Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Fourteen Eyes -- Mười Bốn Con Măt

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay, ngồi theo dõi cuộc kháng chiến của Ukraine chống lại quân xâm lược từ Liên Bang Nga. Bỏ qua cái được thi vị hóa và cái được giàn dựng của tuyên truyền của cả hai phía, Đệ không thấy ai nói tới những hoạt động âm thầm nhưng cực kỳ quan trọng của tình báo, đặc biệt là tình báo liên quốc gia.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Trước hết xin được viết ra đây vài điều mà Đệ tin:
  • Chiến tranh luôn luôn là địa ngục cho cả hai bên tham dự (war is hell).
  • Xâm lược là hèn hạ, đốn mạt.
  • Nhân dân Ukraine có quyền chọn lựa thể chế chính trị để theo đuổi.
  • Có là người tỵ nạn mới hiểu được người bỏ nước ra đi lánh nạn.
Xin trở lại với tình báo liên quốc gia. Một thỏa thuận của năm nước (Five Eyes: Anh, Mỹ, Gia Nã Đại, Tân Tay Lan và Úc Đại Lợi) đã giúp các nước này chia sẻ tin tình báo khi tin tình báo sẽ giúp được họ đưa ra những quyết định phù hợp để ngăn chận hoặc đối phó với kẻ thù chung, trong nhiều trường hợp là Liên Bang Nga. 
Sau đó vì nhu cầu chia sẻ thông tin toàn cầu: Pháp, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy tham gia nên Five Eyes trở thành Nine Eyes. Ngày nay, thêm Đức, Bỉ, Ý, Thụy Điển, Tây Ban Nha nên thành Fourteen Eyes.
Đó là chưa kể tới các nước khác cũng muốn góp phần: Do Thái, Nhật Bản, Nam Hàn, Tân Gia Ba, vân vân...
Nói chung, thì liên minh Fourteen Eyes và một số nước khác vẫn có những dè dặt để trước hết là bảo vệ bí mật quốc gia nhưng với sự hợp tác như hiện nay, tin tình báo đã rất cần thiết cho liên minh.

Không cần biết cụ thể thì chúng ta cũng có tin là Fourteen Eyes đóng góp không nhỏ vào sự thành công của Hoa Kỳ và khối NATO trong những quyết định cấm vận (sanctions) đối với Liên Bang Nga khi nước này tấn công Ukraine.
Houston 2021
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê rồi thì chắc là cũng đã mệt mỏi với cái năng động (dynamic) của các liên minh.

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

Bướm Vỗ Cánh

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay, tuyết đổ hầu như khắp nước Mỹ nên ai ở đâu thì ở đó, tránh ra đường. 
Đọc tin tức thì thấy là Nga khởi động xâm lược Ukraine. Chuyện thì âm ỉ bao nhiêu năm nay nhưng với hiện thực này thì vẫn là sự kiện chấn động thế giới. Có người cho rằng chuyện chẳng ảnh hưởng gì tới mình. Mỹ đã khẳng định là không đem quân vào Ukraine; nhưng sẽ đoàn kết với Âu châu mà tìm cách trừng phạt Nga...

Hiệu ứng bươm bướm (phụ chú C) dầu chỉ là lý thuyết xa vời nhưng lại nói lên một hiện tượng thường xảy ra: mọi việc xảy ra cho nhân loại đều có liên quan, ảnh hưởng đến nhau. Con bướm vỗ cánh ở Nam Mỹ có thề ảnh hưởng tới những cơn bão nhiều tháng sau đó cách nơi con bướm hằng vạn dặm.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Vậy thì việc Nga xâm chiếm Ukraine ảnh hưởng thế nào tới chúng ta? 

Bài này xin được tóm lược một bài báo của Becky Sullivan (NPR; phụ chú C). 
Sullivan đưa ra những điểm chính:
  • Hoa Kỳ và các nước chắc chắn là phải tăng cường cấm vận về kinh tế VÀ chắc chắn là Nga sẽ phản ứng. Nga sẽ trả đũa bất chấp, không từ một thủ đoạn nào. Cấm vận luôn là hai chiều: tìm cách cấm vận nào mà mình ít bị thiệt hại (hơn đối phương) là rất khó và kẻ thứ ba (ngư ông như Trung Quốc) sẽ hưởng lợi.
  • Giá năng lượng như xăng dầu, khí đốt sẽ tăng vì Nga là nước sản xuất dầu khí. Đức vừa mới tuyên bố ngưng dự án Nord Stream 2. Không có Nord Stream 2 thì thiệt hại cho Nga và cho cả Đức. Dự án coi nhưng xong rồi chỉ còn giai đoạn cuối là phê duyệt; nay thì đắp chăn.
  • Những kỹ nghệ khác từ thực phẩm tới xe hơi cũng bị ảnh hưởng vì Nga và Ukraine xuất cảng khá nhiều khoáng chất hiếm và titanium. Phân bón nhập cảng từ Nga/Ukraine cũng sẽ ít đi hoặc ngưng hẳn.
  • Từ đó, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng sẽ gặp khủng hoảng và người có chứng khoán (nhất là người sống dựa vào quỹ đầu tư như 401(k) sẽ thấy tiền tiết  kiệm của mình "bốc hơi". Ai thích điều này thì xin cảm ơn ông Putin.
  • Tấn công vào mạng lưới toàn cầu với sự bảo trợ ngầm của chính phủ (state sponsored cyberattack) sẽ nhằm vào Mỹ và Âu châu. Ngày nay, từ ngân hàng cho tới cơ quan sản xuất năng lượng đều phụ thuộc vào mạng lưới toàn cầu. Quân sự cũng phụ thuộc quá nhiều vào Internet.
    •  Nếu Nga không kềm chế các băng đảng tin tặc mà còn ngầm khuyến khích hoặc công khai bảo trợ tin tặc thì không biết sự thiệt hại sẽ đến mức nào. 
    • Tin tặc không những phá hoại công sở/công ty tư mà còn tống tiền tư nhân (ransomware attack). 
    • Cyberattack còn có thể để phá hoại các cuộc bầu cử tại các nước tự do dân chủ (influencing elections).
  • Nếu chiến tranh quy ước (conventional war) bùng nổ thì vấn đề dân di tản, tỵ nạn sẽ là vấn đề lớn cho các nước chung quanh cũng như Hoa Kỳ.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,
Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi này rồi thì thấy chiến tranh, dù là ở đâu, là hết vía.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. How a Russian invasion of Ukraine could affect you

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2022

Tuskegee Study - Vết Nhơ Không Xóa Được

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay là mồng 6 Tết Nguyên Đán, kể ra thì cũng còn là năm mới.
Đáng lý là chỉ nên nói chuyện vui nhưng vì cần nói lên một vấn đề mà đa số chúng ta rất kiên quyết cho lập trường của mình.
Cuối năm ngoái, Đẽ có viết một bài cho là vấn đề xã hội nào cũng có cái phức tạp của nó; thường thì nó không hoàn toàn thế này hay hoàn toàn ngược lại (phụ chú D). 

Thì lúc này, mọi người cũng đang tranh cãi về vấn đề chích ngừa Covid. 
  • Phe chủ trương chích ngừa thì dùng đủ các cách (kể cả khoa học) để cho là người chủ trương không chích hơi bị... ngu! 
  • Phe chủ trương không chích cũng tìm đủ lý do về quyền tự quyết (cũng như khoa học về miễn nhiễm tự nhiên) để chống chế, để bảo vệ quan điểm của mình. IMHO, họ quên một điều căn bản là họ có thể làm lây lan cho người khác kể cả người thân của họ. Nhưng đây là một đề tài khác.
Bê nên nhớ là người không chích ngừa (unvaccinated) không hẳn là người thuộc đảng Cộng Hòa, không hẳn là người theo phe cựu TT Trump. Họ thuộc rất nhiều thành phần, nhiều màu da, nhiều tôn giáo, nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Tóm lại thì người không chích ngừa có lý do của họ và những lý do thì khá đa dạng. 
Bài này chỉ xin đề cập một sự kiện lịch sử của Hoa Kỳ: Nghiên cứu về căn bịnh Giang Mai (Syphilis) và sự kiện lịch sử này cho tới ngày nay vẫn còn là một bài học nhớ đời cho sắc dân Tuskegee...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Sự kiện xảy ra trong một thời gian khá là dài (từ 1932 tới 1997 khi TT Clinton chính thức xin lỗi trước quốc dân) nên có lẽ là dùng "timeline" là ngắn gọn:
  • 1932, 600 người da đen tại quận Macon tiểu bang Alabama (người Tuskegee) được chiêu mộ để tình nguyện tham gia vào công cuộc nghiên cứu của cơ quan y tế của chính quyền, U.S. Public Health Service (PHS). Lý do họ tình nguyện thì là sự hứa hẹn về chăm sóc y tế, những bữa ăn miễn phí, và tiền chôn cất khi chết.
  • Trong số 600 tình nguyện, 399 người đã mắc Giang Mai
  • 1947, Penicillin được công nhận là chữa Giang Mai hiệu quả.  Nhưng các tình nguyện viên này vẫn chỉ được cho uống aspirin, hoặc một số chất khoáng. Lý do? Vì nghiên cứu muốn theo dõi con bệnh mắc Giang Mai (mà không được chữa trị đúng cách) xem Giang Mai sẽ tiến triển ra sao. Tình nguyện viên không biết dã tâm này vì họ không được biết mục đích chính của nghiên cứu: số người mắc Giang Mai lần lượt chết, mù mắt, điên loạn, và hứng chịu sự tàn phá của Giang Mai.
  • Giữa thập niên 60's, Peter Buxton, một điều tra viên của USPHS ở San Francisco biết được về cuộc nghiên cứu vô nhân này nên báo với cấp trên. Một hội đồng được thành lập để đánh giá cuộc nghiên cứu nay; rồi thì chẳng đi đến đâu. Buxton, sau đó, phải tiết lộ chuyện này cho báo chí và vào tháng 7, năm 1972, Jean Heller của hãng truyền thông AP đem chuyện này lên báo chí. Dư luận quần chúng phẫn nộ về dã tâm của ngành y tế Hoa Kỳ. Ở thời diểm này thì:
    • 28 người (tình nguyện)  chết vì Giang Mai.
    • 100 người khác chết vì những biến chứng
    • 40 người phối ngẫu bị lây bịnh và truyền bịnh cho 19 trẻ sơ sinh
  • 1973, một vụ kiện tập thể (class-action lawsuit) thành công với việc bồi thường 10 triệu đô la cho nạn nhân và người thân vào năm 1974.
  • Mãi tới thời TT Clinton (1997), ông mới chính thức xin lỗi với tư cách của một Tổng Thống Hoa Kỳ.


Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê không nên trách những người Tuskegee, người bị yếu hệ miễn nhiễm, người mang thai, vân vân... không muốn chích ngừa Covid (phụ chú E). Mặc dầu là họ nên đi chích.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. The Tuskegee Timeline 
D. Tản Mạn Cuối Năm 2021

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2022

Vi Ổ Cứng - MicroSD

Thân chào các Bê (*),

Gọi đùa là "vi ổ cứng" nhưng từ đây xin gọi đúng tên là MicroSD card (thẻ nhỏ chứa data). Ngày nay microSD là một phần quan trọng trong máy móc điện tử vì không có nó thì không chứa dữ kiện (data như hình, audio file, video file, vân vân...) được.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

Trước hết xin nói về những ký hiệu trên thẻ: 
  • Dung lượng (capacity; dung tích): thẻ đề 16 hay 16GB có nghĩa là thẻ có dung lượng 16 gigabits (khác với 16 gigabytes vì 1 gigabyte có 8 gigabits)
  • Thẻ có ghi vòng tròn với con số ở trong (xem hình trong phụ chú B). Vòng tròn 10 có nghĩa là tốc độ ghi vào thẻ (writing speed) là 10Mb/sec; 100 giây mới chép được 1Gb). Vòng tròn có thể có số 2, 4, 6, hoặc 10. Mười là nhanh nhất trong những số này.
  • Chữ "U" với con số bên trong (xem hình trong phụ chú B).
    U1tương đương với vòng tròn 10 còn U3 tương đương với V30.
  • Ngày nay, nhanh hơn thì người ta dùng chữ "V" (giống như dấu căn; xem hình trong phụ chú B) V30 là tốc độ ghi 30Mb/sec, V60 là tốc độ ghi 60Mb, V90 là tốc độ ghi 90Mb/sec
  • Tốc độ ghi trên thẻ là tốc dộ ghi (writing speed) tối đa có thể trong điều kiện tối ưu. Thông thường thì tốc dộ ghi trên thực tế là chậm hơn.
Vậy thì trên nguyên tắc số càng cao thì thẻ càng lớn, càng nhanh. Ngày nay thì số V là hiện đại nhất V30 là cần cho đa số máy quay video vì ghi vào thẻ nhanh. Số GB cao cũng cần vì chứa được nhiều video quay ở dạng 4K hay 5.3K.
  • Nên mua từ những hãng mà mình tín nhiệm 
  • Nên mua đúng với đòi hỏi của máy móc điện tử. Thí dụ máy đòi mình dùng Class 10 thì phải mua class 10 trở lên
  • Nên mua card mà máy có thể dùng. Thí dụ máy chỉ có thể dùng card với sức chứa tối đa là 64Gb thì không nên mua card 256Gb vì vừa mắc hơn mà có khi không chạy được ở máy mính.
  • Ngày nay, cái máy quay phim như GoPro Hero 10 có thể quay video ở dạng 5.3K (hơn 4K, nha) thì microSD phải lớn vì video 5.3K sẽ được ghi thành file với dung tích lớn. Hơn nữa tốc độ ghi vào microSD cũng phải nhanh.
  • Một điều nữa không phải là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề thực dụng: thẻ có dung lượng lớn chứa nhiều data mà mất thì mất nhiều hình ảnh và cũng đắt hơn. Còn có nên mua bốn thẻ 64GB thay vì mua một thẻ 256GB. Đó là chuyện của Bê; không phải là chuyện của Đệ.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Càng lớn tuổi thì càng... bớt tham!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. MicroSD Cards Explained | Beginners Guide