Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Tản mạn về ngày Tưởng Nhớ--Memorial Day--2016

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay lại xin tản mạn về ngày Tưởng Nhớ--Memorial Day. Năm ngoái, đã viết Tản mạn về ngày Tưởng Nhớ--Memorial Day. Nên xin không viết lại những gì đã viết. Năm nay, xin được đề cập đến chuyện người mà ngẫm về chuyện mình. Nhớ để mà tránh thì thật là nên nhớ. Nhớ để mà khoe khoang tự hào thì có lẽ không nhớ thì tốt hơn.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Hoàng Hải năm 1953, biên giới biển Bắc Đăng (Northern Limit Light; NLL), đường ranh biển mà UNC (United Nations Command) định đặt, với sự miễn cưỡng chấp nhận của Bắc Hàn. Phía Bắc NLL thuộc về Bắc Hàn (Triều Tiên; DPRK), phía nam NLL thuộc về Nam Hàn (Hàn Quốc; ROK). Xin xem bản đồ trong phụ chú B. Miễn cưỡng vì Bắc Hàn vẫn cho là đường ranh phải nằm sâu hơn về phía Nam; vì vậy nên tàu thuyền Bắc Hàn vẫn thường xâm nhập dưới đường NLL.

NLL năm 2002, hai chiến thuyền tuần duyên Nam Hàn phát hiện hai chiếc thuyền Bắc Hàn vượt lằn ranh tiến về phía Nam nên cảnh cáo và theo dõi hai chiến thuyền này với ý định bắt buộc họ rời lãnh hải Nam Hàn. Chuyện đáng lý là thường xảy ra và tàu thuyền Bắc Hàn, sau một lúc dọa nạt sẽ rút lui,  quay về phương Bắc; nhưng tình huống lúc bấy giờ thì lại tương tự như năm 1999: Hải Chiến Tại Yeonpyeong lần thứ nhất: Tàu Bắc Hàn phát hỏa trước với súng phóng lựu (RPG; Rocket-propelled Grenade), súng 85 ly (có lẽ là súng từ xe tăng cải biến thành ụ súng trên chiến thuyền) và súng 35 ly. Tuần duyên 357 bị pháo bất ngờ nên trở tay không kịp vả lại chiếc này chỉ có súng 30 ly và 40 ly. Bắn trả đã không có hiệu quả vì thương vọng và tàu bị hư hại mất khả năng điều hành. Tuần duyên 358 quay lại (cũng như các tàu Hải Quân Nam Hàn khác đến ứng cứu) nhưng quá trễ để bảo vệ chiến thuyền lâm nạn. Tuần duyên 357 chìm trước sự bất lực của các tàu bạn.
Tình tiết của trận hải chiến tại NLL lần thứ hai (2002) thì đã được dựng thành phim: N.L.L.: Yeonpyeong Haejeon. (1)
Bê muốn biết thêm về trận hải chiến này thì xin đọc phụ chú B hoặc có Netflix hoặc mua DVD thì có thể xem phim này. Có coi phim thì xin Bê coi cho hết phim vì phần cuối khi phim đã hết có chiếu những người lính đã thật sự tham dự trận chiến khi họ nói về đồng đội đã hy sinh.
Bài này xin không nói chi tiết về trận hải chiến này mà chỉ muốn phiếm bàn về sự hy sinh của người lính nhân ngày Tưởng Nhớ và Tri Ân, những người nằm xuống cho tổ quốc của họ.

Tản Mạn

  • Sự hy sinh của người lính thì thật là cao cả và đáng được tri ân. Hai thí dụ trong trận hải chiến: người lính bị bắn, ruột đổ ra ngoài thân, vẫn dùng tay nhét ruột vào; người lính cầm lái chiếc tuần duyên lâm nạn, cột tay mình vào bánh lái và chết theo tàu.
  • Chiến tranh thì thật là vô nghĩa với người đã hy sinh (cho tổ quốc) và thân nhân của họ. Người mẹ câm đã khóc con giờ lâm chung trong bệnh viện với những âm thanh não lòng nói lên sự vô nghĩa này (trong phim kể trên).
  • Học thuyết về chiến tranh với chính nghĩa (phụ chú C và D) ra đời và được cải thiện qua bao thế kỷ mà sao kẻ ác vẫn lờ đi mà xâm lược, mà tàn phá để thỏa mãn mộng xâm lăng bành trướng (2). Có lẽ tất cả các nước văn minh đều phải cam kết tuân thủ học thuyết này. Nước nào vi phạm thì tất cả các nước khác (đã ký kết) phải có bổn phận giải giới nước đã vi phạm công ước về chiến tranh chính nghĩa. Ôi! dĩ nhiên đây chỉ là mộng!
  • Chiến tranh như là sự cần thiết xấu xa (un mal nécessaire; a necessary evil) nhưng chắc chỉ đúng cho bên tự vệ. Mặc dầu phe bành trướng hoặc xâm lược cũng dùng lý thuyết này để hô hào kích động. 
  • Nhớ Hoàng Hải mà ngẫm về Đông Hải, mà ta gọi là Biển Đông: chỉ có Trung Quốc mới tin là xâm chiến/cưỡng đoạt biển đảo ở Biển Đông là hành dộng bảo vệ chủ quyền. Như đáng buồn thay là niềm tin (lố bịch) này là của một tỷ ba trăm triệu con người! Các nước khác có cần tự vệ không? có nên, không? Cần chứ, nên chứ! Nhưng lại chính con người sẽ gánh chịu hậu quả của chiến tranh.
  • Chiến tranh sẽ tồn tại và phát triển vì con người vẫn vô cảm với sự đau khổ của kẻ khác và năm tới, Đệ sẽ thêm một bài blog? Thôi đi!!!

Xin chúc tất cả các Bê (nhất là các Bê sống tại Hoa Kỳ) một ngày thứ Hai an bình bên gia đình.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê 60 thì chắc là có trải nghiệm qua cuộc chiến Việt Nam, ở một mức độ nào đó. Một cuộc chiến mang quá nhiều tên như chung quy thì vẫn là tương tàn.
(1) Người cầm lái trên tuần duyên 357 là người đóng vai anh chàng Thượng Sĩ Nhất trong phim Hậu Duệ Mặt Trời.
(2) Xin Bê đừng lẫn lộn học thuyết này với những mỹ từ như cuộc chiến tranh thần thánh hay những cuộc chiến tranh giải phóng mà người "được giải phóng" lại bị phỏng... toàn thân (chứ chẳng phải chỉ phỏng cái ấy).


Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Second Battle of Yeonpyeong
C. Doctrine de la guerre juste
D. Just war theory

Không có nhận xét nào: