Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2018

Trối Sống

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay sếp lớn nghỉ vacation. Sếp nhỏ xuống thăm phòng lab mà lúc đó chỉ có Đệ trong phòng. Sếp mới hỏi là mấy cái dây điện để ở đâu; sếp cần một cái. Hai đứa mới ra chỗ chứa đồ và Đệ phải đẩy một cái kệ ra cho nó lấy sợi dây. Chuyện là Đệ không cho nó đẩy phụ vì sợ trúng ống dẫn nước, dẫn khí trong phòng chứa thì nguy; hai đứa mới đùa giỡn là nếu ống bể thì đứa nào chạy trước....

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Từ sự đùa giỡn này mà Đệ mới nhớ lại và kể cho Rob (sếp nhỏ) nghe chuyện hồi tỵ nạn trên đảo. Chuyện lúc đó thì không buồn cười nhưng bây giờ kể lại thì cũng thấy vui vui...
Chuyện thật.
Người trong chuyện cũng thật nhưng không còn nhớ anh T. là sỹ quan của binh chủng nào.
Pulau Berhala. Đảo Ruồi rất nhỏ. Nhỏ đến nỗi sáu tháng chìm dưới mực nước biển nên người tỵ nạn phải dời qua đảo khác vào mùa nước lớn. Đó là chuyện khác mà Đệ xin kể vào dịp khác. Hôm nay chỉ muốn nói tới chuyện anh T. và Đệ một hôm lội qua biển vào buổi sáng (khi nước còn chưa ngập đầu) để từ Berhala sang đảo lớn nơi có cây rừng. Đúng ra thì hôm đó có khá nhiều người lội biển qua đảo lớn vào buổi sáng. Cả toán leo núi lên rừng kiếm cây thẳng đề mang về đảo làm chòi trú nắng mưa. Vì việc kiếm cây rừng là khá phổ biến nên muốn kiếm cây tương đồi thẳng thì phải đi sâu vào rừng...
Chiều đến thì cả toán đã xuống chân núi của đảo lớn. Một số về bằng đò (vì có tiền trả tiền đò); một số không phải mang cây về và biết bơi giỏi thì bơi về đảo Berhala nơi tỵ nạn tạm trú. Anh T. và Đệ vì tiếc tiền đò và vì phải mang bó cây cực khổ lấy trên rừng nên quyết định cột bó cây làm bè và bám bè mà về.
Quyết định này té ra là một quyết định dại dột! Anh T. không biết bơi mà Đệ thì chỉ bơi sơ sơ (I was a true city boy); vậy mà hai anh em về sau cùng (vì còn ở lại cột bó cây làm bè). Bắt đầu băng biển và chân không còn chạm đất thì mới thấy là mình dại: cây tươi (mới hạ buổi sáng) không nổi như mình tưởng tượng. Hơn nữa khi chiều tối nước dâng cao và gió thổi vần vũ, chân không chạm đất thì không kiểm soát được hướng bơi. Luồng nước đẩy ngang bó cây mà Đệ ôm phần đầu còn anh T. thì ôm phần cuối. Đệ thì miệng cắn cái bóp giấy tờ (và hình BigBoss và cô con gái); tay ôm bó cây; còn chân thì cố đập nước mà đẩy bè. Anh T. giữ phần sau thì nửa người nằm trên bó cây; chân cũng đạp đùng đùng. Ban đầu thì bó cây còn hướng về đảo nhưng càng xa bờ thì hình như cả hai đều nhận thấy là mình trôi ra biển khơi chứ không đi về đảo! Biển khơi là nơi có rất nhiều cá mập theo lời kể của dân đánh cá trên đảo. Nỗi lo sợ chết ngoài biển khơi là một hiện thực hãi hùng trong tâm trí cả hai anh em. Kiếng cận thị để trong túi quần nên nhìn về hướng Berhala lại mờ mờ ảo ảo. Cái chết thật gần.
Rồi không nghe tiếng đạp nước của anh T. nữa. Đệ quay lại thì thấy ông T. nửa nằm, nửa bám vào bó cây, nên vội lấy cái bóp khỏi miệng mà nói: "Anh T., anh T., ráng lên, đạp chân đi!". Anh T. mếu máo nói: "Anh có bề nào thì Hòa lo cho chị và con anh!".
Chúa tôi! Lời trối sống của anh T. làm Đệ rởn gai ốc! Nhưng cũng vờ như mình còn đủ tự tin mà nói vài lời khuyến khích với anh T. tuy trong lòng rất lo lắng với lời nói gở của anh. Im lặng và sau đó thì cố mà xoay mà chuyển cái bè sắp rã (vì không biết cột) về hướng đảo.
Một lúc sau, thả chân xuống thì Chúa ơi: chân chạm đất. Cơ hội thoát chết vì có thể điều khiển bó cây chống lại luồng nước biển muốn mang chúng tôi ra biển khơi. Khi chân đã chạm đất thì cũng là khi thấy khói nấu cơm chiều bay lên từ phía đảo và cũng bắt đầu nghe tiếng nói lao xao từ phía đảo tỵ nạn vọng lại.
Sau đó thì Đệ đi Mỹ còn anh T. cùng vợ và con gái đi định cư ở Đức.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Nói đến vô thường thì dễ; đối mặt với cái chết lại là chuyện không thường chút nào!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài 
B. Đến Đảo sau 38 Năm – 38 Ans Après
C. Publicity on Kindness to Refugees Disturbs Jakarta

Không có nhận xét nào: