Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Mây Trên Đường, Mây Trong Đời

Thân chào các Bê (*),
Bóng Mây Trên Đường mang nhiều ý nghĩa khác nhau đối với mọi người. Đối với Đệ thì xin không nói tới "Bóng Mây Đen Trên Đường Đời" mà chỉ xin nói tới một đề tài lãng mạng: "Mây Trên Đường, Mây Trong Đời". Thứ mây mang lại sự che chở, sự bảo bọc cho mình...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Trong chuyến đi xuyên bang (out-of-state) về dự một cái đám cưới tại một tiểu bang nhiều núi đá của rặng Rocky Mountains ở Bắc Mỹ, Colorado, trên con đường về mọi người trên xe còn ngủ vì lái xe xuyên đêm, Đệ vừa lái vừa nghĩ ngợi miên man thì thoáng nhận ra một cảnh tượng thiên nhiên và nhân tạo khá đặc biệt: trên một đoạn con đường xa lộ thẳng tắp tiến về thủ phủ Des Moines, Iowa, nắng chiếu trên mặt lộ nhưng xen kẽ là những đoạn bóng mây phủ trên đường. Lúc đó Đệ đang lái xe nên không nhắm mắt lại được nhưng khi đọc đến đây thì Bê thử nhắm mắt lại và hình dung một con đường thẳng mút mùa với cây cỏ xanh tươi hai bên đường. Trên con đường thì ánh nắng xen kẽ với bóng mát của những cụm mây trắng trên nền trời xanh. Tưởng tượng đi Bê, cảnh này chắc là Bê có thấy nhiều lần rồi mà không để tâm, phải không? Bây giờ thì cũng không muộn để "nhìn" lại cái cảnh này; trong đời chắc chắn là Bê đã thấy Bóng Mây Trên Đường Hoa nhiều lần rồi!

Phiếm

  • Khi đời mình đang chảy trôi qua nhiều lần sóng dữ cũng như nhiều lần êm đềm hạnh phúc, thì có lẽ mình không nhận ra ngay lúc có những "bóng mát" che chở đời ta. Chỉ có hồi tưởng thì mình mới có thể hoàn toàn cảm nhận và  biết ơn (appreciating) những bóng mát đó, những an ủi chở che đó. Chỉ có cuộc sống muôn hình vạn trạng với những thăng trầm khổ lụy và hạnh phúc đan xen vào nhau thì mình mới thấy được màu sáng và màu tối cũng... "cần có nhau". Nếu nắng sáng. suốt dọc con đường thì chả có gì là hay mà nếu mây phủ suốt dọc con đường thì cũng chả có gì đáng nói; thâm chí là buồn và tẻ nhạt. 
  • Nắng Công Trường Thủy Hại - Ngày đi lao dộng thủy hại tại khu kinh tế mới Phạm văn Hai, ngoài đồng nắng bổ vào đầu như cơn thịnh nộ của Thượng Đế, Đệ chỉ ước là có một cụm mây nhỏ bằng hạt đậu trên trời để ban cho một bóng mát tạm trong vài phút giây trong đời mịt mù không tương lai đó.
  • Nắng Biển Đảo Nam Dương - Ngày ra đi với nhiều sóng dữ biển khơi, với một cuộc tình chưa trọn, một cuộc tình tưởng như đã chấm dứt với nghịch cảnh, cũng là ngày lang thang xứ người, bắt đầu gặm nhấm nỗi cô đơn nhớ nhà, nhớ vợ con. Nắng biển đảo ngay đường xích đạo (equator) thì mặt trời trên đỉnh đầu như là bất tận, như là "sẽ không bao giờ hết.."! Nhưng rồi bóng mát và may mắn lại cũng bắt đầu xảy đến trong đời...
  • Nắng Lạnh Bắc Mỹ - Nắng nhưng lạnh nên cảnh vật nên thơ. May mắn được làm lại từ đầu cũng là niềm an ủi cho tháng ngày vất vả, hoang mang tìm cách hội nhập vào xã hội mới. Ở xứ lạnh mới thấy được "mặt kia" của mặt trời: Ánh sáng và nắng quả là cần thiết cho sự sống, quả là mang đến sự sinh động cần thiết để phát triển và thăng hoa. Một vài lần, lúc thất nghiệp trước khi đi học lại, phải leo lên nóc nhà cao ốc (tall building; skyscapers) để bốc dỡ lớp sạn pha trộn hắc ín cũ để lợp lại nóc cao ốc. Bụi và mùi hắc ín làm nắng nóng trở thành gay gắt khó thở. Suốt tám tiếng đó, Đệ mong ngóng sao cho mấy đám mây trên trời bay lè lẹ mà phủ it bóng mát đến nóc cao ốc mà mình đang làm để kiếm ít tiền ngày thất nghiệp. Hừm, lẹ tới thì lại lẹ đi!
  • Rồi đi học lại, rồi ngày tìm ra hướng tương lại. Rồi ngày đoàn tụ với BB và cô con gái (mười một năm sau đó). Nắng và Bóng Mát là cuộc sống; cái sinh động, cái bức tranh nhiều gam mầu của cuộc sống không còn là vấn đề nữa mà chỉ làm đời sống thêm sôi nổi và phong phú hơn.
  • Home Sweet Home - về đến nhà thì cô con gái đã dọn sẵn những bát bún Riêu nóng hổi, thơm ngon. Bóng mát này có tiền cũng không mua được đâu!
Bóng mây trong đời của Bê là những gì?
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Trên 60 tuổi rồi, cái gì cũng trải qua rồi; nhưng cái thú phơi nắng ngoài bờ biển thì vẫn chưa hiểu nổi!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Ném Đá

Thân chào các Bê (*),
Ném đá người có tội là một tục lệ tuy xưa và tàn nhẫn nhưng vẫn hiện hữu ở vài nơi như Afghanistan (phụ chú C và D). Các nơi khác thì hình thức ném đá... vẫn còn nhưng đi qua lãnh vực ảo (virtual): ném đá bằng ngôn ngữ, bằng lời nói, và hiện đại hơn qua mạng xã hội như Facebook. Bài này chỉ xin bàn lăng nhăng về hiện tượng này mà ở Việt Nam, mỗi khi ai có ý kiến gì mà người nhận không bằng lòng thì gọi là bị ném đá.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
A, nói về cội nguồn thì phải tìm ngược lại thời cổ: Chúa Giêsu nói  "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." khi những người thuộc phái Pharisêu có ý định ném đá một người đàn bà bị cáo buộc tội ngoại tình (phụ chú G). Thánh kinh nêu lên sự kiện này và về sau rất nhiều con chiên rút tỉa lời Chúa là nếu mình có sạch tội, có thánh thiện hơn, có giỏi hơn thì mình mới có quyền phán đoán, phán xét, hay "xử", người khác. Đệ không dại gì mà "bàn ngang" về chuyện này (1). Động chạm đến lòng tin thì thật là... không khôn ngoan. Bài này chỉ muốn bàn loạn về chuyện ném đá và văn hóa Đông Tây.

Có lẽ là phải phiếm về một nhận xét của một người Việt lớn lên và được học tại Hoa Kỳ, cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Cô là người dẫn chương trình cho Thúy Nga Paris, một chương trình ca nhạc nổi tiếng tại hải ngoại. Cô về Việt Nam và cũng nổi tiếng ở Việt Nam. Sở dĩ Đệ bàn nhăng về lời nhận xét của cô là vì cô là nhân vật của đại chúng (public figure) và hơn nữa cô đưa ra một nhận xét trên báo chí về văn hóa Việt thì có Đệ là người phản biện cũng là chuyện bình thường (2). Cô Kỳ Duyên bực mình vì bị chỉ trích và cô lên lớp cả cái văn hóa Việt là thiên về chỉ trích. Theo cô thì cái này xấu lắm, xấu lắm; nhìn vào văn hóa Tây kìa, người ta thiên về khuyến khích, đấy!  
How convenient!  Cô Kỳ Duyên làm một việc là... chỉ trích cái văn hóa Việt là thiên về chỉ trích!!!  Đệ vẫn thường nghe các cháu của mình than phiền là cha mẹ chúng cứ hay chỉ trích chúng thế này, thế kia... Các cháu tôi hoàn toàn không nhìn ra là chúng đang chỉ trích cha mẹ mình! Và có vẻ là nhân sinh thích chỉ trích người khác nhưng ai chỉ trích mình thì... thật là bực mình!

Văn Hóa Tây Thiên về Khuyến Khích?

Quý vị nào cho là văn hóa Tây thiên về khuyến khích thì theo ý Đệ người đó chưa hiểu về văn hóa Âu Tây mấy.
  • Cứ nhìn và nghe Donald Trump phát biểu trong thời gian (tranh cử chức Tổng Thống Hoa Kỳ) gần đây vả nhìn vào mắt Đệ mà nói là văn hóa Tây thiên về khuyến khích! Thật là rõ ràng là Trump không hề khuyến khích sự hội nhập của người theo Hồi Giáo vào xã hội Mỹ; vậy mà Trump lại được đại diện đảng Cộng Hoà ra ứng cử Tổng Thống. Điều này cho thấy là số người ủng hộ ông ta không phải là ít. Đó là chưa kể những người bỏ phiếu cho Trump trong im lặng vào tháng 11 sắp tới.
  • Một thí dụ nữa là khi Phó Tổng Thống Dan Quayle sửa lỗi cho học sinh 12 tuổi là chữ khoai tây phải đánh vần là potatoe (học sinh viết đúng là potato). Chuyện này đã đi vào lịch sử và chắc sẽ mãi mãi là đề tài chế diễu người có bằng J.D. (Juris Doctor. Doctor of Law degree). Ông còn là Dân Biểu Hạ Viện, rồi Thượng Nghị Sĩ, rồi là Phó Tổng Thống cho Tổng Thống Bush. Không biết ma dẫn lối, quỷ đưa đường làm sao mà ông lại nghĩ là chữ khoai tây phải viết với chữ "e" ở cuối trong giờ phút đó. Ông đã không bù lu, bù loa lên là văn hóa Mỹ thiên về chỉ trích. Ông nhận là ông sai nhưng người chỉ trích ông đâu có tha!
  • Bê có thể nói: "Thí dụ ông đưa ra là về chính khách/chính trị!" Dạ đúng, nhưng Bê cứ coi các báo lá cải ở Mỹ, Pháp và Anh thì thấy họ không có "khuyến khích" các người  nổi tiếng (celebrities) đâu. Họ bới móc đủ điều đó thôi. Sự thật có, mà bịa đặt cũng có. Simon Cowell của chương trình "Britain's Got Talent" nổi tiếng về những lời chỉ trích thẳng thừng, đấy thôi. 
  • Còn nhiều, nhiều thí dụ mà Đệ có thể kể cả ngày không hết về sự chỉ trích rất là quan trọng trong xã hội tự do như Âu Mỹ. Từ những chỉ trích xây dựng cũng có mà soi mói, bôi xấu, lôi đời tư người ta mà bôi bác cũng có. Chắc Bê cũng có nghe nói đến báo chí săn tin, săn hình với paparazzi mà không từ một thủ đoạn nào. Cái chết thương tâm của công chúa Diana xẩy ra ở bên Tây có thể luận ra nguyên nhân là hành động thiếu tính toán nhằm phản ứng lại với những kẻ bới móc, chỉ trích mà đoàn hộ tống của Diana đưa chiếc xe chở nàng vào tai nạn và tử vong. Cứ ngẫm về số người mua và đọc những tờ báo lá cải này thì có thể nhìn ra là xã hội Tây (phương) có "thiên về khuyến khích" không.

Văn Hóa Việt Thiên về Chỉ Trích?

Quý vị nào cho là văn hóa Việt thiên về chỉ trích thì theo ý Đệ người đó chưa hiểu về văn hóa Việt mấy.
  • Quá khứ thì ta đã có hiện tượng "Mặc áo thụng mà vái nhau". Xin tạm gác qua là ai đúng ai sai trong sự kiện mà nhà thơ Nguyên Sa và nhà văn Mai Thảo khen tặng nhau mà có người cho là hai nhân vật này "mặc áo thụng vái nhau" (như các cụ trong buổi cúng tế) mà chỉ nhìn vào đây để mà suy ra là "ta" có khen tặng, tán dương, khuyến khích nhau đấy chứ.
  • Bê cứ đọc các bài báo cáo thành tích của bất cứ cơ quan, tổ chức nào tại Việt Nam thì sẽ thấy là ta... khuyến khích nhau quá đấy chứ. Cái báo cáo nào cũng là đạt tiêu chuẩn, đạt chỉ tiêu, thành công, đại thành công,vân vân... Trong khi ai cũng thấy là sự thật là làm chẳng đi đến đâu! "Thành tích năm qua là vượt chỉ tiêu.... nhưng một bộ phận không nhỏ vẫn còn làm chưa tốt", câu này chắc Bê nghe quen quen, phải không? Dạ đúng vậy nếu Bê nghe báo cáo của nhà nước ta. "Ta" khuyến khích nhau kịch liệt đến thế là cùng!
  • Tất cả các "hiện tượng" khuyến khích trong xã hội Việt đã là nề nếp đi vào chữ nghĩa như "Con hát mẹ then hay", hoặc "Mèo khen mèo dài đuôi", vân vân... Tuy đây là tự khuyến khích, là khuyến khich con cái mình. Còn khuyến khích người khác, thì đây: Bê cứ xem thử các chương trình văn nghệ truyền hình ở Việt Nam mà nghe giám khảo nói lời khen tặng, lời tán tụng cho người trình diễn. Tán tụng đúng cũng có mà những lời "có cánh" mà chính khán giả khi nghe còn phải ngượng, cũng có! Cứ nhìn vào số "diva" ở Việt Nam để thấy là "ta" đâu có thiên về chỉ trích. Chính những xã hội Tây Phương mới "thiên về chỉ trích" khi số "diva" ở nước ngoài rất ít.
Khuyến khích và chỉ trích đều rất cần cho bất cứ xã hội nào trọng sự thật và sự tiến bộ.

Vấn đề sẽ đơn giản hơn nếu ta không bàn về văn hóa, thưa các ông, các bà!

  • Người bị chỉ trích, dù đúng dù sai, thường bực mình và có khi phẫn nộ với lời chỉ trích. Thường là bù lu, bù loa lên là bọn GATO nó ném đá tôi. Tôi là nạn nhân của thói GATO (3).
  • Người được khen, được khuyến khích có khi tự mãn và sẽ không cố gắng và không sửa được những lỗi lầm của mình vì lời khuyến khích làm mất động cơ sửa chữa của người làm việc chưa tốt vì chỉ toàn nhận lời khen.
  • Người Tây Phương có thể là lịch sự và khéo léo hơn nên thường là dùng lời khuyến khích vô thưởng vô phạt. Có khi là "thương nhau mà không bằng mười hại nhau". Bê chớ có quá tin lời khen, lời khuyến khích mà lơ là thiếu cảnh giác.
  • Người Đông Phương có thể là trọng tôn ti trật tự hơn nên "người trên" có quyền bảo ban cho "người dưới" và trong cái "bảo ban" này thì vạch ra những cái xấu (mà người nhận cảm thấy bị chỉ trích) là điều tự nhiên.
  • Khuyến khích những cố gắng để đạt kết quả tốt hơn thì là nên khuyến khích chứ tuyệt đối không phải là chấp nhận những sai trai trong hành vi của con người. Thí dụ như học được điểm nhì thì nên khuyến khích để người học sẽ đạt được điểm nhất. Còn nếu người có dấu hiệu "đạo" nhạc nước ngoài hoặc ăn cắp thơ người khác thì khuyến khích cái nỗi gì??? 
Một bài học Đệ học được từ người bạn của BB. Hai vợ chồng Đệ thường hay được mời ăn vì tính Đệ hay thích nói và bàn về thức ăn. Bạn bè có làm món gì mới thường hay mời ăn thử. Vì lịch sự nên lúc đầu Đệ khen món cơm chiên của một người bạn; mặc dầu là cơm chiên này có hơi nhiều dầu ăn. Vì thấy Đệ khen nên người bạn ấy cứ tiếp tục làm cơm chiên trong tất cả mọi cuộc hội họp ăn uống. Người khác trong vòng bạn bè (làm cơm chiên ngon hơn) không dám làm cơm chiên trong các dịp này vì đoán chắc là có "người ấy" làm cơm chiên rồi (4). Thật khổ khi cứ phải ăn cơm chiên đẫm dầu ăn!!!
Trong văn hóa nào thì ta cũng thấy cả hai cách hành xử (khuyến khích VÀ chỉ trích).
  • Khuyến khích làm con người cố gắng hơn--nếu khuyến khích đúng chỗ (phụ chú F). 
  • Chỉ trích vạch ra những sai lầm và thiếu xót mà người biết nhận sự chỉ trích có thể sửa chữa khắc phục. 
  • Còn ganh ghét nên phê bình thì sao? Bê ơi, thì nếu sau khi nhận lời chỉ trích mà biết chắc là chỉ vì ghen ghét thì đừng nghe thôi, chứ việc gì mà tức bực!

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Trên 60 rồi thì thích nói gì thì nói, phải không Bê?
(1) Lời khuyên là hãy xét mình trước xem mình có trong sạch hơn người không rồi mới kết tội người khác thì rất đúng; nhưng khi ta mang nó đi quá xa mà nói chẳng hạn như: "Có hát bằng người ta không mà đã chê là người ta hát dở!" thì không còn hợp lý nữa. Vì người nghe (dù không biết hát) vẫn có thể biết nghe và lời phê bình vẫn có thể là chính xác.
(2) "Nguyễn Cao Kỳ Duyên dẫn lời: "Anh Ngạn (MC hải ngoại Nguyễn Ngọc Ngạn) có lần nói với tôi về sự khác biệt giữa văn hóa Tây Phương và văn hóa Việt Nam: "Văn hóa Tây thiên về khuyến khích, còn văn hóa Việt thiên về chỉ trích" (Trích bài phỏng vấn; phụ chú B)
À thì ra là cô Duyên trích lời ông Ngạn. Tại sao Đệ không đặt vấn đề với ông Ngạn mà lại nhắm vào người phụ nữ Nguyễn Cao Kỳ Duyên? Đơn giản thôi: là người được đào tạo tại Hoa Kỳ, đáng lẽ ra với sự hiểu biết và kiến thức của mình, cô Duyên có thể phản bác lời ông Ngạn. Ông Ngạn xác nhận là ông không dùng Internet và rõ ràng là ông không được đào tạo và giáo dục tại hải ngoại. Giới hạn của ông Ngạn là rõ ràng; lời ông nhận xét có đúng có sai như bao người (trong đó có Đệ) về văn hóa xứ này xứ kia.
(3) GATO: chữ tắt của "Ghen Ăn, Tức Ở" để chỉ người hay ghen ghét, chỉ trích người có ăn sang, có nhà sang.
(4) Chuyện là chuyện thật; chỉ có tên cái món ăn là đổi để "người ấy" không nhận ra.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. MC Kỳ Duyên: Văn hóa Việt là ngồi rình để chỉ trích!
C. Muslims Butcher Woman By Crushing Her To Death With Giant Rocks As She Screams In Agony << xin Bê xem video này với tinh thần độc lập và cảnh giác. Đệ không có thì giờ và khả năng để kiểm tra mức độ chính xác và khả tín của những video như thế này.
D. Why women are still being stoned to death in 2015
E. Criticism Or Encouragment: Which Is Better?
F. Encouragement and Criticism - Why is criticism a dangerous habit? 
G. Người đàn bà ngoại tình (Tân Ước) 
H. 10 Words You Mispronounce That Make People Think You’re an Idiot
I. Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

Chiều Thứ Sáu, Rụng Rơi!

Thân chào các Bê (*),
Ngày 12 Tháng 8 Năm 2016.
Chiều nay mưa nhiều tại Minnesota, USA. Trong sở làm, cả toán (team) vừa làm việc vừa coi hai trận tứ kết bóng tròn Nữ Thế Vận Hội 2016 tại Rio de Janeiro, Brazil. Rồi lái xe trong mưa về nhà lại coi hai trận tứ kết còn lại. Bốn trận thì mỗi trận một khác nhưng đương nhiên là đấu để tìm ra bốn đội đi tiếp và bốn đội về nước sớm...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

Hoa Kỳ và Thụy Điển 

Trận sớm nhất giữa Hoa Kỳ và Thụy Điển mà báo USA Today (phụ chú B) gọi là "trận thua đầy kinh ngạc", kết thúc với hai hiệp đá phụ trội  (overtime/extra time play) nên phải vào "shoot out". Hai bên sẽ đá phạt đền (penalty kick) năm lần.
Vì đá phạt đền chỉ có người đá và người thủ môn nên luôn là một cuộc chiến cân não giữa người đá và người bắt banh. Cả hai bên đều hiểu tầm quan trọng của quả banh thành công (đá vào lưới) của bên đá và ngăn banh vào lưới của bên thủ thành. Áp lực rất lớn cho cả hai bên. Thủ môn phải bảo vệ khuôn thành quá lớn với banh đặt cách khuôn thành 11 thước nên người bắt banh phải đoán bên phải hay bên trái để nhảy (sớm) đón banh. Nói thì dài dòng nhưng nếu Bê có coi qua màn shootout thì hiểu liền.
Mỹ đá trước và ghi ba điểm trên năm. Thụy Điển ghi ba điểm trên bốn và sẽ đá quả banh thứ năm. Hope Solo, người thủ thành của Hoa Kỳ, với nhiều kinh nghiệm và với thành tích huy chương vàng trong ba kỳ Olympics trước đã phải dùng mánh lới "chill out" (bắt người đá chờ vì Solo xin ngưng để thay găng tay; gián đoạn cuộc chơi thường làm đối thủ rung vì có thì giờ suy nghĩ và đá hụt). Trước kia, mánh lới này đã làm cầu thủ đá ra ngoài; lần này Dahlkvist của Thụy Điển ghi điểm thắng vì biết được mánh của Solo.
Tất cả cũng chỉ vì người huấn luyện viên cho Thụy Điển lại là người đã từng huấn luyện cho đội Mỹ và đã mang ba huy chương vàng Olympics cho Hoa Kỳ trước đây. Pia Sundhage bây giờ về nước và huấn luyện đội nhà, Thụy Điển.

Đức và Trung Hoa

Trận đấu rất đáng xem nhưng báo chí ở Hoa Kỳ không quan tâm lắm (Mỹ đã thua thì người xem những trận khác cũng giảm; phụ chú C).  Trung Hoa đã đá 10 người trong hiệp hai vì Shanshan Wang bị hai thẻ vàng và bị loại khỏi sân. Đức dĩ nhiên là tăng áp lực và làm bàn ở phút 76.  Người buồn nhất trong đội Trung Hoa có lẽ là Shuang Wang: Wang được đá phạt đền và có thể cân bằng tỉ số nhưng Wang lại đá trúng xà ngang khuôn thành và văng ra ngoài! Shuang Wang ngồi khóc sau trận đấu. Đức thắng 1-0 và sẽ là đối thủ đáng nể trong vòng bán kết và chung kết (nếu...).

Canada và Pháp

Trận thứ ba, khi Đệ về tới nhà, giữa Canada và Pháp là trận khá căng thẳng và Canada ghi điểm 1-0 trước (phụ chú D). Pháp phản công dữ dội và Christine Sinclair đội đầu trái đá phạt nhưng banh trúng xà ngang khuôn thành. Một lần nữa, may cho Canada, khi Janine Beckie phá banh ra ngoài, trước khuôn thành bỏ ngỏ ở phút 71. Chung cuộc là Canada sẽ gặp Đức ở bán kết. Go Canada, người em Bắc Mỹ! 

Úc và Ba Tây (nước chủ Brazil)

Trận này trễ nhất và cũng căng thẳng nhất (phụ chú E). Điều thấy rõ là cả hai đội đều quá mệt mỏi sau 120 phút, giữa nửa đêm trong nóng bức rừng nhiệt đới Nam Mỹ. Họ đã chơi hết sức mình và nói đúng ra thì đội nào đi tiếp thì chỉ là kết quả của trận đấu súng (shoot-out):
  • Brazil đá trước 1-0. Úc trả lời 1-1
  • Rồi 2-2
  • Rồi 3-3
  • Rồi 4-4
  • Hai bên đều hụt trái thứ 5.
  • Brazil đá vào trái thứ 6 (5-4). Úc trả lới với 5-5 (lúc đó giờ địa phương là 12:42 sáng)
  • Rồi 6-6. Hai bên sẽ đá trái thứ bẩy.
  • Brazil đá vào trái thứ 7 (7-6). Alanna Kennedy của Úc đá trái thứ bẩy mong huề; nhưng như một định mệnh buồn cho đội Úc: Bárbara, thủ môn của Brazil, cứu được trái banh này và mang chiến thắng về cho Brazil.
 Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê 60 thì coi còn không rõ; nói gì tới đá!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. U.S. women's soccer out of Rio Olympics after stunning loss to Sweden 
    USA's women lost – blaming it on 'cowards' simply misses the point << Sau trận đấu, Solo đã nói những lời không đẹp về đội thắng. Thật đáng tiếc!
C. Germany tops China 1-0 to advance to semifinals
D. Canada outlasts France to advance to Rio soccer semifinals
E. Matildas Lose To Brazil In Penalty Shootout At Rio 2016 Olympics

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2016

Kỷ Niệm Olympics 1984 - Los Angeles, USA

Thân chào các Bê (*),
Có lẽ là Thế vận hội Olympics 1984 đi vào lịch sử như là vận hội đầu tiên mang lại lợi nhuận cho ban tổ chức kể từ năm 1932 (phụ chú B). Nhưng đối với Đệ thì Olympics 1984 mang một ý nghĩa đặc biệt khác: theo dõi các sự kiện này tại nhiều thành phố của tiểu bang California.
Ngày đó, Đệ ở San Diego (cực nam của tiểu bang) và du hành dọc tiểu bang lên San Jose/San Francisco xuyên qua Quận Cam (Orange County), Thành Thiên Thần (Los Angeles County), vẫn dọc theo Quốc lộ số 1 (Highway 1, Pacific) qua Santa Maria, Santa Barbara, San Luis Obispo, Monterey Bay (nơi có "Mười Bảy Dặm Đường Tình" Monterey Seventeen Mile Drive). Trong chuyến đi và chuyến về Đệ phải theo dõi Olympics qua truyền hình tại các chỗ dừng chân...

Kỷ niệm gì theo nói ngay đi! Bê sốt ruột rồi phải không?  Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

Số là BB (1) có mấy người em và em họ ở Los Angeles năm đó. Có một cậu làm cho nhà hàng fast food McDonald's và nhà hàng thức ăn nhanh này là bảo trợ chính cho Olympics 1984. Cậu ta mang về nhà cả một sấp, dầy khoảng một gang tay người lớn, các phiếu (voucher, coupon) mà McDonald's hứa là sẽ cung cấp miễn phí thức ăn (HCV thì một cái BigMac, HCB thì khoai tây chiên, và HCĐ thì một món đồ uống) nếu USA đoạt giải huy chương vàng, bạc, hay đồng ở bất kỳ bộ môn nào. Đúng ra thì có mua đồ ăn tại McDonald's trước đó thì mới được phát cho một phiếu như vậy (mỗi lần đến mua); cậu em này lấy về cả mấy trăm phiếu nên cả nhà... được hưởng mà không cần trả tiền mua đồ ăn trước đó.
Bối cảnh là vậy. Năm đó, Đệ và mấy đứa em vợ rủ nhau đi San Jose thăm người quen (BB và cô con gái còn ở Việt Nam). Dĩ nhiên là mang nguyên sấp phiếu ăn theo và cầu mong là Mỹ sẽ đoạt huy chương các loại ở các bộ môn. Dream came true! Năm đó vì đấu ở sân nhà và vì khối Cộng sản từ chối tham dự (để trả đũa việc Hoa Kỳ không tham dự Olympics 1980, bốn năm trước đó), nên Hoa Kỳ thắng lớn. Phải nói là rất lớn. Có nghĩa là chuyến đi của mấy anh em hoàn toàn là ăn miễn phí... trong các tiệm ăn nhanh McDonald's!
Mà cũng kể từ ngày đó, nhìn thấy bánh hamburgers là thấy... ớn! Bây giờ thì mấy đứa em đã lớn rồi mà Đệ cũng không còn trẻ.
Harvard Gang - Years later -- Mỹ Chi's wedding
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Đến tuổi Bê mà không ghi lại những kỷ niệm vui, khi còn nhớ, thì sẽ mãi mất đi, khi sẽ quên.
(1) BB: là Big Boss của tôi, my lovely wife.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Los Angeles 1984 Olympic Games

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Hũ chao



                          Viết để tưởng nhớ mẹ chồng nhân ngày Lễ Vulan sắp tới.

Sau khi tốt nghiệp đại học, trường bổ tôi đi làm việc ở một hiệu thuốc dưới tỉnh Mỹ tho. Thực ra từ Sài gòn xuống Mỹ tho cũng chẳng xa lắm, thế nhưng tôi vốn dĩ là con cưng trong nhà nên Bố Mẹ tôi có nhờ người quen kiếm cho tôi công việc ở một công ty lớn ngay tại Saigon.
Công ty tôi làm việc có 2 trụ sở, một ở ngay bến Bạch đằng, và một văn phòng chính ở khách sạn Continental. Công việc của tôi là dược sĩ trong phòng y tế của công ty Cung Ứng Tàu Biển, chuyện lo việc thuốc men y tế trong cơ quan và cung cấp dịch vụ liên quan đến y tế cho những tàu nước ngoài đến cảng Sài gòn. Thí dụ khách nước ngoài đến VN mà bị ốm đau, thì tôi sẽ đưa đi bịnh viện và cấp thuốc cho họ. Nói thì có vẻ oai lắm, chứ thực tế thị lương dược sĩ rất bèo.Và tôi lại chẳng biết mánh mung gì cả! Nhưng vì có làm việc với  ngoại quốc, thỉnh thoảng họ cũng cho quà vớ vẩn và những món quà vớ vẩn đó lại có giá ở chợ trời, trong giai đoạn “bế môn tỏa cảng” này.
Thời đó mấy đứa con gái cỡ tôi thì được xếp (thủ trưởng ) rất yêu mến. Lý đó là dân miền Nam (mặc dù gốc Bắc) ăn nói nhẹ nhàng (có thể tại vì sợ) không ỷ  thế còn cán bộ cấp lớn, ăn nói chưa ngoa đanh đá không sợ một ai. Phòng y tế tôi làm có khoảng 7 người và xếp là một ông Bác sĩ bộ đội. Tất nhiên là ông ta chẳng biết gì hết ráo! Tuy nhiên ông BS này là người miền Nam tập kết nên tính tình rất là dễ chịu, bao giờ ông cũng quý 3 đứa trong miền Nam hơn 4 đứa miền Bắc còn lại. Ông cán bộ này thường nói ' người miền Nam dễ thương ăn nói dạ thưa rõ ràng và nhất là hay 'cám ơn' cái gì cũng 'cám ơn nghen '. Đi mua bó hành người ta cũng 'cám ơn', đi xích lô cũng được cám ơn.
Chẳng bù với mấy bà bán hàng mậu dịch ngoài Bắc, không hề biết chữ cám ơn là gì. Một thí dụ nhỏ: hỏi: bữa nay khỏe không?? Dạ cám ơn anh, tui vẫn khỏe ạ.
Thế rồi tôi lập gia đình với một anh bạn cùng lớp, và dọn qua ở với gia đình chồng, giống y như mọi cô gái thời đó. Chỉ có một điều khác là: ông xã tôi cũng là Dược Sĩ làm ở MyTho, thường thì chiều thứ bẩy về nhà, sáng sớm thứ hai lại đi xuống MyTho. Gia đình chồng gồm Bố Mẹ và 5 anh chị em. Anh cả đã lấy vợ, và vẫn ở chung nhà. Con thứ hai là ông xã tôi. Thứ tính xem gia đình cộng với 2 con dâu là 9 người ở chung một nhà. Bạn bè trong sở rất là nhiều chuyện, ái ngại cho tôi nói là: làm dâu người Bắc khó lắm, ông chồng lại đi làm xa không có nhà, rồi lại em chồng nữa chứ. Mày không nhớ Ông Bà có câu "giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng" sao?? Bà cô ở đây ám chỉ em chồng. Tuy nhiên tôi chẳng thấy gì khó chịu cả chỉ thấy buồn tại vì Ông xã đi làm xa thôi. Có thể vì Bố Mẹ chồng tôi theo Tây học và tôi thì thuộc loại dễ chịu thành ra Mẹ chồng nàng dâu không có một sự khúc mắc gì.
Nói ra như là chuyện cổ tích nhưng đó là sự thực đấy các bạn ạ. Lúc đó vợ chồng ông anh Cả đi vượt biên bị bắt về mất 'hộ khẩu' chẳng làm ăn gì được, 3 đứa em chồng còn đi học, hiệu thuốc của BMchồng bị đóng cửa sau năm 1975. Chồng tôi đi làm xa, tính ra trong nhà chỉ có tôi gọi là ' công nhân viên nhà nước'. Danh từ cán bộ chỉ để dành cho đảng viên. Lương tôi khoảng $60 / tháng. Một tô phở ở quán bình dân là $2. Nói để các bạn dễ tưởng tượng lương dược sĩ thời đó như thế nào. Ngoài tiền lương, mỗi tháng tôi được mua 13 kilo gạo, 1/2 ký đường, 100gram bột ngọt và 1/2 ký thịt theo giá 'tiêu chuẩn'. Chồng tôi làm dưới MTho lương chỉ đủ đi xe về SaiGon thăm gia đình một tháng 4 lần với một hai bịch kẹo dừa làm quà. Còn gia đình chồng hoàn toàn phải mua đồ giá chợ đen hết.
Kể từ lúc lấy chồng tôi biết ăn 'chao'. Không biết các bạn còn nhớ hũ chao ngày xưa bằng thủy tình hình vuông nhỏ xíu không nhỉ? Chao là loại đậu hũ trắng cắt nhỏ ngâm trong nước cà chua hay ớt, có màu đỏ hồng. Lấy chao ra, cho chút đường, vắt chanh tươi vào trộn đều với ớt tỏi đã giã nhuyễn, cùng với dưa leo thành một món ăn cơm rất ngon miệng. Thuở nghèo khổ ăn cái gì mà chẳng ngon bạn nhỉ?? Ăn hết chao rồi thì cái hũ không được giữ lại để dùng cho việc khác. Gạo thì mỗi tháng một lần, mẹ chồng tôi ra phường xắp hàng cả buổi mới mua được 13 kg gạo đầy sạn. Còn các thứ khác tôi mua ở cơ quan. Thỉnh thoảng họ lại bán thêm cho hộp sữa, hoặc 1kg cá thu, hoặc cái vỏ xe đạp vv...vv gọi là do cải thiện. Mấy bà cán bộ miền Bắc thật là tham lam. Thường xúi tôi  'mày ở nhà chồng, mà chồng lại không có nhà, mua làm gì cho tốn tiền '. Nếu tôi không mua thì các bà sẽ mua phần của tôi. Với số lương ít ỏi, mà mua những thứ đó xong rồi thì tôi cũng chẳng còn tiền cho chính mình. Tuy nhiên tôi nghĩ khác, thỉnh thoảng có được vài miếng ngon tôi vẫn mua về gia đình chồng cũng ăn chung cho vui, chứ tôi chẳng có dư dả gì để mà đưa tiền cho mẹ chồng tôi cả. Tôi thường phải mang cơm đi làm, thời đó có cái 'cặp lồng' nhập từ Liên Xô, miền Nam gọi là cà mên hay gà mên gì đó lâu quá tôi quên rồi. Nó bằng nhôm có 2 ngăn: ngăn dưới đựng cơm, ngăn trên đựng thức ăn có cái nắp đậy và quai xách. Hồi còn ở nhà Mẹ tôi thường xắp cơm cho tôi đi làm, còn bây giờ thì làm sao đây? Dâu mới như tôi, chồng lại không có nhà ,vẫn còn lạ và e ngại nhiều thứ, nhưng tôi thấy chẳng có khó gì cả. Tôi đi làm suốt ngày chiều về thì mẹ chồng đă nấu cơm xong xuôi hết rồi. Cơm thường có một món mặn và một món canh. Một mặn thường là Thịt kho đậu hũ, thịt kho măng, thịt kho củ cải,vv...vv... thường thì các chất độn nhiều hơn thịt.
Sau khi nấu cơm xong, mẹ chồng tôi thường lấy cái hũ chao không ra, bỏ vào đó vài miếng thịt vài miếng rau gì đó, có bữa chỉ vài miếng đậu hũ kho với cà chua....cất vào gác măng dê nói là : cái này để mai c̣on mang đi làm. Chắc Bà cũng biết tôi đâu dám lấy đồ ăn để riêng cho mình. Và nếu chờ mọi người ăn xong rồi th́ì cũng chẳng còn gì nữa. Tôi vẫn còn nhớ hũ chao nhỏ bé nhưng đầy ắp tình cảm,sự quan tâm, chăm sóc của mẹ chồng tôi. Bù lại cơ quan có bán đồ ăn ' cải thiện' gì tôi cũng mua đem về nhà. Có lần tôi mua được một con cá thu, cũng không to lắm. Thế là mẹ chồng tôi cắt con cá làm đôi bảo tôi đem về cho mẹ của tôi một nửa. Với nửa c̣on cá thu ấy, bà cũng làm được vài món, và tất nhiên cũng bỏ một ít vào hũ chao để tôi mang cơm đi làm.
Bây giờ mẹ chồng tôi không còn nữa, thỉnh thoảng nhìn thấy hũ chao ở đâu đó trong tiệm bán thực phẩm của Tàu, tôi lại nhớ đến bà thật nhiều. Tôi đă học được ở Bà nhiều điều, mà điều quan trọng nhất là  "cứ thương yêu mọi người đi, rồi họ cũng sẽ thương yêu mình thôi". Tôi đă áp dụng điều này với con dâu và con rể thấy đúng lắm bạn ạ. Tôi rất quí con dâu và con rể ( bọn chúng tôi bên này gọi là: con ruột dư) tại vì tụi nó sẽ chăm sóc và mang lại hạnh phúc cho con mình.
Tôi không thấy mất con sau khi bọn nó lập gia đình như nhiều người hay than vãn, mà tôi thấy sao bây giờ tôi có nhiều con quá tới 4 đứa lậng. Cuối tuần tụi nó đến thăm lổn ngổn, chật cả nhà. Hên là tụi nó ở riêng hết rồi, nếu không mỗi ngày tôi phải bỏ đồ ăn vào 4 hũ chao thì mệt lắm nhỉ??
Vân Khanh
02/08/2016