Mùa tuyết rồi cũng qua. Thời tiết đã "vờn" quanh con số 50 độ Fahrenheit ở một số ngày (ngay lúc giữa trưa). Hôm nay, Đệ xin phép viết lăng nhăng về một đề tài tương đối là nhậy cảm: đi vào tuổi già mà chưa sẵn sàng. Nếu Bê chưa cho là mình già thì cũng là sắp đi vào tuổi già rồi, có đúng không?
Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Sẵn sàng? Thật sự mà nói thì chẳng ai là sẵn sàng khi cuộc sống đời này sẽ chấm dứt.
Nên trong suốt bài này hai chữ sẵn sàng mang một ý nghĩa tương đối.
Đệ có ông anh rể ở tuổi Bê 80, hôm đi California thăm Anh và Chị, thì Anh nói: "Anh sẵn sàng rồi, Em ơi! Chúa gọi là Anh đi!" Câu nói đơn giản mà làm Đệ suy nghĩ. Anh nhìn ra là ngày ra đi không còn xa và tính "sỹ quan chỉ huy" của Anh cho Anh cái thói quen chuẩn bị cho bất cứ sự việc gì; huống chi là cái việc trọng đại này. Trong bài blog Phẩm Giá - Không Thiếu Một Giây - Không Thừa Một Phút - Cập Nhật I Đệ có nói tới cái nguyện không sống thừa một phút trong đời. Nói như vậy không phải là khoác lác mà là cái mộng ước của mình.
Phần còn lại xin "xoay" qua một câu chuyện khác trong đề tài này: tuổi Bê nhưng vẫn chưa yên, chưa sẵn sàng. Đệ có biết một trường hợp hai vợ chồng lớn tuổi nhưng đời sống còn quá nhiều buồn phiền: tâm chưa yên; mộng ước vẫn còn quá tầm tay. Giàu có nhưng không hạnh phúc: chàng từng là sỹ quan của một binh chủng hào hoa, nàng từng học một trường nữ nổi tiếng ở Sài Gòn. Tiền của danh vọng thì không thiếu nhưng ai gặp họ thì trước sau gì cũng "thấy" là họ thiếu trầm trọng một thứ: cái vui hưởng trong tuổi già. Ở cái tuổi Bê 70 rồi mà ông còn có cái nhu cầu kiếm việc làm (ông đã về hưu). Ông cần đi làm để giải quyết việc cá nhân, để thoát cái vòng kiềm tỏa của Bà. Bà thì tiền bạc không thiếu nhưng thiếu sự thuần phục từ Ông.
Như nói trên, Đệ không có ý định dạy đời ai mà chỉ muốn tản mạn nói lên cảm nghĩ của mình; mà cũng không nhất thiết là mình đã "đạt" được những điều mình nêu ra đây:
- Buồn phiền vì mộng chưa thành: ở tuổi này dù có còn năng lực phấn đấu thì cũng phải "nhìn" ra là có những mộng ước không thành. Lực bất tòng tâm. Ở đời chuyện bất như ý thì nhiều; dù mình còn khả năng đương đầu với chúng thì cũng phải nhận ra là có những chuyện đã ngoài tầm tay, có những nguồn lực đáng nể chống lại những ước muốn của mình.
- Không hòa thuận vì đối phương không còn thuần phục mình. Thuận thảo là cái nhà Phật gọi là vô thường. Lực và phản lực mới chính là cái hằng thường mà thế giới này vận hành trong đó. Cái duy nhất, vĩnh viễn hằng thường, là ở chỗ muôn vật, muôn sự đều vô thường, đều tạm bợ.
- Không còn năng lực, như xưa, để tự lập tự cường, để tránh cái kiếp nương dựa vào người khác. Ác một cái là người xưa nay vẫn tự lập, tự cường mà lâm vào hoàn cảnh phải nương dựa vào người khác thì lại càng đau khổ, hơn.
- Trong bài blog đã viết, Closure Ritual -- Sang Trang trong Nghi Lễ, Đệ đã đề cập đến vấn đề là chúng ta (có cả Đệ) thường là chậm trong việc đổi thay theo thời đại, theo trào lưu, theo cái mà mình không cưỡng được. Chúng ta "chậm sang trang" dù rằng phụ nữ thường nhanh hơn nam giới nhưng tuổi già là lực lớn làm chúng ta chậm thay đổi (hoặc không bao giờ thay đổi nữa). Mà không theo kịp trào lưu mới thì tới lúc nào đó sẽ bị đào thải!
- Sẵn sàng là chấp nhận hiện tại và tương lai.
- Chấp nhân hiện tại không có nghĩa là buông xuôi mặc cho đời vận chuyển.
Chấp nhận hiện tại là cách vui hưởng cái mình sẵn "có", sẵn "đang là". - Chấp nhận tương lai cũng không có nghĩa là không tìm cách cải thiện hiện tại để có một tương lai ổn định hơn, sung túc hơn và lành mạnh/khỏe mạnh hơn.
Chấp nhận tương lai là phương sách nhìn ra cái giới hạn mà mình sẽ không thể nào vượt qua. Thí dụ ở tuổi 40 còn chạy Marathon được thì ở tuổi Bê mình cũng phải chấp nhận là ngày nào đó, 70, 80, hay 90 mình sẽ không chạy Marathon được nữa. Chấp nhận tương lai là như vậy.
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,
Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Sống là đến, thác là về, có thế thôi. Khi về thì sẵn sàng, vẫn hơn.
Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét