Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Sao nỡ làm khổ nhau?

Thân chào các Bể (*),
Hôm nay lại lăng nhăng chỉ trích người nên xin Bê thứ lỗi cho! Đọc báo mà thấy những bài như thế này mà không buồn bực thì... mới là lạ!

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Hai bài báo, một trong nước và một hải ngoại, viết tiếng Việt cho người Việt đọc. Nội dung khác nhau nhưng có chung một điểm: người đọc dù có đọc qua vài lần, một cách nghiêm túc, thì vẫn không làm sao hiểu nổi là người viết muốn nói gì!!!

Cùng là người Việt mà Sao nỡ làm khổ nhau? Sao nỡ tra tấn nhau bằng ngôn từ/ngôn ngữ vậy, hả Trời??? 

1. Hộ Gia Đình Mỹ Có Mức Lương Trung Bình 85,087 MK/Năm, Hộ Gia Đình Có Con Nhỏ: 107,054 MK (xem phụ chú 1)

a. Bài này đăng không đề tên người viết.
b. Dịch từng chữ (mot à mot; word by word) một bài viết bằng tiếng Mỹ với lối văn kỹ thuật (technical writing) nên lời văn là vô nghĩa. Đọc qua vài lần cố tìm hiểu mà như... chưa đọc!
c. Bài không có chủ đề; không mở đầu, thân bài, và kết luận.


2. Cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới như thế nào? (xem phụ chú 1)

a. Bài này cuối bài cũng không đề tên người viết mà chỉ đề: "Theo vov.vn". Như vậy là sao chép từ một trang mạng khác. (tiếng thở dài đâu đây)
b. Bài này có ý định  giải thích luật mà Quốc Hội ở Việt Nam đã "xem xét và quyết định" về đề tài lương hưu theo Luật BHXH mới. (1)
c. Trích:
"Về cách tính lương hưu, Luật quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%, tiến tới người lao động có thời gian đóng BHXH đủ 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam thì đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%."
Câu văn tối nghĩa mà lại bỏ lửng nên người đọc không biết là lương hưu tối da 75% là 75% của... cái gì!!! Hơn nữa mệnh đề này được lập lại trong cùng câu văn!
d. CẢNH BÁO!!! Bê nên cẩn thận lấy hơi đầy phổi trước khi đọc câu kiệt tác văn chương không dấu phẩy và chấm phẩy sau đây:
"Sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định theo hướng có lộ trình tiến tới tính bình quân toàn bộ thời gian đóng như người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (bình quân của 5 năm, 6 năm, 8 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm hoặc của toàn bộ thời gian tùy thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia BHXH)."
Câu văn "tràn đầy" từ ngữ mà sao người đọc vừa hụt hơi vừa không hiểu được ý!

Đọc đến đây thì Bê sẽ nói: "Thế ông viết tiếng Việt có ra gì không mà lại lắm chuyện chê bai thiên hạ?" Dạ có khác ở chỗ là Đệ viết lăng nhăng cho đỡ buồn (bài nào cũng cố phân trần như vậy rồi) nên Bê đọc cho vui thôi. Chứ nhà báo thực thụ thì bài viết phải qua tay Tổng Biên Tập hoặc Chủ Bút hoặc "ở trên" chứ.
Sao nỡ lòng nào để các bài báo như vầy xuất hiện trên mạng toàn cầu vậy hở Giời!?


Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê 60 thường lo lắng về tiền hưu mà được thông tin như thế này thì thật là... hoảng loạn/hoang mang!
1. BHXH: Bảo hiểm xã hội.

Phụ chú:
1. Việt ngoài viết báo
2. Việt trong viết báo
3. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Tax Freedom day--Từ đây đến cuối năm làm bao nhiêu được giữ trọn!!!

Thân chào các Bê(*),
Từ đầu năm đến ngày hôm qua, người công nhân ở Hoa Kỳ làm bao nhiêu thì là để đóng thuế. Ngày hôm nay,  24 tháng tư, 2015 là ngày đầu tiên người dân Hoa Kỳ, còn đi làm, đã đóng xong thuế cho cả năm. Từ đây đến cuối năm làm bao nhiêu được giữ trọn! Tha hồ mà hưởng, nha!

Dạ, dạ chuyện là thế này...
Ngày Thoát Thuế (xin xem phụ chú số 1) là ngày mà cả nước Mỹ, như một tổng thể, đã làm đủ tiền lương để trả thuế cho trọn năm. Cách ước tính này cung cấp cho người dân Mỹ một thước đo mức thuế người dân phải trả. Nếu không tính cách này thì với sự phức tạp và đa hình/đa dạng của các thứ thuế (và cả các thứ thuế ẩn dấu trong chi tiêu thường nhật), làm cho người dân không hình dung được mức thuế người dân phải đóng. Cách tính của cơ quan (tư) này là chia (tổng số thuế thâu được) cho (lợi tức quốc gia) để ra con số phần trăm. Rồi từ con số phần trăm này mà suy ra số ngày trên tổng số 365 ngày của một năm.

Bê có thể nói:  "Tính như vậy thì chắc là không chính xác rồi!" Dạ, đương nhiên cái "chỉ số", cái "thước đo" này chỉ nên dùng trong hai điều kiện sau đây:
1. Dùng để so sánh với tax freedom day của những năm trước.
2. Dùng để so sánh với tax freedom day của những nước khác nhưng phải nhớ là mỗi nước có cách tính khác nhau nên không nên vội đi đến kết luận là nước này đóng thuế nhiều hơn nước kia.

1. Thí dụ bảng Ngày Thoát Thuế (TFD) Hoa Kỳ (2)

Năm     TFD               Phần trăm
1900    January 22      5.9%
1910     January 19     5.0%
1920     February 13     12.0%
1930     February 12     11.7%
1940     March 7           17.9%
1950     March 31          24.6%
1960     April 11     27.7%
1970     April 19     29.6%
1980     April 21     30.4%
1990     April 21     30.4%
2000     May 1        33.0%   <<<< Cao nhất trong bảng
2001     April 27     31.8%
2002     April 17     29.2%
2003     April 14     28.4%
2004     April 15     28.5%
2005     April 21     30.2%
2006     April 26     31.2%
2007     April 24     31.1%
2008     April 16     29.0%
2009     April 8       26.6%
2010     April 9       26.9%
2011     April 12     27.7%
2012     April 13     29.2%
2013     April 18     29.4%
2014     April 21     30.2%
2015     April 24     31%

2. Thí dụ bảng so sánh một số nước vào năm 2007 (2)
Estonia                   114     31.1%     24 April    2007
Czech Republic     161     44.1%     11 June      2007
France                    197     53.6%     16 July      2007
Norway                  210     56.7%     29 July      2007
USA                       114     31.1%     24 April    2007

Bê thấy không? Dù biết là mỗi nước có cách tính khác nhau nên khó có thể so sánh; như người Mỹ thường nói: "don't compare oranges and apples". Nhưng tính thế nào thì vẫn thấy Âu Châu như Pháp và Na Uy đóng thuế... hết biết luôn!

Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê 60 thường ca cẩm sao nhà nước lấy thuế gì mà lấy lắm vấy! Nhưng Bê ơi, thuế nhiều thì an sinh xã hội sẽ thường là tốt hơn cho các Bê (ở) Tây, Bê (ở) Na Uy đấy!

Phụ chú:

1. Tax Freedom day.
2. Cả hai bảng ở trên là từ bài Tax Freedom Day -- Wikipedia

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Một thừa, một thiếu, một ... nham nhở!!!

Thân chào các Bê(*),
Hôm nay, ngày nghỉ (1) nên đáng lẽ là nằm coi phim cho khỏe nhưng lỡ tay mở cái đttm (smartphone) coi tin tức. Mà... tức thật! Mà sân si nổi lên như nước vỡ bờ! Phải "bò" qua phòng làm việc viết nhăng...

Nhiều năm nay, báo mạng của Việt Nam không những là phương tiện truyền thông/thông tin tiện dụng cho người Việt trong nước mà cả nhũng người Việt ở hải ngoại... hơi bị rảnh nhưng Đệ đây. Đọc thì đọc nhưng tin thì vẫn không tin và nếu nói là thỏa mản với phương hướng xử dụng tiếng Việt của giới truyền thông ở Việt Nam thì Đệ xin nói thẳng là... còn khá thất vọng! Xin nói ngay ở đây là người Việt giỏi xuất sắc thì trong hay ngoài gì cũng có cả nhưng chắc người giỏi trong nước vẫn chưa có tiếng nói hay quyền lực để dẫn đầu cho những cố gắng làm tiếng Việt ngày một trong sáng hơn.
Bắt chước lối chơi chữ của câu The Good, The Bad and The Ugly, Đệ xin nói tới ba trường hợp mà báo chí trong nước dùng tiếng Việt... chưa được chỉnh. Dạ, Đệ cũng biết có nhiều trường hợp người Việt hải ngoại cũng... ngây ngô không kém nhưng xin bàn trong một dịp khác. Và hơn nữa Đệ cũng không giỏi giang gì về văn chương ngôn ngữ đâu! Dạ, ngày xưa Đệ học ban toán.

Dạ, dạ xin vào Đề...

Một Thừa,

Cứ tới dịp Lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ thì báo chí truyền hình bắt đầu quảng cáo và bàn tán về Black Friday. Chữ này để chỉ ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn (thứ Năm lần thứ tư trong tháng Mười Một) và ngày này cũng là ngày đầu cho mùa mua sắm Giáng Sinh và Năm Mới. Chữ Black Friday được ngành truyền thông chính thống/chính thức của Việt Nam dịch là Thứ Sáu Đen Tối, dịch có vẻ văn chương nhưng dịch như vậy là không tôn trọng nguyên nghĩa/nguyên ngữ. Chữ Black ở đây là thuật ngữ trong kế toán dùng để chỉ màu đen của mực viết (hoặc mực in). Trong kế toán mực đen là lời (ngược lại mực đỏ là lỗ). Black Friday là để chỉ ra là thường các thương hiệu thương mại sẽ nhờ mùa mua sắm cuối năm mà không còn lỗ nữa: một mùa mua sắm không những hết lỗ mà còn bắt đầu lời cho năm. Black Friday mang một ý nghĩa rất vui mừng cho thương nghiệp (business) lẫn người tiêu dùng (consumers). Chữ tối mang nghĩa đen tối như chuyện mờ ám, chuyện không vui; tại sao lại dùng cho Black Friday? Vậy chữ "tối" trong Thứ Sáu Đen Tối là thừa. Thừa vì... dốt! (2)

Một Thiếu,

Hôm nay, bà Hillary Clinton chính thức tuyên bố sẽ ứng cử vào chức vụ Tổng Thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ tới. Báo chí Hoa Kỳ đăng là "Hillary Clinton Running For President In 2016 As A 'Champion' For 'Everyday Americans'" Câu này tương đối là khó dịch vì nó dùng chữ Champion Everyday Americans. 
Truyền thông trong nước dịch: "Bà Clinton: Tôi sẽ là nhà vô địch cho dân Mỹ" Đã đành là chữ Champion có nghĩa là nhà vô địch nhưng trong câu văn này (in context) dịch vậy làm câu văn không có nghĩa. Chữ Champion còn có nghĩa thứ hai là người binh vực (cho..) hoặc  người tranh đấu (cho..). Vậy nên phải dịch là bà Clinton tuyên bố sẽ là "người đi đầu trong công cuộc đấu tranh cho..." mới đúng. Còn chữ Everyday Americans (3) thì dịch là dân Mỹ thì cũng tạm được vì không làm lệch hoặc tối nghĩa. Thiếu là tại... lười; không chịu tra tự điển.

Một... Nham Nhở

Rộ lên vài năm nay là hiện tượng tự chụp hình bằng điện thoại di động (và đăng vào mạng xã hội như Facebook). Hành động và sự kiện này được đưa vào tự điển chính thức của Anh/Mỹ và giới mạng là selfie. Giới báo chí chính thức ở Việt Nam đặt ra chữ "tự sướng" để chỉ hành động (verb/action) và sự kiện (noun/event) tự chụp hình. Chữ tự sướng mang một ý nghĩa không được tốt đẹp vì nó làm người đọc và nghe liên tưởng đến những hành động tự làm cho mình... sướng/phê. Xin nói ngay là những hành động làm cho mình sướng khoái thì không có gì xấu. Vấn đề ở đây là chuyện gán ghép hành động tự làm cho mình sướng với việc mình tự chụp hình thì có phần... quá đáng. Người hời hợt thì đọc rồi cười khúc khích vì nghĩ đến chuyện bậy bạ. Người đạo đức thì vin vào chữ tự sướng để cấm hoặc lên án hành động tự chụp hình.
Bê có thấy là dùng chữ tự sướng gây ra những phiền toái không? Tại sao không dịch và dùng chữ tự chụp hình? Một thí dụ cụ thể là năm ngoái, mạng xã hội rộ lên với những lời bàn/bình phẩm không đẹp về tấm hình của một cô cháu gái tự sướng với cái cảnh nền (picture background) là hình ảnh Ngoại cô ta nằm trong cỗ quan tài. Khoan nói tới chuyện có nên chụp hình mình với người thân đã chết. Chữ tự sướng ở đây làm cho hành động của cô gái này trở thành lố bịch và thậm chí là cho người đọc có cảm tưởng là cô ta tự làm mình... sướng phía trước xác chết của Ngoại cô ta là vô giáo dục. Đệ mạn nghĩ là cô ta chỉ không biết tới những cấm kỵ trong văn hóa Việt chứ không có ý xúc phạm tới bà Ngoại (mà cô ta thương yêu; bằng chứng là cô ta đang khóc). Sao không dùng chữ tự chụp hình?  Nham nhở vì... tùy tiện.

Thân

Chú thích:
(*) Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Các  Bê mặc dầu không còn hơi sức đâu nữa mà tranh luận nhưng lòng yêu tiếng Việt trong sáng thì vẫn ngời ngời!
(1) Xưa Bố Mẹ của Đệ vẫn nói ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa, "kiêng việc xác", nên phải nghỉ ngơi không nên làm việc xác--ý nói không được làm việc ấy; nhưng chúng Đệ vẫn vin vào câu ấy để không làm việc nhà :-)
(2) Đệ xin lỗi nếu Bê có trách là Đệ sao nặng lời thế. Để công bằng thì ai thấy Đệ dốt chỗ nào thì xin comment và ban cho Đệ một chữ dốt. Update 05/21/2015:
Một người bạn học cũ bên trời Tây gởi cho Đệ một bài báo mà tác giả truy tìm ra nguồn gốc của chữ Black Friday.  Xin đăng ở đây nhưng một lời cám ơn người bạn có lòng tôn trọng sự thật.

(3) Everyday Americans: Người Mỹ bình thường mà chúng ta gặp hằng ngày. Ý chỉ thường dân chứ không phải giới giàu có hoặc quan quyền.
(4) Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài



Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Một Lara Fabian rất... bệnh.

Thân chào các Bê*,

Bê ơi, yên tâm đi. Lara không có ốm(1) đâu! Bài này là muốn giới thiệu tới Bê một bản nhạc tình (phụ) mà Lara Fabian hát cách đây khá lâu Je suis malade (French Lyrics + English Translation) (1) Nghe đi nghe lại vẫn thấy hay nên có ý giới thiệu cho Bê nghe. Đây không phải lần đầu Đệ giới thiệu Lara vì đã có đề cập đến người ca sĩ tài hoa này trong Caruso, một bài ca trữ tình bất hủ (tháng 5 năm 2014). Sau Caruso, bài mà Đệ muốn viết là giới thiệu Adagio qua tiếng hát của Lara mà cả năm nay viết đi viết lại vẫn không thấy hài lòng! Thôi thì xin khất Adagio lại cho đến khi khác. Hôm nay, một bài rất hay của nàng: "Je suis malade/I am sick/Em... bệnh rồi nè!" Một lần nữa, viết là viết lăng nhăng cho đầu óc khỏi mụ đi sớm thôi chứ không có ý gì khác.

Dạ, dạ đệ xin vào đề...

Cả bài cũng chỉ để nói lên: "Vì Anh mà Em bệnh quá Anh ơi!!!" Nếu Anh là Anh-lý-trí  thì Em có gào thét thế này chứ có gào thét hơn nữa thì Anh cũng chạy dài và sẽ không bao giờ trở lại. Mà Bê cũng chẳng cần phải thương cảm dùm cho nàng vì có Anh nào là Anh-lý-trí đâu! Ở tuổi Bê 60 rồi nên Đệ lớn tiếng tuyên bố là nếu đối tượng là người yêu thì tất cả các Anh đều là Anh-tình-cảm cả, mà thôi. Ra đi đã hai năm (không hiểu là duyên cớ gì) nhưng khi Em gào thét "Vì Anh mà Em bệnh quá Anh ơi!!!" thì đố có ông nào không nủi lòng cái kiểu: giân thì giân mà... thương thì... vẫn thương! Bởi vậy các cô các bà vẫn cứ... bệnh như thể này hoài.

Phiếm

Hơn nữa, bài ca này lại do một nam ca nhạc sĩ (Serge Lama) viết năm 1973 nên có thể hiểu theo hai nghĩa: 1) "Vì Anh mà Em bệnh quá Anh ơi!!!" hoặc 2) "Vì Em mà Anh bệnh quá Em ơi!!!". Nghỉa thứ nhất là viết dùm cho tâm trạng người con gái; trong khi nghĩa thứ hai là viết cho tâm trạng của một người con trai. Có lẽ (có lẽ, thôi nghe) là nghĩa thứ nhất đúng hơn. Bởi Serge Lama có thể tả tâm trạng người nữ bị tình phụ theo hướng nhìn của người nam nên ngầm ban cho "Anh" cái quyền lực (power) là nếu Anh mà trở lại thì Em sẽ chắc chắn là khỏi... bệnh! Nếu Đệ đoán đúng thì Serge Lama cho "Anh" cái quyền lớn bằng quyền của... Thượng Đế, rồi còn gì! Có lẽ đây cũng chính là lý do tại sao các "chàng" (trong đó có Đệ) lại mê mẩn nghe Lara gào thét là: Em bệnh rồi! (xin xem phụ chú 4 với đính chính từ một người bạn học sống bên Pháp)

Chuyển qua phần trình bầy, trình diển của Lara Fabian thì theo Đệ, Fabian là một trong số hiếm ca sỉ biết dùng tiếng thở trong khi ca. Tiếng thở không những không làm nhiễu lời ca mà còn làm phần diễn tả đạt đến tuyệt đỉnh nghệ thuật! Đệ vẫn thắc mắc nếu bài này được hát bằng một ca sĩ khác thì mình có "thấy phê" như vầy, không? Hay là Bê trả lời dùm đi!


Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ.  Bê 60 mà còn nghe được nhạc tình thì có gì mà phải lo!!!
(1) Đệ dùng "rất... bệnh" thay vì theo quê quán của Đệ thì phải "bảo" là "ốm nặng". Vì chữ "bệnh" mang hai nghĩa...

Phụ chú:
1. Bài này có nhiều videos khác nhau. Đệ chọn video này vì có phụ đề cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Bê cứ vào youtube mà tìm phiên bản khác, nếu thích.
2. Sau đây là lời ca (từ http://www.metrolyrics.com/je-suis-malade-lyrics-lara-fabian.html)

Je ne rêve plus
Je ne fume plus
Je n'ai même plus d'histoire
Je suis laide sans toi
Je suis sale sans toi
Comme une orpheline dans un dortoir
Je n'ai plus envie
De vivre ma vie
Ma vie cesse quand tu pars
Je n'ai plus de vie
Et même mon lit
Se transforme en quai de gare
Quand tu t'en vas

Je suis malade
Complètement malade
Comme quand ma mère sortait le soir
Et qu'elle me laissait seule avec mon désespoir
Je suis malade
Parfaitement malade
T'arrives on ne sait jamais quand
Tu pars on ne sait jamais où
Et ça va faire bientôt deux ans
Que tu t'en fous

Comme à un rocher
Comme à un péché
Je suis accrochée à toi
Je suis fatiguée, je suis épuisée
De faire semblant d'être heureuse
Quand ils sont là
Je bois toutes les nuits
Et tous les whiskys
Pour moi ont le même goût
Et tous les bateaux
Portent ton drapeau
Je ne sais plus où aller tu es partout

Je suis malade
Complètement malade
Je verse mon sang dans ton corps
Et je suis comme un oiseau mort
Quand toi tu dors
Je suis malade
Parfaitement malade
Tu m'as privée de tous mes chants
Tu m'as vidée de tous mes mots
Pourtant je crois que j'avais du talent
Avant ta peau

Cet amour me tue
Si ça continue
Je crèverai seule avec moi
Près de mon radio
Comme un gosse idiot
En écoutant ma propre voix qui chantera

Je suis malade
Complètement malade
Comme quand ma mère sortait le soir
Et qu'elle me laissait seule avec mon désespoir
Je suis malade
C'est ça
Je suis malade
Tu m'as privée de tous mes chants
Tu m'as vidée de tous mes mots
Et j'ai le cœur complètement malade
Cerné de barricades
T'entends
Je suis malade

3. Bài ca tạm dịch như thế này: Đệ cố tình hiểu theo ý mình nên có những câu không giống nguyên bản bằng tiếng Pháp.

Em không còn mơ,
Em không còn hút (thuốc),
Em không cả nhớ, 
Không có Anh, Em thật xấu,
Không có Anh, Em thật bẩn, 
Giống như đứa trẻ trong viện mồ côi

Em không còn thiết tha
Sống đời mình
Đời Em ngưng lại khi Anh đi
Em không còn sống nữa
Ngay cả chiếc giường 
Cũng biến thành sân ga
Khi Anh ra đi

Em bệnh rồi
Hoàn toàn bệnh rồi
Như khi Mẹ đi khỏi chiều nay
Để lại mình Em với nỗi tuyệt vọng

Em bệnh rồi
Bệnh hoàn toàn rồi
Không nói khi nào Anh đến
Không nói nơi nào Anh đi
Vậy mà đã hai năm
Anh không cần Em nữa

Như một gánh nặng
Như một tội phạm
Em đeo dính Anh
Em mệt mỏi, Em kiệt sức
Để giả đò hạnh phúc
Khi chúng ở đây
Em uống (rượu) hằng đêm
Và  tất cả rượu whiskeys đó
Với Em chỉ có một vị
Và tất cả các con tầu
Mang hình dáng Anh
Em không còn biết chúng đi đâu, chỗ nào cũng có Anh!


Em bệnh rồi
Bệnh hoàn toàn rồi

Em trút máu Em vào thân Anh
Và Em như con chim chết
Khi Anh, Anh ngủ
Em bệnh rồi
Hoàn toàn bệnh rồi
Anh tước đoạt tất cả các bài ca của Em
Anh lấy hết lời của Em rồi
Tuy nhiên Em tin là Em đã khéo
Trước da thịt Anh
Tình này đang giết chết Em
Nếu cứ kéo dài như thế này
Em sẽ chết trong cô đơn 
Bên cạnh chiếc radio
Như con ma dại 
Lắng nghe tiếng mình rên rỉ


Em bệnh rồi
Hoàn toàn bệnh rồi
Như khi Mẹ đi khỏi chiều nay
Anh tước đoạt tất cả các bài ca của Em
Anh lấy hết lời của Em rồi
Và con tim Em bệnh hoàn toàn
Vây chặt bởi rào kẽm gai
 Anh nghe (không)
Em bệnh rồi nè!


4. Một người bạn học ngày xưa cho biết bài này là tâm sự của Serge Lama (chứ không phải là Lama viết dùm cho phụ nữ).  Và người bạn cho biết nguồn sự kiện là từ  "La Parenthèse inattendue" France 2 du 29 mai 2013". Cái này mới gay! Vì trong một năm Đệ chỉ được quyền sai ba lần mà vì viết bài này đã phỏng đoán sai hết một lần trong tháng Tư vừa rồi.
Trích: 
"Alice Dona, qui a composé la musique de la chanson culte "Je suis malade" pour Serge LAMA, raconte comment l'histoire personnelle de Serge Lama lui a inspiré les paroles. Alors, en 1971, marié depuis deux ou trois ans avec Daisy Brun, Serge Lama est tombé amoureux de Michelle, qui est devenue sa femme après (il l'a épousée vingt ans plus tard, en 1991). Torturé par cette situation, il racontait à Alice Dona que cette histoire compliquée qui l'obligeait à mentir sans cesse le rendait malade. De ce trio infernal naîtra donc Je suis malade en 1973, l'un des plus beaux titres de la chanson française..."
Té ra là tâm sự của Lama trong một mối (ngoại) tình tay ba. Chàng đã phải nói dối liên tục với vợ trong thời gian dài về người tình nên chàng đâm bệnh. Xin cám ơn người bạn tôi.

5. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài


Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Viết về Tét -- Talking about TED.

Thân chào các Bê*,

Hôm nay Đệ xin giới thiệu về Tét (Tét chứ không phải là Tết). Tét là tên Đệ gọi một cơ quan truyền thông bất vụ lợi chuyên đề về những đề tài và sáng kiến đáng được truyền bá.
Như tại trang mạng chính thức viết: "TED is a platform for ideas worth spreading. Started in 1984 as a conference where technology, entertainment and design converged, TED today shares ideas from a broad spectrum — from science to business to global issues — in more than 100 languages. Meanwhile, independent TEDx events help share ideas in communities around the world." Xin tạm dịch như sau: "TED là bệ phóng cho những sáng kiến đáng được truyền bá rộng rãi. Từ năm 1984 TED là diễn đàn nơi kỹ thuật, giải trí và sáng tạo/thiết kế hội tụ, thì nay TED chia sẻ sáng kiến trên một bình diện rộng hơn từ khoa học, tới thương mại, cho tới những vấn đề toàn cầu với trên một trăm ngôn ngữ. Đồng thời những TED độc lập (TEDx) sở tại thì chia sẻ sáng kiến trong những cộng đồng khắp thế giới."

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Gì mà ghê gớm vậy? Dạ... trên cả ghê ấy chứ lậy! Này nhé:
  1. TED có rất nhiều đề tài và thể loại mà Đệ dám nói là Bê sẽ tìm được mấy thể loại mà Bê thích. Cứ thử vào TED, thì Bê sẽ tìm ra các bài thuyết trình về các đề tài Bê thích. Nếu thấy giao diện (browser interface) rắc rối thì nên bắt đầu với mấy cái danh sách (playlists) làm sẵn như: Mười một video nên xem, hay Hai mươi bài thuyết trình phổ thông nhất, vân vân...
  2. Về thể loại thì ôi thôi kể sao cho hết! Đệ chỉ lấy một ví dụ về đề tài vần A và vần B để Bê thấy sự phong phú về thể loại. (các khung đỏ là Đệ vẽ đại; chứ những thể loại không có khung đỏ có thể là thể loại Bê thích đấy; đừng bỏ qua!). Muốn chọn thể loại thì vào TED full library, rồi nhấn vào topics rồi chọn See all topics. Sau đó thì cứ chọn cái vần chữ mà mình muốn.

  3. Nhưng Bê có thể bảo: "Thôi ông ơi!  Tiếng U của tôi (USA English) chỉ đầy cái lá mít mà nghe thuyết trình bằng tiếng Anh thì đúng là ông... giễu dở! Không sao! Thế Bê đọc phụ đề trong khi nghe thuyết trình được không? Nếu được thì coi như vấn đề được giải quyết nhé vì đa số TED video có thể "hiển thị" phụ đề. Vừa nghe vừa đọc thì sẽ dễ hiểu hơn.
  4. Bê có thể làm khó Đệ bằng tin động trời là: vừa nghe vừa đọc vẫn... không hiểu! Cái này hơi khó nhưng Bê ơi, đừng tuyệt vọng!! vì Bê có thể tạm vào TED's search và chọn ngôn ngữ (languages) thay vì topics như ở mục số 2 ở trên. Dĩ nhiên là Bê chọn Vietnamese để có phụ đề tiếng Việt. Ngày hôm nay có khoàng gần hai ngàn(1) bài thuyết trình với phụ đề tiếng Việt. Sướng nghe! Cái này cũng là cách học Anh văn thời vi tính nghe: nghe thuyết trình bằng tiếng Anh nhưng đọc phụ đề bằng tiếng Việt thì... trên cả tuyệt vời!
  5. Từ mục số 4 ở trên, Đệ xin bầy thêm một mục nữa: các Bê đã học tiếng Pháp thì vào Tét Tây mà coi những bài thuyết trình bằng tiếng Tây. Có phụ đề tiếng Pháp hoặc Anh nữa. Rất tiện cho những người như Đệ muốn ôn lại tiếng Pháp mà Tây nói nhanh quá không có phụ đề là... điếc!!!
  6.  Bê nào có điện thoại thông minh (smartphone) thì cài đặt thảo trình TED vào phone của mình thì tha hồ xem thuyết trình mọi nơi, mọi lúc.
Sau đây là vài ba thuyết trình mà Đệ còn nhớ đã coi qua:
  1.  My journey to yo yo mastery.
  2. The violin, and my dark night of the soul.
  3. Sebastian Thrun's Driverless Car @Google
  4. See invisible motion, hear silence sounds. Phát minh này thật thú vị và ứng dụng của nó sẽ là rất lớn.
  5. Gặp khó khăn? Trước hết, hãy cho tôi biết cách bạn nướng bánh mì  (có thể phải nhấn "download" rồi chọn tiếng Việt)
  6. Năm kỹ thuật để (học) nói bất cứ sinh ngữ nào.
  7. Chúng tôi dạy máy vi tính để nhận diện hình ảnh như thế nào.
  8. Tét Tây: Pourquoi les Français sont (vraiment) nuls en anglais
  9. Đây là bài tập (homework) cho Bê: Vào TED và tìm (search) chữ "Alzheimer's". Bê sẽ có ít nhất ba bài thuyết trình rất đáng xem về bệnh Alzheimer's và bệnh Parkinson's. Nếu tìm thấy bài của các tác giả Alanna Shaikh, Andres Lozano, và Kenneth Shinozuka thì là đúng rồi. 
Chúc Bê coi Tét thiệt nhiều mà kể cho con cháu nó nghe, nhe!

Thân,



Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Các Bê thường có nhiều thì giờ để học hỏi thêm về những vấn đề mà ngày còn đi làm không có thì giờ tìm hiểu thêm. Golden age như Bê thì tha hồ mà xem TED!
(1) Đệ đếm nhẩm thì là 35 bài mỗi trang X 55 trang nên cho là khoảng 2000. Nhưng từ smartphone listing thì chỉ có khoảng 1300 bài. Dù đúng hay sai thì số bài có phụ đề tiếng Việt cũng sẽ tăng.
(2) Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Tản mạn về điện thư (email) - Phần II

Thân chào các Bê,
Xin xem lời trần tình ở phần I.  Phần II này xin đề cập đến tính bảo mật của nội dung điện thư cá nhân và các posts trên mạng xã hội (email content and social network post confidentiality/privacy).

Dạ dạ Đệ xin vào đề...
Trước hết một câu hỏi thường được đặt ra mà không có câu trả lời hoặc câu trả lời thì mơ hồ: "Email có an toàn và bảo mật không?"
Không có câu trả lời hoặc câu trả lời mơ hồ là vì câu hỏi rộng quá mà các nhà làm luật lệ ở xứ Hoa Kỳ này (sau hơn hai thập niên toàn cầu mạng) vẫn quá lỗi thời trong luật lệ Internet và vì Internet có chỉ là của Hoa Kỳ như thời kỳ phôi thai ARPANET của quân đội Mỹ nữa đâu. Toàn cầu hóa (globalization) làm cho việc đặt luật trở nên gần như bất khả thi.

Câu trả lời của MPR.org (Báo điện của đài phát thanh công cộng của Minnesota,  USA) là... còn tùy! Tùy theo email của Bê cũ hay mới. Nếu chưa quá 180 ngày thì cơ quan thẩm quyền chỉ có thể động tới nếu có trát tòa (search warrant) với lý do chính đáng là tại sao mà Thẩm Quyền (TQ)(1) muốn biết nội dung của email.
Email sau 180 ngày, TQ chỉ cần gọi hoặc email cho Google (hay bất cứ hãng chủ điều hành email nào như Yahoo, Microsoft, vân vân...) thì Google sẽ chuyển tất cả nội dung mà TQ yêu cầu mà không cần lý do gì cả (không cần trát tòa).
Tại sao lại là 180 ngày? Dạ, tại các NGÀI làm luật trong quốc hội Hoa Kỳ có cái nhìn chỉ quá lỗ mũi của các Ngài một chút thôi. Ngày ấy vì ổ cứng (hard drive) còn quá mắc với dung lượng lại nhỏ (storage size) nên các Ngài "nghĩ" không hãng email nào chứa nội dung email quá 180 ngày. Ngày nay, ổ cứng quá rẻ mà dung lượng lại quá lớn nên các hãng chủ đều giữ emails lâu hơn nhiều. Nhất là với những trung tâm dữ kiện (trên) đám mây--Cloud Data Center mà các hãng xử dụng ngày nay thì chắc không cần phải xóa emails cũ làm gì nếu còn giá trị xử dụng, hay nói cách khác nếu còn tính chuyện bán cho người nào muốn mua.
Bê sẽ nói: "Nhưng mà email của tôi chắc không bị kiểm soát đâu; nhà nước đâu có rảnh mà "monitor" (quan sát theo dõi) emails của phó thường dân như tôi!" Dạ có lẽ là Bê nói đúng. Không ai hơi đâu mà monitor mấy cái emails... vớ vẩn của Bê và của Đệ đâu.
Nhưng vấn đề trở nên phức tạp hơn khi nghĩ đến... tin tặc (TT) và giá trị của emails (và posts trên Facebook) đối với các hãng/cơ quan muốn khai thác dữ kiện (data mining & data analytics). TT không có cần trát tòa gì sất! TT có  thể xâm nhập vào, thí dụ như, Google, lấy tất cả các emails và bán cho ai muốn mua để khai thác thông tin cá nhân của Bê.

Từ xưa đến nay, ai cũng nghe qua, đọc qua về cách tấn công trong võ thuật và quân sự. (Dạ, Đệ không biết mấy về võ thuật mà cũng không là lính một ngày nào). Đó là tấn công vào chỗ yếu nhất của người ta hay địch thủ. Rất có lý vì mình đỡ tốn sức mà hiệu quả lại cao. Xin lấy một thí dụ, một nhóm bạn chơi với nhau lâu năm (mọi người trong nhóm đều có thể tin cậy được) trao đổi emails với nhau thường xuyên và nhiều tin tức cá nhân được lưu chuyển trong các emails đó. Trong nhóm, coi như là một vòng xích (chain) cấu tạo bởi những mắt xích (links) là email của mỗi cá nhân trong nhóm và muốn phá cái vòng xích này không phải là dễ.  Nhưng có một người (một mắt xích) thường xuyên vào gmail và computer không cài mật mã (password) thì tin tặc sẽ tìm cách "đánh" vào cái mắt xích này để xâm nhập emails và đánh cắp được những tin tức cá nhân của những người khác trong nhóm. Cái mắt xích yếu nhất trong sợi giây xích đó thuật ngữ chuyên môn gọi là "the weakest link". Bê sẽ nói: "Tôi không có ngu vậy đâu! Computer của tôi có cài mật mã đàng hoàng!" Dạ, Bê "missed the point" rồi. Đây chỉ là một ví dụ đơn giản thôi. Với tin tặc thì mấy cái password không nhằm nhòi gì đâu. Và nữa nếu Bê là người... cẩn thận, thì tất cả các emails mà Bê nhận được Bê in chúng nó ra tất, trên giấy trắng mực đen thì computer password cũng chả giúp gì cho việc bảo mật! Hay là ví von như vầy: nhóm trao đổi email đó như cái nhà có nhiều cửa và cửa sổ. Tất cả mọi cửa đều có khóa; trừ một cái cửa không khóa. Kẻ gian sẽ vô bằng cửa nào? Hay là tất cả cửa số đều có màn che; trừ một cửa số không có màn che vì chủ nhân (của cái cửa sổ đó) có cái quan điểm sống là không có gì phải che dấu. Kẻ gian nếu muốn nhìn vào nhà thì tìm đến cửa số nào?

"Nhưng mà tôi viết tiếng Việt thì ai đọc được, trừ người Việt", Bê sẽ nói. Dạ thưa Bê, với kỹ thuật vi tính ngày nay, ngôn ngữ có thể được chuyển đổi dễ dàng: Bê có viết chữ Phạn thì nếu Đệ đây muốn đọc và hiểu nghĩa cũng không khó khăn gì chứ đừng nói gì tới các TQ.

Một thí dụ nữa là năm vừa rồi Đệ có vào Amazon.com và Newegg.com đề tìm mua một cái "router" mới (mà không mua lúc đó). Trong nhiều tuần sau đó, Đệ để ý là khi Đệ vào một trang mạng để coi phim online thì thấy các quảng cáo phần nhiều là về cái router mà tôi đang tìm hoặc những sản phẩm tương tự. Lúc đó mới vỡ lẽ ra là cái tin "ông Hòa đang tìm mua một cái router" đã đến tai con buôn! Bê sẽ nói: "thì sao? so what?" Dạ nếu Bê không màng là người ta biết thêm tin tức cá nhân của mình thì không có sao cả! Mà còn tiện lợi nữa vì các quảng cáo đó nó bỏ công ra làm cho riêng Bê đó. Nhờ quảng cáo này (selective targetted advertizing) mà Bê biết được chỗ nào bán rẻ hơn. Đúng! Nếu cái gì cũng sợ thì đừng vào Amazon nữa. Khốn nỗi là mua on line qua Amazon quá tiện lợi nhất là ở xứ tuyết. Thí dụ này cũng không hoàn toàn chính xác về bảo mật email; Đệ biết vậy, nhưng chỉ muốn nêu ra là kỹ thuật khai thác tin tức mạng (Internet data mining) đã tiến quá xa trong lãnh vực tìm hiểu tin tức cá nhân để bán cho những tổ chức muốn trục lợi. Thí dụ điển hình là vào "phây" (Facebook đánh vần theo chữ Việt) thì sẽ đọc được tin tức của các CẬU và các MỢ mà chả cần tra tấn hỏi cung chi... cho mang tiếng là vi phạm nhân quyền.

Để kết bài này, cách hay nhất là muốn dấu điều gì (hoặc hình ảnh gì) thì xin đừng gởi qua emails hoặc đăng chúng lên mạng xã hội như Facebook. Không có gì bảo đảm là người nhận (dù là theo Bê là rất đáng tin cậy) sẽ làm mọi cách để tin tức/hình ảnh mà Bê gởi cho họ sẽ được bảo mật. À mà bưu điện để gởi thơ và bưu kiện vẫn còn hoạt động ở các nước mà sao Bê không tiếp tục xử dụng bưu điện? A, mà có gởi hình bằng thơ tay thì cũng nên dặn người nhận là đừng số hóa bức hình (image scanning) rồi "tung" vào Internet. Hi, hi...

Thân,

P.S.: Phần phụ chú bằng tiếng Mỹ hơi khô khan nên thì tùy Bê. Thích thì đọc thêm; không thì thôi.


Chú thích:
(1) TQ-Thẩm Quyền là bất cứ cơ quan an ninh nào của Hoa Kỳ chẳng hạn như FBI, NSA, vân vân vì Google là hãng Mỹ, chịu luật lệ Hoa Kỳ. TQ có thể hiểu rộng ra là bất cứ chính quyền nào.

Phụ chú:
http://people.howstuffworks.com/stored-email.htm

https://support.office.com/en-gb/article/Mark-an-email-as-private-ba032a68-9f2e-4697-9a14-1eab5712865b

http://www.npr.org/2011/11/24/142755551/how-private-is-your-email-it-depends

http://www.huffingtonpost.com/chris-weigant/is-your-email-private_b_520991.html

Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài