Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Chọn Ngày Về Hưu (Sao Cho Tối Ưu)

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay xin viết nhăng về một đề tài ngắn nhưng cần thiết cho những Bê đang tính chuyện về hưu: chọn ngày về hưu sao cho có lợi nhất. Đệ xin lan man về chuyện hồi hưu hay nói rõ hơn là về hưu lúc nào là lợi nhất. Một lần nữa xin nhấn mạnh là Đệ không phải là chuyên gia tài chính hay là cố vấn về tiền bạc cho ai cả; mà Đệ cũng chưa về hưu nên xin Bê đọc là đọc... cho vui, vậy thôi. Nếu nói là lợi nhất thì nó... vô cùng. Lợi cho ai, lợi về cái gì?

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Nhân đọc một bài trong Kiplinger về đề tài này (phụ chú B) nên Đệ xin bàn với các Bê đang muốn về hưu như sau:

  • Nếu Bê có quỹ 401(k) thì phải coi xem hãng cho "matching bonus" (tiền hãng đối theo tiền mà Bê đóng) theo cách nào. Thí dụ hãng cho 50% tiền matching bonus, tỉ như Bê đóng 6% lương vào quỹ thì hãng cho thêm 3% (50% của 6%). Nhưng có hạng thì tính tiền matching theo tháng, có hãng thì chờ đến hết năm mới tính. Trong trường hợp đầu (matching mỗi tháng) thì nghỉ vào tháng nào không thành vấn đề. Nhưng trong trường hợp sau (phải là quá ngày cuối năm, 31 tháng Mười Hai, thì hãng mới tính tiền matching cho cả năm làm. Trường hợp này thì về hưu SAU ngày cuối năm là lợi nhất. Tương tự nếu hãng thanh toán tiền matching 2 lần một năm thì nghỉ hưu sau ngày thanh toán là lợi nhất.
  • Nếu có ngày "vacation" (ngày nghỉ mà hãng trả tiền) thì phải tùy theo luật của hãng. Thí dụ, làm đủ năm thì hãng cho 4 tuần = 5 ngày x 4 tuần = 20 ngày nghỉ. Nhưng nếu nghỉ hưu vào giữa năm thì phải coi chừng là mình đã lấy trên 10 ngày nghỉ chưa. Lấy lố ngày nghỉ có khi phải trả tiền cho hãng (vi chỉ được trọn 20 ngày nếu lảm suốt năm, trong thí dụ này). Nếu hãng tính ngày nghỉ theo kiểu "làm rồi mới có ngày nghỉ", thì không phải lo. Có hãng cho để dành ngày nghỉ mà mình không nghỉ thì được đổi thành tiền.
  • Tiền mình đóng vào quỹ y tế cho mình và gia đình thường là mất nếu còn dư lúc nghỉ hưu. Thường là mất thôi, nghe! Bê phải hỏi hãng mình để biết chính xác là có mất hay không. Nếu hãng bảo là tiền đóng vào quỹ y tế của mình mà không xài sẽ mất thì liệu mà xài cho hết trước khi về hưu. Tiền này có khi lên vài ngàn đô la.

Phiếm


  • Bàn là bàn vậy thôi.
  • Bê muốn về hưu vì bất cứ lý do gì thì cũng là chuyện của riêng Bê. 
  • Không phải là ai cũng tính toán chi ly về đồng tiền, phải không?


Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê có khi muốn về mà lại ngần ngại vì vật giá tăng, vì đầu tư thua lỗ, vì tiên bảo hiểm sức khỏe ngày càng tăng. Không biết tiền hưu có đủ không!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. How to Pick the Right Retirement Date

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

Chín Điều làm Hưu Trí Khắm Khó

Thân chào các Bê (*),
Nhân đọc bài báo của Marilyn Lewis (Yahoo.com) về chuyện có thể xảy ra khi Bê về hưu, hôm nay lại xin lan man về chuyện hồi hưu hay nói rõ hơn là những chuyện có thể xảy ra cho hưu viên. Một lần nữa xin nhấn mạnh là Đệ không phải là chuyên gia tài chính hay là cố vấn về tiền bạc cho ai cả; mà Đệ cũng chưa về hưu nên xin Bê đọc là đọc... cho vui, vậy thôi. Đệ xin không chịu một trách nhiệm nào trong những quyết định về tiền bạc mà Bê có và cũng không dám dạy khôn ai cả.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Xin Bê đọc nguyên bản ở phụ chú C nếu có thể. Những điều dưới đây là Đệ "diễn nghĩa" theo ý mình nên không nhất thiết là đúng nguyên bản.

Chín Điều làm Hưu Trí Khắm Khó


1. You might have to retire before you’re ready
Theo LIMRA, bốn mươi chín phần trăm về hưu trước khi sẵn sàng. Chưa sẵn sàng có thể là vì sức khỏe (không cho phép). Cũng có thể là mất việc (và không tìm được việc khác vì tuổi tác), hoặc là chán nản không thiết tha với việc đang làm mà nghỉ.
Các điều kiện trên thường là dấu hiệu của việc về hưu khi chưa sẵn sàng.

2. It’s no fun hanging out with your spouse 24/7
Hai vợ chồng bên nhau suốt ngày đêm trên lý thuyết là... trên cả tuyệt vời nhưng đừng quên là tình trạng này là mới so với thời còn đi làm (hai vợ chồng có thể không thấy mặt nhau cả 9 tiếng/5 ngày một tuần). Thời gian không gặp nhau vậy (mỗi ngày) làm cho chàng và nàng... nhớ nhau, mong về nhà gặp nhau, xa cách trong ngày làm việc mà tình còn đậm hơn khi nhìn thấy nhau suốt ngày 24/7. Đó là chưa kể vì không đi làm nên ban đêm rất sẽ thức. Nằm trằn trọc không ngủ được mà nghe chàng hay nàng ngáy thì Thánh cũng không chịu nổi. Thấy nhau suốt ngày đêm có khi là không tốt. Nói là nói vậy chứ chắc là có những cặp hưu quấn vào nhau như sam suốt ngày mà không thấy chán.

3.  It’s boring
Hưu thường là nhàm chán vì sự kiện hằng ngày không mấy đổi thay. Khi còn đi làm mặc dầu có những lúc chỉ muốn nghỉ quách đi cho rồi. Nhưng về hưu rồi mới thấy là khi đi làm thì sự năng động và nhiều sắc thái của công việc góp một phần lớn vào việc tạo sự phấn khởi trong cuộc sống. Đó là chưa kể tiền hưu ít hơn tiền đi làm. Đồng tiền hưu và thì giờ rảnh rỗi là hai phạm trù đối nghịch: làm sao luôn luôn lấp trống thời gian với những sự việc hào hứng, thú vị bằng số tiền hưu? Không chắc gì là nhu cầu giải trí giảm khi về hưu. I am retired but not dead!

4. Working until age 70 may not be an option
Ba phần tư hưu viên không còn làm việc (và kiếm ra tiền). Mặc dầu ba phần tư người chuẩn bị hưu dự tính là mình sẽ còn làm ra tiền. Không phải hưu viên nào cũng có thể kiếm tiền thêm bằng công việc; mà điều này lại cần thiết với tiền hưu thường là ít hơn tiền đi làm nhiều lần.

5. Money’s tight — really tight
An Sinh Xã Hội (ASXH) tại Hoa Kỳ trả trung bình $1,290 mỗi tháng theo con số Tháng Mười, 2015 từ sở ASXH. Thêm nữa là tiền tiết kiệm của hưu viên thì là những con số đáng thất vọng:
    26 percent have less than $1,000 in savings
    10 percent have between $25,000 and $49,999
    10 percent have between $50,000 and $99,999
    12 percent have between $100,000 and $249,999
    14 percent have $250,000 or more

Với những con số trên thì ba mươi sáu phần trăm hưu viên có tiền để dành dưới $50,000. Và nếu sống với chỉ tiền ASXH thì số tiền này là ít ỏi.

6. It’s hard to get used to growing old
Nhận ra là mình đến tuổi hưu (nói trắng ra là mình già) không phải là chuyện dễ với số đông chúng ta. Chính cái thói quen năng động và lạc quan, giúp chúng ta khi còn làm việc, lại là lực cản trong sự chấp nhận là mình sẽ/đang về hưu. Cơ thể ngày một yếu đi là một quy luật tất yếu.

7. You might spend a lot of it caring for elderly parents
Một số hưu viên lại còn có cha mẹ già. Đây là một vấn đề lớn cho người hưu viên còn cha mẹ già. Khả năng tài chánh và thể lực của hưu viên không cho phép hưu viên chăm sóc cha mẹ già theo ý muốn. Và từ đó lại thêm sư suy sụp về tinh thần.

8. You could pick up an STD
Thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy: 72% nam và 45% nữ tuổi từ 57 đến 72 còn sinh hoạt tình dục. Các cụ còn khỏe chuyện đó thì cũng... tốt thôi. Nhưng đó cũng giải thích tại sao người già mắc bệnh lậu (venereal diseases; sexually transmitted diseases) lại gia tăng: khi các cụ tưởng là minh phải chơi cho thỏa, khi các cụ tưởng là các cụ hiểu cách phòng ngừa bệnh tật, khi các cụ tưởng là người kia không đời nào mắc bệnh.

9. You may outlive your money
Sáu trên mười cố vấn tài chính tiên đoán là thân chủ của họ sẽ xài hết tiền để dành trước khi ra đi. Có nghĩa là phải sống với chỉ tiền ASXH. Tệ hại ở chỗ chỉ một phần tư số người sắp hưu nghĩ là mình sẽ xài hết tiền để dành trước khi chết. Có nghĩa là 14/40 (khoảng 35%) sẽ gặp bất ngờ khi xài hết tiền để dành mà còn sống... nhăn răng.


Đừng có hù! Bê ơi, cái này là bà Lewis viết. Tất cả chín điều trên đều có thể được hóa giải dễ dàng. Chỉ cần Bê để tâm vào thì chuyện gì mà Bê không hóa giải được, phải không?

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Có Bê nghĩ là đến tuổi này rồi thì còn sợ gì, ngại gì nữa: chơi cho thỏa ý, thỏa lòng. Khốn nhưng mà thực tế không như mình mơ mà cơ thể cũng không còn lướt thắng được bệnh tật, như lúc còn trẻ!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Kiplinger-Financial Decisions That Will Haunt You in Retiretment
C. 9 Things That Can Make Retirement Really Stink

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

Mưa

Thân chào các Bê (*),
Ngày lễ Lao Động tại Hoa Kỳ thì lại rơi vào đầu tháng 9 và đánh dấu là mùa tựu trường sắp đến. Học sinh và sinh viên chỉ còn dịp lễ này để vui chơi trước khi lại miệt mài kinh sử. Rồi phải chờ tới cuối tháng 11 mới lại có lễ lớn (Thankgivings). Mùa Hè năm nay đã qua nhưng vẫn để lại nhiều ấn tượng khó quên với những trận mưa lớn...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Mưa tại Bắc Mỹ thì cũng vẫn là mưa. Cái mưa thường khi làm sinh hoạt như chậm lại, làm cho chúng ta (như) có thì giờ mà hồi tưởng tới cái mưa của Saigon.
Nhớ đến những cơn mưa thời Trung học với xe đạp không vè nên mưa là bùn bắn đầy lưng áo lên tới đầu. Nhớ Trần Lục, Võ Trường Toản, nhớ Chu Văn An. Không hiểu tại sao thời đó lại cứ phải tháo vè xe ra mà làm điệu! Rồi Đại học. Những cơn mưa tầm tã phóng xe Honda từ Vũng Tàu về lại Saigon (với C. C.). Những ngày tưởng mình là bất tử nên đua với xe GMC nhà binh trong cơn mưa tầm tã!
Mưa Saigon trong ký ức là như thế đó. Gần như quên đi những lúc đường ngập nước tại mưa ở các xóm ngõ của Saigon, cho tới hôm nay ngồi viết bài này. Đệ vẫn đùa với các bạn ở Mỹ là xứ Việt Nam của tôi không có bốn mùa như Bắc Mỹ mà chỉ có hai mùa: một mùa nóng và một mùa nóng hơn! Hay cũng đúng nếu nói là Việt Nam có hai mùa: một mùa mưa và một mùa mưa nhiều hơn!

Mưa mang lại cái dịu mát cho những cơn nắng dữ và mưa làm sạch đất trời.

Mưa còn làm các nhạc sỹ của chúng ta có cảm hứng mà sáng tác nhiều bài nhạc với chủ đề mưa mà chúng ta mang theo khi xa quê hương. Xin mở đầu phần này với Mưa Saigòn Mưa Hà Nội của Phạm Đình Chương với tiêng hát Mai Hương (phụ chú C với ban hợp ca Thăng Long; phụ chú D với Jo Marcel/Lệ Thu).
Mặc dầu Đệ chưa có dịp đến cái đất ngàn năm văn vật Hà Nội nên không dám nói về mưa niềm Bắc nó như thế nào; nhưng nếu Bê thích thì thử nghe bài Nhớ Mưa với tiếng hát của Mỹ Linh (hợp ca với nhóm M4U) và ban nhạc Anh Em (phụ chú E). Haiz! Cái mưa này nó... Tây quá nên Đệ không biết là Bê có "thấy" mưa khi nghe bài này không?
Trở vào Huế với cái mưa của sông Hương núi Ngự thì chắc có lẽ không ai diễn tả được tình yêu và tình xa mà đẹp như Trịnh Công Sơn bằng hình ảnh, hình tượng mưa. Đệ không có khả năng mà bàn về TCS nên chỉ xin giới thiệu môt bài viết của Anh Huy qua trang mạng Mưa trong nhạc Trịnh.
Sàigon (hay miền Nam nói chung) thì mưa cũng tình nhưng lại hoàn toàn khác với mưa của nhạc Trịnh. Đệ xin giới thiệu một bài của Đăng Khánh, Tiễn Em Chiều Mưa với tiếng hát Elvis Phương. Đăng Khánh viết bài này, theo Đệ, là rất hay. Hay ở chỗ dùng một đề tài rất phổ biến: Từ biệt em trong mưa, tình mình tan vỡ; nhưng người nghe vẫn thấy có cái gì mới trong lời tạ tình này: "Tim, vỡ trong mưa... Dù mãi mãi xa nhau... Tình này ai sẽ quên được sao". Ái dà, tình tan mà chàng không buông tiếng trách nàng thì không đúng bài bản: "Sao em nỡ quay đi... Cuộc tình không lối đi..."
Sao không phải là "Cuộc tình không lối thoát" mà lại là "không lối đi"? Đệ xin phiếm loạn ở đây là Đăng Khánh chọn "lối đi" là rất hay vì ít ra là với hai lý do: 1) "lối đi" âm vần đều đúng 2) quan trọng hơn là anh chàng này không có muốn "thoát"! Anh ta chỉ than thở là sao không có lối đi.

Xin nói ra đây, một lần nữa, là Đệ không được tập huấn về âm nhạc nên tất cả nhận xét của Đệ là từ một người hay viết nhăng nên cũng sẽ không lạ nếu Bê không đồng quan điểm hoặc nhận xét. Bê cứ vào Youtube.com mà tìm những bài "mưa" và tên ca sỹ mà Bê ưa thích thì thế nào cũng tìm ra những bài mưa rất... phê cho riêng Bê.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Karaoke – Tiễn Em Chiều Mưa – Elvis Phương
C. Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội (Phạm Đình Chương) - Ban Hợp Ca Thăng Long
D. Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội - Jo Marcel & Lệ Thu
E. Nhớ Mưa - Đạo Diễn Triệu Quang Huy - Mỹ Linh ft. M4U - [Official Full MV]
 

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Brazil - Trước Rio 2016

Thân chào các Bê (*),
Tối hôm qua, mọi người chắc là bận rộn xem lễ bế mạc Thế Vận Hội Rio 2016 tại Rio de Janeiro, Brazil. Chương trình Olympics 16 ngày tranh tài cũng đã xong. Tối nay, lại lăng nhăng nói về những khía cạnh khác của Brazil. Nói đến đất nước Brazil (Ba Tây hay còn đánh vần là Brasil) thì trước khi được làm chủ nhà cho Olympics 2016 thì xứ sở này đã nổi tiếng với nhiều vấn đề khác...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
  • Trước hết là ngôn ngữ, mặc dầu là đa số các quốc gia Nam Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha, Brazil lại có quốc ngữ là tiếng Bồ Đào Nha (Portuguese). Có lẽ chữ Việt mà chúng ta có ngày nay đã bị ảnh hưởng tiếng Bồ nhiều hơn tiếng Tây Ban Nha (Spanish). Cái này là "có lẽ" thôi nha! Đệ không phải là nhà ngôn ngữ.
  • Nói đến Brazil (và nếu Bê có coi Olympics) thì ai cũng nghĩ đến lễ hội (carnivals) như Mardi Gras như các hình ảnh trong Google Images - Mardi Gras. Mà có lễ hội thì phải có nhảy múa rồi: Brazil là quê hương của vũ điệu Samba, đó các Bê. 
  • Brazil lại là quốc gia mà nhiều người cho rằng bóng đá không chỉ là niềm đam mê mà đã trờ thành tôn giáo tại dất nước này.
Tưởng gì chứ Brazil nói tiếng Bồ; Brazil có điệu Samba thì ai mà chả biết! Dạ, Bê nói đúng! Nếu chỉ viết nhiêu đó thì Đệ cũng chả muốn viết làm gì cho mất thì giờ.
  •  Ngoài Samba, Brazil có nhiều điệu vũ cũng nổi tiếng thế giới như Zouk, như Lambada, như Forró. Và đặc biệt là Capoeira (đọc giống như "Cà poi a"): Capoeira không chỉ là điệu vũ mà còn là môn võ thuật (phụ chú C).
  • Nhưng nếu nói về âm nhạc thì người Ba Tây sẽ không chần chừ mà cho Bê biết một thiên tài âm nhạc của đất nước Brazil: Heitor Villa-Lobos (phụ chú D). Nói đến Villa-Lobos thì chắc chắn phải nói đến một aria: Bachianas Brasileires No. 5. Villa-Lobos để lại 9 bài aria mà có lẽ bài số 5 là bài nổi tiếng nhất (phụ chú E, F, G, H và I). Ai hát giọng nữ cao (soprano) đều muốn thử sức với bài này. Phụ chú I là tiếng hát phản chiến một thời Joan Baez. 
  • Cuộc đời Villa-Lobos rất phức tạp và gây nhiều tranh cãi mặc dầu gia tài âm nhạc mà Villa-Lobos để lại phải nói là rất đồ sộ (phụ chú D). Thôi thì tay mơ như Đệ thì xin không dám "nói leo" về cuộc đời người nghệ sỹ này. Ở đây chỉ xin giới thiệu một sáng tác cho Tây ban cầm: H. Villa-Lobos Tristorosa by Tatyana Ryzhkova. Tatyana mà thích đánh thì mong là Bê thích nghe.
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Nhảy Samba chắc là không nổi nhưng có ai nhảy Samba thì mình cũng thưởng thức được, phải không?

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Top 10 Facts of Brazil - THE BRAZILIAN WAY OF LIFE
C. Most amazing capoeira knockout ever recorded HD
D. Wikipedia - Heitor Villa-Lobos 
E. Kiri te Kanawa: "Aria (Cantilena)", Bachianas brasileiras n'5 (Villa-Lobos)
F. Bidu Sayão - Bachiana nº 5 - Cantilena
G. Anu Komsi sings Villa-Lobos' Aria-Cantilena
H. Kathleen Battle - Villa-Lobos: Bachianas Brasileires No. 5 
I. JOAN BAEZ ~ Bachianas Brasileiras No 5 Aria