Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

Thông Minh Cảm Xúc -- Emotional Intelligence - EQ

Thân chào các Bê (*),
Bài này viết đã lâu nhưng không hoàn tất mặc dầu đây là một đề tài Đệ rất thích thú: giỏi ứng xử với người và với đời. Bê chắc đã gặp và làm việc với nhiều người trong đời; có người mình thích làm việc chung với; có người mình ước là... chẳng bao giờ nên gặp. Tại sao vậy? Tại người hay tại mình? Có những người giỏi ứng xử trong đời sống cũng như tại nơi làm việc; bất kỳ đối tượng là ai. Có lẽ là họ có trình độ kiểm soát/kiềm chế cảm xúc cao hơn người khác, chăng? Khái niệm "Emotional Intelligence" (Emotional Quotient; EQ) ra đời với hoài bảo giải thích chuyện này.
Điều quan trọng là không một hãng nào ở Hoa Kỳ (và chắc là nhiều nước khác) mà phòng tuyển mộ nhân viên lại không quan tâm tới EQ khi phỏng vấn để mướn người. Hay nói cách khác là người tìm việc mà biết trả lời đúng với những câu hỏi của phòng nhân viên (Human Resource Department) về Emotional Intelligence thì thí sinh này có cơ hội nhiều hơn thí sinh không biết gì về EQ.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Khái niệm Emotional Intelligence được manh nha khi Daniel Goleman (một bác sỹ tâm lý học; psychologist) đọc một bài (tiểu) luận của John Mayer và Peter Salovey (một là giáo sư ở University of New Hampshire; một tại Yale) về Emotional Intelligence. Đó là năm 1990.
Năm 1995, Goleman cho xuất bản Emotional Intelligent -- Why It Can Matter More Than IQ, mà sau này thành sách thăm khảo kinh điển.  Chỉ số thông minh (IQ; phụ chú D) ra đời khoảng năm 1912 mà phải đợi đến 83 năm sau chỉ số thông minh cảm xúc (Emotional Quotient; EQ) mới nẩy mầm và nhanh chóng trở thành cổ thụ như ngày nay.
Sách vở và báo cáo khoa học về EQ cũng không còn là hiếm; trình bầy và giảng dạy/huấn luyện về EQ cũng thịnh hành và phổ biến rộng rãi trong mọi ngành từ Thương Mại (Sales) cho tới Quản Trị Kinh Doanh (Business Administrative), và đặc biệt trong chuyên đề Lãnh Đạo (Leadership Training).

Daniel Goleman nêu ra năm tiêu chuẩn như sau:
  1. Biết Mình (Self-Awareness) – Người có EQ cao là người biết mình. Biết người thì tương đối dễ. Biết mình thì như Đông Phương thường nói: ... mới trăm trận thắng. Biết mình thì không để cảm xúc chế ngự mình. Biết mình nên tự tin (không tự tin tếu vì rõ về mình). Biết mình nên thành thật với chính mình. Biết mình nên biết cả cái tốt cái xấu của mình. Đây có lẽ là điều quan trọng nhất.
  2. Tự chế (Self-Regulation) – Tự chế nên không để mình mờ mắt vì mừng vì giận mà cũng không quyết định bốc đồng, vội vã. Tự chế để tư duy trước khi hành động (nghĩ trước khi làm). Tự chế cũng là khả năng nói không (saying NO; từ chối) với người mà cũng như với mình.
  3. Có động lực (Motivation) – Có động lực chính đáng nên dám bỏ con tép mà bắt con tôm (bỏ qua lợi trước mắt mà nhắm chuyện lâu dài). Có động lực nên không ngại khó, nên làm việc hăng say; mà vì thế nên làm gì cũng đến nơi đến chốn.
  4. Cảm thông (Empathy) – Đây có lẽ là điều quan trọng thứ nhì trong năm điều. Cảm thông được điều người khác muốn, cần cũng như suy nghĩ (quan điểm) thì nói gì mà người không nghe? Cảm thông là cần tránh định kiến và là không nhận định hời hợt. Người cảm thông còn sống đời cởi mở dễ chịu cho người và cho mình.
  5. Khả năng giao tiếp (Social Skills) – Người có khả năng giao tế cao là dấu hiệu của EQ cao. Họ thường ở vai trò lãnh đạo. Thay vì nghĩ cho cá nhân mình họ nghĩ cho tập thể (team players). Khả năng giao tiếp cao vì khiếu ăn nói và vì có khả năng hoà giải cũng như xây dựng những mối quan hệ bền vững và lành mạnh.
Thật là rõ ràng là người có EQ cao không phải là người:
  • Vô Cảm (Indifference): Tự chế nhưng vẫn có cảm xúc. Chỉ kềm chế để có thì giờ biến tư tưởng thành hành động.
  • Phỉnh nịnh người khác (Flattering): Giao tiếp tốt và cảm thông nhưng không phỉnh nịnh với mục đích mua chuộc lòng người hoặc lường gạt người.
 Làm sao tự định giá EQ của mình? Bê ơi, vàng thau lẫn lộn! Bê cứ tìm "EQ self test" thì tìm ra cả ngàn chỗ cống hiến những bài thử nghiệm trình độ thông minh cảm xúc của mình. Tốt cũng có, xấu cũng có, mà thường là không xấu nhưng không chính xác. Sư tổ của EQ, Daniel Goleman, thì cổ động cho ESCI. Thật ra thì bài test nào cũng được, ăn thua là mình có thành thật khi trả lời các câu hỏi không. Bê nên nhớ là điều quan trọng nhất là biết chính mình nên không có lý do gì mà gian lận để có EQ cao mà rốt cuộc lại không biết rõ về chính mình!

EQ của Đệ là bao nhiêu? Bê chắc không tò mò sắc mắc đâu, đúng không? Tự hiểu mình trước đã! Mà đã hiểu được mình thì đâu có cần biết EQ của người khác làm gì!

Chúc Bê một cuối tuần vui với cái vui của người mà cũng  cảm được cái buồn của người.

Happy New Year!

Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Trên 60 nhưng đừng dửng dưng trước sự việc/sự thể thì cuộc sống vẫn có ý nghĩa lắm chứ.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài.
B. MindTools' Emotional Intelligence -- Developing Strong 'People Skills'
C. Daniel Goleman's Emotional Intelligence -Why Can It Matter More Than IQ
D. Wikipedia's IQ 

Không có nhận xét nào: