Thân chào các Bê (*),
Hôm nay Đệ xin kể một chuyện khá xưa, thời còn học đại học lần đầu tại Mỹ. Thời đó, sinh viên nghèo như Đệ thì phải vừa học vừa làm thì mới sống nổi (và gởi tiền về VN). Một trong những việc làm mà Đệ thích nhất là dạy kèm sinh viên Mỹ về toán lý hóa ở mọi trình độ trung và đại học (hai năm đầu tổng quát).
Dạy người Mỹ lúc đó có ít nhất hai vấn đề: tiếng Anh và cách giảng dạy tại Hoa Kỳ.
Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Tiếng Anh thì đương nhiên là dân tỵ nạn mà không ngọng mới là lạ!
Tiếng Anh thì đương nhiên là dân tỵ nạn mà không ngọng mới là lạ!
Đệ ngọng vì Đệ không lạ (thường).
Biết vậy nên Đệ rất cố gắng: giảng sao, nói sao cho sinh viên Mỹ hiểu.
- Mỗi khi mà thấy học trò ngớ ra là Đệ phải tìm một cách nói khác đi để giải thích cùng một vấn đề. Thường người kém tiếng Anh thì vừa nói vừa múa (tay); nhưng giảng về toán lý hóa thì không dùng tay được; nên phải phát triển khả năng diễn đạt cùng một khái niệm bằng nhiều hơn một cách. Té ra là thói quen này về sau giúp ích cho mình rất nhiều.
- Nói tiếng Anh suốt các buổi dạy kèm cùng với đọc báo Mỹ giúp cho Đệ dần có nhiều tự tin trong giao thiệp (coi TV không hữu ích bằng đọc báo).
- Sau đó, khi đi làm, thì Đệ tham gia vào nhiều khóa về kỹ năng thuyết trình nên lại học được một số bí kíp trong giao tế và diễn thuyết (xin không triển khai ở bài này).
Còn cách giảng dạy tại Hoa Kỳ thì
- Một thí dụ là thiết lập toán chia (Việt thì số bị chia bên trái, số chia bên phải, kết quả bên phải và ở dưới. Mỹ thì số bị chia, dividend, bên phải và ở dưới, xin xem phụ chú B). Chúng ta quen theo lối VN nên ngày đó Đệ cứ làu bàu là Mỹ nó thật là "stupid".
- Cái làm Đệ chật vật một thời gian khá lâu là thái độ của học trò Mỹ. Học trò Mỹ luôn hỏi tại sao, thế này, thế kia. Sau này mới thấy là đối đáp giữa thầy và trò giúp ích không những cho trò mà cho cả thầy nữa. Xưa kia, hỏi khó thầy là một hình thức thách thức. Học trò Mỹ thì thường xuyên làm chuyện này.
- Một hôm Đệ bị cứng họng khi giảng cách tính diện tích của một vòng tròn theo bán kính r. Khi nói tới công thức với r là bán kính và π là 3.1416 thì ông học trò chận mình lại và hỏi tại sao π bằng 3.1416? Câu trả lời thì mình biết khi bắt đầu học toán ở VN (1) nhưng không biết sao mà Đệ không nhớ để trả lời học trò. Và chính Đệ rất "stupid" mà bảo với học trò là you just have to memorize it. Giờ nghĩ lại vẫn thấy là mình nợ đứa học trò này một lời giải thích hợp lý hơn.
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,
Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Cháu chắt có hỏi thì tìm cách giải thích chứ đừng, cái kiểu, "Tin ông đi!"
Thân,
Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Cháu chắt có hỏi thì tìm cách giải thích chứ đừng, cái kiểu, "Tin ông đi!"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét