Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

Từ Tư Tưởng Thuần Chủng Đến Tô Bún Bò - Cập Nhật I

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay cuối tháng Tư nhưng xin không viết về đề tài thời sự. Ngồi ăn tô bún bò xào mà miên man thế sự: lịch sử nhân loại trải qua bao cuộc chiến tranh tàn phá và hủy hoại trong thế kỷ 20. Con người dùng khoa học kỹ thuật cũng như những tư tưởng điên rồ mà giết nhau. Một trong những tư tưởng điền khùng đó là niềm tin và kiêu hãnh của tính thuần chủng. Trong suốt lịch sử, có nhiều người nảy sinh và phát triển tính ưu việt của chủng tộc mình...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Ở một mức độ nào đó thì hãnh diện chủng tộc mang một tinh thần khuyến khích lành mạnh vì nó khuyến khích sự bảo tồn giống nòi cũng như sự bảo vệ, củng cố đặc tính tốt của một chủng tộc. Nhưng khi tư tưởng thuần chủng nhằm mục đích loại trừ, tiêu diệt những chủng tộc khác thì dứt khoát nó là những tư tưởng bệnh hoạn. Thuyết ưu sinh (phụ chú B và C) ra đời và thường là ngụy biện cho những tư tưởng bệnh hoạn này. Khi mà nhà lãnh đạo quốc gia tin là giống nòi mình là giống nòi (duy nhất) đáng được duy trì và lưu truyền thì kế sách diệt những chủng tộc khác chỉ còn là vấn đề thời gian.
Cứ nhìn thế giới quanh ta và sự vận hành của vạn vật thì thấy rõ là thuần chủng không có cơ hội tồn tại. Mà có tồn tại trong thời gian ngắn nào đó thì nó cũng không đóng góp vào sự phát triển, tiến bộ. Vạn vật tuần hành với sự tiến hóa (evolution) và với những đột phá (breakthrough) chứ không phải bằng những cuộc cách mạng (revolution) thường là nhân tạo. (1)
Evolution là con đường khách quan tất yếu;
Revolution là con đường điên rồ mộng tưởng của kẻ bệnh hoạn, con đường cưỡng bức lịch sử.
Cứ tưởng tượng một tô bún với chỉ có bún và bò thì Bê cũng thấy là nó... khó nuốt. Mặc dầu bún và bò là thức (ăn) chính của món bún bò xào nhưng nếu không có rau quả, không có đậu phộng, không có gia vị thì tô bún bò xào đâu có ngon!!!
Tiêu chuẩn của một món ăn ngon là phải có:

  • Texture (Kết cấu vật thể: mềm, cứng, bột, sợi bún, sợi bì, giá sống, vân vân...) Ngoài ra, thính trong bì cũng tạo một thứ "texture" đặc biệt.
  • Taste  (Vị) - ngọt từ thịt, mặn/chua/cay/ngọt từ nước chấm, bùi từ đậu phộng
  • Smell (Mùi) - từ thịt bò xào, dầu ăn, hành, 
  • Color (Mầu sắc) - từ rau quả, thịt, nước chấm, đậu phộng, sợi bún, ớt đỏ, vân vân...


Bê thấy không? Tô bún bò xào với bì này đạt được cả bốn tiêu chuẩn texture, taste, smell, và color. Và quan trọng là cách trộn tô bún bò xào với bì: không phải là ai làm tô bún cũng như nhau đâu!

Thủ thuật tối hảo:

  • Hình 1: trộn rau và quả (dưa chuột). Rau thơm thì sắt bằng dao kéo còn sà lách thì xé tay (đố Bê biết tại sao). Trộn với chút nước chấm cho ướt (nhưng đừng ướt quá).
  • Hình 2: trộn bún vào (ah, cách luộc bún là phải viết một bài riêng). Trong thủ thuật luôn dùng tay có bao tay mà trộn. Rưới thêm nước chấm cho ướt.
  • Hình 3 tới hình 6: thêm bì, thêm giá sống, thêm hành xào (từ xào thịt bò). Dầu trong hành xào làm những thức này hòa trộn với nhau thêm.
  • Hình 7: thêm thịt bò và đậu phộng xong chan phần còn lại của nước chấm.
Mời!


Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tô bún trên mà thay thịt bằng đậu rán, bì bằng bì chay rồi dùng với nước tương thì là tô bún chay. 
(1) Cập Nhật I:
Cũng là cỏ mà Dandelion (cỏ có hoa vàng) bị tiêu diệt bằng hóa chất;
mặc dầu dandelion được dùng để ăn, làm trà, làm thuốc.
Cỏ nhà hàng xóm là cỏ thuần chủng nhưng có cần phải tưới hóa chất diệt dandelion, không?



Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Eugenics
C. Thuyết ưu sinh

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

Tản Mạn Về Kiếp Người

Thân chào các Bê (*),
Mùa tuyết rồi cũng qua. Thời tiết đã "vờn" quanh con số 50 độ Fahrenheit ở một số ngày (ngay lúc giữa trưa). Hôm nay, Đệ xin phép viết lăng nhăng về một đề tài tương đối là nhậy cảm: đi vào tuổi già mà chưa sẵn sàng. Nếu Bê chưa cho là mình già thì cũng là sắp đi vào tuổi già rồi, có đúng không?

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Sẵn sàng? Thật sự mà nói thì chẳng ai là sẵn sàng khi cuộc sống đời này sẽ chấm dứt.
Nên trong suốt bài này hai chữ sẵn sàng mang một ý nghĩa tương đối.
Đệ có ông anh rể ở tuổi Bê 80, hôm đi California thăm Anh và Chị, thì Anh nói: "Anh sẵn sàng rồi, Em ơi! Chúa gọi là Anh đi!" Câu nói đơn giản mà làm Đệ suy nghĩ. Anh nhìn ra là ngày ra đi không còn xa và tính "sỹ quan chỉ huy" của Anh cho Anh cái thói quen chuẩn bị cho bất cứ sự việc gì; huống chi là cái việc trọng đại này. Trong bài blog Phẩm Giá - Không Thiếu Một Giây - Không Thừa Một Phút - Cập Nhật I Đệ có nói tới cái nguyện không sống thừa một phút trong đời. Nói như vậy không phải là khoác lác mà là cái mộng ước của mình.
Phần còn lại xin "xoay" qua một câu chuyện khác trong đề tài này: tuổi Bê nhưng vẫn chưa yên, chưa sẵn sàng. Đệ có biết một trường hợp hai vợ chồng lớn tuổi nhưng đời sống còn quá nhiều buồn phiền: tâm chưa yên; mộng ước vẫn còn quá tầm tay. Giàu có nhưng không hạnh phúc: chàng từng là sỹ quan của một binh chủng hào hoa, nàng từng học một trường nữ nổi tiếng ở Sài Gòn. Tiền của danh vọng thì không thiếu nhưng ai gặp họ thì trước sau gì cũng "thấy" là họ thiếu trầm trọng một thứ: cái vui hưởng trong tuổi già. Ở cái tuổi Bê 70 rồi mà ông còn có cái nhu cầu kiếm việc làm (ông đã về hưu). Ông cần đi làm để giải quyết việc cá nhân, để thoát cái vòng kiềm tỏa của Bà. Bà thì tiền bạc không thiếu nhưng thiếu sự thuần phục từ Ông.
Như nói trên, Đệ không có ý định dạy đời ai mà chỉ muốn tản mạn nói lên cảm nghĩ của mình; mà cũng không nhất thiết là mình đã "đạt" được những điều mình nêu ra đây:
  • Buồn phiền vì mộng chưa thành: ở tuổi này dù có còn năng lực phấn đấu thì cũng phải "nhìn" ra là có những mộng ước không thành. Lực bất tòng tâm. Ở đời chuyện bất như ý thì nhiều; dù mình còn khả năng đương đầu với chúng thì cũng phải nhận ra là có những chuyện đã ngoài tầm tay, có những nguồn lực đáng nể chống lại những ước muốn của mình.
  • Không hòa thuận vì đối phương không còn thuần phục mình. Thuận thảo là cái nhà Phật gọi là vô thường. Lực và phản lực mới chính là cái hằng thường mà thế giới này vận hành trong đó. Cái duy nhất, vĩnh viễn hằng thường, là ở chỗ muôn vật, muôn sự đều vô thường, đều tạm bợ.
  • Không còn năng lực, như xưa, để tự lập tự cường, để tránh cái kiếp nương dựa vào người khác. Ác một cái là người xưa nay vẫn tự lập, tự cường mà lâm vào hoàn cảnh phải nương dựa vào người khác thì lại càng đau khổ, hơn.
  • Trong bài blog đã viết, Closure Ritual -- Sang Trang trong Nghi Lễ, Đệ đã đề cập đến vấn đề là chúng ta (có cả Đệ) thường là chậm trong việc đổi thay theo thời đại, theo trào lưu, theo cái mà mình không cưỡng được. Chúng ta "chậm sang trang" dù rằng phụ nữ thường nhanh hơn nam giới nhưng tuổi già là lực lớn làm chúng ta chậm thay đổi (hoặc không bao giờ thay đổi nữa). Mà không theo kịp trào lưu mới thì tới lúc nào đó sẽ bị đào thải! 
  •  Sẵn sàng là chấp nhận hiện tại và tương lai. 
    • Chấp nhân hiện tại không có nghĩa là buông xuôi mặc cho đời vận chuyển. 
      Chấp nhận hiện tại là cách vui hưởng cái mình sẵn "có", sẵn "đang là".
    • Chấp nhận tương lai cũng không có nghĩa là không tìm cách cải thiện hiện tại để có một tương lai ổn định hơn, sung túc hơn và lành mạnh/khỏe mạnh hơn.
      Chấp nhận tương lai là phương sách nhìn ra cái giới hạn mà mình sẽ không thể nào vượt qua. Thí dụ ở tuổi 40 còn chạy Marathon được thì ở tuổi Bê mình cũng phải chấp nhận là ngày nào đó, 70, 80, hay 90 mình sẽ không chạy Marathon được nữa. Chấp nhận tương lai là như vậy.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Sống là đến, thác là về, có thế thôi. Khi về thì sẵn sàng, vẫn hơn.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2018

Sức Khoẻ: 12 Chiến Lược Khoẻ Mạnh cho Người Lớn Tuổi - CL4 - Dựa Vào Bằng Chứng

Thân chào các Bê (*),
Có vẻ như cả thế giới đang tìm cách trì hoãn những ảnh hưởng của lão hóa. Những nghiên cứu y học mới được công bố ngày càng nhiều hơn và những sửa đổi trong quy trình điều trị các bệnh trạng cũng phổ biến hơn.
Mối quan hệ mới giữa sức khoẻ và lão hóa thường xuyên được khám phá.
Bằng chứng khoa học cung cấp cho chúng ta nhiều cơ hội để ảnh hưởng đến tuổi già của chính chúng ta.



Điều kiện mãn tính của người cao tuổi

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh (CDC; Centers for Disease Control and Prevention) ước tính rằng gần 80% những người trên 65 tuổi có ít nhất một bệnh mãn tính. Cao tuổi là yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với hầu hết các bệnh mãn tính, bao gồm bệnh tim, ung thư, chứng mất trí, loãng xương, viêm khớp, tiểu đường, đột qụy, hội chứng chuyển hóa (metabolic syndrome), mù lòa và yếu sức (frailty). May mắn thay, các bằng chứng khoa học chỉ rõ những yếu tố nguy cơ mà ta có thể thay đổi được để ngăn chận hoặc làm chậm các các căn bệnh này.
Nghiên cứu cho thấy hoạt động thể chất có thể ngăn ngừa nhiều vấn đề liên quan đến tuổi tác hoặc vấn đề do sự lựa chọn chế độ ăn uống cẩu thả  (làm tác hại của lão hóa tăng nhanh). Nhận thức sâu sắc này mang lại cho ta cơ hội để ảnh hưởng, trì hoãn hoặc kiểm soát các điều kiện này.
Hiểu được điều gì thúc đẩy sức khoẻ ảnh hưởng đến tuổi tác cho ta khả năng để ảnh hường đến lão hóa. Ứng dụng các bằng chứng khoa học vào cuộc sống hàng ngày để kiểm soát và giảm nguy cơ lão hóa (một cách tệ hại). Dựa trên những gì chúng ta biết ngày nay, lối sống của ta là yếu tố chính ảnh hưởng đến sức khỏe trong tuổi già. Điều này bao gồm tập trung vào chế độ ăn kiêng, hoạt động thể chất, cũng như hạn chế sử dụng rượu và thuốc lá.

Xem nguồn

Các nghiên cứu mới được công bố gần như mỗi ngày nhằm làm chậm lại ảnh hưởng của lão hóa hoặc cung cấp phương pháp chữa trị hiệu quả cho tình trạng lão hóa mãn tính. Những nghiên cứu này được trích dẫn và phổ biến rộng rãi trong các phương tiện truyền thông chính thống hoặc lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội. Thật không may, các phương tiện truyền thông đại chúng không phải lúc nào cũng là các nguồn đáng tin cậy nhất của sự phát triển sâu sắc về y tế. Việc tiếp cận với khoa học mới (Emerging Science) là rất quan trọng để trở thành một người lo cho sức khoẻ của chính ta. Tuy nhiên, cân bằng các phát hiện đang phát triển đòi hỏi ta phải có khả năng tin vào tính hợp pháp/hợp lý của nó.
Có rất nhiều sự khác biệt về cách thức các nghiên cứu được xây dựng và tiến hành. Điều này, cuối cùng, xác định là nghiên cứu này có hợp pháp/hợp lý hay không. Trước khi bạn ứng dụng những khám phá y học mới vào cuộc sống của bạn, hãy đảm bảo rằng những "khám phá" là đáng tin cậy và dựa trên các sự kiện khoa học đã được xác lập. Dành thời gian để điều tra các nghiên cứu đầy hứa hẹn và đánh giá độ tin cậy của chúng với bác sĩ riêng của bạn để đảm bảo bạn nhận được chăm sóc dựa trên bằng chứng.
Làm như vậy sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tính hợp lệ của tác động tiềm tàng của sự tiến bộ y học đối với cuộc sống và tình trạng sức khoẻ của bạn. Cân bằng sự cường điệu và hy vọng với các lựa chọn đáng tin cậy dựa trên những bằng chứng khoa học thực sự.

Đánh giá lại liên tục

Trong khi nghiên cứu về lão hóa đang phát triển nhanh, phần lớn vẫn chưa được thẩm định một cách khoa học. Các thuốc mới và thuốc đang phát triển có thể mang lại nhiều hứa hẹn; tuy nhiên, kết hợp các nghiên cứu mới nổi vào kế hoạch sức khoẻ cá nhân của bạn cho tuổi già cần được cân bằng với sự hiểu biết về những gì bạn có thể tin cậy và tín nhiệm.
Hãy tự quyết định dựa trên các mục tiêu của chính bạn để sống cuộc sống của bạn. Sau đó làm việc với các chuyên gia y tế để xác định các lựa chọn, nguồn lực và hậu quả tiềm ẩn của các lựa chọn và can thiệp có sẵn để giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.
Kết hợp sự lão hóa lành mạnh và sự hiểu biết sâu sắc về các hoạt động hàng ngày bạn thực hiện trong lối sống và cách điều trị của bạn để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Vì khoa học đang liên tục được cập nhật, và nghiên cứu xác định các chìa khóa bổ sung cho sự lão hóa lành mạnh, trong tương lai, bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn để có nhiều lựa chọn trong tuổi già.

Kết

  • Các biện pháp can thiệp vào lối sống như chế độ ăn uống, tập thể dục và thói quen ngủ được cải thiện cho chúng ta sức mạnh ảnh hưởng đến tuổi tác. 
  • Các nghiên cứu khoa học đầy hứa hẹn đang trên đường đi để tiếp tục ảnh hưởng đến sinh học của sự lão hóa. 
  • Tương lai của tuổi tác có thể khác biệt đáng kể đối với bạn hơn là cho bố mẹ bạn. 
  • Đẩy mạnh các bằng chứng khoa học vào cuộc sống của bạn để tạo ra con đường mới cho sự lão hóa lành mạnh của bạn.

Hành động ngay

  • Hỏi các câu hỏi. Hỏi nhà cung cấp dịch vụ y tế của bạn những lựa chọn dựa trên bằng chứng mới trong nghiên cứu. Các công nghệ mới và phương pháp điều trị tiên tiến, kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục, có thể có ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của bạn.
  • Cập nhật sự hiểu biết của bạn. Kiểm tra các nguồn có uy tín, chẳng hạn như trang web của Mayo Clinic, để đọc bản mô tả y khoa mới nhất cho tình trạng mãn tính của bạn. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về những gì bạn đọc.
  • Thực hiện các hành vi phòng ngừa.
  • Tập trung vào các hoạt động phong cách sống mà bạn có thể kiểm soát. Hoạt động tích cực, ăn thức ăn lành mạnh và thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng có thể giúp giảm nguy cơ hoặc quản lý triệu chứng đối với các bệnh mãn tính hiện có.
  • Tham gia vào các hoạt động để tác động đến tuổi thọ. Kết hợp các hoạt động mang lại nhiều tác động tích cực. Thí dụ như tham gia vào một dự án viết văn mà bạn phỏng vấn người khác và sau đó viết về họ. Phỏng vấn người khác tạo ra mối liên hệ xã hội và kích thích sự tương tác. Viết câu chuyện của họ cung cấp một sáng tạo để kích thích não của bạn.

Phiếm

Dịch bài này là việc rất khổ sở cho Đệ. Tác giả có thể viết gọn lại là:
  •  Tự chăm sóc (bằng hoạt động thể dục, ăn uống điều độ, và ngủ cho đủ)
  •  Áp dụng các phương pháp chống lão hóa đã được khoa học công nhận thì sẽ có hy vọng đẩy lui sự lão hóa và sống lành mạnh cho tới ngày... ra đi.

Đấy, chỉ có vậy thôi! Sau đây là "phiếm loạn":
  • Bằng chứng phải mang tính khoa học. Các nghiên cứu (và phương pháp) phải vượt qua được những phê bình, thách thức từ giới khoa học. Phụ chú B có nói tới cách tính thống kê theo khoa học.
  • Bằng chứng khoa học phải khả tín. Có nghĩa là từ một nguồn có uy tín và có tiếng là đứng đắn.
  • Khi thấy nói tới thuốc trị bá bệnh thì nên nghi ngờ vì KHÔNG có thuốc nào trị được tất cả các bệnh tật.
  • Ông bà nào quảng cáo thuốc chữa  bệnh Gout trong vòng 15 ngày thì đừng có tin.
  • Sữa ong chúa (mà một thời biết bao người mua) là lừa bịp trắng trợn vì không cứ gì là ong mà có là công chúa thì cũng không sản xuất được bấy nhiêu sữa!
  • Khi nghe, thấy những xác chứng (testimonies) thì nên cẩn thận vì thường là người làm chứng (đã được chữa khỏi) thì thành thật nhưng vẫn không có nghĩa là thuốc hay cách trị liệu là phù hợp với trường hợp của mình.
  • Thí dụ có ông nào đang mập mà bỗng vài tháng ốm hẳn đi thì có thể không phải do uống nước xay khổ qua mà có thể là vì vợ đánh mỗi đêm suốt mấy tháng ròng.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. "Đi thì hỏi già" (vì già thì nhiều kinh nghiệm); còn "Về nhà thì hỏi trẻ (vì trẻ thường khai thật); nhưng có bệnh thì đừng tin già mà  cũng đừng tin trẻ mà nên hỏi Bác Sỹ.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Harvard Business Review - Refresher on Statistical Significance 
C. Leverage the Evidence - CL4

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

Di Dân vào Hoa Kỳ

Thân chào các Bê (*),
Một điều không ai chối cãi là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ là một đất nước được lập thành và phát triển với sự đóng góp lớn lao của di dân. Hay nói cách khác: Hoa Kỳ là xứ sở do người di dân, của người di dân, và sẽ mãi mãi bao dung và trân trọng người di dân. Di dân đến đất nước này qua nhiều biến cố lịch sử: từ người tội phạm (criminals) hoặc trốn chạy vương quyền đế quốc cho tới người nô lệ (slavery) thời tiền lập quốc; cho tới những đợt di dân từ bỏ quê hương vì nạn đói (Iris famine); cho tới người lao công Trung Hoa sang "Tân Thế Giới" làm đường sắt (rail road; chemin de fer; thiết lộ); cho tới người tị nạn từ Âu Châu, Phi Châu và Á Châu, vân vân...
Trong quá trình lịch sử này có biết bao chuyện đáng đề cao như sự đóng góp của người di dân mới, như sự trân trọng bao dung của người sở tại (người di dân cũ); nhưng cũng không hiếm những thí dụ mà người công dân Hoa Kỳ không lấy gì làm hãnh diện: những luật lệ mang tính kỳ thị; những biện pháp công quyền nhằm mục đích cô lập, triệt hạ người mới tới, nhằm ngăn chận những làn sóng di dân. Đã có một thời mà di dân gốc Ái nhĩ Lan/Tô cách Lan (Irish/Scottish) và gốc Ý (Italian) bị khinh khi như thế nào, Bê có nhớ, có  biết không? Vậy mà đã có 20 Tổng Thống Hoa Kỳ có nguồn gốc từ đất nước Ái nhĩ Lan, đó! (phụ chú G)

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Bài này xin không nói về chuyện di dân một cách khái quát như phần dẫn nhập trên mà chỉ xin đưa ra một vài cảm nghĩ của một người di dân vào Hoa Kỳ từ cuối năm 1979; hơn nữa còn là người tị nạn đến Mỹ với hai bàn tay trắng với thứ tiếng Anh "ba rọi" (nửa nạc, nửa mỡ).
  • Quá trình nạp đơn xin vào Hoa Kỳ là một thủ tục lâu dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn. 
  • Sắc luật do Tổng Thống ban hành (executive orders) có thể thay đổi khi Tổng Thống mới lên thay. 
  • Luật pháp do Quốc Hội ban hành (Law) có tính lâu dài hơn vì khó sửa đổi. 
  • Sắc luật và luật của Quốc Hội đều ảnh hưởng tới chính sách di trú.
  • Xin Bê vào phụ chú B để tham khảo luật di dân hiện hành. Trang này bằng tiếng Việt nên dễ đọc nhưng nếu có điều gì không hiểu thì xin căn cứ vào bản tiếng Mỹ.
  •  Phụ chú C tới F là những bài báo nói về những sắc luật do Tổng Thống đương nhiệm ban hành. 
    • Số nhập cư trái phép giảm mạnh trong năm 2017 
    • Trục xuất từ người nhập cư trái phép bị bắt trong nước tăng so với trục xuất nhập cư trái phép tại biên giới (phụ chú E).
    • Như phụ chú F bình luận, bộ Tư Pháp và bộ An Ninh Quốc Gia đang xiết chặt chính sách cung cấp thẻ thông hành và thẻ thường trú. Cũng như không gia hạn thêm những thông hành và thường trú đã cấp. Những việc làm âm thầm này không cần luật lệ mới mà chỉ cần giải thích luật lệ hiện hành một cách khó khăn hơn.
  • Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) có chương trình giải đáp thắc mắc về di trú vào tối thứ Tư do Luật Sư Phạm Khanh phụ trách. Bê có thể xem các bài lưu trữ trong Facebook (Tìm "Hỏi đáp Di trú Mỹ" trong FB). 
  • Ngoài ra trang mạng https://www.facebook.com/1877ditrumy/ (Di Trú Mỹ) cũng có vẻ hữu ích (1).

Phiếm

  • Persona non grata! (Guest, you are NOT welcome!) Dù đất nước này là đất nước của tị nan, của di dân, tâm tình chống người mới đến là phần xấu xí của con người mà ai trong  chúng ta cũng mắc phải. 
  • Cứ công tâm mà nhìn vào cộng đồng di dân Việt Nam thì thấy. Người đến từ 1975 cho mình là người "di tản" chứ không phải người "vượt biên". Người tị nạn thì có coi trọng người "mua" quốc tịch Hoa Kỳ bằng tiền bạc, đâu!  
  • Hơn nữa, khi người Việt di dân đã hội nhập thì lại bắt đầù hành xử như người bản xứ xấu xí: khinh khi người tị nạn Bosnian, Somalian, vân vân...
  • Ngược lại khi người bản xứ bênh vực người di dân mới "quá" nhiệt tình thì lại là một vấn đề mà chúng ta phải cẩn thận!
  • Dù là di dân chính trị hay kinh tế hay lý do gia đình thì vẫn là "vạn sự khởi đầù nan". Đừng bỏ cuộc. ĐỪNG BAO GIỜ bỏ cuộc.
  • Mong là những người đã may mắn, thành công trở thành công dân Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng hội nhập,  sẽ nhanh chóng đóng góp cho đất nước này.
  • Gần đây đã thấy xuất hiện khá nhiều video clips trên YouTube.com những bài phỏng vấn tại hiện trường và không chuẩn bị trước (in situ and not arranged) về một câu hỏi "có nên sống tại Mỹ hay không?" Một số phát biểu là đời sống tại Mỹ buồn chán, cô đơn trong tuổi già và nhiều khi còn bị kỳ thị nữa. Đệ không nghi ngờ gì về những cảm nghĩ thành thật này và cũng không thắc mắc gì về kết luận là người lớn tuổi, không biết tiếng Mỹ, không biết lái xe thì không nên sống trên đất Mỹ. 
  • Tuy nhiên, khi xem các bài clips này thì Bê đừng quên nghĩ đến những giá trị khác của xã hội Hoa Kỳ. Người di dân đến Hoa Kỳ không phải để tìm những tiện nghi đời sống do người khác hay xã hội mang lại cho họ. Người di dân đi là để tìm cơ hội, để tìm tự do. Người di dân mơ là mơ giấc mơ cho con cho cháu (*).
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Ở tuổi Bê mà phải "hy sinh đời Bố để củng cố đời Con" là một cái giá quá rẻ để trả, n'est ce pas?
(1) Caveat Emptor! Bê phãi tự định giá trị của các trang mạng này. Đệ không chịu trách nhiệm gì nếu các trang mạng này cho những thông tin không chính xác.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Tài liệu chính thức của Sở Di Trú bằng tiếng Việt 
C. Immigration under Trump: A Review of Policy Shifts in the Year Since the Election
D. One Year of Immigration Under Trump
E. Immigration Under Trump: By the Numbers
F. How Trump is quietly rewriting US immigration policy
G. American Presidents with Irish Ancestors