Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

Blog Gì? What to Blog about?

Thân chào các Bê (*),
Xin Bê đọc qua Tại sao lại phải blog? Why Blog? trước khi đọc tiếp bài này. Một lần nữa, xin nói trước là Đệ chỉ viết lăng nhăng cho đầu óc (tiếp tục) làm việc, thôi. 
Thật sự ra thì sau khi Bê thấy là mình muốn blog rồi thì Bê đã biết là mình muốn blog về cái gì, chuyện gì rồi, đúng không?

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Blog gì coi vậy mà là câu hỏi rất quan trọng cho Bê nào mới bắt đầu blogging. Bê nên chọn hướng cho những chủ đề của mình. Định hướng, cho chính mình, là mình sẽ blog về chuyện gì, cái gì. Chính trị, tôn giáo, nghệ thuật, xã hội, thể thao, khoa học kỹ thuật, lời hay ý đẹp, du lịch, cách xử thế, mẹo vặt, gia đình, ăn/chơi,  tâm tình/tâm sự, hay là tất cả mọi chuyện? 

Tại sao phải định hướng?

Lý do là vì Bê phải tạo ra một cái thương hiệu (brand name) cho tên tuổi của mình. Thí dụ như Đệ chọn viết lăng nhăng, trên trời dưới biển, thượng vàng hạ cám là Đệ muốn tạo cái brand name là khi người đọc thấy bài blog mới của mình thì người đọc đã quyết định là họ sẽ đọc hay không. Điều này không nói lên là Bê viết hay hay dở mà chỉ là mình muốn (tu) chỉnh (fine tuning) cái thị trường (market) mà mình muốn nhắm tới như là một cách lựa chọn người đọc.

Thể loại nào?

Tùy Bê, thôi! Đệ đề nghị là chọn một hoặc hai thể loại trước và tập trung viết về các thể loại mình chọn. Rồi sau đó mới chọn thêm thể loại (nếu còn sức). Viết về chính trị và tôn giáo là khó nhất vì nhiều lý do; trong đó có lý do là thật khó lấy được sự đồng thuận từ người đọc và thế nào cũng gây tranh cãi. Bê nào không sợ tranh luận thì cứ chọn chính trị và tôn giáo. Đệ thì muốn tạo cái nhãn là người viết lăng nhăng, người nhiều chuyện nhưng không tranh chấp nên Đệ tránh chính trị và tôn giáo.

Cách chọn đề tài

Khi đã chọn thể loại rồi thì thường là mình sẽ "thấy" đề tài trong lúc thức (và đôi khi trong lúc mơ màng). Đề tài đến dễ dàng theo thói quen tốt: quan sát thường xuyên chung quanh mình, nghe và đọc các vấn đề trong thể loại mà mình đã chọn. Thấy, nghe, trải nghiệm và học hỏi không ngừng nghỉ trong sinh hoạt (và cả khi làm việc) sẽ giúp Bê tìm ra đề tài. Khi chớm có ý về đề tài rồi thì VIẾT NGAY bài blog với chỉ vài chữ của đề tài (đương nhiên là chưa "publish" được vì bài blog chỉ có mỗi cái tên tạm). Nếu lúc đó không gần computer thì viết hoặc nói vào cái điện thoại hoặc nháp ra giấy. Đệ thì vào thẳng trang blog và tạo trang mới bằng phone; để lưu đó.

Blog như thế nào?

Bê lại hỏi khó, rồi! Đã blog thì đừng sợ người ta chê, người ta cười. Viết thế nào cũng được hết! Bê sẽ tiến bộ theo thời gian; điều này thì Đệ bảo đảm. Làm Sao Blog Cho Hay? Bê viết ra là Bê đã cho là hay thì Bê mới viết, đúng không? Giai đoạn viết blog thì cũng như khi viết văn thời Trung Học; "văn ôn võ luyện" là câu nói mà mọi người đã nghe. Hãy viết đi đã còn người đọc có thấy hay hay không thì là chuyện của họ. Bê phải thấy là chính mình khi đọc văn người khác mình đọc với tâm tư , hoàn cảnh, ước mơ của chính mình. Mình cảm nhận bài viết trong tâm thái của riêng mình (mà tác giả không can thiệp được). Thế thì khi người khác đọc blog của Bê thì họ cũng đọc trong tâm thái của riêng họ; họ sẽ thấy hay hay dở theo ý họ mà  Bê không can thiệp được. "Tu t'en fou, eh?"

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Nói hoài mà lũ trẻ không nghe! Thậm chí con cháu còn thầm nghĩ (đôi khi phát biểu công khai) là "bây giờ "cụ" già rồi, cụ nói nhiều quá!" Thôi thì blog là khỏe hơn vì Bê có thể "tưởng tượng" là rất nhiều người "khoái" đọc những gì Bê blog!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài 

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

Trận Bóng Năm Ấy - Cập Nhật I

Thân chào các Bê (*),
Chiều nay có việc nên Đệ xin nghỉ buổi chiều và nhân tiện... xem hai trận đấu Euro 2016. Một trận giữa Anh và Slovakia thì khá chán vì Anh đá như... cơm nguội (mà không có tóp mỡ) mà cả trận không một bàn thắng! Một trận thì Nga và xứ Walls: trận này kể cũng không có gì để mà bàn vì những hy vọng của các "thầy bàn" đã tiêu tan khi Nga để lọt lưới ba lần trong khi không mở một tỷ số nào suốt trận. Nga chia tay Euro 2016, về nước thôi.

Cập nhật I: Viết xong bài này được 2 ngày thì RFI có một bài báo: Bóng đá và chính trị : Những trận đấu kịch tính trong lịch sử. Bài này khá hay nhưng không đề cập tới trận bóng mà Đệ kể dưới đây.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Hai trận đều không có gì đáng nói thì bài này viết... cái gì đây? Cái đáng nói là Đệ coi trận năm nay mà nghĩ đến trận bóng năm xưa.

1952

Thế Vận Hội Hè năm 1952. Khi Stalin gởi đội tuyển Sô Viết đến Helsinki thì kỳ vọng của Liên Bang Sô Viết là để chứng minh sự ưu việt của chủ nghĩa Cộng Sản. Ở vòng hai, Sô Viết đụng phải đàn em "bướng bò" Nam Tư (Yugoslavia) nên chiến thắng này lại càng quan trọng với Stalin (sau khi Stalin và khối Cộng Sản (Cominform) tống cổ Nam Tư ra khỏi khối (1949). Thời đó Tito và nước Nam Tư tách ra và theo chủ nghĩa Cộng Sản Quốc Gia (National Communist). Chiến thắng trên sân bóng Olympics tại Helsinki sẽ là một minh chứng hùng hồn cho Stalin rao bán chủ nghĩa Cộng Sản Sô Viết ưu việt trên toàn thế giới.

Chiến Sự

Sô Viết thua Nam Tư 1-5.
Gỡ thêm một trái: 2-5.
Mười bốn phút sau cùng, Sô Viết gỡ thêm... ba trái (ba trái trong vòng 14 phút). Tài liệu Đệ đọc khi còn trẻ nói là cầu thủ Sô Viết phải chạy vào lưới Nam Tư để nhặt bóng, mang lại giữa sân, khởi động đá tiếp,  để không mất giây phút nào sau mỗi lần làm bàn.
Chấn động thế giới, thật. Không vì tính ưu việt của xã hội Sô Viết mà vì sự bình tĩnh và quyết tâm của các cầu thủ. Trận này hòa 5-5.
Hai ngày sau, khi tái đấu: Nam Tư thắng 3-1. Bình luận gia phe Tự Do cho là đội Sô Viết không hồi phục kịp, sau những cố gắng vượt bực hai ngày trước.

Điện Cẩm Linh (Kremlin), có nghĩa là Stalin, tắt tiếng báo chí khối Cộng Sản về thất bại này. Đội banh mạnh nhất Liên Bang Sô Việt (Central Army team) bị giải thể; nhiều cầu thủ bị tước chức hiệu như "Honoured Master of Sport" hay "Master of Sport".

Phiếm 

Thắng thì đó là sự ưu việt của xã hội. Thua thì tại... cá nhân!


Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:

(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê thì chắc là không ra sân được rồi. Nhưng bàn loạn thì... khỏi phải nói, khỏi phải nhắc!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. The Politics and Culture of Modern Sports page 136.
C. Olympic Football Tournament Helsinki 1952

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

Nồng ấm Sydney



                                                    Tặng Bùi đình Vinh-Thu Anh

Dẫn,

Thời tiết tháng 10 năm  ngoái  ở Sydney thật ấm lúc chúng tôi bước chân ra khỏi máy bay. Không có hành lang riêng cho hành-khách từ máy bay vào phi-trường, mà phải đi bộ. Cái nóng bắt đầu ngấm vào cơ thể từ đôi chân đã mỏi rừ sau hơn 15 tiếng trong khoang economy của UA. Thời gian chờ làm thủ tục nhập cảnh và nhận hành lý cũng khiến chúng tôi khổ sở hơn. Già rồi còn gì !

Vinh đến đón chúng tôi như đã hẹn trước. Vẫn cái dáng bình dị như hồi còn đi học, nhưng có lẽ Vinh mập hơn ngày xưa. Nhưng vẫn là Vinh Xì-trum.
Cũng mất non 1 tiếng lái xe từ phi trường đến khách sạn ở ngay trung tâm Sydney. Việc lái xe bên trái trông thật lạ mắt ! Đường phố thật đông đúc nhưng rất trật tự.
Mọi việc đã được vợ chồng Vinh chuẩn bị thật chu đáo. Từ chỗ ở cho đến chương trình đi chơi. Không phải chỉ một hai ngày, mà là cả tuần lễ...

Nhập,

Tôi với ông 

    cũng chỉ
        quen biết nhau

            qua mấy năm 
                mài đũng quần
                    trên ghế nhà trường dạo nọ.

Thân thiết gì chăng, cũng chỉ có chút tình !



Lúc tan hàng, mạnh ai nấy tính.em 

Chẳng thấy đoái hoài chi ai tỉnh, ai mê ?

Thi thoảng gặp nhau, chỉ tính chuyện đi, về.

Có mấy lúc hỏi thăm đến đứa này, đứa nọ!

Cũng chẳng biết những ai còn, ai mất đó ?

Chuyện áo cơm choán hết cả ngày giờ.....



Ừ Vinh nhỉ,

    tụi mình không gặp nhau nghe cũng bộn.

Hơn ba mươi năm chứ ít ỏi gì sao !

Qua i-meo cũng dễ nói chuyện tầm-phào.

Vẫn không mường tượng cái ngày gặp lại.



Cái nắng Sydney,

    những ngày tháng mười năm nay lạ thật !

Không oi-nồng, không âm-ỉ, khô-khan.

Không hầm-hực;  nhưng ấm-áp nồng-nàn.

Và hơn cả: mối ân-tình chân-chất!

Vinh - Thu Anh, chúng tôi thú thật,

Sydney năm nầy ấm lạ-thường!

 

Kết,

Vợ chồng Vinh-Thu Anh dọn bữa cơm tối thật ấm-cúng ở nhà. Thức ăn ngon, nhưng mọi người ai cũng muốn ăn thật chậm, vừa để thưởng thức , cũng vừa muốn kéo dài những giây phút ngắn ngủi ngồi với nhau.  
Gợi nhớ lại với nhau những kỷ niệm toàn-bích hồi còn đi học chung. Kể cho nhau nghe những ngày tháng bôn-ba chuyện áo-cơm. Và cả những hạnh-phúc bất-tuyệt của cái mái-ấm mình đang vun-sới cũng được chia-sẻ.....
Và lúc đứng dậy tiễn biệt nhau,  hình như trong khóe mặt của mọi người,  có một chút gì đó lóng lánh như chực trào ra.....

Cảm ơn Vinh-Thu Anh! Cảm ơn Sydney!

Khánh Thăng
Tháng 6, 2016



Xin Tiền...Cho Tiền

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay tình cờ đọc một bài tham luận về Từ Thiện và Tầm Nhìn của TS Nguyễn Phương Mai (phụ chú B) mà Đệ muốn viết lăng nhăng về một đề tài (hoàn toàn khác) xảy ra ở xứ sở Hoa Kỳ trong hiện tại. Hiện tượng này cũng có thể cho là phổ biến tại nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn tại Hoa Kỳ.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Du khách Việt đến Little Saigon tại quận Cam thì có thể là khá choáng (shocked) với sự xỗ xàng của người xin tiền đứng trước các chợ: Thí dụ như: "Đ.M., cho năm đồng, coi!" (1). Bài này xin không nói đến hiện tượng xỗ xàng và phi pháp đó (2).
Panhandling (xin tiền người lạ nơi công cộng) là chuyện mà quý vị nào sống tại Hoa Kỳ thì sẽ thấy nhiều lần nơi công cộng; đặc biệt là các ngả tư giao thông mà xe phải ngừng đèn đỏ. Và tuỳ theo luật lệ của thành phố mà việc panhandling này bị cấm hoặc giới hạn (2). Cấm hay cho phép việc xin tiền người lạ nơi công cộng là đề tài tranh luận thường xuyên tại Mỹ.
Phe muốn cấm thì có cái lý của họ; nhưng đừng quên là phe bênh vực cũng có... cái lý của họ.

Cấm

Đơn giản là phe muốn cấm có những lý luận sau đây:
  • Sao không đi làm tự kiếm tiền mà lại đi ăn xin? Nước Mỹ không thiếu việc (jobs) cho họ làm mà chỉ vì lười muốn ăn bám vào xã hội, hay sao?
  • Panhandling, ăn xin nơi công cộng, làm giảm thẩm mỹ quan của thành phố. Du khách thấy bị phiền nhiễu; và đôi khi cảm thấy sợ hãi.
  • Hiện tượng xin tiền đổ xăng (tại cây xăng) là không chấp nhận được! Lo cho xe có xăng để chạy là trách nhiệm của chủ xe (hoặc người lái). Tại Mỹ, hết xăng trên xa lộ thì bị phạt, là một thí dụ về trách nhiệm này.
  • Panhandling tại đèn giao thông gây thêm nguy hiểm cho cả người xin lẫn người cho. Người lái xe, thấy trời lạnh, mặc quần áo phong phanh, mà người xin cầm cái bảng Đói (Hungry) hoặc Xin Giúp (Need Help) mà không cho thì lòng không an và bất nhẫn. Cho thì tạm thời làm trở ngại giao thông và có thể gây nguy hiểm cho người xin (chạy xuống đường để nhận tiền).
  • Truyền hình/truyền thông làm rất nhiều phóng sự về những người thật sự là lười và muốn lợi dụng lòng thương của tha nhân. Các phóng sự này luôn đề cập tới việc dùng tiền xin được để mua thuốc lá và bia rượu.
  • Thường là người xin tiền độ nhật sẽ không dừng khi kiếm đủ tiền ăn cho ngày đó. Xin tiền rồi để dành cho... ngày mưa (rainy day) là khó chấp nhận với một số người cho.

Cho Phép

  • Ngỏ lời xin giúp đỡ (cho ít tiền) từ một người cần tiền đến một người đồng loại (dù là lạ) là quyền hiến định (First amendment; Tu chính án số 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ). Quyền tự do ngôn luận này bao gồm quyền được cầu xin giúp đỡ.
  • Xin ít tiền để độ nhật (panhandling) hoàn toàn khác với sách nhiễu/hăm dọa để vòi tiền (mugging). 
  • Không phải ai cũng kiếm được việc làm. Đặc biệt là những người mới mất việc. Có tiền độ nhật có thể giúp họ qua cơn túng quẩn và có cơ hội tìm việc làm mới.
  • Cho là tùy "hảo" tâm. Không ai ép buộc người khác phải cho. Đa số panhandlers xin một cách nhỏ nhẹ. Xin Bê xem phụ chú C để biết bài mạng chỉ dẫn cách xin tiền.
  • Panhandlers tại Hoa Kỳ KHÔNG dùng trẻ em/trẻ thơ để kể khổ mà mong đánh động lòng trắc ẩn của tha nhân. Chuyện cố tình gây thương tích cho trẻ em với mục đích xin tiền cũng không thấy có. 
  • Người tàn tật (disabled person) cũng không đi xin tiền nơi công cộng được vì xã hội đã trợ cấp cho người tàn tật.

Giới Hạn

  • Phe này thì... ba phải! Có lòng giúp người nhưng không muốn bị thiệt hại về kinh tế/tài chính: xin đừng đứng trước cửa tiệm/nhà hàng của tôi, xin đừng đứng gần trường học mà tạo gương xấu cho con trẻ, xin đừng... vân vân và vân vân.
  • Có lẽ phe này là thực tế và có lòng nhất. Không chủ trương cấm mà cũng không để luông tuồng.

Bê Phải Làm Sao? 

Đệ có là Thánh đâu mà dám bảo Bê phải làm sao!
Phần cá nhân thì cho hay không cho là tùy Bê. Cho cũng được mà không cho cũng được.
NHƯNG xin đừng dùng lý luận để biện minh (justifying) cho hành động của mình. Xin Bê làm theo cái mình cảm ngay lúc đương cơ (ái chà, dùng từ của Thiền!). Không cho thì đừng áy náy mà cho thì cũng đừng "ghi điểm".


Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.

Thân,

Chú thích:

(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Trên 60 tuổi rồi thì Bê chắc nhận cũng nhiều, mà cho cũng nhiều rồi. Thôi thì cái gì làm mình vui thì làm: cho cũng được mà không cho thì cũng... tốt thôi!
(1) Đây là chính tai Đệ nghe, khoảng hai mươi năm trước tại siêu thị đối diện với khu Phước Lộc Thọ. Đã khá lâu Đệ không về "Cali" nên hy vọng là chuyện này chỉ là chuyện quá khứ! Nếu còn thì chắc không phải là năm đồng mà phải là mười, hai mươi đồng (vì tiền mất giá).
(2) Phi pháp vì có nhiều thành phố cho panhandling nhưng không được đứng gần máy lấy tiền (ATM), gần trường học, gần cơ sở thương mại như chợ. thường là du khách thì không rành luật lệ của thành phố mà mình đến thăm.

Phụ chú:

A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Nguyễn Phương Mai - Từ thiện và tầm nhìn
C. How to Panhandle

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Gỏi Cuốn Ốc... Không Ốc

Thân chào các Bê (*),
Khá lâu rồi mới có dịp "chế" món ăn và đem ra khoe các Bê! Lần trước đã viết về Ô Mai... Không Mơ!
Hôm nay xin được nói về một biến tấu tân kỳ của gỏi cuốn ốc mà không dùng ốc (escargot, snail). Lành mạnh thì đã chắc rồi nhưng xin bảo đảm với Bê là Đệ KHÔNG có ý định hy sinh cái tuyệt ngon của ốc thật bằng ốc giả, đâu nghe!

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

Gỏi cuốn thì chắc là phải có rau sà lách, rau thơm, ít bún luộc và bánh tráng. Nữa là phải có thịt nạc và mộc nhĩ (nấm mèo) xào với hành tây. Cuốn ốc sao lại có thịt? Dạ, tại vì xưa tới nay Đệ ăn cuốn ốc lúc nào cũng thấy "nhân" là nhân thịt (giống như nhân bánh cuốn, ý). Mà nhân thịt trộn nấm mèo xào với hành tây là phải điệu vì nêm nếm là ở các món này chứ ốc thì thường là không mùi (có mùi là ốc có vấn đề rồi) và tương đối lạt. Bê sẽ hỏi: "Vậy tại sao ông thích cuốn (có) ốc?"
Mặc dầu ốc không "góp" mùi vị cho món ăn; nhưng ốc đóng góp một thành phần quan trọng trong cái gỏi cuốn này: đó là cái mà chúng ta gọi là cái kết cấu vật chất (texture) của món ăn. Món ăn ngoài cái mùi, cái vị còn cho chúng ta cái kết cấu mà ta dùng những tĩnh từ rất gợi hình như: "giòn", "dai", "sần sật", "nhão", "bồn bột", "dính dính", "lỏng", "đặc như sữa đặc", vân vân. Ốc cho ta cái cảm quan giòn giòn, sần sật mà lại chất (1). Bê có cách nào tả cái "texture" của ốc (hay hơn cách này) thì xin chỉ cho Đệ, với.
"Thế ông nói là cuốn ốc... không ốc mà!", Bê sẽ vặn... họng, Đệ.
Đúng là không dùng ốc thật (mà cũng không dùng ốc giả, ốc chay, hoặc ốc đông lạnh). Muốn (thay) thế ốc thật thì không phải bằng ốc chay, ốc giả mà phải thay thế ốc bằng một món khác. Được cái là chỉ cần tìm cái gì cho ta cùng cái cảm giác khi nhai ốc trong miệng: giòn, sần sật mà lại chất. Nấm Đông Cô là một thay thế khả dĩ là hợp lý mà lại có công dụng tốt cho tim mạch, hệ miễn nhiễm, vân vân...

Nấm Đông Cô

Còn được gọi là Nấm Hương hoặc trong sách báo Âu Mỹ thì lại dùng tên Nhật của nó: Shiitake (Take=nấm; Shii=cây Shùy ý chỉ là nấm mọc trên cây Shii. Xin đọc là "Shi (i) Ta Kê").
Nấm Đông Cô tươi hay khô đều dùng được để làm món gỏi cuốn này. Nếu là nấm khô thì phải ngâm nước trước. Cảnh báo: Bê nào không ăn được nấm thì xin đừng, nghe! Ăn nấm Đông Cô nhiều có thể có phản ứng phụ cho một số người nhưng nói chung thì Đông Y xem Shiitake như thức ăn có dược tính tốt cho tim mạch, hệ miễn nhiễm, ngay cả phòng ung thư nữa. Tây Y thì vẫn chưa xác nhận công dụng của nấm Đông Cô và thường là Tây Y cho rằng cần có nhiều thử nghiệm/khảo cứu hơn mới có thể đi đến kết luận. Ngoài ra tự trồng hay mua ở đâu, mua từ nước nào thì Bê phải cẩn thận, nghe. Đừng đổ thừa cho Đệ! (Chú thích 2 và Phụ chú B, C, D, và E; xin Bê đọc để tham khảo thêm chứ xin đừng cả tin vào các bài mạng này, nghe!)

Nước Chấm

Nước chấm thì tùy theo Bê ăn gỏi cuốn chay hay mặn. Chay thì dùng nước tương pha chế cho vừa miệng vì có nhiều vị ăn chay trường nhưng lại rất khó tánh! Mặn thì tha hồ, nước mắm pha là hợp với gỏi cuốn.
Đương nhiên là phải tùy theo thói quen của người nấu ăn trong gia đình mà pha nước chấm. Nhưng Đệ xin "thêm" như thế này. Để ăn gỏi cuốn thì nước chấm nên hơi đặc (sền sệt) vì có thể phết lên bề mặt của gỏi cuốn mà không chảy xuống tay, xuống bàn (với người ham ăn như Đệ thì điều này rất "wang" trọng).

Cách Ăn Cuốn

Đệ không dám "dạy" ai mà chỉ xin đề nghị như ri:
  • Xin đừng chấm cả cái cuốn vào chén nước chấm; dù là chén nước chấm là của riêng mình. Vì làm vậy thì các thứ trong cái cuốn có thể rớt vào chén nước chấm, làm chén nước mắm nhìn... mất cảm tình! 
  • Thay vì chấm vào chén thì Bê nên dùng một cái muỗng, múc nước chấm mà phết lên phần cuốn mà mình sẽ cắn.
Chưa thêm bún và chưa cuốn.


Gỏi cuốn ốc.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.

Thân,


Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê mà nhớ tới con hẻm xóm Cù Lao, Tân Định thì chắc là nhớ cuốn ốc đầu ngõ.
(1) Báo chí Việt Nam thường tả một số món ăn, như bánh phở, là giòn giòn mà dai dai! Really? Đã giòn thì cắn là bể ra, thì còn gì mà nói là dai? Dai thì phải cắn không đứt ngay thì mới là dai, chứ phải không? Như vậy một kết cấu vật chất không thể vừa dai vừa giòn (một món ăn có thể có cả thành phần dai và thành phần giòn; nhưng một loại vật chất hoặc một loại thịt cá thì không thể vừa dai vừa giòn!) Chữ "chất" ở đây là xin tạm dịch chữ "substantial".
(2) Đổ vừa đủ (không đổ thừa) là nếu Bê có làm gỏi cuốn ốc thì chụp cái hình gởi vào phần "comment" cho Đệ coi... mà thèm, nghe!

Phụ chú:

A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. The world's Healthiest Foods - Shiitake Mushrooms 
C. Facts and Nutritional health benefits
D. WebMD - Shiitake Mushroom, Sideeffects
E. Đặc điểm và công dụng nấm đông cô


Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

Ú...ù...u...

         Vợ chồng tôi có thói quen là ăn-tối xong là rủ nhau đi-bộ. Thường là đi khoảng 1 tiếng; còn hôm nào lười hoặc đã đi phòng tập ban ngày rồi thì đi ít lại, còn khoảng 30 phút thôi.
          Từ giữa mùa Xuân cho đến đầu Thu, thời tiết tốt thì chỉ cần mặc quần áo nhẹ rồi tha hồ dung-dăng dung-dẻ theo mấy con đường dành cho người đi bộ mà đi. Những con đường này được xây dựng tách biệt hẳn với đường xe hơi, nối liền nhiều khu-phố (community) với nhau. Đường đi bộ cũng quanh co lên- đèo- xuồng- dốc dữ lắm. Mỗi lần lên dốc nhà tôi vẫn lẩm-bẩm "cái này thì bơn(*) (mỡ bụng) dữ lắm đấy"! Có anh bạn,thỉnh thoảng cũng hay đi cùng, đã khám phá ra tác dụng của việc đi bộ. Đó là "biến mỡ đặc thành mỡ lỏng".
          Khi mùa Đông tuyết rơi, hoặc thời tiết lạnh-lẽo thì lái xe đến cái shopping mall bên trong có sưởi ...lúc đó thì tha hồ mà ...đi. Khỏe thì đi 4 vòng, còn không thì có lết cho được 3 vòng. Mỗi vòng mất khoảng 15 phút.
          Có những hôm ăn cơm chiều sớm, cảm thấy...buồn, thi lái xe đến Costco ăn...dessert không phải trả tiền, trước khi đến cái shopping mall. Kiểu quảng cáo sản-phẩm của Costco thì thật là...tuyệt, ai cũng thích cả! Kẹo bánh, trái cây cứ bày ra trên cái khay dọc theo đường đi, ai thích ăn thì ghé lấy. Tôi thì thích ăn fromage, trái cây; còn nhà tôi thì vẫn khoái cái món Salsa ăn với chip. Nhất là mùa Giáng Sinh thì ôi thôi đủ thứ bánh kẹo.
          Chỉ có điều kem đánh răng và bàn chải thì không bao giờ...cho không ! Chỉ béo mấy ông bà Nha sĩ và Bác sĩ về tim-mạch...và Costco. Thường thì thế nào cũng cố lôi về nhà một vài thứ, vì đang đợt bán giảm giá...
          Trước kia, trong lúc đi bộ, 2 vợ chồng hay kể chuyện...ngày xưa hồi mới quen nhau, chuyện hồi còn đi học ở Dược, chuyện học tổ. Nhà tôi bảo sao anh nhớ dai thế ? Rồi những chuyện hồi đi làm ở Chợ Gạo, Mỹ tho. Cả những chuyện hồi buôn bán thuốc tây ở chợ Trời Tân Định. Cũng hay kể cho nhà tôi nghe thời gian làm Receptionist ở Khách sạn Majestic. Với việc làm này tôi đã gặp lại một bạn Dược đi du học Gia nã đại năm 1973...

Còn bây giờ mọi câu chuyện đều xoay quanh đứa cháu nội.

          Thằng cu này được một tuổi hơn rồi. Nó hay làm trò lắm, nhất là cái trò chu miệng lại rồi uuuuu rồi chỉ tay vào cái gì mà nó thích. Nhà tôi đến trông nó trước, tôi thường đến trễ hơn. Đang ngồi chơi trong nhà, nghe tiếng tôi gõ cọc cọc vào cửa kính, thế là ...uuuuu thật to, tay chỉ về phía cửa. Nhà tôi phải bế lại để nó mở cửa. Thấy thật là thương!
          Nhà tôi hay nói đùa "trẻ con nó chu cái mỏ và uuuuu thì thật dễ thương. Người lớn mà làm, thấy thì chỉ muốn tát vào mặt!"

Calgary 4/6/2016
Khánh Thăng

Chú thích:
(*) burn

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Tại sao lại phải blog? Why Blog?

Thân chào các Bê (*),
Tại sao lại phải blog? Muốn blog mà ngại! Làm sao khởi đầu?
Những câu hỏi trên chắc là đến với Bê một đôi khi.
Bài này xin trả lời câu hỏi đầu: "Tại sao lại phải blog?"
Câu trả lời là chẳng tại vì sao cả! Thích thì blog và nếu blog thì có những điều lợi sau đây...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

Định Nghĩa

Blog là một chữ tắt được ghép bởi hai chữ "web" và "log" đặc biệt là dân vi tính lúc đó muốn chơi chữ mà lấy chữ b cuối trong chữ web làm chữ đầu trước nguyên chữ log! Lý do? Chẳng lý do gì ngoài sự lập dị của người đặt ra nó. Vậy blog hay "web  log" là gì? Phụ chú B là bài viết với giải thích về blog như sau: "... it is a log of thoughts and writing posted publicly on the World Wide Web" (blog là những suy nghĩ và hành văn được đăng tải công khai trên mạng lưới toàn cầu). Định nghĩa trên tuy không nói ra nhưng hàm ý là suy nghĩ và chữ nghĩa là từ người dùng mạng, có nghĩa là những cá nhân và hành động đăng tải là hoàn toàn tự nguyện.

Ý Nghĩa

Tại sao lại tự nguyện đăng những suy nghĩ/ý kiến cá nhân của mình cho cả thế giới dòm ngó vào? Sự khác biệt của viết nhật ký (personal diary) với viết blog hiện rõ ở đây: nhật ký rất riêng tư trong khi blog thì rất công khai (mặc dầu có trang blog cho phép mình hạn chế người đọc và quyết định ai sẽ có thể đọc). Tính công khai phát biểu là một quyền căn bản của con người trong những nước tạm gọi là văn minh tiến bộ (còn những nước... trên cả tiến bộ thì Đệ không biết!)

Động Cơ 

Động cơ nào mà con người phát biểu và diễn tả công khai những suy nghĩ và tư duy của mình? Cũng vẫn là những động cơ đằng sau cách ăn mặc và cách hành xử/giao tiếp giữa người với người! Đã là nhân quyền căn bản thì động cơ gì cũng vẫn là được công ước quốc tế công nhận và khẳng định. Xin đừng dùng lý thuyết nhu cầu của David McClelland mà buộc tội người khác là có "nhu cầu quyền lực" vì làm vậy là đọc chưa tới, học chưa hiểu lý thuyết của McClelland về động lực hành xử của con người (1).

Lợi Gì?

Blog thì được gì, lợi gì?
Bê cứ Gúc Gồ (Google) hai chữ "why blog" thì sẽ thấy rất nhiều người viết về đề tài này.
Đệ chỉ đưa ra đây một bài tiêu biểu của trang Becoming Minimalist: 15 Reasons I Think You Should Blog. Trang này đưa ra 15 lý do (hay là 15 cái lợi; chữ Việt là do Đệ diễn nghĩa chứ không phải là dịch từ nguyên văn)
1. You’ll become a better writer. Càng viết, càng hay! 
2. You’ll become a better thinker.  Càng viết, càng nghĩ giỏi!
3. You’ll live a more intentional life. Sống đời ý nghĩa hơn.
4. You’ll develop an eye for meaningful things. Phát triển cách nhìn sắc bén về sự vật, sự thể.
5. It’ll lead to healthier life habits. Tạo thói quen tốt.
6. You’ll meet new people. Quen thêm bạn mới.
7. You’ll make some money. Có thể kiếm được tiền.
8. You’ll inspire others. Có thể động viên, khuyến khích người khác.
9. You’ll become more well-rounded in your mindset. Tự hoàn thiện lối tư duy của mình.
10. It’s free. Blog không tốn kém gì.
11. You’ll become more comfortable being known. Không như xưa, nay thì Bê thoải mái hơn khi được người khác biết đến.
12. It’ll serve as a personal journal. Blog là cách viết nhật ký thời @.
13. You’ll become more confident. Tự tin hơn.
14. You’ll find a platform to recommend. Tạo cho chính mình khả năng giới thiệu điều hay, ý lạ, vật ngon cho người khác.
15. It’s quite a rush with every positive comment. Được khen, được công nhận là rất thích, là sướng như tiên.

Hại Gì?

Có khi nhận những lời chê, lời công kích. Bê nên tâm niệm là "không chê mới là lạ!"


Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.

Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Đến tuổi này mà Bê chưa nói được ý mình thì chờ đến bao giờ đây?!

(1) Gần đây, bên kia biển, chuyện cáo buộc người dùng phây (Facebook) chia sẽ chuyện động vật máu lạnh chán sống trên Facebook là do những người này "có nhu cầu quyền lực". Ông TS đem McClelland ra làm dẫn chứng. Thật là học chưa tới thì rất nguy hiểm cho xã hội. Dùng lý thuyết này cáo buộc người khác, trong xã hội dân chủ tập trung, là "có nhu cầu quyền lực" là quá ác. Bê nào không đồng ý với Đệ thì xin đọc một bài về McClelland's Human Motivation Theory (hai đoạn về cách hiểu và cách áp dụng).

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Why I Blog 

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

Tứ Kiếm Hợp Bích - A Perfect Storm

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay Đệ lại xin nói về một bài nhạc mà Đệ chỉ mới biết gần đây khi lang thang trong mạng Internet. Càng nghe càng như bị lôi cuốn vào bài nhạc này và càng muốn biết thêm về "câu chuyện tình" trong bài nhạc này. Lời nhạc rõ ràng là lời bài thơ. Trước kia Đệ chỉ biết tác giả là nhà báo và là một cựu quân nhân niềm Nam; giờ mới nhớ ra là tác giả còn là văn sỹ, thi sỹ và nhạc sỹ...
Xin cũng nói trước là những gì viết dưới đây chỉ là những cảm nhận của một cá nhân; mà hơn nữa lại là một cá nhân hay viết lăng nhăng....

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Bản nhạc này có lẽ là sẽ không "hớp hồn" được Đệ nếu không có bốn cái lực cùng đánh tới tai, tới mắt, và quan trọng hơn cả là "tứ lực" này đánh thẳng vào trái tim của Đệ. Mình cứ tưởng là mình đã quá cái tuổi để thương vay, khóc mướn khi nghe một bài nhạcl!
Nhạc hay thi nhiều mà cũng đã nghe nhiều rồi. Thế sao Đệ lại rúng động và thổn thức trong tim? Đó là tại sức cộng hưởng (resonnance) của bốn thứ cùng xảy ra một lúc cho người nghe (đặc biệt là con dân niềm Nam Việt Nam đã sống qua thời chưa mở cửa): lời hay (như thơ), nhạc hòa âm phối khí hay, người hát hay, và video hình ảnh rất đẹp. Cái này đúng là như một perfect storm khi mọi chuyện xảy ra cùng lúc làm hiệu ứng tăng vượt quá tổng số của bốn thứ cộng lại. Trái tim mong manh dưới sức ép của bốn nguồn rung cảm...

Tứ Kiếm Hợp Bích

  1. Tác giả - Hà Thúc Sinh. Nói đến Hà Thúc Sinh thì chắc có lẽ mọi người nghỉ tới nhà báo, một quân nhân (Hải Quân) và sau năm 1975 là tác giả của tác phẩm Đại Học Máu. Bài này không nói riêng về tác giả nhưng phải nói là biết chút ít về tác giả sẽ giúp Bê "cảm" bài nhạc này hơn. Xin Bê vào phụ chú D, E, F và G (1).
  2. Hoà âm - Lê văn Thiện. Đệ xin thành thật nhận sự thiếu sót của mình là không biết về người này. Hòa âm như vậy là trên cả hay cho bài niệm khúc này. Nói chung thì chùng ta thường không công nhận và thưởng thức ban nhạc (trong đó có Đệ đây). Ban nhạc hay là cần hơn cái sexy hoặc điển trai của người hát. Thế mà ta nhớ người ca sỹ trình diễn trong trang phục nào một cách đễ dàng. Mấy ai còn nhớ cách hòa âm của ban nhạc!
  3. Người hát - Khánh Ly. KL hát cả trăm bài hay nhưng có lẽ KL chuyển tải tâm tình người viết nhạc một cách dễ dàng, buồn cái buồn rất phù hợp với niệm khúc. Cái buồn trầm trầm dai dẳng thiết tha như đồng cảm với tâm niệm của tác giả. Đệ cũng có nghe vài ca sĩ khác hát bài này, cũng rất hay. Nhưng có lẽ, phải công nhận là tiếng hát KL là cái lực chính trong bốn cái lực này. Đệ có nhiều "vấn đề" với những phát ngôn... linh tinh của người nghệ sỹ này; nhưng xin thú thật là tiếng hát thì quá tuyệt vời.
  4. Người làm video - Kalyiris. Đệ không được biết Kalyiris là ai nhưng cứ chỉ xem số lượng và phẩm chất những video của Kalyiris thì có thể đoán là Kalyiris phải trên 60 tuổi (Bê Kalyiris?). Biết về hội họa, âm nhạc và thơ, biết về kỹ thuật làm video clip, cũng như biết chọn nhạc.

Đến đây thì xin Bê dành thì giờ xem/nghe video thôi! Bấm vào đây: Niệm Khúc Hoa Vàng - Hà Thúc Sinh - Khánh Ly - Kalyiris.

Cập Nhật I: một youtube với lời đọc của Ca Sỹ Khánh Ly ở 1 phút 30 giây đầu: Niệm Khúc Hoa Vàng - Hà Thúc Sinh - Khánh Ly 

Phần bàn loạn dưới đây là ý kiến riêng của Đệ (không nhất thiết là Bê đồng ý, đâu!) Bê thích thì đọc; không thích thì... đừng chê, nghen!

Bàn Loạn

<< Cố tình để trống trang này >>>


 

 

 

 

 

 

<< Cố tình để trống trang này >>>

 

"Ôi mắt xưa em cười, còn trong giấc mơ xanh ngời
còn trong ý thu gọi mời.. thương nhớ....."

 (Anh chàng này nhớ mà nhớ mắt em cười; thật quyến rũ ánh mắt đó, từ ánh mắt mà người đọc/nghe nghĩ tới làn môi)

Đời buồn từ phận nước lao đao,
Tình ngậm ngùi từ lúc xa nhau
Hoa vàng năm cũ... biết phai về đâu

(Một biến cố đổi đời, lớn như vậy, mà lời thơ vẫn chỉ nhẹ nhàng bâng khuâng "...biết phai về đâu". Trong khi đáng lý ra thì Anh phải nghĩ về Anh trong phận tù tội thì Anh lại chỉ quan tâm về em!)

Làm sao tìm được bóng hương xưa
Làm sao, làm sao tìm được.. mùi hương thủa áo em thơm
Trong xiêm y nàng có gì hề
Trong xiêm y nàng có gì hề, mà ta gọi.. tiếc nuối mông lung...

(Hương xưa! Những điệp ngữ "làm sao... làm sao..." và "trong xiêm y ... trong xiêm y ..." phản ánh một tâm trạng quá tiếc nuối, mông lung. Mông lung vì chỉ biết là mình thích cái mùi hương đó; chứ không tả được nữa rồi! Nhưng người ơi, nếu cho Anh tiếp cận mùi hương đó thì Anh nhận ra ngay!)

Mai nếu như ta về, đời phiêu lãng thân ê chề
Còn ai thắp lên ngọn đèn.. chờ khuya...
Một ngọn đèn đã tắt năm xưa
Một cuộc tình đã quá hoang vu

Sâu chìm sâu dưới nước non.. mịt mù...
(Nước non mịt mù. "... nếu như ta về" có nghĩa là Anh không tự chủ được nữa rồi! Có còn Em chờ?)

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.

Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê nào sống ở niềm Nam Việt Nam thời hậu chiến thì chắc là đã nghe, đã thấy nhiều chuyện chắc còn buồn hơn thế này. Hy vọng là chúng ta quên quá khứ với tuổi càng ngày càng chồng chất. Haiz, cho tới khi nghe bài nhạc này!
(1) Bài này xin không viết về Hà Thúc Sinh vì đã có các bậc thức giả thứ thiệt viết rồi. Đệ chỉ nói về bài nhạc Niệm Khúc Hoa Vàng.

Phụ chú:

A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Niệm Khúc Hoa Vàng - Hà Thúc Sinh - Khánh Ly - Kalyiris
C. Khánh Ly CD – Niệm Khúc Hoa Vàng
D. Quán Văn-Góc Nhỏ Thơ Văn: Tác Giả và Tác Phẩm: Hà Thúc Sinh  
E. HÀ THÚC SINH - Việt Văn Mới Newvietart
F. Hà Thúc Sinh - văn học & nghệ thuật
G. Đại Học Máu có thể tải về bằng nhiều dạng (formats) - Một tùy bút về tù cải tạo mang tính nhân bản (theo ý Đệ).