Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

Wordle... Again!

Thân chào các Bê (*),
Đệ cứ nghe các con, các cháu nó bảo với nhau, khi được nhờ làm việc gì, "Chiện nhỏ!"
Mỗi khi như vậy thì trong đầu mình lại lóe lên ý nghĩ là chúng thấy chuyện gì cũng là chuyện nhỏ (tiểu sự). 
Cho đến hôm nay, Đệ mới "hiểu" ra là chúng muốn nói chúng chỉ làm chuyện nhỏ và không muốn (hoặc không thể) làm chuyện lớn. Interesting!

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Dẫn bài như trên thì có liên quan gì với Wordle?
Có chứ Wordle là trò chơi (mà ai cũng nghe qua) tương đối là khó, cho đa số chúng ta. Phụ chú B có nói về những thay đổi làm Wordle trở nên khó hơn.
  • Tìm ra chữ bí mật trong sáu lần thử. 
  • Chữ phải có 5 chữ cái. 
  • Chữ phải có nghĩa trong tiếng Anh.
  • Mỗi ngày một chữ khác nhau...
Trong bài trước 

Wordle - Bảo Đảm Giải trong 6 Lần Đoán 

Đệ đã nói về Wordle và mí mí một phương pháp để làm nên không nói nữa về phương pháp này. Hôm nay chỉ "lạm" bàn một chiêu thức tổng quát khác; hy vọng là giúp ích cho người đọc. 
Như nói trên giải Wordle mỗi ngày, mà mò mẫm, thì vấn đề hên/xui giảm khá nhiều (không phải ngày nào cũng hên mà tìm đúng chữ).
  • Không dựa vào hên/xui thì phải...có cách. 
  • Đệ không đọc bài người khác viết về Wordle nên nếu có trùng ý với người khác về phương cách thì cũng chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên chứ Đệ không có gian ý.
  • Như trên nói là việc giải chữ mỗi ngày là việc khó, việc lớn nên phương cách của Đệ là: phân bài toán khó thành hai (hay nhiều) bài toán dễ hơn:
    • Bài toán 1: Nhiệm vụ của mấy hàng đầu (tạm gọi là leading rows) là chữ cái không giống nhau, phải có nghĩa và quan trọng hơn hết là cho ta các chữ cái có màu (xanh và vàng; xanh là có trong chữ bí mật và vàng là có trong chữ bí mật nhưng sai chỗ). Mấy leading rows này không nhất thiết phải là chữ bí mật. Như trong hình trên, ta có B, A, D, R và E (5 chữ cái)
    • Bài toán 2: Từ 5 chữ cái màu (có khi phải dùng hàng 4, hàng 5 để có chữ cái có màu) ta sắp xếp chúng thành chữ có nghĩa (hy vọng nó là chữ bí mật). Nếu vẫn không trúng thì phải sắp lại chữ có nghĩa khác (vẫn với 5 chữ cái màu).
  • Hai bài toán 1 và 2 dễ hơn là giải Wordle như một phương pháp tổng thể (hoặc đoán mò, không phương pháp).
 
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Động não rất cần thiết với người lớn tuổi.

Phụ chú:

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

Sai hay Cố Tình VI

Thân chào các Bê (*),

Đã hơn một lần, Đệ nghe người dùng lẫn lộn giữa hai chữ "fun" và "funny". Đối với người mà ngôn ngữ chính không phải là Anh ngữ thì sự lẫn lộn này không đáng kể; nhưng người nói tiếng Anh thì thường là ngạc nhiên khi nghe...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

Như phụ chú B, ChatGPT giải thích là hai chữ này khác nhau và phải dùng trong hai trường hợp khác nhau: 

  • "fun" thường được dùng để chỉ cái gì vui, hài hước, thú vị. Nếu muốn nói là "chúng tôi đã rất vui" thì nói "we had a lot of fun"; chứ không nói "we were funny" (chúng tôi có vẻ hài). Chú ý là trong tiếng Việt chữ "vui" là tĩnh từ; nhưng trong tiếng Anh thì phải dùng danh từ "fun" chứ không dùng tĩnh từ "funny" để diễn tả là chúng tôi đã rất vui.

  • "funny" thường được dùng để chỉ tính cách/trạng thái của sự vật/sự kiện; thí dụ: That is very funny! (Chuyện ấy có vẻ rất hài).
Có người nói nhưng Bố mày cứ thích dùng chữ "funny" trong trường hợp thứ nhất thì mày làm gì được tao?

Dạ, Bố thích thì Bố cứ việc; nhưng vấn đề là dùng sai người có học Anh ngữ hiểu lầm.
Trăm ngàn lần thì cũng tùy ở... Bố thôi.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.

Thân,


Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. https://chat.openai.com/chat ChatGPT Mar 14 Version

"Fun" và "funny" là hai từ tiếng Anh khác nhau về ý nghĩa và cách sử dụng.

"Fun" (n) có nghĩa là hoạt động giải trí, niềm vui, sự thích thú hoặc hài hước. Ví dụ: "Playing games is fun" (Chơi trò chơi là vui), "We had a lot of fun at the party" (Chúng tôi đã có rất nhiều niềm vui tại bữa tiệc).

"Fun" cũng có thể được sử dụng như tính từ để miêu tả một trải nghiệm thú vị hoặc niềm vui. Ví dụ: "That was a really fun trip" (Chuyến đi thật sự thú vị).

"Funny" (adj) có nghĩa là hài hước hoặc kì lạ. Ví dụ: "The comedian told some really funny jokes" (Người hài tình cười kể một số câu chuyện thật hài hước), "That cat's behavior is really funny" (Hành vi của con mèo đó thật kì lạ).

Vì vậy, "fun" và "funny" đều có liên quan đến niềm vui và hài hước, nhưng "fun" thường được sử dụng để miêu tả hoạt động giải trí hoặc trải nghiệm, trong khi "funny" dùng để miêu tả sự hài hước hoặc kì lạ.

Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2023

Bước Chầm Chậm Thôi...Cập Nhật II

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay lại có chút thì giờ mà viết lăng nhăng. Chẳng là lóng rầy coi tin tức từ các nguồn... không đáng tin cậy và thấy khá nhiều bài thông tin... như biết rồi.
Tháng 3 năm nay, trên Internet, có khá nhiều bài viết cùng như videos bênh và chống việc nên hay không nên mua xe của hãng Vinfast. Theo ý kiến cá nhân của Đệ, đây là một quyết định hoàn toàn cá nhân. Hy vọng là quyết định của người mua dựa vào sự kiện thật (facts), dựa vào con số (data) chứ không dựa vào cảm tính.
Những lời phát biểu như "người Việt thì phải mua xe Việt" nó... làm sao ấy! Nếu quốc gia nào cũng lập luận kiểu như vậy thì Việt Nam làm sao xuất cảng hàng hóa và bán cho ai?
Thôi không nói về những tranh luận vô bổ này, Đệ chỉ xin là cả hai phe (bênh hay chống) thì xin dùng lập luận khoa học và thực tế chứ đừng dùng ngụy biện (fallacies) và cảm tính. Quan trọng hơn nữa là tranh luận trong sự tôn trọng lẫn nhau; già hết rồi, các cụ!

Cập Nhật II: 
Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Bây giờ xin vào đề tài chính: chỉ nên mua xe mà mình có thể vận hành an toàn được, i.e. (có nghĩa là) không mua xe quá tối tân, quá phức tạp khi vận hành. Nút thật, nút ảo nhiều quá lại thêm khẩu lệnh (mà xe không hiểu) làm cho việc vận hành trở nên khó khăn không cần thiết. Bê sẽ bảo là lo gì; đã có tài xế đối phó với những rắc rối này.
Hừm, đã có tài xế thì cần gì tới ADAS (Advanced Driver- Assistance System): chỉ cần mua xe với chức năng tiện nghi (xe êm, không ồn, lạnh ấm đúng nơi đúng chỗ, hệ thống âm thanh, chương trình bảo hành, hậu mãi,  vân vân) còn việc lái thì để tài xế lái. Thế thì lại cũng không nên mua xe quá tối tân.

Xe với quá nhiều chức năng điện tử như tự lái (autonomous driving) có thể là vấn đề nếu mình không đủ khả năng điều khiển nó. Đệ có một chiếc xe Đức với một chức năng khá là ấn tượng ở level 1 (phụ chú D) là nó tự chỉnh bốn bánh xe độc lập nhau (để chống trượt trên băng đá). Hai lần hú hồn khi đang chạy 65 dặm một giờ qua dưới gầm cầu (nơi mà tuyết đóng thành băng đá) thì xe tự động thi triển công phu chống trượt mà không báo cho người lái biết: một hay nhiều bánh ngưng quay để chống trượt tạo ra ảo/cảm giác là người lái phải phản ứng bằng cách bẻ tay lái. May mà cả hai lần Đệ không phản ứng (kịp) và để xe tự phản ứng.
Tương tự, BigBoss (BB) của Đệ, chạy một chiếc xe Nhật với chức năng tương tự cứ phàn nàn là xe tự lắc khi xe chạy trật làn xe. Sau đó thì chính Đệ cũng kinh qua chuyện này khi lái xe của BB. Cả tuần sau mới vỡ lẽ là xe ở level 1 nên xe tự chỉnh để giữ làn đường (xin xem phụ chú B và D để biết các mức tự động hóa của xe hơi).
Nguy hiểm thì chắc là không; nhưng xe tạo bất ngờ cho người lái. Người lái mà thất kinh thì có thể phản ứng (sai) và dẫn đến tai nạn. Sau đó Đệ phải vào Internet để học cách tắt cái chức năng này!

Như trên có nói tới ADAS, chỉ cần bấm một nút, có xe ở level 2 (và trở lên) sẽ chuyển qua dùng ADAS và xe sẽ dùng phần mềm AI để tự lái, tự giữ làn xe, tự thắng, tự... gây tai nạn nên người lái vẫn phải sẵn sàng can thiệp khi cần (xin xem phụ chú D: level 2 người lái vẫn phải ở trong tình trạng chủ động theo dõi và sẵn sàng đảm nhận tay lái khi cần thiết và level 3 vẫn cần sự can thiệp của người lái trong một số trường hợp). 

Điều phải nêu ra ngay đây là người lái xe level 2 và level 3 có thể mất dần khả năng phản ứng trong những tình huống (scenarios) nguy hiểm vì việc lái xe trở nên nhàm chán và họ không còn tập trung vào việc lái xe mà phó mặc cho xe tự lái.

Theo phụ chú C1 và C2 thì hiện nay chỉ có Mercedes nhận được giấy phép của một tiểu bang (Nevada) để mang xe với ADAS level 3 ra đường phố. C'est à dire, các xe khác tối tân lắm thì cũng chỉ level 2 trở lại và có nghĩa là trên pháp lý và bảo hiểm thì người lái vẫn chịu trách nhiệm khi tai nạn xảy ra. Phải chờ tới khi có xe hơi ADAS level 4 thì khi đó, nếu có tai nạn thì mới thưa kiện hãng xe (thay vì hãng bảo hiểm cho người lái trên chiếc xe) được. Hiện nay, hãng bảo hiểm sẽ thu thập thông tin để biết xe level 2 và level 3 có gây tai nạn nhiều hơn hay ít hơn mà điều chỉnh giá bảo hiểm cho các xe này. 

Ngoài vấn đề bảo hiểm và trách nhiệm, xin các anh hùng xa lộ nhớ cho rằng xe hơi có thể là một vũ khí giết người (a lethal weapon) nên xin cẩn thận khi lái (hoặc phó mặc cho xe tự lái). 
Phụ chú E là để cho Bê thấy phòng lái của một chiếc máy bay mà phi công sẽ phải được chứng nhận là có khả năng bay mẫu máy bay này: trước khi bay mẫu máy bay khác, phi công phải học lại trên mẫu mới. 
Xe hơi không phức tạp như máy bay; nhưng xe hơi vận hành trong không gian chật hẹp hơn máy bay và mật độ (xe và người) cùng xử dụng cùng con đường là rất lớn. 

Đệ thấy hãng xe giao xe cho chủ xe và... có thọt tay (từ ghế hành khách) mà bấm nút ADAS (có thể là ADAS xử dụng nhiều nút và càng nhiều nút thì càng dễ lộn). Huấn luyện, để lái xe ADAS, chỉ có nhiêu đó: khi giao xe thì nói một lần cách chuyển sang ADAS!!! Thấy nút nhỏ hơn đầu ngón tay mà Đệ rùng mình.

Là một kỹ sư nhiều năm tại Hoa Kỳ, Đệ rất hoan nghênh khoa học kỹ thuật nhưng xin các ông, các bà nhớ cho rằng trên đường không chỉ có riêng mình. Một hãng xe hiện đại như Tesla mà đã gây tử vong cho 19 người từ năm 2016. Think about it!

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ.
Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài


D. Các levels của autonomous driving được xác định bởi tổ chức Society of Automotive Engineers (SAE) International và được chia thành 6 cấp độ như sau:
  1. Level 0 - Không tự lái: Xe chỉ được điều khiển bởi người lái.

  2. Level 1 - Hỗ trợ lái: Xe được trang bị các tính năng hỗ trợ lái như hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), hệ thống giữ làn đường (Lane Keeping Assist), hệ thống giữ khoảng cách an toàn (Adaptive Cruise Control) nhưng người lái vẫn phải điều khiển xe.

  3. Level 2 - Tự lái một phần: Xe có khả năng tự lái trong một số tình huống như đi trên đường cao tốc nhưng người lái vẫn phải ở trong tình trạng chủ động theo dõi và sẵn sàng đảm nhận tay lái khi cần thiết.

  4. Level 3 - Tự lái tương đối: Xe có khả năng tự động lái và quản lý các tình huống phức tạp nhưng vẫn cần sự can thiệp của người lái trong một số trường hợp.

  5. Level 4 - Tự lái cao: Xe có khả năng tự lái hoàn toàn trong một số điều kiện nhất định, người lái không cần can thiệp vào tay lái.

  6. Level 5 - Tự lái hoàn toàn: Xe có khả năng tự lái hoàn toàn trong mọi điều kiện môi trường và tình huống giao thông, không cần người lái can thiệp vào tay lái.