Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Khai hưu: chiêu số 3, 5 và 33.


Thân chào các Bê 60*,

Hôm nay, Đệ xin viết tiếp về các chiêu mà Laurence Kotlikoff đã liệt kê chi tiết trong một bài viết của ông ta cho báo Forbes. Mục đích của tại hạ viết nhăng ở đây là để kích thích sự tò mò của quý vị với mục đích tham khảo. Xin quý vị đọc bản nguyên văn của giáo sư Kotlikoff ở đường dẫn cuối bài trước khi quyết định việc hưu trí của quý vị. Có lười thì xin nhờ con cháu nó đọc dùm. Sau này có chửi thì lôi nó ra chứ đừng chửi tại hạ. Bài này xin bàn về chiêu số 3, 5 và 33.

Dạ, dạ, Đệ xin vào đề...

Chiêu số 3: Bê Thấp xin ăn theo
Chiêu này thích hợp cho Bê có gia đình hoặc đã ly dị.

Theo Kotlikoff, nếu Bê là Bê Thấp (lương hưu thấp hơn Bê Cao; low-earning spouse) thì hoãn hưu có thể là không có lợi. Kotlikoff khuyên Bê Thấp khai hưu năm 62 tuổi (nếu muốn về hưu sớm) bằng chính thành tích của mình. Bê Thấp chuyển qua ăn theo hưu bổng của Bê Cao (Bê Cao có thể là đương kim Nửa Kia hoặc đã ly dị) khi Bê Thấp đến tuổi toàn hưu (66 hoặc 67 tuổi). Chiêu này coi vậy mà không đơn giản vì có nhiều yếu tố ảnh hưởng mà Bê phải rất cẩn thận vì người Mỹ có câu "Devil is in the details" (Yêu quái ở trong những chi tiết). Khái quát thì Kotlikoff nói rằng Bê Thấp khai hưu non có thể có lợi vì khi Bê Cao hưu toàn phần thì Sở ASXH sẽ điều chỉnh cho Bê Thấp lãnh 50% lương hưu toàn phần của Bê Cao. Nhưng còn nhiều chuyện Bê phải tính tỉ dụ như khi Bê Cao đến tuổi hưu toàn phần (66 hoặc 67 tuổi) và bắt đầu khai hưu thì Bê Thấp bao nhiêu tuổi? Nếu chưa đến tuổi 66 thì không được lãnh trọn 50% đâu! (xin xem lại điều IV trong bài  Mười Điều cần biết về ASXH (phần I). Và xin đọc tiếp chiêu số 5 dưới đây.


Chiêu số 5: Đòn độc nhưng coi chừng gậy ông đập lưng ông!

Xin Bê phải rất cẩn thận khi muốn xử dụng chiêu số 3 ở trên vì thường mọi người chỉ nói khái quát là ăn theo thì được 50% lương hưu của Bê Cao. Điều này đúng khi:
  a. Bê Cao khai hưu toàn phần ở tuổi 66 (hay 67 khi sanh năm 1960 trở về sau)
  b. Bê Thấp cũng đến tuổi hưu toàn phần (trước khi Bê Cao khai hưu toàn phần một tháng, chắc ăn thì bảo Bê Cao chờ hai tháng hoặc trước khi khai thì liên lạc Sở ASXH để biết chắc chắn Bê Thấp được lãnh trọn 50%, hay không).
Nếu Bê Thấp không có điều kiện (b) ở trên vì khi ấy tuổi trên 62 nhưng dưới 66, thì lương hưu ăn theo bị giảm theo tỉ lệ: càng non tuổi càng bị giảm nhiều như nói ở chiêu số 3 ở trên. Bê nên biết là sự giảm tỉ lệ ăn theo này là thường trực (permanent).
Trong trường hợp Bê Cao chưa khai hưu--không có điều kiện (a) ở trên--thì Bê Thấp có thể khai hưu ngay như ở tuổi 62 của mình để lãnh lương hưu trên thành tích của chính mình (chiêu số 3 ở trên). Rắc rối trong cách tính tiền lương hưu trong hoàn cảnh này gây ra rất nhiều hiểu lầm và người hiểu lầm lãnh hậu quả thiệt hại oan uổng ("Em đã lầm... xin ăn theo..."). Kotlikoff cũng không giải thích thật rõ ràng trong bài viết của ông ta! Đệ xin dùng một bài viết khác để giải thích hai khái niệm spousal benefits vs. excess/supplemental spousal benefits: trong thí dụ này Bê Trẻ khai hưu non ở tuổi 62. Bê Trẻ lãnh có thể lãnh $800 tiền hưu mỗi tháng nếu hưu toàn phần (tiền hưu trên chính thành tích của mình còn gọi là "primary insurance amount (PIA)"). Nhưng vì hưu non nên lãnh có $600 (mất khoảng 1/4 lương hưu PIA). Đến khi Bê Cao mà cũng là Bê Già khai hưu toàn phần ở tuổi 66, thì excess spousal benefits (ESB) được tính theo công thức: (Bê nhớ cho là PIA là lương hưu toàn phần, nghe)
Lấy PIA của Bê Cao chia hai rồi trừ đi PIA của Bê Thấp.

(PIA của Bê Cao / 2) - PIA Bê Thấp = excess spousal benefits

ESB có thể dương hoặc âm. Nếu dương thì lấy luong hưu non của Bê Thấp cộng với ESB thì ra số tiền lương mới của Bê Thấp. Thí dụ PIA của Bê Cao là $2,100 thì theo công thức này:

($2,100 / 2) - $800 = $250

Lương mới của Bê Thấp là $600 + ESB = $600 + $250 = $850. Trong thí dụ này Bê Thấp sẽ lãnh hưu non trên thành tích của mình cho tới khi Bê Cao đến tuổi toàn hưu thì Bê Thấp sẽ chuyển qua lãnh $850.

Còn thí dụ thứ hai: PIA của Bê Cao chỉ có $1,600 (Bê Cao vẫn cao hơn Bê Thấp nếu so về PIA). Thì công thức trên cho tiền ESB là zero!
($1,600 / 2) - $800 = $0
Trong thí dụ thứ hai này lương mới của Bê Thấp là $600 + $0 (có nghĩa là vẫn như cũ!)

Còn trường hợp PIA của Bê Cao dưới $1,600 (thí dụ là $1,400) thì sao? Công thức trên cho ra một kết quả âm!
 ($1,400 / 2) - $800 = -$100
May là trong trường hợp ESB âm thì Sở ASXH vẫn tính ESB là zero và để Bê Thấp vẫn lãnh $600.

 Chiêu số 33: Canh cho kỹ để tránh phải đóng thuế trên 85% lợi tức
Chiêu này cần cho quý vị nào về hưu mà còn có nhiều nguồn lợi tức ngoài lương hưu. Thí dụ như rút tiền 401K, IRA, hoặc bán cổ phần (stocks).
Kotlikoff nhắc cho chúng ta nhớ là hai cái ngưỡng (thresholds) lợi tức mà trên mức đó thì 50% hoặc 85% lợi tức sẽ phải đóng thuế. Xin các Bê đọc lại điều IX bài Mười Điều Cần Biết về An Sinh Xã Hội -- Hoa Kỳ -- Phần II để nhớ lại tại sao rốt ráo thì mọi người hưu trí sẽ phải trả thuế trên 85% lợi tức, theo thời gian và lạm phát.

Tóm lại thì chiêu số 3 có lẽ thích hợp nhất khi Bê Thấp và Bê Cao không chênh lệch về tuổi tác. Hoặc có chênh lệch thì Bê Cao ráng hoãn khai hưu (dù rằng Bê Cao đã ở tuổi toàn hưu) cho tới khi Bê Thấp đến tuổi toàn hưu. Trường hợp này, Bê Thấp lãnh trọn 50% PIA của Bê Cao. Chú ý dùm cho là nếu chênh lệch nhau mấy tháng thì càng phải cẩn thận trong cách tính. Chắc ăn thì hỏi Sở ASXH.
Chiêu số 5 có lẽ thích hợp nhất khi PIA của Bê Cao cao quá mức nên ESB dương nhiều, có nghĩa là PIA của Bê Cao phải hơn PIA của Bê Thấp TRÊN hai lần.
Theo bảng tính này thì tỉ lệ PIA của Bê Cao trên PIA của Bê Thấp là hai lần rưỡi thì ESB sẽ tăng 25% so với lương hưu của Bê Thấp (hàng số 4).

Còn chiêu số 33 thì mỗi năm rút tiền 401K, IRA, pension, và vân vân thì phải tính sao cho đỡ thuế. Chắc ăn thì mời ông/bà (làm thuế cho mình) đi ăn thường xuyên sẽ có lợi vì họ sẽ rất là cảm kích và có thể chỉ cho Bê một vài chiêu né thuế.


Để kết bài này, xin các Bê suy nghĩ thật kỹ trước khi khai hưu. Sai một ly... đi một dặm! Nếu có lỡ thì xin đọc bài Lỡ khai hưu: làm sao hồi nếu muốn đổi ý (nếu khai chưa quá một năm). Tuần sau, Đệ xin chuyển qua vấn đề 401K. Chúc sức khỏe!

Chú thích: 
Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê 60 thường muốn về hưu với lương hưu đủ sống. Cái khó là Bê 60 thường quên không xác định chính xác bao nhiêu tiền thì đủ sống!

Phụ chú:
A. 44 chiêu để tối ưu hóa tiền hưu - 44 Social Security 'Secrets' All Baby Boomers and Millions of Current Recipients Need to Know - Revised!  
B. Tiểu sử và thành tích của Laurence Kotlikoff 
C. Rắc rối trong cách tính lương hưu ăn theo (Spousal benefits vs. excess/supplementary spousal benefits) 

1 nhận xét:

Unknown nói...

Cám ơn chú Hoa Tran về bài viết thú vị. Những bài đăng chủ đề chính trị hay kinh tế chú đều viết theo kiểu hài hước, đọc sẽ cảm thấy không khô khan, nhàm chán ạ.
------------------------------------
Truyền hình số HD - Xem tivi hơn 50 kênh miễn phí thuê bao tháng.
Chuyên phân phối: Dau thu DVB T2 chính hãng VTV, VTC, LTP...
Đầu thu nhiều người quan tâm: Dau thu DVB T2 VTC T201