Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Cholesterol 101 và vài hiểu lầm -- Phần I.

Thân chào các Bê 60*,

Trước hết xin các Bê ghi nhận nơi đây là Đệ chỉ viết với mục đích kích thích sự tò mò của quý vị. Đúng hay sai, kiến thức này có thể dùng được hay không, hoàn toàn là trách nhiệm của người đọc. Xin các Bê bàn thảo với bác sĩ của mình trước khi dùng bất cứ tin tức, tài liệu, hoặc những bài như thế này. Chúng ta vẫn thường nghe câu "ranh" ngôn: "Đọc sách mà tin sách thì thà là đừng đọc còn hơn". Câu này không phải bảo chúng ta đừng đọc sách. Chỉ khuyên là nên đọc rồi tham khảo thêm từ nhiều nguồn khác rồi tự mình đi đến kết luận; chứ đừng cả tin vào một nguồn, đặc biệt là thời buổi Internet, ai muốn viết gì thì viết!

Bài này xin đề cập đến những căn bản y khoa về Cholesterol và một vài điều hiểu chưa rõ mà chúng ta hay mắc phải. Tài liệu chính lấy ra từ trang mạng WebMD về  WebMD -- Cholesterol 101 slideshow. Quý vị vào đây đọc thì đầy đủ chính xác và có hình minh họa nữa. Chỉ cái là nó bằng tiếng Mỹ nên có khi phải nhờ con cháu nó đọc dùm. Đệ (diễn) dịch là đại khái cho thuận câu thuận chữ chứ không bảo đảm độ chính xác cũng như trình độ văn chương (dạ, em xưa kia học ban B).
Dạ, dạ, Đệ xin vào đề...
1. Cholesterol là gì?
Chúng ta thường liên hệ Cholesterol với thực phẩm nhiều dầu mỡ (fatty foods), nhưng phần lớn chất "sáp" (waxy substance) này là do chính cơ thể chúng ta tạo ra. Gan của chúng ta tạo ra khoảng 75% (ba phần tư) tổng số Cholesterol lưu thông trong máu. Một phần tư còn lại là từ thức ăn. Ở mức độ bình thường thì Cholesterol đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giúp tế bào hoạt động bình thường. Lời bàn tại chỗ: "Câu này có nghĩa là không có Cholesterol thì tế bào sẽ không sống được; có nghĩa là con người sẽ... từ chết tới bị thương!". Tuy nhiên các mức Cholesterol, ở hơn một trăm triệu người Mỹ, bị cho là cao (khoảng một phần ba dân số Hoa Kỳ). Khi mức Cholesterol cao (nhất là loại xấu) thì tác hại cho sức khỏe.
2. Triệu chứng Cholesterol cao.
Cholesterol cao thì không lộ ra một triệu chứng nào, mới chết chứ! Không biểu hiện bằng triệu chứng nhưng tác hại thì tai hại bên trong cơ thể. Theo thời gian, quá nhiều Cholesterol (trong máu) sẽ dẫn đến tình trạng đóng chốt các động mạch (buildup of plaque inside the arteries) và tình trạng này có tên là atherosclerosis. Mạch máu bị hẹp lại (như ống nước bị tắc nghẽn) thì không sớm thì muộn sẽ dẫn đến đột trụy tim hoặc tai biến mạch máu não (heart attack or stroke). Điểm tốt là phát hiện mức Cholesterol cao tương đối đơn giản và mang mức Cholesterol trở lại mức trung bình không quá khó bằng nhiều cách (sẽ nói sau).
3. Thử nghiệm Cholesterol
Người trên 20 tuổi cần thử cholesterol ít nhất một lần trong vòng bốn đến sáu năm. Thử nghiệm bằng khám máu để biết về "hồ sơ/hiện trạng" béo-đạm khi nhịn ăn từ 9 tới 12 tiếng trước (fasting lipoprotein profile) khi lấy máu thử. Kết quả thử nghiệm này sẽ cho các mức độ của Cholesterol xấu (LDL), Cholesterol tốt (HDL) và triglycerides.
4. Cholesterol xấu
Đa số Cholesterol được chuyên chở trong máu bởi chất béo-đạm (lipoprotein) mật độ thấp (low density lipoproteins hay viết tắt là LDL). Thằng Lờ Đờ Lờ này xấu vì nó kết hợp với những vật thể khác trong máu mà vón cục lại rồi làm nghẹt mạch máu (động mạch). Chế độ ăn uống có nhiều mỡ bão hòa (saturated fat) hay mỡ chuyển (trans fat; dầu mỡ trong động vật chứa một ít trans fat và công nghệ thực phẩm chế biến trans fat bằng cách "đưa" thêm khí hydrogen vào dầu thực vật) có khuynh hướng làm tăng số lượng Lờ Đờ Lờ Cholesterol trong máu. Với đa số chúng ta thì mức độ LDL dưới 100 thì rất tốt, nhưng với người có bệnh tim thì mức độ này còn phải thấp hơn.
5. 'Good' Cholesterol
Khoảng một phần ba Cholesterol được chuyên chở bởi chất béo-đạm (lipoprotein) mật độ cao (high density lipoproteins hay viết tắt là HDL). Ông Hờ Lờ Đờ này tốt vì ỗng giúp lấy đi Cholesterol xấu khỏi hệ thống máu nên làm giảm độ đóng chốt trong mạch máu. Hờ Lờ Đờ càng cao càng tốt. Người với mức Hờ Lờ Đờ thấp dễ bị bịnh tim (hơn người có mức Hờ Lờ Đờ cao). Quan trọng là ăn chất béo tốt như dầu ô liu lại (có thể) làm tăng mức Cholesterol tốt.
6. Triglycerides
Cơ thể chúng ta biến đổi số ca lô ri, đường, và cồn (alcohol, nói chung là chất rượu) thặng dư thành triglycerides, một loại chất béo trong máu và được chứa trong tế bào béo (fat cells) khắp cơ thể. Người béo phì, ít hoạt động, hút thuốc hoặc nghiện rượu thường có mức triglycerides cao. Và người có chế độ dinh dưỡng với lượng đường/tinh bột cao (high-carb diet) cũng thường có mức triglycerides cao. Mức triglycerides 150 hoặc cao hơn sẽ tạo nguy cơ rối loạn hội chứng chuyển hóa (risk for metabolic syndrome), và hội chứng này thể hiện ở người có bệnh tim và tiểu đường. Tiểu đường là một bệnh chứng rất nguy hiểm với người già (đang nói về Bê, đó). Nhưng xin nói về tiểu đường trong một dịp khác.
7. Total Cholesterol
Tổng số Cholesterol (total cholesterol) là tổng số của LDL, HDL (đã nói ở trên) và  VLDL (very low density lipoprotein, béo-đạm mật độ rất thấp) trong máu chúng ta. Vờ Lờ Đờ Lờ này là bước đầu của sự hình thành Lờ Đờ Lờ (thằng xấu, đó). Tổng số Cholesterol dưới 200 được coi là mạnh khỏe trong đa số trường hợp vì người có tổng số Cholesterol cao hơn 200 dễ có khuynh hướng phát triển bệnh tim mạch hơn người có chỉ số thấp hơn 200. [Lời bàn Mao Tôn Cương: Tổng số là gồm cả thằng xấu (Lờ Đờ Lờ) lẫn ông tốt (Hờ Lờ Đờ) nên con số này đứng một mình không có giá trị quyết đoán được. Nên phải coi thêm tỷ lệ Cholesterol ratio dưới đây.]
8. Cholesterol Ratio
Để tính tỷ số Cholesterol thì cứ chia số HDL trên tổng số Cholesterol. Thí dụ tổng số là 200 và Hờ Lờ Đờ là 50 thì tỷ số là 200:50 hay là 4:1. Bác sĩ khuyến khích chúng ta giữ tỷ số này 4:1 hoặc thấp hơn. Tỉ dụ như 3.6:1 (tổng số 200 nhưng Hờ Lờ Đờ là 56 thay vì 50). Tỉ số này hữu dùng để tiên đoán mức độ nguy hiểm nhưng các bác sĩ lại căn cứ vào số 5, 6 và 7 ở trên để định liệu cách chữa trị.

Các Bê ơi! Nói về Cholesterol thì không phải một bài là đủ! (Kim Dung đâu có đăng trọn bộ Cô Gái Đồ Long trong một bài báo đâu!). Còn nhiều điều cần biết về Cholesterol, tỉ dụ như gân bò có Cholesterol không, nhưng xin hẹn lại cho những tuần sau. Tuần tới xin chuyển đề tài qua "Tản mạn về điện thư (email)" trước khi trở lại Cholesterol...

Chú thích:
Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê nào đi khám bác sĩ và được cho biết là các mức chỉ số Cholesterol đều tuyệt vời thì mới là lạ!

Phụ chú:
A. WebMD -- Cholesterol 101 slideshow .
B. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Alzheimer's -- Hội Chứng Lãng Trí phần I -- 10 Triệu Chứng

Thân chào các Bê 60*,

Trước hết xin các Bê ghi nhận nơi đây là Đệ chỉ viết với mục đích kích thích sự tò mò của quý vị. Đúng hay sai, kiến thức này có thể dùng được hay không, hoàn toàn là trách nhiệm của người đọc. Xin các Bê bàn thảo với bác sĩ của mình trước khi dùng bất cứ tin tức, tài liệu, hoặc những bài như thế này. Chúng ta vẫn thường nghe câu "ranh" ngôn: "Đọc sách mà tin sách thì thà là đừng đọc còn hơn". Câu này không phải bảo chúng ta đừng đọc sách. Chỉ khuyên là nên đọc rồi tham khảo thêm từ nhiều nguồn khác rồi tự mình đi đến kết luận; chứ đừng cả tin vào một nguồn, đặc biệt là thời buổi Internet, ai muốn viết gì thì viết!
Bài này xin đề cập đến những căn bản y khoa về Alzheimer's, bệnh lãng trí và một vài điều hiểu chưa rõ mà chúng ta hay mắc phải. Tài liệu chính lấy ra từ trang mạng Alz.org về  10 dấu hiệu của căn bệnh này. Quý vị vào đây đọc thì đầy đủ chính xác và có hình minh họa nữa. Chỉ cái là nó bằng tiếng Mỹ nên có khi phải nhờ con cháu nó đọc dùm. Đệ (diễn) dịch là đại khái cho thuận câu thuận chữ chứ không bảo đảm độ chính xác cũng như trình độ văn chương (dạ, em xưa kia học ban B).

Dạ, dạ, Đệ xin vào đề... 
Mười triệu chứng cảnh báo bệnh lãng trí Alzheimers's: 
  1. Không nhớ những tin tức vừa được biết (forgetting recently learned information). Ngoài ra, quên những ngày và sự kiện quan trọng; hay hỏi đi hỏi lại, được câu trả lời rồi chốc sau lại hỏi nữa; càng ngày càng phải dựa vào trợ cụ như ghi ra giấy hoặc thiết bị điện tử hoặc dựa vào người thân nhắc nhở những vấn đề mà xưa kia mình tự mình nhớ, không cần phải nhắc.
  2. Khó khăn trong việc định đoạt và giải quyết vấn đề. Một số người gặp khó khăn trong việc hoạch định chương trình, hoặc khả năng thực hiện chương trình đã định, hoặc khó khăn với các con số. Những người này không còn khả năng làm theo một phương thức nấu ăn quen thuộc (familiar recipe) hoặc không còn khả năng thanh toán hóa đơn hàng tháng (monthly bills) như trước. Nếu còn làm được thì cũng mất nhiều thời gian hơn trước đây.
  3. Khó khăn trong việc thực thi những chuyện hàng ngày (familiar tasks) ở nhà, ở sở hoặc lúc đi chơi. Người có hội chứng Alzheimer's thường gặp khó khăn để hoàn tất những việc thường ngày. Đôi khi không lái xe đến chỗ quen thuộc được (mà xưa kia mình thấy là... chuyện nhỏ.) Có thể không còn nhớ luật chơi của môn thể thao mà minh ưa thích trước đây.
  4. Mất ý thức về thời gian. Không nhớ được ngày giờ hoặc khoảng thời gian mình đang trải nghiệm. Họ có vấn đề trong nhận thức nếu sự kiện không xảy ra ngay trước mắt. Nhiều lúc họ không nhớ nổi nơi họ đang đứng và làm sao họ tới nơi này. Không nhớ hôm nay là ngày nào trong tuần; nghĩ mãi mới ra!
  5. Đối với một số người, có vấn đề về thị giác là dấu hiệu của Alzheimer's. Trở ngại trong việc đọc chữ; trở ngại trong việc lượng định khoảng cách, nhận định và phân biệt màu sắc (là những thứ rất cần thiết cho việc lái xe).
  6. Khó khăn với ngôn ngữ và ngôn từ (words in speaking or writing)
Người có hội chứng Alzheimer's gặp khó khăn trong việc theo dõi những cuộc đối thoại hoặc tham gia vào một cuộc đối thoại. Họ có thể "ngưng ngang" giữa câu và không biết làm sao tiếp tục hoặc chỉ biết lập lại những gì đã nói. Họ cảm thấy khó khăn tìm câu tìm chữ khi nói chuyện.
  7. Để đồ đạc sai chỗ và mất khả năng "lần tìm lại những bước" (losing the ability to retrace steps). Người mắc hội chứng này có thể để đồ đạc ở những chỗ "dị thường" (unusual places) rồi vì mất khả năng "lần theo lối cũ" nên sẽ không tìm ra các đồ vật đó. Nhiều khi lại la hoảng lên là có người ăn cắp! Càng ngày chứng tật này càng hay xảy ra thường xuyên hơn.
  8. Mất khả năng phán đoán. Chẳng hạn như khả năng tiêu tiền (dễ bị dụ dỗ mua đồ từ TV telemarketers). Họ ít chú trọng đến việc chăm sóc thân thể và giữ vệ sinh cá nhân (có nhớ đâu mà tắm, chẳng hạn). Nếu bị "chê trách xài xể", từ từ họ sẽ xa lánh mọi người.
  9. Người với Alzheimer's sẽ bắt đầu rời xa những thú vui, những hội hè đình đám và thể thao vì những mất mát khả năng (tham dự) mà họ đang trải nghiệm.
  10. Thay đổi tính tình. Người với hội chứng này có thể trở nên hoang mang, lẫn lộn, nghi ngờ, trầm cảm, sợ hãi và hồi hộp. Họ trở nên dễ giận hờn, cáu bảnh ở sở làm, ở nhà, với bạn bè khi họ cảm thấy bất an (out of their comfort zone).

Tản mạn
Có phải ai mắc phải một hoặc nhiều điều trên đều là bị hội chứng Alzheimer's không? Dạ, không! Nếu mình (hoặc người nhà mình) nhìn thấy những triệu chứng trên thì PHẢI gặp bác sỹ y khoa để tìm hiểu thêm về tình trạng của mình. Bê nên nhớ cho là: "người thân của mình chỉ có thể kể những triệu chứng cho bác sỹ nghe; bác sỹ và những khảo nghiệm mới có thể đoán định là mình có mắc phải hội chứng này hay không."
Xin Nửa Kia hoặc con cháu của Bê đừng in bài này ra đọc rồi quyết đoán là Bê mắc phải ba bốn trong mười điều trên nên chi kết luận là vợ/chồng/cha/mẹ/ông/bà mình mắc bệnh Alzheimer!!! Nói cho đúng thì Alzheimer's là một hội chứng chứ không phải một bệnh. Nhưng vì bài này viết để đọc chơi thôi nên cũng không cần quá khắc khe về ngôn từ chuyên môn.
Chữ "họ" trong bài này được dùng khá nhiều trong bài này để chỉ "người với hội chứng Alzheimer's". Đơn giản là vì Đệ đánh chữ  "người với hội chứng Alzheimer's" mỏi tay quá nên dùng chữ "họ" cho đỡ phải gõ phiếm; chứ hoàn toàn không có hàm ý coi thường "họ".

Kết phần I
Bài này cũng khá dài xin hẹn Bê phần II sẽ nói nhiều hơn về vấn đề làm sao sống với Alzheimer's cùng với những suy nghĩ của Đệ. Hôm nay cũng là cận với ngày Thanksgiving Day--Lễ Tạ Ơn (ở Mỹ; Canada thì tuần trước thì phải là thứ Hai tuần thứ nhì của tháng Mười), xin chúc Bê và gia đình một mùa lễ vui vẻ đầm ấm bên người thân.

Phụ chú:
Mười dấu hiệu cảnh báo hội chứng Alzheimer's

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Sửa soạn về hưu: nếu hãng mình làm có hưu bổng (pension), nên làm gì?

Thân chào các Bê*,
Tình cờ Đệ đọc một bài từ Bloomberg News về những thay đổi tiền hưu bổng của hãng cho nhân viên (cái này không dính dáng gì tới lương hưu trí lãnh từ quỹ của Sở An Sinh Xã Hội (ASXH)). Nếu hãng Bê có cho "pension" thì khi gần đến tuổi hưu cũng là lúc cần phải tìm hiểu để biết cách làm sao lãnh hưu bổng của hãng cách lợi nhất cho cá nhân mình. Xin được nói ở đây là quyết định tối hảo cho cá nhân một người thì không chắc là tốt cho một cá nhân khác nên XIN Bê đọc bài này chỉ để tham khảo. Quyết định thế nào là tùy cá nhân và gia đình Bê. Mỗi người mỗi cảnh mỗi ước nguyện nên sau này xin đừng đổ thừa cho Đệ. Đổ... vừa phải thì được!

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Như nói ở trên tiền "pension" không dính dáng gì tới tiền lương hưu trí từ quỹ của Sở ASXH. Thường thì hãng lớn thì có "cho" pension; nhưng mỗi hãng thì thể lệ và luật lệ có khác nhau. Bài này không đề cập tới hưu bổng của một hãng nhất định nào đó, mà chỉ lạm bàn về xu hướng tiết giảm chi phí của hãng và những biện pháp tiết giảm này ảnh hưởng lớn tới số tiền mà Bê có thể mất nếu quyết định không đúng cho trường hợp của mình.
Thời buổi toàn cầu hóa này, hãng nào cũng phải tiết giảm chi phí để có sức cạnh tranh. Hãng nào cũng mong muốn "giảm nguy hiểm, rủi ro" (de-risk) cho trách nhiệm chu toàn hưu bổng dài hạn của hãng. Thí dụ thấy rõ nhất là các hãng sản xuất xe hơi Hoa Kỳ trong năm 2008 tới 2010 đã phải ngửa tay xin tài trợ của chính phủ để sống sót. Gánh nặng về trách nhiệm hưu bỗng cho nhân viên (đã về hưu) làm giá thành sản xuất xe quá cao và không thể cạnh tranh nổi đã là một nguyên nhân lớn trong cuộc khủng hoảng này.

Các hãng đều muốn làm giảm gánh nặng khi phải trả hưu bổng (pension) cho nhân viên đã về hưu. Towers Watson làm một cuộc thăm dò thì gần 6 trên 10 hãng có chương trình hưu bổng đã hoặc sẽ cống hiến nhân viên về hưu một phương cách lãnh tiền hưu của hãng: Lãnh một lần (lump sum) là xong trách nhiệm của hãng. Bởi vì nếu nhân viên không chọn cách này mà chọn cách lãnh mỗi tháng (annuity) cho đến trọn đời thì hãng sẽ phải trả nhiều tiền hơn nếu người về hưu sống lâu hơn tuổi trung bình (cớ sự là vì tiền một lần, lump sum, được tính toán dựa trên tuổi thọ trung bình).
Y khoa ngày càng tân tiến giúp người ta sống lâu hơn; chiến tranh lại không xảy ra trên đất Mỹ; mức an toàn cho con người, chẵng hạn như an toàn giao thông, cũng khá là cao tại Hoa Kỳ; kiến thức về vệ sinh và dưỡng sinh cũng rất dễ thu thập (từ Internet chẳng hạn) nên tuổi thọ trung bình càng ngày càng tăng: tốt cho người nhưng là gánh nặng cho hãng phải trả lương hưu mỗi tháng cho nhân viên đã hưu trí.
Từ 2012 trở đi thì cách tính (hợp pháp) dựa trên lãi xuất trái phiếu của doanh nghiệp (corporate bond yield) thay vì phải dùng lãi xuất công khố phiếu 30 năm (30 year treasury bond) nên tiền lãnh một lần (lump sum) có thể ít đi từ 5% tới 25%, tùy số tuổi của người nhận (theo Prudential Retirement). Giao "trọn gói tiền hưu" một lần cho nhân viên khi người này về hưu là hãng khỏe re, vì hai lý do 1) tiền trọn gói thường là ít hơn là tiền hưu tháng cộng lại (trả hoài trả mãi... cho tới khi người nhận... từ chối vì vắng mặt vĩnh viễn) và 2) hãng không còn lo nếu người nhận lump sum sống dai hay chết sớm.
Tháng Hai vừa rồi the Society of Actuaries vừa công bố bảng "tuổi thọ trung bình" mới; cho thấy tuổi thọ trung bình tăng 10% cho đàn ông và 11% cho quý bà. Có nghĩa là theo xác xuất thì Bê mà sống quá tuổi 65 ngày hôm nay thì có hy vọng sống tới những năm cuối của những năm 80 (into the late 80s) là rất cao.
Dù hãng có cống hiến cách lãnh trọn gói này thì nhân viên vẫn không nhất thiết phải nhận tiền hưu bổng cách này. Cho các Bê có 1) nhiều nguồn tiền khi về hưu, như tiền ASXH cao, có nhiều tiền trong quỹ đầu tư riêng, có "Nửa Kia" giàu có hoặc có khả năng lo cho Bê trọn đời "no matter what" và 2) có khả năng tự quản lý số tiền lump sum mình lãnh ra, chẳng hạn như tự mình biết đầu tư số tiền đó và sống trên tiền lời có được từ lump sum mình đầu tư. Hoặc có người cố vấn... trên cả giỏi thì nên lãnh trọn gói.
Nếu Bê không có các điều kiện trên thì Pension Rights Center , một tổ chức bất vụ lợi, khuyên chúng ta nên lãnh annuity mỗi tháng suốt đời (hoặc những cách như lấy một lần 50% hoặc 75% tổng số còn thì lãnh mỗi tháng (dĩ nhiên là đã lãnh một lần 50 hoặc 75% thì tiền tháng sẽ giảm đi rất nhiều). Thí dụ lãnh annuity mỗi tháng là $900 thì nếu lãnh 50% tiền lump sum ngay từ đầu thì mỗi tháng chỉ được lãnh $450. Con số là Đệ đặt ra để làm thí dụ thôi, nghe quý vị!!! À, tí nữa thì quên không nói là bài này không nói gì đến vấn đề thuế nên quý vị phải nhớ là nếu lãnh một lần thì không tránh được thuế cao trong năm đó, nghe quý vị!!!

Tóm lại thì nếu Bê có thể quản lý và đầu tư giỏi bằng (hoặc hơn) các hãng chuyên về đầu tư hoặc Bê có những nguồn tiền khác mà lỡ có làm tiêu (tùng) tiền pension cũng chẳng ảnh hưởng gì tới đời sống thì lãnh lump sum là tốt vì tiền trong tay chắc ăn hơn tiền chờ mỗi tháng. Hơn nữa nếu biết được sức khỏe của mình cũng là một yếu tố quan trọng để quyết định. Còn không thì lãnh mỗi tháng có lẽ là giải pháp cho phần lớn chúng ta để bảo đảm tuổi già trong sung túc.
Chúc Bê nhiều sức khỏe để lãnh pension dài dài!!!

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê 60 thường nửa muốn lãnh lump sum để thỏa mản những mong muốn trước khi... ra đi nhưng nửa lại sợ lỡ mà Chúa Phật quên gọi mình về mà tiền lump sum đã không cánh mà bay thì...

Phụ chú:
Bloomberg News: Your company just tossed a pension hot potato in your lap-what do you do?
Mưởi điều cần biết về quỹ 401K.
Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài