Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Cholesterol 101 và vài hiểu lầm -- Phần IV (cuối)

Thân chào các Bê 60*,
Trước hết xin các Bê ghi nhận nơi đây là Đệ chỉ viết với mục đích kích thích sự tò mò của quý vị. Đúng hay sai, kiến thức này có thể dùng được hay không, hoàn toàn là trách nhiệm của người đọc. Xin các Bê bàn thảo với bác sĩ của mình trước khi dùng bất cứ tin tức, tài liệu, hoặc những bài như thế này. Chúng ta vẫn thường nghe câu "ranh" ngôn: "Đọc sách mà tin sách thì thà là đừng đọc còn hơn". Câu này không phải bảo chúng ta đừng đọc sách. Chỉ khuyên là nên đọc rồi tham khảo thêm từ nhiều nguồn khác rồi tự mình đi đến kết luận; chứ đừng cả tin vào một nguồn, đặc biệt là thời buổi Internet, ai muốn viết gì thì viết!

Bài này xin đề cập đến các mục 22 tới 26 và tóm lược bốn kỳ.

22. Trị liệu: Dùng thuốc
Nếu huyết thống mình có thành tích cao về Cholesterol thì trị nó bằng dinh dưỡng và thể dục không thì có thể không đủ. Trong trường hợp này, dùng thuốc sẽ tăng hiệu ứng trong cố gắng giảm lượng Cholesterol. Những chất statins(1) là chọn lựa thứ nhất. Chúng ngăn trở sự tạo thành Cholesterol trong gan. Những thuốc khác gồm cholesterol absorption inhibitors, bile acid resins, and fibrate. Đệ xin miễn dịch mấy chữ này bởi vì bác sỹ sẽ phải kê toa nên Bê nên hỏi và bàn với bác sỹ.
23. Trị liệu: Chất phụ trợ (Supplements)
Có một số chất dinh dưỡng phụ trợ (dietary supplements) có thể giúp làm giảm Cholesterol. Thí dụ như flaxseed (hạt lanh?), dầu cá, và chất sterols trong thảo mộc như  beta-sitosterol (flaxseed oil, fish oil, and plant sterols, such as beta-sitosterol). Niacin được kê toa (prescription Niacin), một phức hợp vitamin B, được chứng nghiệm là giảm Cholesterol xấu và tăng Cholesterol tốt. Niacin trong chất phụ trợ tự nhiên không có hiệu ứng này.
24. Trị liệu: Dược thảo
Có một số khảo cứu cho rằng tỏi (garlic) có thể làm tụt vài phần trăm mức Cholesterol tổng cộng. Nhưng tỏi viên (garlic pills) có thể có phản ứng phụ (side effect) và có thể phản ứng với các thuốc khác. Các thảo dược khác có thể giúp làm giảm Cholesterol là:
    Fenugreek seeds (hạt hồ lô ba, thảo linh lăng)
    Artichoke leaf extract (trích tinh a ti shô)
    Yarrow (ông Gúc Gồ chưa dịch chữ này)
    Holy basil (húng quế Ấn Độ?)
25. Giảm là giảm bao nhiêu?
Khá nhiều người có thể giảm các mức Cholesterol xấu bằng cách phối hợp thuốc và đời sống lành mạnh. Nhưng thấp xuống bao nhiêu thì đủ? Với người mắc chứng tiểu đường hoặc có nguy cơ bệnh tim mạch thì Lờ Đờ Lờ (Cholesterol xấu) dưới 100 là lý tưởng. Nếu đang có bệnh tim mạch thì mấy ông, mấy bà bác sĩ "ác ôn" có thể muốn Bê giảm Lờ Đờ Lờ xuống 70 hoặc ít hơn.
26. Có thể đảo ngược tình thế không?
Phải mất khá nhiều năm để đóng mỡ trong mạch máu. Nhưng đã có bằng chứng lâm sàng là sơ cứng mạch máu (atherosclerosis) có thể được sửa chữa ở một mức nào đó. Bác sỹ y khoa Dean Ornish đã xuất bản nhiều khảo cứu cho thấy là chế độ dinh dưỡng nhiều thực vật và ít dầu mỡ, cộng thêm phương pháp làm giảm căng thẳng (stress management, còn được gọi là "giảm xì tờ rét") và tập thể dục đều đặn có thể làm giảm sự đóng mỡ bên trong động mạch vành tim (chip away at the build-up inside the coronary arteries). Những khảo cứu khác cũng hỗ trợ ý kiến là giảm nhiều Cholesterol có thể bằng cách này hay cách khác mở được các mạch máu bị đóng chốt (Other research supports the idea that big drops in cholesterol can somewhat help open clogged arteries). Bê có thấy sự "không chuẩn xác" của câu văn trên, không? Các ông, các bà nghiên cứu gia chỉ có thể nói ở cái mức mơ hồ này thôi. Bởi vì kiến thức y khoa của nhân loại vào lúc này cũng còn rất xa cái mức hoàn hảo. Thôi thì biết thế này cũng là mừng rồi!

Bê sẽ hỏi: "Chả thấy nói gì về "vài hiểu lầm" sốt!" Dạ thì nếu những hiểu biết của Bê (trước khi đọc những bài này) mà khác với những gì WebMD nói thì là hiểu lầm chứ còn gì nữa!
Tóm lại, nếu Bê không hiểu như những điều sau đây là hiểu lầm. Đừng tự ái và bực mình vì mình đã từng hiểu lầm, nghe! Vì ai mà hiểu "không lầm" ngay lần đầu tìm hiểu một vấn đề gì thì mới là lạ; chứ hiểu lầm là bình thường!

1. Cholesterol không phải là chất độc mà mình mang từ ngoài vào. Cơ thể chúng ta sản xuất Cholesterol vì nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất và bảo quản tế bào não, kich thích tố sinh dục như testosterone và mật để tiêu thụ mỡ. Xin xem thêm bài này từ health.com.
2.  Nhiều Cholesterol hơn cơ thể cần mới là vấn đề. Đặc biệt là khi Cholesterol lưu hành trong mạch máu dưới dạng phức hợp đạm-mỡ (lipo-protein). LDL (Lờ Đờ Lờ) là Cholesterol xấu cần giảm. HDL (Hờ Đờ Lờ) là Cholesterol tốt cần tăng.
3. Nhiều chất phụ trợ (supplements) như dầu cá, tỏi, sâm (ginseng), mem gạo đỏ (red yeast rice) có chất statin nên tự nó ảnh hưởng tới các lượng Cholesterol trong cơ thể nên vừa dùng chúng vừa uống thuốc giảm Cholesterol thì phải cẩn thận. Xin tham khảo thêm từ health.com.
4. Canh chừng lượng Cholesterol trong máu là việc làm thường xuyên hàng ngày hàng giờ chứ không phải chuyện một năm vài lần (xuân thu nhị kỳ).
5. Theo dõi và tìm cho ra thuốc thích hợp và ít tác dụng phụ cho cơ thể mình là sự hợp tác chặt chẽ giữa mình và bác sỹ. Xin đừng lơ là hoặc khoáng trắng cho bác sỹ! Cơ thể mỗi người một khác nên mình không trao đổi thông tin với bác sỹ của mình thì bác sỹ cũng chịu thua.

Thay cho lời kết: chúc các Bê sống khỏe sống hùng với mấy ông Đờ Lờ!


Chú thích:
(1) Chất statins. Như Lipitor (atorvastatin), Zocor (simvastatin), Crestor (rosuvastatin). Coi chừng phản ứng phụ như a) đau/suy yếu bắp thịt b) làm tăng enzymes trong gan c) làm nặng thêm bệnh suyễn d) có thể hại thai và e) tác hại lớn nếu đang dùng trụ sinh hoặc thuốc kháng nấm (antibiotics/antifungal drugs).

Phụ chú:
A. WebMD -- Cholesterol 101 slideshow.
B. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Cholesterol 101 và vài hiểu lầm -- Phần III.

Thân chào các Bê 60*,
Trước hết xin các Bê ghi nhận nơi đây là Đệ chỉ viết với mục đích kích thích sự tò mò của quý vị. Đúng hay sai, kiến thức này có thể dùng được hay không, hoàn toàn là trách nhiệm của người đọc. Xin các Bê bàn thảo với bác sĩ của mình trước khi dùng bất cứ tin tức, tài liệu, hoặc những bài như thế này. Chúng ta vẫn thường nghe câu "ranh" ngôn: "Đọc sách mà tin sách thì thà là đừng đọc còn hơn". Câu này không phải bảo chúng ta đừng đọc sách. Chỉ khuyên là nên đọc rồi tham khảo thêm từ nhiều nguồn khác rồi tự mình đi đến kết luận; chứ đừng cả tin vào một nguồn, đặc biệt là thời buổi Internet, ai muốn viết gì thì viết!

Bài này xin đề cập đến các mục 12 tới 21. Bao gồm các mục "trị" Cholesterol.
12. Cholesterol và giới tính
Cho đến khi mãn kinh (menopause), phụ nữ thường có tổng số Cholesterol thấp hơn nam giới ở cùng tuổi. Và họ cũng có chỉ số Hờ Đờ Lờ (ông tốt) cao hơn. Lý do là bởi mức estrogen, kích thich tố nữ làm tăng HDL Cholesterol. Sự sản xuất Estrogen tăng cao nhất vào những năm có thể có bầu (childbearing years) và giảm đi sau khi mãn kinh. Sau 55 tuổi, thì nguy cơ tăng chỉ số Cholesterol cũng bắt đầu tăng.
13. Cholesterol và trẻ em.
Đã có bằng chứng là Cholesterol có thể bắt đầu đóng nghẽn mạch máu từ tuổi thơ, và sẽ dẫn đến chứng sơ cứng động mạch và bệnh tim trong tương lai về sau này. Hiệp hội Tim Hoa Kỳ ( American Heart Association) khuyến khích trẻ nhỏ và "teen" (13 tới 19 tuổi) với chỉ số Cholesterol cao nên bắt đầu các biện pháp để kiểm soát mức Cholesterol. Lý tưởng là chỉ số Cholesterol tổng cộng dưới 170 cho trẻ từ 2 tuổi tới 19 tuổi.
14. Tại sao Cholesterol cao lại là lớn chuyện?
Bởi vì nó là nguyên nhân chính dẫn tới bệnh tim (động mạch quanh tim và trụy tim; coronary artery disease, heart attacks) cũng như tai biến mạch máu não (strokes). Hơn nữa có thể là mức Cholesterol cao làm tăng nguy cơ cho người già mắc bệnh lãng quên (Alzheimer).

15. Trị Cholesterol: ăn nhiều chất sợi (fibers)
Dinh dưỡng đóng góp một phương cách chống lại chứng cao Cholesterol. Đồ ăn sáng có ngũ cốc (cereals) thường quảng cáo là tốt cho tim (heart-healthy) là bởi trong ngũ cốc có chất sợi. Chất sợi hòa tan được (soluble fiber) có trong rất nhiều thực phẩm giúp làm giảm Lờ Đờ Lờ (LDL, xem phần I). Các thực phẩm có nhiều chất sợi là bánh làm bằng ngũ cốc chưa tinh chế (whole-grain), ngũ cốc nguyên dạng (cereals), yến mạch (oatmeal), trái cây, trái cây khô (coi chừng đường!!!) và rau quả; nhất là đậu (kidney beans; giống Phaseolus vulgaris; như đậu xanh, đậu đỏ).
16. Trị Cholesterol: Nhận diện chất béo
 Không quá 35% lượng nhiệt hằng ngày (daily calories) từ chất béo (dầu, mỡ). Nhưng không phải chất béo nào cũng (hại) như nhau. Chất béo bão hòa (saturated fats) từ mỡ động vật và dầu thực vật là tăng số lượng Lờ Đờ Lờ (thằng xấu). Trans fats (tạm dịch là dầu mỡ chuyển lại hại gấp đôi vì nó làm tăng thằng xấu mà còn làm giảm ông tốt (HDL; Hờ Đờ Lờ). Hai loại chất béo này hiện diện trong rất nhiều chế phẩm nướng (baked goods), chiên (như bánh donuts/doughnuts, khoai tây chiên fries/chips), bơ margarine, bánh ngọt nướng (cookies). Trái lại, chất béo không bão hòa (unsaturated fats) lại làm giảm Lờ Đờ Lờ khi liên hợp với các chế độ dinh dưỡng tốt khác. Chất béo không bão hòa hiện diện trong trái bơ (avocados), dầu ô liu, và dầu đậu phụng.
17. Trị Cholesterol: Đạm tốt
Thịt và sữa nguyên chất chứa rất nhiều đạm (protein) cần cho cơ thể nhưng chúng cũng là nguồn cung cấp Cholesterol. Chúng ta có thể giảm lượng Cholesterol xấu bằng cách thay thế thịt bằng đạm có trong sản phẩm đậu như đậu hũ. Cá cũng là nguồn đạm có thể dùng để thay thế thịt. Có loại cá như cá hồi (salmon) giàu chất omega-3 fatty acids và các chất này có thể trợ giúp việc cải thiện các mức Cholesterol. Hiệp Hội Tim Hoa Kỳ khuyến khích ta ăn cá ít nhất hai lần một tuần (Hừm, coi chừng các chất độc trong cá hồ!!!)
18. Trị Cholesterol: Dinh dưỡng với ít tinh bột (low-carb diet)
Càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy dinh dưỡng ít tinh bột tốt hơn dinh dưỡng ít chất béo trong việc hỗ trợ các mức Cholesterol. Một nghiên cứu trong hai năm, bảo trợ bởi Viện Sức Khỏe Quốc Gia (National Institutes of Health), cho thấy dinh dưỡng ít tinh bột làm tăng Cholesterol tốt nhiều hơn là dinh dưỡng ít chất béo.
19. Trị Cholesterol: Giảm cân
Nếu Bê nặng cân thì nên bàn với bác sĩ của mình để bắt đầu một chương trình giảm cân. Giảm cân có thể giúp làm giảm các mức triglycerides, Cholesterol xấu và Cholesterol tổng cộng. Bớt vài ba cân (pounds) có thể làm tăng Cholesterol tốt. Có thể tăng một điểm cho mỗi 6 cân (6 pounds, khoảng 3 kí lô) mình giảm xuống.
20. Trị Cholesterol: Cai thuốc lá
Ai cũng nhận biết cai thuốc lá không phải là chuyện dễ nhưng đã có quá nhiều lý do về sức khỏe, về kinh tế, về tương lai con cái người thân, và về xã hội để người nghiện thuốc phải suy nghĩ kỹ càng về việc cai thuốc. Khi Bê cai thuốc rồi thì mức Cholesterol tốt có thể cải thiện khoảng 10%. WebMD khuyên là nên tổng hợp nhiều phương cách để cai cho hữu hiệu. Nên bàn với bác sĩ của mình. Kinh nghiệm cá nhân của Đệ là phải cai hai, ba lần rồi mới thành công. À, trong kế hoạch cai của mình nên tìm sự hỗ trợ của Nửa Kia và con cháu.
21. Trị Cholesterol:Thể dục
Nếu Bê mạnh khỏe như không hoạt động nhiều, bắt đầu một chương trình thể dục hiếu khí (aerobic exercise) có thể tăng Cholesterol tốt khoảng 5%. Thể dục thường xuyên cũng góp phần hạ Cholesterol xấu. Chọn những loại thể dục làm tăng nhịp tim (trong lúc tập) như chạy, bơi, đi bộ nhanh (walking briskly) và nhắm chừng ít nhất là 30 phút mỗi ngày. Không cần 30 phút liên tục; có thể chia ra hai lần mỗi lần 15 phút cũng được. Vấn đề tập thể dục là đề tài còn nhiều tranh cãi nên xin không đi vào chi tiết ở đây. Tóm lại, là có tập thì tốt hơn không tập. Tập đều đặn là tốt hơn tập thật nhiều trong hai ba tuần rồi bỏ.

Kết của bài này là chúng ta CÓ thể làm tốt việc giảm Cholesterol xấu và việc tăng Cholesterol tốt mà chưa cần nhờ đến thuốc. Chúc các Bê "tìm" được nhiều sức khỏe trong sinh hoạt hằng ngày.

Chú thích:
Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Có Bê hỏi "Thế, đi casino kéo máy có tính là "ếch xẹt sai" không? Đôi khi kéo máy nhịp tim cũng tăng cao lắm!" Dạ, Đệ xin trả lời là kéo slot machine không phải là hình thức tập thể dục đâu!!!

Phụ chú:
A. WebMD -- Cholesterol 101 slideshow
B. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Cholesterol 101 và vài hiểu lầm -- Phần II.

Thân chào các Bê 60*,
Trước hết xin các Bê ghi nhận nơi đây là Đệ chỉ viết với mục đích kích thích sự tò mò của quý vị. Đúng hay sai, kiến thức này có thể dùng được hay không, hoàn toàn là trách nhiệm của người đọc. Xin các Bê bàn thảo với bác sĩ của mình trước khi dùng bất cứ tin tức, tài liệu, hoặc những bài như thế này. Chúng ta vẫn thường nghe câu "ranh" ngôn: "Đọc sách mà tin sách thì thà là đừng đọc còn hơn". Câu này không phải bảo chúng ta đừng đọc sách. Chỉ khuyên là nên đọc rồi tham khảo thêm từ nhiều nguồn khác rồi tự mình đi đến kết luận; chứ đừng cả tin vào một nguồn, đặc biệt là thời buổi Internet, ai muốn viết gì thì viết!

Bài này xin đề cập đến các nguồn có Cholesterol (mục 9, 10 và 11)
9. Cholesterol trong thực phẩm
Thức ăn giàu Choleterol như trứng (gà), tôm và tôm càng (lobsters) không còn hoàn toàn bị cấm đoán tuyệt đối như trước đây nữa. Nghiên cứu gần đây cho thấy Cholesterol mà ta hấp thu từ thức ăn chỉ có một vai trò nhỏ trong việc ảnh hường đến các chỉ số Cholesterol trong máu chúng ta. Có một số it người "nhạy cảm" (responders) thì các chỉ số Cholesterol trong máu tăng đột biến sau khi ăn (nhiều) trứng. Nhưng với đa số chúng ta thì lượng chất béo bão hòa và béo chuyển (saturated fat and trans fats) là đáng quan tâm hơn là thức ăn chứa Cholesterol. Lượng Cholesterol hằng ngày cho người mạnh khỏe là 300mg và cho người được bác sĩ xác định là cần coi chừng sức khỏe (vì dễ bị bệnh tim chẳng hạn) là 200mg. Một quả trứng chỉ chứa khoảng 186mg Cholesterol nên ăn một quả trứng mỗi ngày thì không đến nỗi nào (nhất là người khỏe mạnh); hơn nữa nên nhớ là 186mg này không phải là vào máu mình cả và trứng còn chứa rất nhiều chất bổ dưỡng khác nên kiêng trứng tuyệt đối vì sợ Cholesterol là hơn quá kỹ. Nhưng Bê phải tự mình quyết định cho sức khỏe của mình chứ đừng lấy cớ là Đệ viết thế này rồi mỗi ngày tộng cho vài quả trứng, thì lại cũng không nên. À có người bảo tại hạ là đừng ăn gân bò (beef tendon) vì Cholesterol rất cao! Dạ, Đệ rất ức nếu bị cấm ăn gân nên mới tìm hiểu thì khoa học xác định là gân bò KHÔNG có Cholesterol. Có thể là miếng gân còn dính miếng mỡ thì Bê phải cẩn thận thôi.
10. Cholesterol và lý lịch gia đình.
Cholesterol đến từ hai nguồn: từ chính cơ thể sản xuất và từ thức ăn. Và cả hai nguồn đều cần kiểm soát. Nguồn từ thức ăn là dễ kiềm soát nên thường bị chú ý nhiều hơn (xem mục 9 ở trên). Về di truyền thì có một số người thừa hưởng gien từ cha mẹ, ông bà nên cơ thể sản xuất nhiều Cholesterol hơn mức cơ thể cần. Còn những người khác (không có gien di truyền) thì Cholesterol cao là do thức ăn đặc biệt là chất béo bão hòa và cholesterol từ thức ăn có nguồn gốc động vật ( Saturated fat and cholesterol occur in animal-based foods) như thịt, trứng, sữa, tôm, lobster. Xin mở ngoặc ở đây là những thực phẩm gốc thực vật mà quảng cáo là 0g Cholesterol là chuyện tiếu lâm vì thực vật không có Cholesterol nên zero là phải rồi!!!
11. Điều gì làm tăng nguy cơ?
Nhiều yếu tố làm tăng mức Cholesterol hơn bình thường:
    - Chế độ dinh dưỡng có nhiều mỡ (nhất là mỡ hại) và Cholesterol
    - Di truyền từ gia đình
    - Chứng béo phì (obese)
    - Cơ thể "trưởng thành" hơn. Cái này nói trắng ra là đến tuổi già thì cơ thể ta có khuynh hướng "ăn nên, làm ra", dễ béo phì.

Xin hẹn lần sau sẽ nói về cách kiểm soát; nhưng trong thời gian hiện tại chúc các Bê ăn được ngủ được và để ý đến mức Cholesterol của mình.

Chú thích:
Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê nào đi khám bác sĩ và được cho biết là mức Cholesterol là tuyệt vời thì mới là lạ!

Phụ chú:
A. WebMD -- Cholesterol 101 slideshow
B. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài