Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Nếu Chỉ Một Lần Lắng Nghe Đại Nhân - Cập Nhật III

Thân chào các Bê (*),

Thôi, thôi! Ông lại dở cái mửng "Nếu chỉ một lần..." nửa, hả? Dạ thì Đệ sợ là đặt cái tít khác thì Bê không thèm xem bài blog này, nên phải dùng cái "chiêu" này, một lần nữa, đây! Một lần nữa xin xác minh là Đệ không chuyên về âm nhạc nên đây chỉ là viết nhăng cho đầu óc làm việc trong tuổi... sắp già.

Cập Nhật I: Xin giới thiệu đến các Bê bài về Đại Nhân của RFI Hoài Dịu:  Ludwig van Beethoven, biểu tượng văn hóa rock. Trong bài này Hoài Dịu cũng đề cập tới Dr.Viossy playing Ludwig van Beethoven's Sonata in C#m n° 14 "Moonlight" - 3rd movement. Phần trình diễn của Dr. Viossy, nghe lại vào mùa Thu như bây giờ thì thật tuyệt. 
Cập Nhật II: https://www.facebook.com/100000187866216/posts/2198453266837581/

Cập Nhật III: 
A Brief History of Ludwig van Beethoven


Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Đại Nhân này thì Bê cũng đã có, ít nhất là, nghe qua tên. Những công trình để lại cho hậu thế thì thật đồ sộ và quý giá trong giá trị văn học, nghệ thuật. Xin Bê nghe qua một đoạn của một tác phẩm nổi tiếng của Đại Nhân và xin đừng đọc tiếp nếu chưa nghe xong cái mp3 này.


<<< Cố tình để trống >>>
(xin nghe cho xong đoạn nhạc trên trước khi đọc tiếp)



Thế Bê có biết ai là Đại Nhân ở đây, không? Đúng ra là phải dùng chữ "Vĩ Đại" (The Great); nhưng vì hai chữ này, thiên hạ dùng quá nhiều lần để nói đến mấy ông ác ôn, côn đồ nên ở đây Đệ xin dùng hai chữ "Đại Nhân" với ý nghĩa trân trọng nhất có thể dùng cho một người đã để lại cho nhân loại biết bao tác phẩm âm nhạc vượt thời gian và không gian; mà ra cả ngoài vũ trụ nữa (phụ chú B về nhạc được gởi theo phi thuyền Voyager).
Ngài là ai? Bê mà đoán đúng thì khi nào gặp Đệ xin nhắc Đệ thì Đệ đãi cà phê, nghe.  Đại Nhân mà không phải Mozart; cũng không phải Bach thì nhất định phải là thiên tài âm nhạc: Ludwig van Beethoven. Beethoven rất xứng đáng để chúng ta ngưỡng mộ thuần túy về lý do âm nhạc. Nhưng tình thật mà nói, Đệ không có cửa mà bình luận/đánh giá những di sản này. Bản Giao Hưởng số Năm và Bản Giao Hưởng số Chín, chỉ hai bản giao hưởng này không thôi đã đủ để đặt Beethoven lên chiếu trên của làng âm nhạc thế giới. Hai bản giao hưởng này quá nổi tiếng nên xin Bê cứ vào Youtube.com mà nghe. Cuộc đời Beethoven thì xin Bê vào phụ chú C và J đọc thêm. Đệ chỉ xin nêu ra đây một vài chi tiết nổi bật của Beethoven.
  • Beethoven bị điếc khá sớm trong đời. Chứng bệnh này đã là nỗi đau khổ và lo sợ của Beethoven trong suốt thời gian ông có thể sáng tác.
  • Đời sáng tác của ông có thể chia ra ba giai đoạn: 1) trước khi có triệu chứng điếc, 2) giai đoạn điếc bắt đầu và ngày càng nặng (đa số tuyệt phẩm ra đời trong thời kỳ này), 3) giai đoạn cuối với bản Giao Hưởng số Chín (khi ông chấp nhận số mệnh).
  • Sau này, sử gia và bình luận gia vẫn tranh cãi về bệnh điếc giúp công việc sáng tác của ông hay là nếu ông không điếc thì ông có thể làm nhạc còn hay hơn nữa. Ngày nay, có vẻ như mọi người đồng ý là bệnh điếc đã không ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng sáng tác của ông; mặc dầu là có ảnh hưởng đến khả năng làm nhạc trưởng cũng như khả năng giao tiếp của ông. Mà cũng chính vì thế nên ông rất siêng đối thoại trên giấy (documented conversations) và nhờ vậy hậu thế biết chi tiết về ông nhiều hơn các vĩ nhân khác.
  • Trong giai đoạn hai khi ông bắt đầu điếc thì ông tránh dùng các nốt nhạc cao và ông dùng nhiều nốt nhạc trầm hơn (vì ông còn nghe được nốt trầm rõ hơn nốt cao). Bài Giao Hưởng số Năm (Symphony No. 5) và bài Sonata No.14 "Quasi Una Fantasia" Opus 27 No.2 (Moonlight Sonata) ra đời trong giai đoạn này. 
  • Bản Giao Hưởng số Chín (Symphony No. 9), ông làm vào cuối đời khi ông đã chấp nhận số phận và không còn tìm cách chữa chạy nữa. Trong tác phẩm này các nốt cao lại trở lại với ông bằng âm thanh trong đầu ông. Điều này các nhà bình luận đều đồng ý là những người có khả năng âm nhạc cao có thể "nghe" được âm thanh trong đầu (không cần thính giác). 
  •  Công phu tập luyện của các nhạc sỹ/nhạc công thường bị coi nhẹ vì người nghe thường hời hợt nghe với cảm tính và nhìn với con mắt bên ngoài. Đệ cho là chúng ta có con mắt bên trong có thể nhìn cả "quá khứ/hiện tại/tương lai" và "nhìn" được không những những thành quả mà còn nhìn ra được những "công phu/cố gắng/tập luyện" dẫn đến thành quả mà "con mắt trần", "đôi tai trần" đang xem, đang nghe. Xin Bê xem phụ chú G để thấy bậc thầy dạy học trò như thế nào về cách cảm nhận và diễn tả một bản Sonata theo ý mình. 
  • Đời tư của Beethoven thì sao? Ai bảo Bê tò mò vấy? Nghe Beethoven thì nghe thôi! Xem nghệ sỹ trình diễn nhạc Beethoven thì chú ý tới âm nhạc thôi! Nói vậy chứ nếu Bê nào vẫn muốn biết thêm về Beethoven, con người và sự nghiêp, thì xin vào phụ chú F. Nhớ đọc cả lời bình luận của Janette Miller trong video này.
Trong bài này Đệ chỉ xin trả lời câu hỏi: "Nếu chỉ một lần tôi muốn nghe Đại Nhân, thì nghe bài gì?". Dạ, từ đáy trái tim, Đệ đề nghị là nghe bài Moonlight Sonata (cả ba phần mà phần ba Bê đã nghe với cái MP3 ở trên). Sonata chỉ có nghĩa là một bản nhạc viết cho nhạc cụ (đối lại với Cantata là bản nhạc viết cho người hát). Bản sonata này lại cũng là một bản nhạc nói về Đêm Trăng (1) và không biết tại sao mà nhạc viết về ban đêm thường là hay? Chắc tại vì nó nói lên sự tập trung (hay sự cô đơn) của nhà soạn nhạc. "Ai không nghe thì đi ngủ đi!", ý nhà soạn nhạc là như vậy, chăng?
Và đây, Bê chọn một đêm trăng thanh vắng, ngồi một mình mà nghe Moonlight Sonata. Bài này Bê có nghe thì xin đọc luôn lời bạt để biết tên gốc của bài nhạc cũng như những truyền thuyết liên quan tới bài này. Thật ra Moonlight Sonata First Movement không kéo dài 2 tiếng đồng hồ như vậy đâu. Hai tiếng là tại vì người làm video nhân đôi bản "một tiếng". Và ngay như phiên bản "một tiếng" thì cũng đã nhân khoảng 14 lần first movement, rồi. Có người lại thích nghe phần trình diễn của Wilhelm Kempff (phụ chú D).
Bê sẽ hỏi: "Ông nói tới "first movement" (premier mouvement; chuyển khúc đầu) rồi thì second movement đâu? Dạ, đây, cả ba chuyển khúc (khoảng 15 phút) Valentina Lisitsa - Moonlight Sonata Op.27 No.2 Mov.1,2,3 (Beethoven). ĐỪNG có bấm vào đường dẫn nếu Bê không có đủ 15 phút để nghe. Có đoạn hơi chậm nhưng xin đừng cho qua (skip), đã nghe thì xin nghe cho trọn, để không phụ lòng Đại Nhân và Valentina Lisitsa (2). Với nhiều người (kể cả nhạc sĩ) thì ba movements này có thể coi như ba bài nhạc riêng rẽ và có người chỉ trình tấu một hay hai "movement". Bê ơi, Beethoven viết ba chuyển khúc là có lý do chứ chẳng phải là tình cờ (3).
Đệ đặc biệt thích phiên bản Moonlight Sonata - Beethoven - Bass Guitar tiếng đàn bass rất hợp với chuyển khúc số một. Còn Heavy Metal 1st Movement thì sao? Đệ cho 8 điểm (trên 10) nhưng chỉ 4 điểm về ưa thích. Cùng người chơi thì Đệ cho 7 điểm ưa thích cho Heavy Metal 3rd Movement (4).


Cám ơn Bê đã đọc trọn bài này. Một bài blog khá mất thì giờ khi đọc! Hy vọng là Bê sẽ nghe Beethoven với cảm quan mới. Đệ học hỏi khá nhiều khi tìm tài liệu để viết bài này. Như một lời cám ơn, tặng các Bê video Beethoven Moonlight Sonata 3rd Movement played by 24 pianists. Mỗi người một vẻ; có người chơi bài này hai lần trong video nhưng hai lần cũng khác biệt.


Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. "Giời ơi, tưởng gì chứ ông Bi này thì tôi nghe hoài", Bê sẽ nói. Thế thì nhất Bê rồi! Nhưng đã nghe Moonlight Sonata với đàn guitar điện chưa?
(1) Xin Bê đừng nhầm với bản Nocturne của Chopin.
(2) Lisitsa trình diễn bản Hungarian Rhapsody No. 2 của Liszt rất xuất sắc.
(3) Các Bê nào really into music thì xin tham khảo bài giảng số 9 của vị thầy trường Yale, Craig Wright, về Lecture 9. Sonata-Allegro Form: Mozart and Beethoven để hiểu thêm về cấu trúc của một bản Sonata. Wright dùng thí dụ từ Mozart và Beethoven (Giao Hưởng số 5) để giảng về cấu trúc âm nhạc.
(4) Nghe nhạc sỹ trình diễn (sống hoặc thâu hình qua video) rất khác với nghe/nhìn qua thâu âm trong studio. Các nghệ sỹ chuyên nghiệp cũng vẫn trình diễn cùng một bài mỗi nơi, mỗi lúc một khác. Xin lấy thí dụ như nghe bài Diễm Xưa khi Khánh Ly hát ở tuổi đôi mươi rất khác với nghe cụ hát ở tuổi bốn lần đôi mươi (đùa vậy thôi chứ KL chưa tới 80 đâu). Nghệ sỹ trình diễn cũng vậy nên có khi cùng người trình diễn mà video này hay hơn video kia. Nếu Bê tìm được một video nào mình ưa thích thì phải đánh dấu để khỏi phải tìm kiếm sau này. Bài trình diễn của MP3 ở trên là từ Dr.Viossy playing Ludwig van Beethoven's Sonata in C#m n° 14 "Moonlight" - 3rd movement. Xin Bê nghe lại.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài 
B. Voyager Golden Record
C. Wikipedia - Ludwig van Beethoven (English) - Tiếng Việt
D. Beethoven's Moonlight Sonata mvt. 1 - Wilhelm Kempff Ông trình diễn bài này năm ông khoảng 80 tuổi thì phải. Khen thì rất nhiều nhưng có một số cho rằng ông đánh khác với bản gốc ở một số chỗ. Who cares?
E. Yundi Li - Beethoven Moonlight Sonata (2014 Japan)
F. Beethoven - A Portrait
G. BBC. Barenboim on Beethoven - Masterclass on the Sonatas
I. Moonlight - Electric Cello (Inspired by Beethoven) - ThePianoGuys
J. Great Composers: "Beethoven Ludwig van"

Không có nhận xét nào: