Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Tản mạn về ngày Tưởng Nhớ--Memorial Day 2017

Thân chào các Bê (*),
Lại một năm nữa trôi qua kể từ ngày viết Tản mạn về ngày Tưởng Nhớ--Memorial Day--2016. Năm nay cũng nhân ngày Memorial Day 2017 để lại viết thêm về sự khó khăn, gian khổ của người lính của bất kỳ một chiến tuyến nào.
Sao không viết về cuộc chiến tại Việt Nam? Cuộc chiến này tuy không còn qua sớm để viết (hơn 40 năm rồi còn gì) nhưng lại quá gần tim nên... thôi!
Thôi thì lại kể chuyện người mà mong Bê nghĩ đến chuyện nhà.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

Vẫn Còn Ngoài Biển Khơi.

Tuần dương hạm hạng nặng (heavy cruiser) USS Indianapolis mang trọng trách chuyên chở cơ phận của quả bom nguyên tử Little Boy (sau được thả xuống Hiroshima, Nhật Bản) đến căn cứ Không Quân Tinian. Nhiệm vụ hoàn tất và chiến hạm rời bến ra biển tiến tới Phi Luật Tân.
Cả hành trình mà không có hộ tống hạm (destroyer escort) đi cùng để bảo vệ (cấp trên từ chối yêu cầu của McVay và không cho hộ tống hạm đi theo bảo vệ vì lý do nhiệm vụ thầm lặng và những hộ tống hạm đều có nhiệm vụ khác).
Ngày 30 tháng Bảy 1954, tàu bị thuỷ lôi từ tầu ngầm I-58 của Hải Quân Hoàng Gia Nhật Bản (Imperial Japanese Navy, IJN) bắn chìm. I-58 bắn 6 thủy lôi; hai thủy lôi trúng với một thủy lôi trúng phía dưới khoang chỉ huy (ship bridge). Hơn 300 chiến binh chìm theo tàu. Hạm Trưởng Charles Butler McVay III sống sót và cùng một số đồng đội (hơn 900 người). Nhưng chỉ 317 người được cấp cứu sau 5 ngày lênh đênh trên biển đầy cá mập, không thức ăn, không nước uống. Chuyện được quay thành phim USS Indianapolis – Men of Courage (2016).
McVay trở về với nỗi hối hận làm chết cả ngàn đồng đội. Tổn thất này vẫn là tổn thất kỷ lục của Hải Quân Hoa Kỳ. Và sự phẫn nộ của gia đình tử sĩ cũng như áp lực chạy tội và tìm con vật hy sinh (scapegoat) của bộ Hải Quân, McVay phải ra toà án quân sự (martial court) và lãnh bản án. Mặc dầu với lời trình bầy của chính vị thuyền trưởng của chiếc tầu ngầm Nhật Bản là dù cho McVay có ra lệnh cho tuần dương hạm chạy theo hình chữ chi (zigzagging) thì tàu vẫn không thoát khỏi những chiếc thủy lôi mà tàu ngầm bắn ra. Thuyền trưởng tầu ngầm Hashimoto Mochitsura đã theo dõi USS Indianapolis từ trước khi McVay chuyển giao kiện hàng bí mật (secret crate) cho Không Quân tại Tinian. Hashimoto đã bầy tỏ nỗi hối tiếc là anh ta đã không bắn thủy lôi trước khi McVay đến được Tinian và nếu thế thì lịch sử đã có thể thay đổi và Hiroshima có thể đã không bị tàn phá bằng bom nguyên tử (1).  
Lịch sử về USS Indianapolis và thuyền trưởng McVay thì Bê có thể vào phụ chú B và C mà xem thêm. Trong bài này, Đệ chỉ muốn nói đến nỗi oan khiên của người lính khi kết quả của nhiệm vụ không như ý muốn. McVay cuối cùng tự sát với khẩu súng lệnh của chính mình (service pistol) trong tuổi già, ông quá ám ảnh về trách nhiệm của mình và trầm cảm nặng (nhất là sau khi vợ ông mất vì ung thư).
Còn nỗi buồn nào hơn nỗi buồn thất bại trong chiến đấu!
Có lẽ niềm an ủi là sau đó khoảng 50 năm thì chiến dịch giải oan cho McVay đã thành công: những người sống sót từ USS Indianapolis, con trai của McVay III (Charles McVay IV), lịch sử gia và đặc biệt một em học sinh 12 tuổi từ Pensacola, Florida (tên là Hunter Scott đã phỏng vấn gần 150 người sống sót) đã gây sự quan tâm và dư luận công chúng cũng đã thấy phải trả lại sự thật cho lịch sử (return the Truth to History).

Đưa Em (Anh) Qua Vùng Nước Xoáy

Để kết bài này xin tặng Bê một tác phẩm của Simon and Garfunkel - Bridge Over Troubled WaterĐưa Em (Anh) Qua Vùng Nước Xoáy là tên mà Đệ xin đặt cho bài Bridge Over Troubled Water và Đệ lại thích phiên bản của Jennifer Nettles nhân ngày Memorial Day 2014 hơn vì Nettles hát để vinh danh người lính đã chiến đấu bảo vệ đất nước. Đất nước, đây, là chính con người chứ không phải là chính trị gia.


Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Như phần mở đầu: chiến tranh Việt Nam không còn quá sớm để viết, để bàn, để ăn năn nhưng Bê ơi, hãy tin tưởng một ngày nào đó lịch sử sẽ nói lên tất cả sự thật của nó.
(1) Cũng có thể là trước sau gì thì Hoa Kỳ cũng sẽ ném bom nguyên tử để kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. USS Indianapolis: Men of Courage - Wikipedia
C. Wikipedia - Charles B. McVay III

Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

S&T: Khóa Đôi - Two Step Authentication

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay trong mục Khoa Học & Kỹ Thuật (S&T) tháng này, Đệ xin bàn nhăng về một đề tài quan trọng trong việc bảo vệ mã khoá của các trương mục mạng (social network account's password). Ngày nay, gần như không ai mà không có một số phone riêng và ít nhất một trương mục điện thư (email account).
Sự tiện dụng của điện thoại thông minh (smartphone) và email đưa chúng ta vào một thói quen mới: chứa thông tin cá nhân mình (và người thân cũng như bạn bè) vào trong phone hoặc trương mục điện thư. Lý do? Vì phone luôn ở bên mình và đi đâu có "Internet" thì mình có thể vào email được.
Tiện lợi thì đã rõ; nguy hại thì... cũng rất rõ!
Nếu kẻ gian vào được phone (hoặc truy cập, access, vào trương mục điện thư) thì dữ kiện đời Bê đã bị đánh cắp và được bán hoặc dùng vào việc bất chính.

Eo ơi! Lúc đó mà than rằng: "Eo ơi" là không đúng! Phải than là "Trời Đất ơi!!!"...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Trước hết Đệ xin nói ngay là phương pháp "two step authentication":
  • không phải là cách duy nhất để bảo vệ mật khoá.
  • không phải là cách mà kẻ gian sẽ bó tay hoàn toàn.
  • không bảo đảm 100% là sẽ an toàn.
Và bài này không đề cập đến những phương pháp định danh (authentication) khác như iris scanning (duyệt tròng mắt), fingerprint scanning (duyệt vân tay), face recognition (nhận diện), vân vân...(chú thích 1 và 2).
Cũng giống như căn nhà của Bê: nhiều cửa, nhiều phòng, nhiều khoá và nhiều cách chứa tài sản (thí dụ như vàng lá thì không để trong cái tô trên mặt bàn ăn trong nhà bếp). Mật khoá vào phone (hoặc email) chỉ là cái khoá cửa ở cửa rào của căn nhà. Tuy vậy nhưng rất quan trọng là Bê phải bảo vệ cái khoá cửa rào này vì nếu phone/email bị hacked thì những khoá phía trong sẽ bị phá; chỉ là vấn đề sớm hay muộn.
Cái nguy hiểm là kẻ gian vào được trương mục của mình thì sẽ làm:
  • hoặc là kín đáo theo dõi (mà Bê không biết)
  • hoặc là đổi mật mã (thường là sau khi đã sao chép tất cả dữ liệu) và từ đó chiếm dụng trương mục (Bê bị "locked out" vì không có mật khoá mới). Chuyện báo với cơ quan chuyên trách thì là việc cần làm ngay nhưng thường là quá muộn.

Khóa Đôi

Kỹ thuật Khóa Đôi (two step authentication; "two step" ở đây là tĩnh từ nên "step" không có "s") thật đơn giản (nhưng hữu hiệu) và được các nhà cung cấp mạng áp dụng để chống trương mục của người dùng bị đánh cắp:
  1. Khác với Khóa Đơn ở chỗ khóa đơn đòi hỏi người dùng phải giữ kín mật mã (password, passcode, passphrase) và mỗi mật mã phải đủ "mạnh" (strong password: gồm trên 8 chữ và số, chữ thường lẫn chữ hoa, cũng như phải có những dấu đặc biệt như !@#$%^&...). Mật mã sẽ khó bị phá nếu "mạnh". Khó thôi nghe! Phá vẫn là chuyện khả dĩ. Nếu vì lý do gì đó mà mật mã bị tiết lộ thì kẻ gian sẽ đột nhập vào trương mục.
  2. Khóa Đôi ngoài đòi hỏi giống như Khóa Đơn về password còn đòi hỏi người dùng cho biết số phone hoặc một trương mục diện thư (email account) trong khi thiết định trương mục trước đó (at the setting time beforehand). Khi người dùng muốn vào một trương mục mạng, tỷ dụ như vào gmail thì ngoài việc phải nhớ mật mã "mạnh" như khóa đơn ở trên, nhà mạng còn biết được là người dùng đang dùng thiết bị nào để truy cập vào trương mục. Khóa Đôi hoạt động trong trường hợp này bằng cách báo cho người dùng muốn vào trương mục với ID/password là nhà mạng gởi một điện thư hay tin nhắn với một chuỗi số. Người dùng phải vào điện thư hoặc đọc tin nhắn trên điện thoại mà biết chuỗi số này và hồi đáp cho nhà mạng (bước hai).
  3. Bước hai này, nhà mạng gởi chuỗi số qua điện thư hoặc tin nhắn) và người dùng phải hồi đáp tới nhà mạng, chỉ xảy ra khi người dùng xử dụng một thiết bị mới khi truy cập vào trương mục. Sau lần thứ nhất mà bước hai thực thi thì nhà mạng nhớ được thiết bị mà người dùng đã xử dụng nên sẽ không bắt người dùng phải vào bước hai nữa. Nghĩa là two step authentication chỉ xảy ra trên thiết bị dùng lần đầu để truy cập nên không làm phiền người dùng mỗi lần truy cập (chú thích 3). Thỉnh thoảng thì nhà mạng có thể lại buộc người dùng làm bước hai để tăng sự bảo mật nhưng Bê cũng đừng phiền, phải không? An toàn là trên hết, thỉnh thoảng mất công một chút mà không bị phiền toái khi bị mất trương mục thì cũng là điều nên làm.
  4. Phụ chú B là bài viết của Gizmodo về cách thiết lập Khóa Đôi cho nhiều loại trương mục: Apple ID, Dropbox, Evernote, Facebook, Google, Lastpass, Microsoft accounts, PayPal, Slack, Twitter, Yahoo (chú thích 4). Bê nên bỏ chút thì giờ mà tạo khóa đôi cho các trương mục điện tử của mình. Pay now or Pay later. Pay later (khi trương mục bị hacked) thì giá phải trả đắt lắm!

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Có Bê cho là đến tuổi này thì không cần gì mà phải bảo mật! Bác Cả bên ngoại của cháu bị hacked trương mục Facebook một thời gian và họ hàng cũng bị ảnh hưởng đôi chút, thật đáng tiếc.
(1) Bài này xin không phân biệt giữa verification và authentication
(2) Bài này xin không nói về chuyện legacy contact (chuyện gì xảy ra cho trương mục người... đã ra đi).
(3). Có nghĩa là nếu Bê dùng cùng một thiết bị như máy tính bảng của Bê thì lần đầu vào Facebook, chẳng hạn, thì Facebook thực thi bước hai và Bê phải có cái điện thoại của mình (đã cho Facebook biết số) gần đâu đó mà thấy tin nhắn với chuỗi số mà Bê phải trả lời Facebook trước khi Facebook cho truy cập (access) trương mục của Bê. Từ đó trở đi, nếu dùng cũng thiết bị này thì Facebook không thực thi bước hai (thật ra thỉnh thoảng Facebook cũng thực thi bước hai để tăng phần cẩn mật). Bê mua một thiết bị thứ hai và vào Facebook thì chắc chắn là Facebook sẽ thực thi bước hai lần đầu trên device mới này.
(4) Bài này bằng tiếng U (USA) nên cũng là bất tiện cho Bê nào không rành tiếng Anh. Nếu cần thì Bê tìm trong Google "xác minh hai bước" hoặc "xác thực hai bước". Một lần nữa xin nhấn mạnh là Bê phải tự nhận định là thông tin trên mạng có nên tin hay không, Đừng đổ thừa cho Đệ, nghe!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Two Step Authentication

Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

Sức Khỏe: 12 Thói Quen của Người Khỏe Mạnh - Thói Quen 5: Ngủ Đầy Đủ

Thân chào các Bê (*),


Tháng Năm năm nay thật bận rộn tại sở làm mà cũng bận rộn vì đi chơi xa: ăn thì nhiều hơn bình thường (vì đi đâu cũng ăn và gặp ai cũng được mời ăn) nhưng ngủ thì lại ít hơn ngày thường. Dù là ngày thường thì cũng đã thiếu ngủ.
Có lẽ giấc ngủ là dễ bị coi nhẹ nhất (so với những sinh hoạt hằng ngày).
  • Giữa học và ngủ thì chọn học. 
  • Giữa ăn và ngủ thì chọn ăn. 
  • Giữa đi chơi và ngủ thì chọn đi chơi. 
  • Giữa các gì đó và ngủ thì chắc là không chọn ngủ. 
Dĩ nhiên ngủ đây là nằm xuống nhắm mắt đi vào giấc ngủ để cơ thể có cơ hội hồi phục (và không làm chuyện gì khác).


Habit 5
Hình từ phụ chú B.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

Mục Tiêu: Tìm cách ngủ đủ 7 hay 8 tiếng mỗi ngày là chuyện quan trọng cho việc giữ gìn sức khỏe.

Có nhiều nguyên do ảnh hưởng đến giấc ngủ hàng ngày – làm việc, chuyện gia đính và việc nhà – và mùa Hè mang lại nhiều nguyên nhân nữa. Mặt khác, giấc ngủ rất quan trọng cho sức khỏe cá nhân. Thật rõ là thiếu ngủ làm chúng ta không yên và không thể tập trung tinh thần cho bất cứ sinh hoạt gì trong ngày. Giấc ngủ còn ảnh hưởng đến số cân nặng và hệ thống miễn nhiễm (để ngăn ngừa bệnh tật). Hơn nữa những bệnh tật nguy hiểm như tiểu đường (loại II), bệnh tim mạch, ung thư và trầm cảm cũng một phần liên quan đến thiếu ngủ. Sau đây là vài lãnh vực mà chúng ta nên để tâm trong nỗ lực có giấc ngủ đầy đủ hàng ngày.

Ngủ như là cách kiểm soát trọng lượng cơ thể. 

Nghiên cứu cho thấy là phương cách ngủ đầy đủ là quan trọng để chức năng chuyển hóa (metabolic function) của cơ thể được hoạt động hữu hiệu. Thiếu ngủ có thể dẫn tới nhiều hậu quả trầm trọng như béo phì (obesity) and tiểu đường (diabetes). Xin coi chuyện ngủ nghê là chuyện quan trọng trong việc giữ sức khỏe cá nhân cũng như là cách tạo nên lợi ích lâu dài cho sức khỏe (phụ chú C).

Giữ giờ đi ngủ và giờ thức dậy hàng ngày không thay đổi. 

Ngay cả ngày thường và ngày cuối tuần, ngày lễ cũng như ngày nghỉ. Điều này duy trì sự ổn định cho chu kỳ thức-ngủ và giúp giấc ngủ đến dễ dàng hơn. Giảm ánh sáng và tiếng động trong phòng ngủ (lúc ngủ).

Giữ sinh hoạt thể lực (physically active). 

Hoạt động cơ thể giúp ta chìm vào giấc ngủ nhanh hơn và sâu hơn (deeper sleep). Nhưng thời điểm là quan trọng: nếu hoạt động thể lực quá gần giờ ngủ thì Bê sẽ khó ngủ. Tuy nhiên nhiều người thì hoạt động thể lực bất cứ lúc nào cũng tốt cho giấc ngủ. Nói chung thì nên tránh hoạt động quá mạnh hai giờ trước giờ ngủ.

Lợi dụng ánh nắng trong mùa Hè. 

Phơi nắng giúp cơ thể điều chỉnh “đồng hồ sinh học” (internal clock/bio clock) và giúp Bê thức dậy sáng sớm. Giảm phơi trong nắng chiều 2 hay 3 giờ trước khi ngủ vì nắng làm chậm tiến trình bài tiết melatonin, kích thích tố giúp điều hòa giấc ngủ. Xin Bê vào phụ chú D để biết thêm về melatonin và người già và phụ chú E về lý thuyết "internal clock vs. internal hourglass".

Để ý thức uống. 

Trong những tháng nóng, ta có khuynh hướng uống nhiều “nước” để giữ cơ thể không khô khát. Bê nên để ý đến thức uống của mình. Cà phê và thức uống có chất cà phê (caffeine) cần khoảng hai tiếng mới giảm hết hiệu lực (làm mình thức) và có thể gây mất ngủ hoặc ngủ không sâu. Ngay cả thức uống có rượu (alcohol beverage) hoặc rượu có thể làm mình ngầy ngật như ngủ lúc đầu nhưng lại làm mình mất ngủ trong đêm. Nhớ là nếu phải thức giấc đi tiểu trong đêm và sau đó mất ngủ thì nên tránh uống nhiều nước và đi tiểu trước khi vào giường.

Ngưng hoạt động tâm trí. 

Khi Bê có nhiều việc muốn làm và không ngừng suy tính về chúng thì làm sao ngủ? Để có sự bình an trong tâm hồn thì hãy tìm cách làm giảm sự căng thẳng của cuộc sống. Sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên và giao việc cho người khác làm. Trước khi ngủ, ghi xuống việc làm cho ngày hôm sau. Nếu trong 20 phút mà giấc ngủ không đến thì ra khỏi giường, đọc sách, nghe nhạc hoặc làm việc gì đó trong yên lặng cho tới khi buồn ngủ.

Tắt/Tháo/Cắt (unplug) các dụng cụ điện tử. 

Trong phòng ngủ nên có khung cảnh ít sinh động. Các dụng cụ điện tử như điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng (tablet), đồng hồ thông minh làm chúng ta gắn chặt với thế giới bên ngoài 24 giờ mỗi ngày. Và việc liên lạc không còn chỉ “cấp thời” và đòi hỏi đồng bộ (synchronous) như nói điện thoại thì cả hai bên đều phải nghe và nói cùng thời điểm. Ngày nay, dù chúng ta vẫn tránh gọi điện thoại khi bên người nhận đã quá khuya; nhưng chúng ta lại có cách liên lạc mới: texting. Tin nhắn đúng ra là không cần trả lời ngay; nhưng mấy ai nghe báo có tin nhắn mà không ghé mắt “coi qua”. Coi qua nhưng lại trả lời ngay: thế là hết ngủ!

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Già rồi nên ít ngủ. Có Bê còn tuyên bố ngủ bốn tiếng mỗi ngày là đủ rồi. Ngủ chỉ bốn tiếng thì thức dậy và bắt đầu nói làm mọi người trong nhà mất ngủ theo! Nói gì ngoài những chuyện... ngày xưa! Thêm nữa thì phê phán con cháu. Ấy nhưng con cháu phải mừng vì nếu cụ ngủ nhiều thì coi chừng đây là một biểu hiện của chứng Lẫn (Alzheimer's).

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Thói Quen 5
C. Ngủ và Trọng Lượng
D. Khi Người Già Mất Ngủ
E. Hai Yếu Tố Thời Gian và Giấc Ngủ