Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

Perjury - Nói Láo Trước Tòa

Thân chào các Bê (*),
Sáng thứ Bảy, ngồi nhâm nhi ly cà phê mà nghĩ chuyện đời. Một chuyện nói lên sự khác biệt của một thể chế dân chủ và một thể chế độc tài: vấn đề chấp cung trước tòa. Tại sao bị cáo tại Mỹ khi ra trước tòa lại thường không dám nói dối khi họ biết là họ sẽ không bị tra tấn đánh đập (1).

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Tại Hoa Kỳ và những nước văn minh thì việc ép cung, tra tấn, đánh đập kẻ tình nghi (suspected) là lý do để Tòa tha bổng dù những bằng chứng khác cho thấy kẻ tình nghi có tội. Cơ quan công quyền không dại gì mà tra tấn người. Vậy thì làm sao để kẻ tình nghi khai thật?

Vài chiêu rất hiệu nghiệm và hợp pháp:
  • Giảm án -- nếu "thành thật khai báo." Nhất là khi vụ án có kẻ đồng phạm. Thường đồng phạm "hại nhau" nhiều hơn ai hết.
  • Dùng kỹ thuật thẩm vấn của công tố viên trước tòa. Phụ chú C và D là những kỹ thuật căn bản mà các công tố viên kinh nghiệm luôn dùng. Vài điểm lý thú:
    • Công tố viên không hỏi câu hỏi để tìm câu trả lời. Họ hỏi câu hỏi để dẫn người trả lời theo lối họ muốn; mặc dầu có nhiều câu hỏi (leading questions) bị cấm vì cách dẫn dụ quá lộ liễu.
    • Công tố viên đặt một loạt câu hỏi (tưởng là ngoài đề) với mục đích để kẻ tình nghi xác nhận là phải, phải, phải, rồi luật sư hỏi câu hỏi để gài kẻ tình nghi không kịp suy nghỉ mà lại trả lời phải, xác nhận tội.
    • Sau khi kẻ tình nghi đã trả lời ngắn gọn thì công tố viên giả như bận rộn việc khác mà giữ yên lặng. Sự yên lặng này được tính toán vì kẻ tình nghi tự động khai thêm khi thấy công tố viên im lặng, không nói gì.
    • Công tố viên cũng hay đặt hai câu hỏi liên tục; câu đầu dùng một thí dụ tương tự để gài kẻ tình nghi trả lời phải; câu thứ nhì thì hỏi thẳng vào vấn đề (vì kẻ tình nghi đã xác nhận thí dụ trước là đúng thì sẽ có khuynh hướng xác định là đúng cho câu hỏi thứ hai).
Thế, nếu kẻ tình nghi cao tay, lì lợm mà khăng khăng không nhận tội thì sao?

Đây là phần chính của bài: nếu công tố viên tìm được chứng cớ là kẻ tình nghi nói láo trước tòa (perjury) thì dù là không phải là chuyện phạm pháp chính thì tội nói láo trước tòa cũng đủ để phạt tiền và tống giam tới năm năm tù (phụ chú B). Thế nên thường là họ trả lời là họ không nhớ chứ không dám khẳng định hay phủ định trong phần trả lời. Bệnh... quên thì không có tội! Nên nhớ là perjury chỉ là khi tuyên thệ trước tòa là sẽ nói sự thật trước tòa. Còn nói láo với báo chí, công chúng thì không kể là perjury.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Thôi thì có thì  nói có, người ơi!
(1) Chuyện CIA bị tố cáo là tra tấn khủng bố là một chuyện khác và không biết thực hư ra sao.

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2022

Vật Giá

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay trời lạnh nên ở trong nhà và lại xin viết lăng nhăng về một đề tài mà chúng ta không làm gì được với tư cách một cá nhân. Nhưng như một tập thể lớn như xã hội thì vấn đề lại là chuyện của chúng ta: vật giá.
Ai cũng biết là giá cả tăng do nhiều yếu tố. Bài trước Xăng Tăng thì đã nói về xăng dầu nhưng bài này xin bàn rộng ra các sản phẩm tiêu dùng khác.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Chung quy thì vẫn là vấn đề cung và cầu (supply and demand): vì lý do nào đó mà cung nhiều (vật liệu rẻ, tiền hoàn thành sản phẩm rẻ, công xuất tăng vì kỹ thuật) hơn cầu thì giá phải hạ xuống. Hàng "hút" trên thị trường mà nhiều người muốn mua thì tăng giá. 

Đến đây thì khoa học Kinh Tế đưa ra một số nhận định:
  • Sản phẩm tiêu thụ được xếp thành hai loại: loại phải mua (non-elastic; thí dụ sữa cho con trẻ: không mua không được) và loại có tiền dư thì mua (elastic; thí dụ mua vé xem ca nhạc). Thường thì sản phẩm elastic không thể tăng giá quá sức chịu đựng của người tiêu thụ vì người ta có thể nhịn và không mua. Còn loại non-elastic thì mắc mấy cũng bấm bụng phải mua như xăng, như sữa.
  • Trong kinh tế thì luôn có kẻ hưởng lợi: kinh tế lên có một số người sẽ giàu lên; kinh tế khó khăn thì một số người khác sẽ giàu lên vì họ biết lợi dụng thời thế.
  • Kinh tế tự do, trên đường dài, sẽ tự điều chỉnh để cung/cầu ở mức tối ưu. Xin lấy một thí dụ: Đệ nghĩ ra cách rang đậu phụng (lạc rang) và làm một xe lạc rang bán trước cửa một ngôi chợ. Ở đây xin không nói tới cái phức tạp của chạy chọt/đút lót để không bị đuổi chỗ, không bị làm khó dễ.
    Người mua tấp nập bán không kịp ==> cung ít hơn cầu. Mình tăng giá, không sao.
    Chẳng lâu sau đó thì người khác thấy mình cũng biết cách rang lạc và xe lạc rang thứ hai ra đời ==> cung tăng và "ông bà" này muốn cạnh tranh nên... giảm giá!
    Tình trạng thêm xe lạc rang sẽ tiếp tục cho tới khi số người mua không tăng thêm dù giá có giảm vì cạnh tranh. Chuyện gì xảy ra sau đó thì Bê cũng đoán được.
  • Giá hàng tăng, nhất là hàng thiết yếu (non-elastic), thì dần sẽ đưa tới lạm phát (inflation). Coi như đồng tiền mất giá. Thí dụ, cũng một lít xăng trước là 1000 đồng nay là 1360 dồng có nghĩa là phải bỏ ra 1360 đồng mới đổi được một lít xăng. Từ xăng tăng các món hàng cần chuyên chở phân phối cũng phải tăng giá vì chi phí chuyên chở tăng. Vì vậy inflation trong kinh tế là xấu (phần lớn cho người tiêu thụ).
    Nhưng ngược lại khi giá cả giảm thì đồng tiền có giá (deflation) thí dụ như một lít xăng bây giờ chỉ có 750 đồng thì người tiêu thụ có lợi vì có một lít xăng mà còn dư được 250 đồng để tiêu vào việc khác. Đồng tiền có giá lại có lợi cho du lịch nước ngoài thí dụ như đô la có giá thì mang qua Âu châu, Á châu thì mua được nhiều hàng hơn. 
    Tuy nhiên giảm phát (deflation) một thời gian thì lại trở thành xấu vì giá cả thấp thì cũng có nghĩa là kink tế đi xuống vì "làm mà không có ăn". 
  • CPI Inflation Calculator - phụ chú B là máy tính tiền lạm phát theo thời gian. Đơn vị tiền là dollar Hoa Kỳ. Nếu để dành $1,000 năm 2000 mà sau 22 năm nó không "đẻ" ra thêm $670.88 thì coi như lỗ.
    Sau hai mươi hai năm, cần $1,670.88 mới có sức mua của $1,000 năm 2000.

Vấn đề, như Bê thấy, không phải ở chỗ lạm phát hay giảm phát (inflation or deflation), vấn đề là nhà nước đó có kế hoạch hiệu quả để điều chỉnh, để chấn hưng kinh tế: tùy bệnh mà cho thuốc, tùy nặng nhẹ mà gia giảm có khi nhà báo vì việc làm của họ mà tung tin giật gân, chỉ trích nhà nước. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không tin báo chí. Đọc và suy luận. Nếu Bê thấy mình không có khả năng suy luận về kinh tế (như Đệ đây) thì chúng ta phải dựa vào thành tích chuyên môn của người phân tích/phản biện. Không phải là cứ viết nhăng, nói nhăng trên Facebook/Youtube mà trở thành chuyên gia đâu.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. A, ở tuổi lãnh lương hưu mà vật giá gia tăng thì hơi... căng! Nói lại thì vẫn là cảm ơn đời đã vẫn cưu mang mình và gia đình.

Phụ chú:

A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài