Mỗi tháng DAHLC đưa ra một thói quen trong năm 2017.
Blog này xin nói đến thói quen thứ hai (phát hành cho tháng Hai 2017; phụ chú B).
Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
(Hình từ dahlc.mayoclinic.org/)
Mục Tiêu: Quyết tâm bắt đầu chuyện tha thứ. Ai cũng có thể nhớ lại những lúc mình bị người khác làm tổn thương bằng lời nói hoặc hành động. Có thể chuyện đã lâu mà sao Bê vẫn nhớ và đau! Đau và khổ có thể đưa Bê đến tình trạng suy nhược sức khỏe: hồi hộp, trầm cảm, mất ngủ, cao huyết áp, tim đập hỗn loạn và tăng khả năng mắc bệnh tim. Khỏi nói thì Bê cũng thấy là mình phải làm “cái gì đó” để không rơi vào tình trạng này.
- Tha thứ là một cách làm giảm (hoặc dứt) những hệ quả của khổ đau trong đời.
- Tha thứ không đòi hỏi mình phải biện minh hoặc chối bỏ cái làm mình tổn thương; nhưng nó là một chọn lựa để mình không tức giận hoặc oán trách trong khi mình vẫn nhận ra việc làm mình tổn thương. Nó là một chọn lựa cho mình chứ không phải cho người gây sự tổn thương. Bê phải nhớ là Bê ĐÁNG được hưởng hạnh phúc chứ không phải khổ đau.
- Nghiên cứu cho thấy là người có khả năng xả bỏ sự đắng cay và thực tập sự tha thứ thì có nhiều điều lợi cho sức khỏe: huyết áp ổn định, ít căng thẳng, quan hệ với người tốt hơn.
Tha Thứ là một Tiến Trình:
Tha thứ là phương cách rũ bỏ sự đắng cay, thù hận và cũng là phương cách làm giảm lòng sôi sục thù oán hay toan tính trả thù. Khi người khác làm tổn thương mình thì sự tức giân khởi đầu có khi là cần thiết. Tha thứ không phải dễ và cần thì giờ. Tha thứ là quyết tâm thay đổi. Ngay như Bê đã tha thứ, đầu óc mình đôi khi lại nhắc nhớ chuyện cũ; những lúc như thế này thì mình hãy tư nhủ là mình phải thương lấy mình (self-compassion) mà đừng rơi ngược vào đau khổ, hận thù.Để Bắt Đầu Tiến Trình Tha Thứ:
- Tập trung vào mình và nhận thức là sự tha thứ giúp mình mạnh trở lại (healed), hết khổ đau, và tước bỏ quyền (làm mình tổn thương) của người kia.
- Nhớ lại thực trạng và Bê đã phản ứng ra sao. Chuyện đó ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của Bê ra sao. Tìm cách hiểu phản ứng của đối tượng và xem coi mình có thể học hỏi được gì từ chuyện này. Con người chứ không phải Thánh và chúng ta thường làm tổn thương... người mình thương; nhiều hơn người xa lạ.
- Khi đã sẵn sàng thì tự chủ mà tha thứ cho người làm tổn thương mình bằng cách nào mà Bê cảm thấy nên làm: im lặng, hoặc nói ra, bằng gởi thơ hoặc đối thoại.
- Hãy nhớ là tha thứ thì mình không cần phải bào chữa cho hành động của người kia.
- Trong nhiều trường hợp mình phải tha thứ mình, chấp nhận và thương chính mình.
- Tha thứ cần thì giờ và không phải là vấn đề “được hết hoặc không được gì” (all or nothing). Bê có thể giảm sự đau khổ từng phần và tha thứ cho đối tượng từng phần như là một khởi diểm tốt (để tiến tới tha thứ hoàn toàn).
Tha Thứ có thể Rất Khó
- Có những tổn thương mà tự mình không thể giải quyết và cần sự can thiệp của chuyên gia.
- Có những chuyện mà sự tha thứ là không đúng. Không bao giờ để người khác làm tổn thương mình tiếp tục làm tổn thương mình. Nên nhờ chuyên gia giúp đỡ trong những trường hợp này.
- Tha thứ cho chính mình là quan trọng nhưng nếu sự tha thứ (cho chính mình) để tiếp tục làm sai, làm bậy thì … thiệt là bậy bạ! Làm vậy thì mình sẽ khó ngưng làm chuyện bậy.
Đối Chiếu
Đây là đối chiếu quan trọng giữa sự tha thứ trong bài này với Tứ Vô Lượng Tâm trong Phật giáo.- Sự so sánh rất khập khiễng vì một đằng là tha thứ như là thói quen tốt cho sức khỏe còn một đằng là Đạo Đế trong Tứ Diệu Đế trong Phật Giáo.
- Trong đạo Phật, "Từ Bi Hỉ Xả" là bốn chữ mà Phật tử nào cũng có biết qua, cũng có nghe giảng qua. Mấy ai tìm hiểu sâu về Từ Bi Hỉ Xả hay chỉ là tưởng là mình hiểu biết rồi? Bê nên đọc lướt qua bài Từ Bi trong Đạo Phật là gì? để thấy sự khác biệt giữa hai đề tài mà thấy rằng hai đề tài tuy khác nhau một trời một vực nhưng có thể đưa đến cùng một kết quả. Mong lắm thay!
Thân,
Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi này thì lại hay chấp nhất! Đến là khổ!
Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Thói Quen 2
1 nhận xét:
Có một người bạn chia sẻ như sau:
"Tha Thứ có thể Rất Khó:
Thí dụ đơn giản : 1 người chạy xe quá tốc độ cán chết 1 người thân trong gia đình mình hay mấy ông khủng bố cài bom giết bao người vô tội trong đó có người thân của mình, mình có thể tha thứ cho những người ấy không? dù biết rằng mình có thù ghét người ta thì người thân mình cũng không thể sống lại nhưng sự oán hận vẫn tốn tại, sau attentat ở Pháp tháng 11 năm 2015 mình có người bạn phải đi gặp "chuyên gia tâm lý nhưng vẫn không thể "remise"
Tôi xin hồi đáp như sau:
"Tha thứ có thể rất khó và chuyên gia cũng không giúp được nếu chính người đó chưa sẵn sàng. Tôi đề nghị một "technique" mà bài viết không đề cập tới: chuyển thể (re-direct, channel to, transfer). Sự chuyển thể được khá nhiều người làm; thí dụ như phong trào MADD (Mother Against Drunk Driving) là do các bà Mẹ có con bị xe đụng chết khi tài xế say rượu. Họ biến nỗi đau và lòng thù hận thành việc làm hữu ích cho xã hội với lòng thương yêu không những cho con cái đã chết của họ mà cho cả người gây ra những tai nạn tương tự trong tương lai (bằng cách dùng luật lệ ngăn ngừa)."
Đăng nhận xét