Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

IRA--Lăn qua hay nằm tại chỗ? Rollover or not rollover?-Phần I

Thân chào các Bê(*),
Như mọi khi, xin nhắc Bê là Đệ viết là viết nhăng cho đầu óc đỡ "mụ" đi. Đúng hay sai, xin người đọc tham khảo ở bản chính (thưởng là những đường dẫn cuối bài) và các nguồn khác. Quyết định về tài chính là những quyết định lớn của đời mình nên xin Bê rất chi là cẩn thận cho. Sai thì xin... ráng mà chịu chứ đừng đổ thừa là tại Đệ, nghe!

Dạ, dạ Đệ xin vào đề....
Cố vấn tài chánh (financial advisers) thường khoe các viễn tượng huy hoàng để chiếm lòng tin của Bê mà giao quỹ tiền hưu của Bê cho họ quản lý dùm bằng phương cách chuyển tiền hưu qua quỹ IRA.
Mọi quỹ IRA đều do các công ty tài chánh tư nhân hoặc ngân hàng tư làm chủ. Chữ quan trọng nhất trong câu trước là chữ "".
Hãng tư trong thế giới tư bản có mục đích chính (và chính đáng) là làm lợi cho hãng (chủ và nhân viên) chứ không phải là khách hàng; xin Bê chú ý điểm này. Nếu họ nhấn mạnh là tất cả chỉ vì khách hàng là... nói chơi, thôi! Sau đây là một trường hợp (1) mà cố vấn tài chánh chỉ nghĩ đến làm lợi cho chính họ bằng cách xử dụng tài sản của khách hàng VÀ cũng chính vì lòng tham mà khách hàng như chúng ta mờ mắt nên không nhìn ra là mình đang bị lợi dụng. Cú "hích" bị vào tròng này là rất lớn và rất đau ở tuổi Bê của chúng ta. Tất cả những chiêu trò này đều được kê khai trên giấy tờ; nhưng có mấy ai đọc và nghiền ngẫm trước khi ký!!! Đệ xin vào câu chuyện ngay bây giờ...

Chuyện là: 

"Khi Cindy Rogers được biết mình có thể về hưu non với hãng Verizon (hãng điện thoại lớn nhất nhì nước Mỹ) thì nàng đã do dự vì khi ấy nàng mới 49 tuổi. Nhưng rồi cơ duyên run rủi, nàng nói chuyện với cố vấn tài chánh (financial planner) mà nàng biết qua Công Đoàn của nàng. Người này "bảo đảm" với nàng là chuyện hưu non là khả thi và có lợi. Nàng nghe, nàng về hưu: mang trọn gói $529,000 (hơn nửa triệu dollars) tiền hưu bổng của hãng cung ứng và $85,000 tiền 401(k) qua bên quỹ IRA (Individual Retirement Account) của hãng tư nhân để theo "kế hoạch" lãnh tiền ra mỗi tháng (variable annuity).


Bốn năm sau, kế hoạch này... "bể"! Nàng rút tiền quá nhiều và quá nhanh. Và hơn nữa vì nàng còn vi phạm luật của Sở Thuế Liên Bang Hoa Kỳ (IRS) nên nàng còn bị phạt (nặng). Vì nghe lời "bầy" của cố vấn tài chánh, nàng tưởng là sẽ hưu non trong thoải mái, huy hoàng, tình hình tài chánh của nàng sau 4 năm hưu non ép buộc nàng phải trở lại làm việc với lương mới $10/giờ cho một nhà hỗ trợ sức khỏe (home health aide). Bê nhớ cho là nàng đã làm khoảng $80,000/năm ở hãng Verizon! Tính nhẩm ra là khoảng $40/giờ (2)."

Khi Bê sắp về hưu (hoặc còn trẻ nhưng có tiền hưu, hãng cung ứng, khá cao) thì "con buôn" cố vấn tài chánh muốn dính phần... quản trị tiền cho Bê. Quyết định về tiền hưu bổng của mình sẽ do 1) mình tự quản lý, hay 2) để cho hãng tiếp tục quản lý hay 3) chuyển qua (lăn qua/rollover) một quỹ IRA là một quyết định LỚN NHẤT trong đời (hưu) mà Bê sẽ phải định đoạt.

Câu chuyện của Cindy còn dài, nhưng chỉ đọc tới đây thì Đệ đã mong là Bê... nhìn ra cái vấn đề. Vấn đề không phải là làm sao mà vấn đề là Bê có biết Bê làm gì không? Cách số một, hai hoặc ba nêu trên đều hay và có lợi (hoặc hại) của riêng mỗi cách. Làm sao biết cách nào là tối ưu? Tối ưu cho tất cả mọi người?
Đệ xin trả lời ngay là cách tối ưu cho tất cả mọi người là KHÔNG CÓ.
Còn làm sao biết cách nào là tối ưu cho cá nhân hoặc vợ chồng Bê? Xin tham khảo chuyên gia! Không phải là một chuyên gia mà là... nhiều chuyên gia! VÀ luôn ghi nhớ là chỉ có Bê mới là người quyết định cũng như hưởng lợi (hoặc lãnh hậu quả). Chuyên gia/cố vấn chỉ làm vì tiền (một cách chính đáng) chứ không phải là họ làm cho Bê đâu.

Phần II sẽ viết về các lời bàn của chuyên gia. Xin Bê kiên nhẫn cho!

Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê 60 thường cứ băng khoăng không biết đi hay ở! Cả đời tỵ nạn thì đã thấy đi tốt hơn ở nhưng trong trường hợp này thì ở lại với quỹ của hãng hay lăn qua IRA là tốt hơn? Đệ chỉ xin Bê nhớ cho rằng tuổi già là tuổi không còn chịu được những cú "hích" của cuộc đời như ngày trẻ đâu. Cẩn trọng!
(1) Chuyện này hơi cá biệt như có thể xẩy ra cho bất cứ ai cả tin vào cố vấn tài chánh mà không suy nghĩ cho chính mình.

Phụ chú:
1. Sai lầm trong việc chuyển tiền hưu qua IRA
2. Lương 80 ngàn một năm là bao nhiêu tiền một giờ?
3. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Tiền Hưu và Thuế.

Thân chào các Bê(*),
Hôm nay lại xin được viết lăng nhăng về một đề tài "nhạy cảm" và "riêng tư": tiền An Sinh Xã Hội (ASXH) và thuế liên bang Hoa Kỳ lẫn thuế tiểu bang. Viết là viết chơi thôi. Bê cần tham khảo bản chánh ở phụ chú số 1, 2 và 3. Nếu cần thì nhờ con cháu nó đọc và giải thích giùm cho. Đừng trách Đệ nếu có sai lầm gì khi viết nhăng như thế này...

Dạ dạ Đề xin vào đề...
Năm 2014, ASXH trả cho hưu trí viên số tiền 863 tỷ đô la Mỹ ($863 billion). Số tiền này nhà nước tìm cách "lấy lại" chút ít qua tiền thuế.
Khi Bê bắt đầu thủ tục lãnh tiền hưu thì một trong các mẫu đơn phải điền là mẫu W-4V. Trong mẫu đơn này Bê phải cho "nhà nước" biết Bê có cho họ giữ lại một số tiền coi như giữ tiền thuế lợi tức, hay không. Nếu Bê không cho giữ tiền thuế thì cuối năm sẽ phải đóng vào khi khai thuế. Nói tóm lại là tiền hưu có thể được kể là lợi tức cần phải đóng thuế. Còn nếu có cho giữ lại nhưng khi khai thuế tiền phải đóng ít hơn tiền giữ lại thì "nhà nước" trả lại; tương tự như đóng thuế/khai thuế lợi tức khi còn đi làm.
Thuế như thế nào thì quả là phức tạp! Một bài viết như thế này không làm sao nói hết chi tiết chính xác được vì nó tùy thuộc vào tình trạng lợi tức cá biệt của Bê. Quan trọng là Bê dù có biết nhiều về đề tài này thì cũng xin tham khảo với chuyên gia về tài chánh và thuế khóa. Hơn nữa luật lại tiếp tục thay đổi nên sự hiểu biết của chúng ta có thể là lỗi thời. Bỏ tiền ra trả cho chuyên gia thì hơi ngần ngại nhưng Bê ơi, họ có thể giảm bớt tiền thuế cho Bê vì họ biết nhiều và chính xác hơn chúng ta (A).
Khi hưu thì tiền được tính là lợi tức phải đóng thuế (LTPĐT) là:
  • lợi tức nếu còn đi làm (adjusted gross income)
  • tiền lời như từ công khố phiếu (non-taxable interest like municipal bond interest payments)   +
  • một nửa tiền hưu. 
Cách tính thì trong phụ chú số 2 có một đường dẫn đến cái mẫu đơn gọi là Social Security Benefits Worksheet—Lines 20a and 20b. Bê nào tự khai thuế thì mẫu này là thí dụ cho số tiền hưu phải đóng thuế. Đây là phần bài có đường dẫn (IRS offers a worksheet):

"Federal & State Taxes
If you will have to pay taxes on your benefits, up to 85% every dollar of income you make over the limit will be subject to federal income tax. This can get complicated to predict, so the IRS offers a worksheet and e-file software to help you calculate your Social Security tax liability."
Nếu LTPĐT trên $34,000 (cá nhân) hay trên $44,000 (vợ chồng khai thuế chung) thì có thể phải đóng thuế trên tới 85% tiền hưu. Đây là phần trăm thuế trên tiền hưu thôi nghe. Bê nào giàu có và có những nguồn lợi tức khác thì thuế trên lợi tức đó là chuyện khác. Còn Bê nào chỉ có nguồn lợi tức từ tiền hưu thôi, thì có lẽ dưới mức căn bản và không có thuế.
Tin mừng cho Bê là thuế liên bang thì tính như trên; còn thuế tiểu bang thì còn tùy Bê ở tiều bang nào: 37 tiểu bang không đánh thuế trên lợi tức hưu trí. Mười ba bang còn lại — Colorado, Connecticut, Kansas, Minnesota, Missouri, Montana, Nebraska, New Mexico, North Dakota, Rhode Island, Utah, Vermont and West Virginia — thì đánh thuế lợi tức hưu trí nhưng lại có những khoảng mục miễn trừ khác nhau về tiền hưu bổng (pension) và tiền IRA (Individual Retirement Account) khi rút ra. Chắc ăn nhất là Bê làm việc với chuyên gia về thuế vụ tại chỗ mình ở. Thí dụ như sau khi tính các khoảng miễn trừ thì Colorado đánh thuế không bao nhiêu trên người khai riêng (single filer) có lợi tức $50,000. Connecticut cũng vậy lại thêm là nếu khai chung (join filers) và dưới $60,000 thì không đánh thuế...

Chúc Bê một cuối tuần vui vẻ và hạnh phúc bên người thân.

Thân,

Chú thích:
(*) Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Các Bê thường cứ nghĩ: "Thuế gì mà lắm thấy? Về hưu rồi mà cũng còn phải đóng nữa, à?" Dạ, Bê. Vẫn phải đóng nếu tiền "vào" nhiều quá.
(A) Chuyện này cũng tương tự như chuyện tự khai thuế hoặc nhờ hãng khai thuế làm dùm khi còn đi làm. Tự khai thuế thì tiết kiệm tiền nhưng nếu tiền công khai thuế ít hơn tiền chuyên viên khai thuế có thể lấy lại (trên số tiền lấy lại nếu tự khai) thì nhờ khai lợi hơn: thứ nhất là họ hiểu luật hơn; thứ nhì là Bê không mất nhiều thì giờ như tự khai. Tự khai hay nhờ (chuyên gia) khai thì trách nhiệm khai thuế và đóng thuế vẫn là của Bê: hãng khai thuế không chịu trách nhiệm khi có sai sót.

Phụ chú:
(1) How will your Social Security benefits be taxed?
(2) Are Social Security Benefits Taxable?
(3) How To Improve Your Social Security Benefits
(4) Cách liên lạc với sở ASXH bằng tiếng Việt trong bài này có các đường dẫn tới những bài về hưu trí khác.
(5) Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Ăn Chay với Triết Gia II - Chef Nakayama và N/Naka

Thân chào các Bê (*),
 Hôm nay lại  xin bàn tiếp về đề tài "ăn chay"(1). Lần trước đã nói về Massimo Bottura thì lần này xin chuyển về lại Hoa Kỳ để nói về Chef Nakayama với nhà hàng N/Naka, Los Angeles, CA.
Lần trước Đệ đã viết  là "kiến thức và kỹ năng của người "chef" là ở trình độ đại học trên bình diện quốc tế chứ không phải là chỉ biết nấu như người làm bếp (cook). Ngoài ra, người đầu bếp còn phải có thể lực trên trung bình vì nấu ăn là làm việc dưới áp lực (về thời gian và về giây chuyền) và trong khung cảnh thường là chật chội, nóng bức. Hơn nữa, thành công thì đủ sống (hoặc giàu) nhưng thất bại thì tự bỏ vốn ra mà trang trải. Tỉ lệ thất bại lại khá cao ở những thị trường nhiều cạnh tranh như tại các thành phố lớn. Triết gia, trong bài này, là chính là người đầu bếp chuyên nghiệp chứ không phải là những người đưa ra một triết thuyết (2)". Lần này, trường hợp của Chef Nakayama lại cho thấy một khía cạnh mới của sự khó khăn để trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp và thành công.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề..
Nakayama có những trở ngại mà những người Chefs khác trong Chef's Table không có:
  1. Chef là người đầu bếp nữ có lẽ là duy nhất trong thế giới ẩm thực Nhật Bản không những là trên toàn nước Nhật mà còn trên toàn thế giới. Điều này không phải là điểm tốt trong một thế giới khá là nghiêm khắc và coi thường khả năng phụ nữ như trong văn hóa/ẩm thực Nhật Bản. Nakayama, đã kể câu chuyện về một người thực khách Nhật Bản đã ngồi vào bàn rồi nhưng đứng dậy bỏ ra khỏi tiệm ăn khi biết người Chef là một phụ nữ.
  2. Chef lại là người đồng tính công khai (coming out as a lesbian). Điều này lý ra là không liên quan gì đến khả năng nấu ăn của nàng; nhưng đây cũng là một trở ngại khá lớn cho sự nghiệp của Nakayama, ngay cả tại xứ Mỹ tự do.
Có lẽ với "nghịch cảnh/trở ngại" ở trên mà nàng con gái Nhật Bản này lớn lên với một quyết tâm lẫn lòng kiên trì hiếm thấy trong cuộc đời còn quá nhiều định kiến như hiện nay. Nakayama đã trở thành người đầu bếp có hạng (James Beard Foundation Award 2014 semifinalist/bán kết) và đã vào danh sách sáu Chefs của Chef's Table năm đầu tiên. Muốn biết vì sao Nakayama đạt được danh vọng này thì trước hết ta nên lướt qua về khái niệm Kaiseki trong ẩm thực Nhật Bản.

Khái niệm Kaiseki trong ẩm thực Nhật Bản. 

Kaiseki trong ẩm thực Nhật Bản ngày nay mang cái nghĩa của Haute Cuisine (Ẩm Thực Cao Cấp) mà ta thường thấy ở các nước Âu Mỹ, hay cái nghĩa của Royal Dining (Ẩm Thực Cung Đình) của các nước Âu Á có nền văn minh lâu đời.
Nói tóm gọn thì Kaiseki là một trải nghiệm của người thực khách trong một bữa ăn được chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong tay người đầu bếp chuyên nghiệp. Mỗi món mang một ý nghĩa nhất định và toàn hảo (thực phẩm tươi trong mùa, phẩm chất, độ cứng/mềm/giòn/dai (texture), mùi vị, màu sắc, trang trí, vân vân...). Từng món ăn được đem ra theo một trình tự được suy tính kỹ càng và mặc dầu mỗi món là một câu chuyện riêng; nhưng toàn thể buổi thưởng thức lại phải mang một bố cục chặt chẽ. "Meals in almost all culinary traditions are conversations chefs have with history and their customers, but the structure of kaiseki offers, under the right conditions, an unusually full vocabulary." (Bữa ăn trong hầu hết các ẩm thực truyền thống là đối thoại mà người đầu bếp có với lịch sử và người khách, nhưng cấu trúc/cung cách Kaiseki cống hiến một kho ngữ vựng đầy đủ một cách lạ thường, trong các điều kiện thích hợp) (5).

Nakayama và Kaiseki

Chef Nakayama nhấn mạnh tới tính cách "địa phương" và "mùa nào thức nấy" của ẩm thực kaiseki: thực đơn thay đổi và tùy thuộc vào thực phẩm tươi, đang trong mùa, và sẵn có tại địa phương.
Chef Nakayama ứng dụng Kaiseki trong những cống hiến thực phẩm của nàng: tuân phục truyền thống nhưng nàng vẫn thể hiện cá tính của mình. Tác phẩm ẩm thực của Nakayama có lẽ là kaiseki cộng với tính cách "fusion" của ẩm thực đương đại (chẳng hạn như dùng trứng cá caviar hoặc foie gras).
Cá tính được thể hiện qua thức ăn mà Nakayama phục vụ khách hàng. Bê nên nhớ cho là "thể hiện cá tính qua thức ăn" nên Chef Nakayama vẫn tránh không gặp khách hàng cho tới khi khách đã xong bữa và nếu yêu cầu được gặp người Chef để nói lời cám ơn và khen tặng, thì nàng mới ra mặt. Lý do của sự tránh mặt là vì Chef không muốn khách ăn mất ngon, nếu người khách có định kiến hẹp hòi là người đầu bếp giỏi chỉ có thể là đàn ông. Với định kiến như vậy người khách sẽ tự làm hỏng bữa ăn của mình nếu biết được người Chef là một phụ nữ, trước khi ăn.
Nakayama nói đến mục tiêu "to please the 'unpleaseable' customers". Không biết Đệ có đoán đúng hay không chứ cái "goal" của nàng là đi tìm sự hoàn hảo trong sản phẩm chứ không phải là quỵ lụy khách hàng. Bằng chứng là nhà hàng chỉ mở từ 6 giờ chiều tới 9 giờ đêm trong ngày. Đặt bàn thì phải mấy tháng trước mới có. Khách phương xa nên nhớ là nhà hàng nghỉ Chủ Nhật và Thứ Hai, nghe. Một phần 13 món kaiseki tại nhà hàng này là 165 USD nên hai vợ chồng đi ăn là phải dự trù khoảng 400 USD cho bữa ăn này (8). Khách đặt được bàn là mừng lắm; chứ Nakayama không quỵ lụy vì khách đâu. Chef hết lòng cho món ăn của mình để chiều lòng khách chứ không quỵ lụy khách.
Bê sẽ nói: "Đắt tiền thì thấy rồi; thế cái triết lý của Nakayama là gì thì chưa thấy!". Bê cứ xem cho hết bài này đi và coi mấy cái video thì thấy triết lý về đời sống của Chef Nakayama, chứ gì!

Triết Lý Sống

Triết lý sống của Nakayama tương đối là đơn giản nhưng quyết liệt:
  • Sẽ chứng minh nếu người khác không tin là mình sẽ làm được ("Oh, I'm gonna prove it to you that I can get it done... and I cannot fail..." Nakayama dùng từ "kuyashii" để nói về vấn đề này nhưng Đệ không có thì giờ truy tìm nguồn gốc của khái niệm này.
  • Đạt cho được sự hoàn hảo. Như nói ở trên "pleasing the un-pleaseable customers".
  • Sozai wo mamoru (Protect the ingredients): Bảo vệ tánh cách của nguyên liệu. Đây là nói đến xử dụng nguyên liệu thực phẩm với sự trân trọng và món ăn phải thể hiện được cá tính của thực phẩm ở mức độ tốt nhất. Người đầu bếp có trách nhiệm mang thực phẩm đến người thưởng thức khi thực phẩm ở trạng thái hoàn hảo nhất để thưởng thức; thí dụ, chọn cá tươi trong mùa lúc cá có phẩm chất tốt nhất, rồi chọn cách chế biến nấu nướng tốt nhất cho con cá này, rồi trình bầy đĩa thực phẩm hợp với món cá này, rồi chọn phòng ăn/quang cảnh tạo được ấn tượng cho người thưởng ngoạn món cá, vân vân... Chef Nakayama còn đi đến độ: "trái cà chua phải cố gắng lớn lên và chín trong vài tháng thì người đầu bếp cũng phải có sự cố gắng khi dùng trái cà chua trong món ăn của mình!" 
Nakayama tự nói nhưng giống như những lời khuyên:
  • Không ngừng học hỏi.
  • Tới một lúc nào đó bạn cần phải tin vào chính bạn

Bê nên nhớ là kaiseki chú trọng tới mùa nào thức nấy và tôn trọng thực phẩm tươi nên coi video về các món ăn của Chef Nakayama là để tham khảo thôi, nghe. Đến tiệm ăn thì có thể được thấy món mới; hơn nữa kaiseki rất để ý đến bốn mùa của thiên nhiên nên có thể được thấy thực đơn theo mùa. Cái này là tùy duyên, nghe Bê! Đến nhằm mùa Đông mà đòi thức ăn mùa Hè thì chắc là không có!

Chúc Bê và gia đình một cuối tuần vui vẻ, hạnh phúc.


Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê 60 thường thích "ăn chay" vì lành mà có khi vì một ý nguyện nào đó.
(1) Ăn chay kiểu này lợi lắm, nghe Bê! Không mắc công đóng bộ rồi tới nhà hàng. Không mất tiền ăn, Không phải "bo" (pour boire; tips). Quan trọng hơn cả là... không tăng cân!
(2) Tuy không phải là người đặt ra một triết thuyết nhưng khi nghe họ nói về kinh nghiệm của bản thân họ và hành trình đến được sự thành công, Đệ xin gọi họ là triết gia của đời sống. 
(3) Vì đây là chương trình riêng của Netflix nên chỉ có Bê nào coi được phim ảnh của chương trình Netflix mới coi được các tập Chef's Table. Không biết ở các nước khác thì họ có mua bản quyền để chiếu các tập này hay không. Xin nói rõ là Đệ không hề có ý quảng cáo cho Netflix. Ai không có Netflix thì coi đỡ trong youtube.com: Chef's Table - Season 1 - Niki Nakayama - Overview
(4) Meet Niki Nakayama, One of the World's Only Female Kaiseki Chefs
(5) Understanding Kaiseki của The Atlantic.
(6) Video của The Culinary Institute of America (tương tự như Le Cordon Bleu Paris; nhưng ở New York và California) Kaiseki: The Ultimate Expression of Japanese Cuisine để có một khái niệm đầy đủ về kaiseki.
(7) Còn Bê nào thích "nghiên cứu" về "Everything Japanese" thì vào youtube của Japanology là có bài về kaiseki.
(8) Đặt bàn tại N/Naka Đã đến với trang này thì Bê nên coi qua Menus Gallery
(9) Kaiseki: The Japanese Art of Food
(10) Eater video: Kaiseki with Niki Nakayama at N/Naka
(11) Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài