Hôm nay xin viết lăng nhăng về một đề tài nhỏ nhoi nhưng lại quan trọng cho người thụ nhân: lời cám ơn đối với người làm việc gì cho mình. “Cám ơn” (đúng ra là “cảm ơn”) là câu nói đơn giản và tự nhiên trong một số văn hoá nhưng lại gây tranh cãi trong một số văn hoá khác…
Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Cảm ơn, cảm tạ, thank you, thanks, merci, danke sao dễ mà khó!
Dễ mà khó vì cùng
những lý do sau đây:
- Người nói lời cảm ơn thể hiện phong cách lễ phép, lịch sự. Dễ với người lịch sự nhưng lại khó với người cho là mình chỉ cần lễ phép lịch sự với người ở trên mình. Thí dụ người giàu sang không phải cảm ơn người kéo xe; dù cho là người kéo xe đã cung cấp dịch vụ: đưa mình đi từ chỗ này đến chỗ kia bằng công sức khó nhọc.
- Người nói lời cảm ơn muốn nhấn mạnh là việc làm, lời khen, hoặc sự cống hiến của người khác cần được ghi nhận, cần phải nêu ra. Thí dụ, khi người khác cho mình món quà thì mình cảm ơn và lời cảm ơn nói lên sự ghi nhận, sự “cảm” cái ơn ấy của mình. Kẻ dưới thường không nhận được lời cảm ơn vì người trên cho là việc biếu quà là đương nhiên không cần phải nói ra như chuyện đáng ghi nhận.
- Trong một số văn hoá, cảm ơn (hay đội ơn) luôn là từ người dưới biểu lộ sự biết ơn với người ban ơn phước cho mình. Người ở vị thế cao hơn chẳng bao giờ phải cảm ơn người dưới. Cứ nhìn vào việc đi biếu quà Tết thì thấy rõ vấn đề này. Nhưng trong văn hoá khác, như tại Mỹ, thì dù là ai đi trước giữ cửa cho mình đi qua thì mình phải nói lời cảm ơn; dù là ai mang nước đến bàn ăn cho mình thì mình phải nói lời cảm ơn.
- Tuỳ thuộc vào văn hoá và hiện trạng xã hội mà chuyện cảm ơn xảy ra hay không. Thí dụ ngày xưa Vua (Thiên Tử, con ông Trời) không bao giờ cảm ơn bầy tôi vì vai Vua không do bầy tôi mà có. Trong trường hợp này, bầy tôi phải… đội cái ơn (được ban chức quan), là đằng khác! Trong khi trong xã hội quan chức là do dân cử thì người được dân cử phải cảm ơn người đã ủng hộ mình.
- Trong một vài xã hội thì chỉ cảm ơn nếu mình không làm được việc đó mà có người khác làm giùm. Thí dụ đánh rơi một vật gì; người khác nhặt lên giùm thì mình chỉ cám ơn khi mình không thể cúi xuống mà lượm lên. Nếu mình có thể tự mình nhặt lên thì việc gì mà cảm ơn!
- Có người cho là cảm ơn bằng việc làm thì “giá trị” gấp trăm gấp ngàn lần lời cảm ơn. Đúng nhưng có thể là nguỵ biện của người chẳng nói lời cảm ơn và sau đó cũng chẳng làm gì.
- Có văn hoá thì chỉ cảm ơn nếu mình (thụ) nhận cái ơn đó. Thí dụ như có nhận quà thì mới cảm ơn còn từ chối món quà thì sao phải cảm ơn?
- Nếu trong xã hội có quá nhiều người nịnh bợ thì việc nói lời cảm ơn thường phải rất thận trọng vì có thể gây hiểu lầm là mình nói lời cảm ơn như một hành động tệ mạt của sự luồn cúi.
- Không muốn người khác lên án mình là khách sáo, là mồm mép.
- Có thể chỉ là cái cớ để không phải nói lời cảm ơn vì mình không quen cảm ơn ai. Cậu Ấm trong nhà có khi nào cảm ơn con ăn, kẻ ở!
- Có thể là vì cho rằng “thi ơn bất cầu báo” (làm ơn không phải là muốn người ta “báo” ơn) nên việc gì mà cần cảm ơn người làm ơn.
- Nói lời cảm ơn là chứng tỏ mình là người biết cảm cái ơn người khác làm cho mình dù cho việc làm đó có nhỏ nhoi như thế nào chăng nữa. Ngay cả khi mình từ chối mình vẫn cảm ơn.
- Nói lời cảm ơn là chứng tỏ mình là người có văn hoá, có hiểu biết.
- Nói lời cảm ơn là chứng tỏ mình tự tin và đủ can đảm nếu mình sống trong xã hội không có thói quen cảm ơn.
Thân,
Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Ngay cả trong xã hội hay cảm ơn như tại Âu Mỹ, Bê thử nói lời cám ơn người nấu ăn sau mỗi bữa ăn, xem sao. Nghe nó… kỳ kỳ, phải không?
Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Ngay cả trong xã hội hay cảm ơn như tại Âu Mỹ, Bê thử nói lời cám ơn người nấu ăn sau mỗi bữa ăn, xem sao. Nghe nó… kỳ kỳ, phải không?
Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài