Hôm nay Đệ xin viết về giao thông tại một nơi ở một thành phố mà Đệ chưa từng đặt chân tới: Hà Nội. Thế thì ông biết gì mà viết? Dạ, Đệ đang viết trong cơn mê sảng nên viết gì mà chẳng được!!!
Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Số là tình cờ coi được một cái video trong Youtube (1) mà một tuần nay Đệ cứ coi đi coi lại mà không biết chán. Cảm xúc dâng trào trong niềm thán phục lẫn thích thú nên Đệ phải trình với các Bê để thử xem Bê có cùng tâm trạng như Đệ không.
Cái video này chỉ chiếu 34 giây đồng hồ (giây chứ không phải phút) trên một con đường ở Hà Nội mà sao có quá nhiều ý nghĩa!
- Từ giây thứ nhất (1s) tới 13s Bê sẽ thấy con đường với một ngả ba (bên trái) với một người đi xe máy muốn nhập vào con đường (chạy dọc theo màn hình từ trên xuống dưới). Trên lòng đường (road bed) thì từ trái sang phải: một chiều xuống, một chiều lên, thêm một chiều xuống. Bên lề đường bên phải thì có vài người đi bộ. Tất cả người chạy xe và người đi bộ đều có vẻ bình thản thư giãn.
- Giây 14s từ góc phải ở dưới xuất hiện hai chiếc xe (gắn) máy đi lên (tạo thêm một chiều mới trên lòng đường).
- Giây 17s, một thiếu nữ đang đi bộ bên lề phải, bắt đầu băng qua đường (không thấy nàng nhìn xe cộ trên đường khi đặt chân xuống lòng đường). Sau đó cứ bình thản băng qua đường mà không chú ý gì tới xe chạy lên chạy xuống trên con đường. Mọi xe lưu thông cũng không thấy giấu hiệu bực bội nào với người đang băng qua đường. Sự hài hòa giữa xe và người thật đáng thán phục!
- Từ giây 26s, góc phải dưới xuất hiện vài chiếc xe máy đi lên và góc phải trên cũng xuất hiện một chiếc xe ô tô đi xuống! Bê đừng có lo, đổ mồ hôi hột, nghe! Bởi sau đó trước khi các xe máy đối đầu với chiếc xe ô tô thì những người lái xe máy đã "lạng" vào giữa lòng đường (nhập vào dòng xe đi lên).
Phiếm
Đệ cho là Hà Nội đã vượt quá xa các nước tiên tiến vì các lý luận sau đây:- Chạy như vậy là xử dụng lòng đường 100% mọi lúc. Trong khi ở các nơi khác thường thì đường chỉ được xử dụng khoảng 50% (chiều nhiều xe, đang lúc tan sở (tan tầm), thì không đủ chỗ chạy mà chiều ngược lại thường bỏ trống). Cứ quan sát lưu thông ở các nơi khác như California, Hoa Kỳ thì biết sự vô lý, của việc có đường mà không được chạy, như thế nào. Nhiều nơi tại Hoa Kỳ đã thấy nhiều đường thay đổi hướng chạy của từng làn trên đường bằng đèn hiệu giăng trên không ở trên mỗi làn xe chạy. Nói chung là muốn đổi chiều của làn xe chạy như vậy sẽ tốn kém rất nhiều để thiết kế hệ thống đèn (cả ngàn, ngàn đèn cho mỗi làn xe). Nếu con đường thật dài thì sự tốn kém càng nhiều mà hơn nữa sự thay đổi chiều chạy cho mỗi làn xe như vậy rất phức tạp và làm người lái xe rất bối rối hoảng loạn. Hà Nội không mắc phải sự phức tạp này vì người lái không phải dòm chừng đèn chỉ dẫn mà người lái chỉ cần lái xe với cái đầu tỉnh táo của mính thì chạy mấy chiều mấy làn cũng không sao.
- Sự đổi chiều linh hoạt (dynamically changing lane's direction), như trong video, khiến người lái xe phải rất chú tâm trong việc lái xe (actively navigating). Đây cũng là lợi điểm ưu việt của Hà Nội vì ở các nơi khác quá nhiều luật lệ giao thông tạo nên một cảm giác an toàn giả tạo làm người lái trở thành thụ động (passively navigating) và tai nạn thường xảy ra khi người lái lơ đãng thụ động.
- Người đi bộ có thể băng ngang đường ở bất cứ nơi nào mà không bị phạt về tội băng ngang đường trái phép (jaywalking across the street). Điều này hoàn toàn hợp lý vì jaywalking được đặt ra ở các nơi khác vì người lái xe thường không đủ kinh nghiệm để tránh bộ hành và vì thế mà gây nên tai nạn. Người Hà Nội có thừa kinh nghiệm và bản lĩnh để tránh bộ hành và không gây tai nạn; thì tại sao phải cấm băng ngang đường ở nơi mình muốn, phải không? Đang ở giữa khu phố, muốn qua bên kia đường cũng ở chỗ giữa khu phố mà phải đi một cái chữ "U" ra đầu đường, qua đường ở ngả tư, rồi đi ngược lại tới nơi mình muốn thì thật là... dở hơi! Chính người sống tại Mỹ cũng thấy sự dở hơi của luật cấm băng ngang đường nên cảnh sát vẫn còn phạt được là đủ hiểu sự bất hợp lý của các luật lệ dở hơi này.
- Mấy hôm nay cận Tết ta nên chính Cảnh Sát Giao Thông ở Hà Nội (qua báo mạng) cũng xác nhận là họ cho phép lưu thông nhiều hơn hai chiều trên những con đường hai chiều để giảm "ùn tắc". Tin này là tin thật nhưng Đệ không trích dẫn nguồn thông tin vì không muốn quảng cáo cho nhà báo. Bê nào muốn kiểm chứng thì xin tự tìm qua Mít tờ Gúc Gồ.
Tuần tới xin hầu các Bê một bài về kế hoạch xe không người lái của ông Gúc Gồ (Google's Driverless Car Project).Một công trình nghiên cứu rất tốn kém mà các hãng xe Mỹ, Nhật, và Âu châu đang theo đuổi để có thể sản xuất xe tự lái vào năm 2020 (khoảng 5 năm nữa). Không biết sao kỹ sư Mỹ không qua Hà Nội để quan sát và nghiên cứu xem làm sao mà người Hà Nội vẫn vượt trội hơn bất cứ hệ thống điện toán và LIDAR ra đa mà Google phải trang bị cho xe tự lái.
Cuối tuần này là Valentine's Day, xin chúc Bê và gia quyến một cuối tuần tràn đầy hạnh phúc.
Thân,
Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê nào mà sợ xe cộ thì đừng chạy; mà chạy thì đừng sợ!
Phụ chú:
1. Video Only in Hà Nội
2. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài