Viết để tưởng nhớ mẹ
chồng nhân ngày Lễ Vulan sắp tới.
Sau khi tốt nghiệp đại học, trường
bổ tôi đi làm việc ở một hiệu thuốc dưới tỉnh Mỹ tho. Thực ra từ Sài gòn
xuống Mỹ tho cũng chẳng xa lắm, thế nhưng tôi vốn dĩ là con cưng trong
nhà nên Bố Mẹ tôi có nhờ người quen kiếm cho tôi công việc ở một công ty lớn
ngay tại Saigon.
Công ty tôi làm việc có 2 trụ sở,
một ở ngay bến Bạch đằng, và một văn phòng chính ở khách sạn
Continental. Công việc của tôi là dược sĩ trong phòng y tế của công ty Cung
Ứng Tàu Biển, chuyện lo việc thuốc men y tế trong cơ quan và cung cấp dịch
vụ liên quan đến y tế cho những tàu nước ngoài đến cảng Sài gòn. Thí dụ khách nước
ngoài đến VN mà bị ốm đau, thì tôi sẽ đưa đi bịnh viện và cấp thuốc
cho họ. Nói thì có vẻ oai lắm, chứ thực tế thị lương dược sĩ rất bèo.Và tôi lại
chẳng biết mánh mung gì cả! Nhưng vì có làm việc với ngoại quốc, thỉnh thoảng họ cũng cho quà vớ vẩn và những món quà vớ vẩn đó lại có giá ở chợ trời, trong giai đoạn “bế
môn tỏa cảng” này.
Thời đó mấy đứa con gái cỡ tôi thì được
xếp (thủ trưởng ) rất yêu mến. Lý đó là dân miền Nam (mặc
dù gốc Bắc) ăn nói nhẹ nhàng (có thể tại vì sợ) không ỷ thế còn cán bộ cấp lớn, ăn nói chưa ngoa đanh
đá không sợ một ai. Phòng y tế tôi làm có khoảng 7 người và xếp là một ông
Bác sĩ bộ đội. Tất nhiên là ông ta chẳng biết gì hết ráo! Tuy nhiên ông BS này
là người miền Nam tập kết nên tính tình rất là dễ chịu, bao giờ ông cũng
quý 3 đứa trong miền Nam hơn 4 đứa miền Bắc còn lại. Ông cán bộ này thường
nói ' người miền Nam dễ thương ăn nói dạ thưa rõ ràng và nhất là
hay 'cám ơn' cái gì cũng 'cám ơn nghen '. Đi mua bó hành người
ta cũng 'cám ơn', đi xích lô cũng được cám ơn.
Chẳng bù với mấy bà bán hàng mậu dịch
ngoài Bắc, không hề biết chữ cám ơn là gì. Một thí dụ nhỏ: hỏi:
bữa nay khỏe không?? Dạ cám ơn anh, tui vẫn khỏe ạ.
Thế rồi tôi lập gia đình với một anh bạn
cùng lớp, và dọn qua ở với gia đình chồng, giống y như mọi cô gái
thời đó. Chỉ có một điều khác là: ông xã tôi cũng là Dược Sĩ làm ở
MyTho, thường thì chiều thứ bẩy về nhà, sáng sớm thứ hai lại đi xuống
MyTho. Gia đình chồng gồm Bố Mẹ và 5 anh chị em. Anh cả đã lấy vợ,
và vẫn ở chung nhà. Con thứ hai là ông xã tôi. Thứ tính xem gia
đình cộng với 2 con dâu là 9 người ở chung một nhà. Bạn bè trong sở rất là
nhiều chuyện, ái ngại cho tôi nói là: làm dâu người Bắc khó lắm, ông
chồng lại đi làm xa không có nhà, rồi lại em chồng nữa chứ. Mày
không nhớ Ông Bà có câu "giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng"
sao?? Bà cô ở đây ám chỉ em chồng. Tuy
nhiên tôi chẳng thấy gì khó chịu cả chỉ thấy buồn tại vì Ông xã đi làm xa
thôi. Có thể vì Bố Mẹ chồng tôi theo Tây học và tôi thì thuộc loại dễ chịu
thành ra Mẹ chồng nàng dâu không có một sự khúc mắc gì.
Nói ra như là chuyện cổ tích nhưng đó là
sự thực đấy các bạn ạ. Lúc đó vợ chồng ông anh Cả đi vượt biên bị bắt về mất 'hộ
khẩu' chẳng làm ăn gì được, 3 đứa em chồng còn đi học, hiệu thuốc của
Bố Mẹ chồng bị đóng cửa sau năm 1975. Chồng tôi đi làm xa, tính ra
trong nhà chỉ có tôi gọi là ' công nhân viên nhà nước'. Danh
từ cán bộ chỉ để dành cho đảng viên. Lương tôi khoảng $60 /
tháng. Một tô phở ở quán bình dân là $2. Nói để các bạn dễ tưởng
tượng lương dược sĩ thời đó như thế nào. Ngoài tiền lương, mỗi
tháng tôi được mua 13 kilo gạo, 1/2 ký đường, 100gram bột ngọt và 1/2 ký
thịt theo giá 'tiêu chuẩn'. Chồng tôi làm dưới Mỹ Tho lương chỉ đủ đi
xe về SaiGon thăm gia đình một tháng 4 lần với một hai bịch kẹo dừa làm
quà. Còn gia đình chồng hoàn toàn phải mua đồ giá chợ đen hết.
Kể từ lúc lấy chồng tôi biết ăn 'chao'.
Không biết các bạn còn nhớ hũ chao ngày xưa bằng thủy tình hình vuông nhỏ xíu
không nhỉ? Chao là loại đậu hũ trắng cắt
nhỏ ngâm trong nước cà chua hay ớt, có màu đỏ hồng. Lấy chao
ra, cho chút đường, vắt chanh tươi vào trộn đều với ớt tỏi đã giã
nhuyễn, cùng với dưa leo thành một món ăn cơm rất ngon miệng.
Thuở nghèo khổ ăn cái gì mà chẳng ngon bạn nhỉ?? Ăn hết chao rồi thì cái
hũ không được giữ lại để dùng cho việc khác. Gạo thì mỗi tháng một lần, mẹ
chồng tôi ra phường xắp hàng cả buổi mới mua được 13 kg gạo đầy sạn. Còn
các thứ khác tôi mua ở cơ quan. Thỉnh thoảng họ lại bán thêm cho hộp sữa,
hoặc 1kg cá thu, hoặc cái vỏ xe đạp vv...vv gọi là do cải thiện. Mấy bà cán bộ
miền Bắc thật là tham lam. Thường xúi tôi 'mày ở nhà chồng, mà chồng lại không có nhà, mua làm gì
cho tốn tiền '. Nếu tôi không mua thì các bà sẽ mua phần của tôi. Với
số lương ít ỏi, mà mua những thứ đó xong rồi thì tôi cũng chẳng còn tiền
cho chính mình. Tuy nhiên tôi nghĩ khác, thỉnh thoảng có được
vài miếng ngon tôi vẫn mua về gia đình chồng cũng ăn chung cho vui, chứ
tôi chẳng có dư dả gì để mà đưa tiền cho mẹ chồng tôi cả. Tôi thường phải mang
cơm đi làm, thời đó có cái 'cặp lồng' nhập từ Liên Xô, miền Nam gọi
là cà mên hay gà mên gì đó lâu quá tôi quên rồi. Nó bằng nhôm có 2 ngăn:
ngăn dưới đựng cơm, ngăn trên đựng thức ăn có cái nắp đậy và quai xách. Hồi
còn ở nhà Mẹ tôi thường xắp cơm cho tôi đi làm, còn bây giờ thì làm sao
đây? Dâu mới như tôi, chồng lại không có nhà ,vẫn còn lạ và e
ngại nhiều thứ, nhưng tôi thấy chẳng có khó gì cả. Tôi đi làm suốt
ngày chiều về thì mẹ chồng đă nấu cơm xong xuôi hết rồi. Cơm thường có một
món mặn và một món canh. Một mặn thường là Thịt kho đậu hũ, thịt kho
măng, thịt kho củ cải,vv...vv... thường thì các chất độn nhiều hơn thịt.
Sau khi nấu cơm xong, mẹ chồng tôi
thường lấy cái hũ chao không ra, bỏ vào đó vài miếng thịt vài miếng rau gì
đó, có bữa chỉ vài miếng đậu hũ kho với cà chua....cất vào gác măng dê
nói là : cái này để mai c̣on mang đi làm. Chắc Bà cũng biết tôi đâu
dám lấy đồ ăn để riêng cho mình. Và nếu chờ mọi người ăn xong rồi th́ì cũng
chẳng còn gì nữa. Tôi vẫn còn nhớ hũ chao nhỏ bé nhưng đầy ắp tình cảm,sự quan tâm, chăm sóc của mẹ chồng tôi. Bù lại cơ quan có bán đồ
ăn ' cải thiện' gì tôi cũng mua đem về nhà. Có lần tôi mua được một
con cá thu, cũng không to lắm. Thế là mẹ chồng tôi cắt con cá làm
đôi bảo tôi đem về cho mẹ của tôi một nửa. Với nửa c̣on cá thu ấy, bà cũng
làm được vài món, và tất nhiên cũng bỏ một ít vào hũ chao để tôi mang cơm
đi làm.
Bây giờ mẹ chồng tôi không còn nữa,
thỉnh thoảng nhìn thấy hũ chao ở đâu đó trong tiệm bán thực phẩm của Tàu,
tôi lại nhớ đến bà thật nhiều. Tôi đă học được ở Bà nhiều điều, mà
điều quan trọng nhất là "cứ thương yêu mọi người đi, rồi
họ cũng sẽ thương yêu mình thôi". Tôi đă áp dụng điều này với con dâu
và con rể thấy đúng lắm bạn ạ. Tôi rất quí con dâu và con rể (
bọn chúng tôi bên này gọi là: con ruột dư) tại vì tụi nó sẽ chăm
sóc và mang lại hạnh phúc cho con mình.
Tôi không thấy mất con sau khi bọn nó lập
gia đình như nhiều người hay than vãn, mà tôi thấy sao bây giờ tôi có nhiều
con quá tới 4 đứa lậng. Cuối tuần tụi nó đến thăm lổn ngổn, chật cả
nhà. Hên là tụi nó ở riêng hết rồi, nếu không mỗi ngày tôi phải bỏ
đồ ăn vào 4 hũ chao thì mệt lắm nhỉ??
Vân Khanh
02/08/2016
1 nhận xét:
(Đăng dùm một bạn học tại Dược Khoa - Viện Đại Học Sài Gòn)
Vài dòng về tác gỉa
-tên thật:Phạm Thị Vân Khanh
-Bạn "thâm giao " của Dương Quốc Thắng .
-Nghi hưu ở Calgary Canada.
-Sở thích:du lịch, ăn quà, chơi với cháu Nội, gyms, badminton. cooking, và bây giờ thêm phần "viết lách" nữa.
Đăng nhận xét