê có thể chọn giải pháp hoãn hưu. Hoãn hưu, về hưu ở tuổi sau tuổi hưu toàn phần (sau 67 hoặc 68 tuổi tùy năm sanh), mang lại cái lợi lớn vì lương hưu sẽ tăng 8% mỗi năm (xin xem điều II phần I, tuần trước). Và COLA (xin xem điều III phần I, tuần trước) cũng được điều chỉnh theo.

Trong khi hưởng sái (spousal benefit) không bao gồm tín dụng của hoãn hưu (delayed retirement credits), thì thừa hưởng vì người kia quá cố (survivor benefit) lại được tính tín dụng của hoãn hưu. Có nghĩa là nếu Bê Cao hoãn hưu (vẫn đi làm quá tuổi 66 hoặc 67) thì khi Bê Cao ra đi thì Bê Thấp sẽ lãnh nhiều lương hưu hơn nếu Bê Cao hưu toàn phần ở tuổi 66 rồi sau đó ra đi ở tuổi 71. Bê Thấp thành Bê Bơ Vơ khi Bê Cao về với Chúa/Phật. Bê Bơ Vơ mà được lãnh thêm 32% lương hưu của Bê Cao (Kiplinger tính lãi đơn nên là 32%, tại hạ tính lãi kép là 36%; xin xem điều II phần I, tuần trước), là thêm hơn 1/3 lương hưu nghe, quý vị! Ậy, ậy, nói là nói thế thôi chứ Bê Thấp đừng bó buộc Bê Cao làm "chết bỏ" nghe! Chỉ nên khuyến khích Bê Cao đừng nghỉ, tiếp tục làm quá tuổi hưu toàn phần có lợi nhiều, khi sức khỏe và hoàn cảnh cho phép. Mong thay!

Hơn nữa, không bắt buộc phải hoãn đủ bốn năm đâu! Hoãn một năm là cũng tăng hưu bổng 8% rồi. Hoãn... năm rưỡi thì sao? A! Cái này là làm khó tại hạ, nghen! Tại hạ xin thành thật khai báo với các Bê là Đệ không thấy chỗ nào nói về cái câu hỏi lắc léo này. Theo Đệ nghĩ thì nếu nửa năm đó mà Bê làm trên $4,800 thì Bê được tính đủ 4 tín chỉ thì được kể là hoãn nguyên năm (phải đợi, đừng khai khiếu cho đến hết năm). Như vậy là đã hoãn 2 năm chứ không phải là một năm rưỡi. Chắc ăn thì xin Bê liên lạc với Sở ASXH.

Một cách tính khác là Bê Cao chỉ khai khiếu ở tuổi hưu toàn phần nhưng lại xin chọn phép không lãnh hưu trên thành tích của mình. Trong trường hợp này Bê Cao lại có thể hưởng sái từ Bê Thấp (hơi trái khoáy, nhưng khả thi) nếu Bê Thấp đã lãnh hưu; trong khi hưu bổng mà Bê Cao hoãn lãnh sẽ tăng theo năm tháng trong bốn năm từ tuổi 67 đến 70). Khi Bê Cao lên 70 tuổi, Bê Cao sẽ nhẹ nhàng lễ phép xin ASXH để từ đây xin nhận lương hưu bằng thành tích của chính mình (tăng được 1/3 so với lương hưu ở tuổi 66). Cách tính này cũng được áp dụng trong trường hợp "đã không còn là của nhau" (ly dị).


VIII. Khai nhưng treo lại.
Cái này còn đã hơn nghe! Nếu Bê Cao quyết định hoãn nhưng muốn Bê Thấp được hưởng sái thì vẫn hợp lệ mà lại lợi nữa. Trong trường hợp này, Bê Cao khai hưu toàn phần và ngay sau đó xin không lãnh (treo; suspend). Khi đó, Bê Thấp "xin" được hưởng sái (xin xem điều IV phần I, bài tuần trước). Vì Bê Cao "treo" hưu bổng nên sẽ được hưởng lương hoãn hưu khi bắt đầu lãnh hoãn hưu, thí dụ ở tuổi 70 là tăng 1/3 lương hưu.

Cách này tưởng là giống điều VII ở trên nhưng khác ở chỗ là nếu lương hưu của Bê Thấp quá thấp thì cách này lợi hơn: nếu cách này làm Bê Thấp lãnh 1/2 lương hưu của Bê Cao (thí dụ $2,000 / 2 = $1,000) mà số tiền này nhiều hơn lương hưu của Bê Thấp ($600) cộng với 1/2 mà Bê Cao "xin" ASXH trong trường hợp ở điều VII ($600 / 2 = $300). Nói cách khác: xuất chiêu này hai vợ chồng lãnh $1,000 trong khi xuất chiêu trước hai vợ chồng lãnh $600 + $300 = $900. Sau đó khi Bê Cao đến tuổi 70 thì Bê Thấp vẫn lãnh $1000 (một nửa của hưu toàn phần của Bê Cao) và Bê Cao lãnh 132% hưu toàn phần ($2,000 x 1.32 = $2,640).

Lanh như tại hạ đây mà không ít khi vợ cằn nhằn là: "Sao anh... khờ quá!"

IX. "Uncle Sam", nhà nước, luôn muốn dính phần
Năm Tí 1984 là năm xui cho người lãnh hưu trí! Từ năm này trở đi, lương hưu trí không còn "tax free" nữa. Vợ chồng hưu với lợi tức cao hơn $32,000 có thể phải trả thuế lợi tức trên 50% lương hưu. Nếu tổng số lợi tức cao hơn (trên $44,000) thì có thể phải trả thuế trên 85% lương hưu.

Cái này thì nhiều người nhìn không ra thâm ý của ông nhà nước!!! Năm 1984, các ngài làm luật này và cố tình ấn định mức lợi tức bằng con số $32,000 và $44,000 mà không bàn gì tới COLA (xin xem điều III phần I) nên trong năm nay (2014; ba chục năm sau 1984) số vợ chồng lãnh hưu trên $3,667 mỗi tháng nhiều hơn số người lành số lương hưu này ba chục năm trước vì lạm phát và nhà nước điều chỉnh COLA! Lạm phát theo định nghĩa là tiền mất giá; có nghĩa là sức mua của cùng một số tiền giảm theo thời gian. Nói nôm na là, cái xác xuất để hai vợ chồng về hưu có lợi tức trên $44,000 một năm càng ngày càng nhiều (vì tiền rút ra từ 401K, chứng khoán, vân vân, cũng tính là lợi tức); nghĩa là phải trả thuế trên 85% lương hưu. Các chuyên gia đều đồng ý với nhau là theo thời gian mọi hưu viên đều phải trả mức 85% lương hưu. Xin đừng chửi các nhà lảm luật, nghe quý vị! Năm Tí đó, các ngài... quên không nghĩ tới lạm phát thôi mà!

X. Lãnh hưu non mà lại còn đi làm, cũng tốt.
 Khi lãnh hưu non ở tuổi 62 mà còn muốn làm thêm kiếm thêm chút ít thì rất tốt nhưng phải biết những điều sau:

1. Nếu tiền kiếm được do làm việc (earnings) trên $15,480 (theo thí dụ của năm 2014), thì cứ mỗi $2 kiếm được trên số tiền này. Sở ASXH sẽ giữ lại $1 (một nửa của $2) từ tiền lương hưu mỗi tháng. Điều luật này thường được gọi là "earning test".

2. Trong cái năm mà Bê sẽ đủ 66 (hoặc 67) tuổi, thì cứ $3 (trên số tiền $44,400) sẽ bị giữ lại $1 (một phần ba) cho tới cái tháng mà Bê đủ 66 (hoặc 67) tuổi.

3. Khi đã đủ tuổi hưu toàn phần, thì không bị điều luật này chi phối nữa: kiếm được bao nhiêu cũng không bị giữ lại đồng nào.

"Một bộ phận không nhỏ" chúng ta chưa "hiểu đúng" điều luật này! Đây là nói theo "ngôn ngữ đương đại" ở Việt Nam; chứ nói trắng ra là rất nhiều người chúng ta hiểu sai điều luật này. Lý do là vì Sở ASXH dùng từ như "forfeit" (bị tịch thâu hoặc lấy lại, nhưng tại hạ nghĩ là nên dịch là "tạm giữ lại" thì mới đúng cho trường hợp này) hoặc "must deduct" (phải trừ đi). Hai từ này làm nhiều Bê tưởng là nếu làm thêm lương thì sẽ "mất" một ít tiền hưu. Ở đây, Đệ không nói Sở ASXH dùng từ sai, nghe quý vị. Ngay như báo chí và chuyên gia cũng nói "you lose..", có nghĩa là mất tiền hưu! Họ dùng chữ "mất" là không sát nghĩa. Đệ chỉ nói những từ này gây hiểu lầm thôi. Hiểu lầm là lầm làm sao?

Xin đưa ra thí dụ dùng trong trang mạng của Sở ASXH để giải thích sự hiểu lầm của chúng ta như sau:

   1. Vào tháng Giêng năm 2014, ở tuổi 62, Bê xin về hưu non. Mỗi tháng lãnh $600 ($7200 một năm).
   2. Trong năm 2014, Bê dự phóng là mình sẽ làm thêm $20,800 (Khoảng $1,734 mỗi tháng) thì theo luật này, Bê làm ($20,800 -  $15,480 = $5,320) trên mức ấn định.
   3. Sở ASXH sẽ giữ lại một nửa của $5,320 là $2,660. Làm sao giữ? Sở ASXH sẽ giữ lại toàn bộ năm tháng lương từ tháng Giêng tới tháng Năm. Ý, ý, năm tháng lương hưu là $600 x 5 = $3,000 đó! Dạ, dạ, xin Bê cứ bình tĩnh; hốt hoảng không tốt cho sức già đâu! Từ tháng Sáu đến tháng Mười Hai, Bê lãnh đủ $600 mỗi tháng. Còn cái "giữ dư" hết $340 ($3,000 - $2,660) thì Sở ASXH sẽ trả cho Bê vào tháng Giêng năm tới, 2015.
   4. Bê sẽ nói: "Tưởng gì! Ai mà chẳng hiểu cái này!" Dạ nhưng hiểu lầm là ở chỗ $2,660 "bị trừ" không có mất vì đến khi tới tuổi hưu toàn phần, Sở ASXH sẽ tính lại là Bê hưu non có 48 tháng - 5 tháng (đi làm bị giữ lương hưu) = 43 tháng. Vì non có 43 tháng nên tiền hưu sẽ được điều chỉnh cao hơn là non cả 48 tháng (bốn năm).
   5. Thêm cái này nữa. Trong năm 2014 như thí dụ này thì Bê kiếm được tổng cộng [$7,200 (hưu 12 tháng) - $2,660 (bị giữ lại) + $20,800 (làm thêm)] = $25,340. Tiền này phải đóng thuế, nghe quý vị. Nhưng, như người Mỹ thường nói "This is a no-brainer!" (chuyện đơn giản không cần suy nghĩ), so sánh $25,340 với $7,200 thì quả là no-brainer! Không biết quý vị thì sao chứ Đệ sẽ chọn $25,340 nếu sức khỏe cho phép và nếu có hãng mướn mình làm việc. Chuyện thuế lại là chuyện khác, nghe quý vị.
   6. Cách tính này có thể sai lệch chút ít trên con số nhưng chắc chắn là lợi hai điểm: a) năm 2014 lợi tức là $25,340 thay vì chỉ có $7,200. b) Lương hưu khi 66 (hoặc 67) tuổi sẽ tăng vì chỉ hưu non có 43 tháng so với non trọn 4 năm.
   7. Nếu còn nghi ngờ là tại hạ nói sai về điểm này thì còn chiêu này xin cống hiến quý vị: hay là quý vị làm thêm nhưng dưới $15,480 trong năm (nữa nghe, nếu sức khỏe cho phép) thì trong năm đó quý vị có lợi tức tổng cộng là $7,200 (lương hưu) + $15,400 (làm thêm) = $22,600. Gấp ba lần số tiền nếu đi làm thêm mà không bị giữ lại đồng nào! Bê Thân Yêu kia chắc cũng hài lòng hơn.

Đến tuổi hưu toàn phần (66 hoặc 67 tuổi), Sở ASXH sẽ tính lại lương hưu căn cứ trên số tháng Bê thật sự hưu non (43 tháng như thí dụ trên). Kiplinger đưa ra một ví dụ khác là nếu Bê hưu non ở tuổi 62 nhưng trong 4 năm non này Bê đi làm thêm và "bị" giữ tổng cộng 12 tháng. Ở tuổi hưu toàn phần, Sở ASXH sẽ tính là Bê hưu non có 3 năm. Theo Kiplinger, lương hưu chỉ giảm có 20% (vì non có 3 năm) thay vì 25% như trường hợp non cả bốn năm.

Ái dà! Cái chuyện An Sinh Xã Hội này quả là rắc rối! Nhưng để kết thúc bài này, tại hạ xin được "đăng đàn" diễn thuyết như sau:

   1. Quyết định hưu khi nào là một quyết định rất cá nhân. Mỗi người một hoàn cảnh, một sức khỏe, và một mong ước. Tuy nhiên, xin đừng để cảm tính chi phối quyết định của mình. Hãy tham khảo từ nhiều nguồn, nhiều phái, nhiều khuynh hướng khác nhau rồi hẵng đi đến kết luận là con đường nào là tối ưu cho chính mình.
   2. Thật ra hưu bổng chỉ là một phần trong nhiều phần mà Sở ASXH phải lo thôi. Thí dụ như vấn đề quyền lợi của người tàn tật là vấn đề rất lớn; nhưng không phải là trọng tâm của bài này.
   3. Cũng như những luật lệ khác, điều luật về ASXH thay đổi theo thời gian. Năm mười năm nữa, Bê nào lôi bài này ra và bảo là tại hạ sai chỗ này, chỗ kia thì Đệ cũng phải... bó tay với quý vị.
   4. Thuế là một đề tài rất lớn mà lại cũng không là trọng tâm của bài nên những đề cập về thuế trong bài là ở mức khái quát rất cao.
   5. Lái xe nhiều dặm đường, đi ba bốn chợ ở ba bốn thành phố khác nhau (thí dụ ở California, gần cuối tuần coi báo xem thành phố nào/tiệm nào sẽ bán seo (sales) để cuối tuần lái xe tới thành phố đó "hốt" đồ về) để mua đồ seo thì được. Được vì mình nghĩ là mình khôn nên mình tiết kiệm! Khoan hẵng nói đến thời giờ chỉ thấy tiền xăng, tiền mua tờ báo thứ Năm là đã thấy tiết kiệm không được mấy rồi. Vậy mà bỏ ra một ngày (hay một tuần) để nghiên cứu, để tham khảo xem cách nào là tối ưu cho mình về hưu thì không mấy người làm! Sai biệt cả trăm ngàn dollars đó, quý vị.
   
Thân chào và chúc các Bê sống hùng, sống mạnh để "ăn chơi, ăn chắc" trong tuổi hưu. Tuần sau, Đệ xin lan man bàn phiếm một khía cạnh của thuế lợi tức của liên bang Hoa Kỳ. Một khía cạnh rất nhỏ thôi nhưng hy vọng sẽ giúp ích cho mọi người.

Chú thích:
Bê: Từ chữ tắt Bê 60,  B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê 60 thường hay nói chuyện "lãnh bao nhiêu?" khi gặp nhau.

Phụ chú:
A.    10 things you should know about Social Security--Kiplinger
 http://money.msn.com/retirement/10-things-you-should-know-about-social-security
B.    Ước tính còn sống thêm bao nhiêu năm
http://www.socialsecurity.gov/oact/population/longevity.html
C.    Tính nhanh xem ăn theo được bao nhiêu phần trăm
http://www.ssa.gov/OACT/quickcalc/spouse.html
D.    Retirement Publication (PDF and MP3)
http://www.ssa.gov/pubs/index.html?topic=Retirement
E. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài