Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Chừng nào ta ra được biển lớn?

Thân chào các Bê*,
Đây chỉ là tản mạn của một ông... chưa già mà đã lẩm cẩm. Bê không thích đọc thì xin... phượt đi chỗ khác chứ đừng bực bội với Đệ, nghen! Bài này không nhằm mục đích ám sát cá nhân (character assassination) ai cả nên tên tuổi đã được viết tắt nhưng chuyện là thật, nhân vật..., đáng tiếc thay, cũng là thật.
Dạ dạ, Đệ xin vào đề....
Gia đỉnh Đệ rất thích một sô truyền hình thực tế (Television reality show), AO, đề tài chính là các ông bố đi chơi với con. Sô rất hay nên Hàn quốc bán bản quyền cho Tàu, Việt Nam và Nga (show mới có từ 2013 mà đã rất được yêu chuông ở nhiều nước.) Thích là vì khi ông bố đi du lịch với con mà không có vợ/mẹ đi theo thì bao chuyện bất ngờ và buồn cười sẽ xảy ra. Mọi người coi gần đủ 2 năm (97 tập rồi) và rất thích vì ba điểm chính:
   1) Các Bố sau một thời gian thì "nhìn" ra vấn đề và thay đổi tình cảm và cách hành xử với con và với vợ,
   2) Chương trình nói đến văn hóa, ẩm thực và thắng cảnh của Hàn Quốc,
   3) Coi thì mới thấy là giáo dục ở xứ sở này có lẽ là một yếu tố lớn của "phép lạ kinh tế Hàn Quốc".
Coi hay quá mà truyền hình Hàn quốc không sản xuất kịp theo đòi hỏi của người coi (một tập một tuần) nên khi nghe VN bắt đầu phiên bản Việt, mình cũng rất mong đợi. Thực tế là phiên bản Việt quá tệ ! Tệ... đều trên mọi lãnh vực so với phiên bản gốc! Từ sản xuất, đến đạo diễn, đến kịch bản ! Từ các Bố, đến các Con ! Thật là thất vọng nhưng vì ghiền quá nên cũng ráng nuốt !!! Cho đến tập 6...
Chuyện là, trong một sô thì thường các Bố nhận được nhiệm vụ (mission) nào đó để thi hành. Các Con cũng có nhiệm vụ riêng. Tập 6 thì các Bố phải làm việc gì đó để kiếm đủ tiền mua 8 cái vé xe lửa (4 cặp Bố/Con) đi du lịch.  Thì trên tinh thần của cuộc chơi thì làm việc gì đó để kiếm tiền có nghĩa là các Bố phải thật sự làm ra tiền chứ không phải, chẳng hạn, là ra nhà băng rút tiền.
Dad1 thì bệnh nên được miễn; Dad2 là một giám đốc một show truyền hình khác và là nhạc sĩ thành danh nữa; Dad3 là một MC của nhiều shows truyền hình trong nước; Dad4 là một ca sĩ. Kế hoạch là Dad2, Dad3 và Dad4 sẽ đi hát rong để kiếm tiền. Dad4 cầm đàn hát trong khi Dad3 thì cầm phone để quay phim chụp hình và dẫn dụ các fans cho tiền. Công việc này chưa đi tới đâu thì ngài giám đốc Dad2, với tính sáng tạo của ngài, cầm đàn hát một bài của chính ông sáng tác và đã quay video để quyên tiền cho trẻ em khuyết tật trước kia. Hát xong, Dad2 nhấn mạnh với người cho tiền là tiền sẽ để cho trẻ em khuyết tật. Nói trắng ra đây là một màn lừa gạt và lợi dụng danh nghĩa trẻ em khuyết tật để kiếm tiền cho các Bố/Con đi du lịch bằng xe lửa trong một sô truyền hình thực tế.
Chàng ca sĩ trẻ Dad4 giận ứ gan, không nói được một lời, bỏ đi. Dad3 có vẻ cũng thấy Dad2 sai nhưng rõ ràng là chàng cũng muốn số tiền đó để khỏi phải vất vả thêm trong ngày. Theo quan điểm của Dad3 thì Dad2 sai (mượn đầu heo nấu cháo) chứ mình không làm gì sai và chàng chỉ theo kế hoạch "ngâm miệng ăn tiền".

Bàn

1. Nhà sản xuất và đạo diễn thấy mình vớ được của bở vì 5 sô rồi mà cũng chưa có gì hay! Bây giờ các Bố cãi nhau thì... tuyệt diệu để câu "views": không những họ đã cho chiếu màn lừa gạt này lên truyền hình mà cuối sô họ dùng nó như một "cliffhanger" và quảng cáo là người xem hãy đợi đến sô tuần sau để biết cách giai quyết vấn đề của các Bố.
2. Khi ba Bố họp lại với nhau để giản hòa thì Dad2
   a) không nói được một lời xin lỗi
   b) không biểu lộ sự hối lỗi (remorse) qua thái độ
   c) mà lại còn xác nhận là đó là cách làm việc thường ngày của Ngài, nghĩa là "mượn đầu heo nấu cháo". Và hứa là khi về nhà sẽ lấy số tương đương cho từ thiện; bây giờ thì cứ tạm dùng tiền quyên được để mua vé tàu hỏa đã.
   d) Ngài lại sổ vài câu tiếng Mỹ để biểu lộ thái độ là sao ngài thấy Dad4 phiền phức quá. Theo tôi, người Mỹ cũng có người gian tham lừa gạt nhưng đây là một sô với đề tài giáo dục trẻ em. Sao lại phô bầy cái thực tế (reality) quá phũ phàng với khán giả gia đình (family audiences) như vậy. Và những người muốn giúp trẻ em khuyết tật sẽ nghĩ sao về hành động bất chấp thủ đoạn này. Ở nước đã phát triển (biển lớn), thủ đoạn gian manh cũng có nhiều nhưng thường là báo chí phanh phui ra chứ không thấy nhà sản xuất sô nào vạch áo cho người xem lưng thế này.
3. Chuyện sau đó được "giải quyết" bằng cách là Dad3 chạy vào gặp ông trưởng ga để... xin tám cái vé! (Sau khi làm một màn trình diễn là ba Bố có đi bán hàng rong -- nhưng số tiền cũng không đủ). Rốt cuộc là có vé tàu hỏa là nhờ ông trưởng ga tặng chứ không phải là do công sức các Bố! Rồi thì màn trình diễn: mấy Bố nhét tiền kiếm được vô thùng đựng tiền từ thiện.

Kết

Bê sẽ hỏi: "Cái ông này sao dài dòng quá! What's your point?" Dạ, Đệ có cái "point" nào đâu! Đệ chỉ muốn hỏi: "Chừng nào ta ra được biển lớn?"

Chúc Bê một Giáng Sinh tưng bừng vui vẻ và một năm mới... như mơ!

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê 60 hay "bị" con gái bảo: "Kệ người ta, Bố ơi!"
(1) Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Không có nhận xét nào: