Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2021

Đôi Khi

Thân chào các Bê (*),

Hôm nay lại xin tản mạn về một đề tài mà vì bận rộn trong cuộc sống, chúng ta không còn nghĩ tới: thân phận người tỵ nạn. Thậm chí chúng ta không nhớ là khi người ta nói tới người tỵ nạn là người ta nói về chúng ta. Thời gian xóa hết, xóa hết cả những bài học trong trường đời...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Có một kỷ niệm buồn mà Đệ mãi không quên: ngày trên đảo Ruồi (Berhala, Letung, Indonesia) anh chị em Nha Y Dược thường thân thiết với nhau hơn nên hay chuyện trò. Một hôm vợ của một anh Bác Sỹ nói với Đệ là người kém học thức thật sự không đáng được đi định cư ở nước văn minh và khi gia đình (người Bác Sỹ này) sang được Âu Châu thì sẽ mãi mãi bye bye cái dân tộc **** **** này, vân vân...

Trên đảo thì vấn đề đi định cư là vấn đề hàng đầu nên tranh dành nhau để được phỏng vấn bởi Mỹ, Âu Châu, Úc là chuyện không lạ. Cái làm Đệ nhớ mãi là cái tâm tư muốn quên cái thân phận tỵ nạn của mình, nó có ngay cả khi mình còn trên bước đường tỵ nạn. Khi đã định cư, một số chúng ta dùng lý do "hội nhập" để mau mau, lẹ lẹ quên đi cái thân phận thật sự của mình.

Phần còn lại của bài này xin nói tới hiện tại và tương lai. Hiện tại là tại biên giới phía Nam của Hoa Kỳ, số trẻ em vượt biên qua Mỹ mà không có cha mẹ tăng nhanh với chính sách biên giới của chính quyền hiện tại. Đúng hay sai của chính sách này thì Đệ xin không bàn tới mà chỉ xin nêu lên một ý nghĩ nhỏ nhoi: nếu năm 1979, người công dân Mỹ, Âu, Úc, vân vân mà làm "đúng" và không thâu nhận người tỵ nạn thì chắc là Đệ chôn đời trên một hoang đảo nào đó. Có khi đã mất xác trên biển (xem Trối Sống)

Đôi khi, đúng không phải là giải pháp, nên (làm) mới là giải pháp.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Lý luận của chúng ta thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh. Tâm thì thường hằng.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

Kỳ Nhông - Salamander

Thân chào các Bê (*), 

Hôm nay lại xin viết nhăng về nền dân chủ tại Hoa Kỳ. Việc phân chia ranh giới cho mỗi đơn vị bầu cử trong mỗi tiểu bang tại Hoa Kỳ. Đây là một đề tài, phải nói là, phức tạp và được cả hai chính đảng (Cộng Hòa và Dân Chủ) khai thác triệt để khi có thể. 

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Gerrymandering (phụ chú B) là việc chia lại ranh giới cho đơn vị bầu cử (voting district redrawing). Đảng nắm đa số tại Quốc Hội tiểu bang và Thống Đốc tiểu bang sẽ có quyền "vẽ" lại bản đồ bầu cử trong tiểu bang. Việc này: 
  • Xảy ra mỗi mười năm (sau thống kê dân số/national census như 2000, 2010, 2020, vân vân) (1)

  • Đơn vị bầu cử phải liền lạc (geographically contiguous ) nên hình thù thường dài ngòng giống con kỳ nhông nên mới có cái tên là gerrymander (nhại chữ salamander; Gerry là tên một ông Thống Đốc của tiểu bang Massachusetts đầu thế kỷ 19)

  • Do tiểu bang đảm trách (nên có thể giúp phe/đảng đang cầm quyền tại tiểu bang làm tăng khả năng trúng cử cho người cùng đảng). Tuy nhiên giới nghiên cứu cũng không chắc là gerrymandering có hiệu quả mong muốn.
Điểm số 3 ở trên cũng cho thấy sự tranh cãi của giới nghiên cứu nghi ngờ sức mạnh của gerrymandering nhưng cho dầu gerrymandering có hiệu quả lớn hay không thì sự kiện này, phân chia lại ranh giới được cả hai đảng áp dụng mỗi mười năm gây bao tốn kém cũng như tạo sự lầm lẫn, bối rối cho cử tri, là một đề tài đáng nêu lên. 

Thông thường thì đơn vị bầu cử (voting district) được phân định dạng hình vuông (hay hình chữ nhật; hay gồm hình có nhiều cạnh thẳng). Nhưng từ lâu người ta đã thấy là vẽ lại đơn vị bầu cử để số người theo đảng của mình nhiều hơn trong đơn vị thì khả năng thắng cử cho gà nhà là cao hơn. Xin xem hình trong phụ chú C để thấy hình dạng của một đơn vị bầu cử. 

Ngày nay với sự giúp đỡ của máy điện tính thì việc phân định lại đơn vị bầu cử lại càng đưa ra những hình thù kỳ nhông quái dị. Lý do là ngày nay, cách phân định lại phát triển theo phương hướng mới: tìm cho ra những hình thù mà cư dân theo đảng đối lập bị dồn vào một số ít đơn vị. Điều này đồng nghĩa với việc số lớn đơn vị còn lại sẽ gồm cư dân của đảng mình chiếm đa số. 

Theo suy luận thông thường thì nếu gerrymandering mà thành công thì đảng cầm quyền sẽ mãi cầm quyền, có đúng không? Không!
  • Vì cử tri cứ dọn từ nơi này qua nơi khác (có khi qua tiểu bang khác)
  • Vì số cử tri phải bằng nhau cho mỗi đơn vị (đây cũng là lý do các ngài bảo là phải vẽ lại)
  • Vì người tính (với máy tính) vẫn không bằng Trời tính
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân, 

Chú thích: 
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê thì cứ thắc mắc là sao mình không đổi nhà ở mà lúc thì thuộc đơn vị này khi thì thuộc đơn vị kia. Rồi thì lầm lẫn nơi phải đến để bỏ phiếu.
(1) Có khi tiểu bang (Quốc Hội và Thống Đốc) cho vẽ lại bản đồ giữa thập niên (mid decade gerrymandering) như trong bài báo này: Nevada Republicans could take up mid-decade redistricting

Phụ chú:
D. Gerrymandering: How drawing jagged lines can impact an election - Christina Greer << Nhớ mở phụ đề tiếng Việt nếu cần (vào Setttings/Subtitles và chọn tiếng Việt)