Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Quỹ 401(k) và Quyền Thừa Hưởng.

Thân chào các Bê*,
Trước hết thì phải đính chính cái sai của một bài cũ về 401(k). Trong bài Mười điều cần biết về tiền 401(k) - Cập Nhật Đệ có viết là sau 36 năm đầu tư số tiền $1,000 ở mức lời 6% sẽ trở thành $3,000. Điều này không đúng: số tiền đúng phải là 8 lần $1,000 = $8,000 chứ không phải chỉ $3,000. Sai lầm này Đệ xin ghi nhận và tính nó là một sai lầm trong năm 2014 (1). Hôm nay lại lăng nhăng viết về quỹ 401(k): nhưng chỉ bàn về chuyện ai sẽ được thừa hưởng tiền 401(k) khi chủ nhân của quỹ này qua đời. Chuyện đời đã rất phức tạp mà luật (đời) lại còn phức tạp hơn!

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Đệ xin không bàn về vấn đề văn hóa cũng như đạo đức khi một người mất người bạn đời của mình và bây giờ muốn đi một bước nữa: nói rõ ra là lập hôn lần thứ hai. Đương nhiên là quyết định này rất cá nhân và người ngoài không thể cũng như không nên phê phán hoặc can thiệp vào. Đệ chỉ mong là nếu trường hợp này là của Bê thì xin Bê cân nhắc kỹ lưỡng và hành động sao cho hợp với ý muốn của mình để sau khi mình ra đi thì số tiền 401(k) sẽ vào tay những người mình muốn thừa hưởng.
Đệ cũng không rành về luật thừa hưởng 401(k) của người quá cố lắm cho tới cách đây mấy tuần có bà chị họ hỏi về chuyện này. Mới đầu thì Đệ cũng chỉ đưa ra ý kiến của mình dựa trên hiểu biết (nông cạn) và cách lý luận của mình. Ý kiến của Đệ được bà chị họ nghe răm rắp làm Đệ... phát hoảng! Nhỡ cái lý lẽ của Đệ sai thì sao? Oh my God! Thế là phải hỏi bạn, thế là phải tìm tài liệu...

Carolyn T. Geer của báo WSJ (The Wall Street Journal), năm 2011, có nêu ra trường hợp của Lenonard Kidder (xin xem phụ chú C). Ông đã ghi trong văn bản 401(k) của ông là bà vợ suốt 41 năm sẽ là người thừa kế số tiền 401(k) trong trường hợp ông qua đời trước bà vợ. Thật không may mắn cho gia đình này: bà vợ chết trước ông. Ông đã sửa giấy tờ là ba người con của ông bà sẽ là thừa kế tiền 401(k) của ông khi ông chết.
Nếu chỉ có thế thì không chuyện gì để nói! Không may cho ba người con của ông là ông bước một bước nữa và lấy người vợ mới và chuyện nó phải tới thì nó tới: sáu tuần sau đám cưới ông từ giã bà vợ mới để đi theo bà vợ trước--ông qua đời; đinh ninh là ba người con sẽ lãnh tiền 401(k) của ông.
Khi ba người con muốn hãng của ông đã làm, thanh toán tiền 401(k) thì hãng đó xin lệnh tòa án để biết phải giao tiền cho ai. Theo khế ước của quỹ 401(k) của hãng này thì khi nhân viên qua đời, người phối ngẫu được thừa hưởng (the employee's spouse has the right to the account assets). Trong trường hợp ông ghi trong giấy tờ là tiền phải giao cho các con ông; mà không có lời đồng thuận của vợ thì giấy tờ này không có giá trị pháp lý. Sự đồng thuận này phải viết và ký bởi người vợ mới (written consent). Bà vợ mới chưa bao giờ đồng thuận chuyện này. Tòa Liên Bang Hoa Kỳ tại Baton Rouge, Louisiana xử tiền 401(k)--khoảng $250,000--thuộc về người vợ mới. Không những ba người con ông chưng hửng mà ai nghe cũng thấy có cái gì không đúng ở đây. Luật là luật (law is law)! Cho tới khi luật được sửa đổi thì luật dù bất hợp lý vẫn phải áp dụng.
Thêm nữa, phụ chú B còn chỉ ra là nếu ông có khế ước tiền hôn nhân (prenutial agreement) với vợ mới trước khi cưới thì chuyện cũng không thay đổi: người vợ (mới) vẫn là người thừa kế 401(k) dù cho khế ước tiền hôn nhân có nói rõ là bà ta sẽ không dính gì đến 401(k) của ông.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên người thân.

Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Các Bê thường là hay lo cho tương lai của con cháu và muốn để lại chút gì cho con cháu như tiền 401(k). Nếu vì tình duyên đến mà bước đi một bước nữa thì xin Bê chuyển tiền 401(k) qua quỹ IRA, chẳng hạn, thì con cháu sẽ được lợi trong việc thừa kế hơn là tiền thuộc quỹ 401(k).
(1) Mỗi năm Đệ được sai ba lần mà sai lầm này lại tính vào năm 2014 nên năm 2016 này vẫn là... chưa sai lần nào.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài.
B. What You Need to Know About Naming a Beneficiary for Your 401k
C. Family Feuds: The Battles Over Retirement Accounts

Không có nhận xét nào: