Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Lần Lữa - Procrastination

  • Thân chào các Bê (*),
Chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn khai thuế lợi tức tại Hoa Kỳ (1) nên Đệ lại nghĩ lăng nhăng về cái thói lần lữa của mình và của người đời. Có lẽ đây là tâm lý con người khi phải đối diện với những chuyện cần làm, phải làm nhưng hạn còn... chưa tới. Lần lữa là cái tính không phân biệt một ai (non-discriminating) không kể giới tính, tuổi tác, màu da, văn hóa...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Các cụ hay nói: "Đợi nước đến chân rồi mới nhảy!" Ý nói là sớm không chịu làm, đợi đến khi bắt buộc phải làm thì có khi là đã muộn màng.
  • Ở Hoa Kỳ thì bất cứ người nào có lợi tức trong năm đều biết ngày hết hạn khai thuế lợi tức là vào giữa tháng Tư mỗi năm. Thường thì giấy tờ về lợi tức được hãng xưởng, nhà băng, vân vân gởi đến nhà trong tháng Giêng nên tháng Hai là có thể khai thuế rồi. Thế mà không thiếu gì người chờ đến gần ngày hết hạn mới lục đục lôi giấy tờ ra làm! Bê nào mắc cái "tội" này thì tự mình biết, phải không? (2) Thật ra thì có Bê Lần Lữa bào chữa là: "Tôi phải trả thêm tiền thuế nên tội gì nộp tiền sớm; cứ chờ cho tới ngày cuối mới khai, mới đóng thêm thuế". Hừm, Bê này lý luận hay! Nhưng coi chừng lần lữa rồi thì... quên ngày hết hạn hoặc là cận ngày mới lôi giấy tờ ra làm; mà lúc đó thiếu giấy tờ gì thì trở tay không kịp. Bê Lần Lữa ơi, sao không làm cho xong giấy tờ sớm rồi để sẵn đó. Khi đến ngày thì gởi đi thôi. Các hãng khai thuế chuyên nghiệp có cách gởi giấy tờ điện tử đúng ngày muốn gởi; nếu lấy lại tiền thì gởi ngay ngày khai, còn nếu phải trả thêm thì hãng sẽ gởi vào ngày cuối cho mình.
  • Thật ra lần lữa không chỉ là chuyện khai thuế mà xẩy ra mọi nơi mọi lúc: khi đầu óc chúng ta cứ thường xuyên để chuyện quan trọng trở thành chuyện khẩn thiết (phụ chú H). Cai thuốc lá là một thí dụ điển hình. Ai cũng biết người nghiện thuốc lá  phải nên cai vì quá nhiều lý do về xã hội, môi trường và quan trọng hơn là vì lý do sức khỏe cho chính mình và người thân cận (second-hand and third-hand smoking effects). Biết thì biết vậy, cai thì... từ từ đã. Như vậy cai thuốc lá là chuyện thuộc loại QUAN TRỌNG (phải làm). Nhưng thường với người chưa bệnh hoạn thì chuyện cai chưa là chuyện KHẨN THIẾT. Đúng ghê! Khi còn trẻ thì sinh lực còn rất mạnh để lấn lướt mọi triệu chứng bệnh hoạn và người trẻ "chưa thấy quan tài thì chưa đổ lệ" nên thường là lần lữa chẳng cần cai!!! Đến khi Bác sỹ báo tin chẳng lành nào đó và bắt cai thuốc thì chuyện cai trở thành KHẨN THIẾT (3). Mà có khi thì đã quá muộn.
Nãy giờ lên bục giảng (on the pulpit) mà Bê kiên nhẫn đọc đến đây thì quá là tuyệt vời! Xin đền bù cho Bê với Katica Illenyi + Irina Akimova - HUNGARIAN RHAPSODY NO. 2 by Franz Liszt. Lúc đầu thì hơi chậm nhưng Đệ xin nói trước nghe: đừng có vừa lái xe vừa nghe bài này vì bài này làm cho người nghe muốn bật đứng dậy mà nhảy múa. 

Đệ biết đây là đề tài rất nhạy cảm và không phải là Bê không biết nên xin không nói nhiều về các phụ chú bên dưới. Nhưng nếu Bê có thì giờ thì đọc chơi cho biết khoa học nhìn vấn đề procrastination này như thế nào. Nhất là bài diễn thuyết của Tim Urban (phụ chú B) ngắn và rất lôi cuốn người nghe.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê thì cứ thong thả cần gì mà gấp, nhiều Bê nói vậy; nhưng coi chừng có việc cần làm mà lần lữa thì phiền cho con cháu, sau này.

(1) Thường là ngày 15 tháng Tư; nhưng nếu ngày 15 là ngày thứ Bảy hoặc Chnhật thì hạn dời sang ngày thứ Hai tới (ngày 17 hoặc ngày 16). Ngày 15 năm nay là ngày thứ Sáu nên đáng lẽ là không dời; nhưng vì ngày Emancipation Day, ngày Giải Phóng (Nô Lệ) tại Hoa Kỳ lại rơi vào ngày thứ bảy 04/16/2016 nên công nhân viên nhà nước được nghỉ trước một ngày: nghĩa là thSáu được dùng làm ngày nghỉ nên phải dời hạn khai thuế sang ngày thứ Hai, 18. Get it?
(2) Báo chí thông tin là tới đầu tháng Tư (còn khoảng 15 ngày thì hết hạn) vẫn còn 1/3 người chưa khai thuế.
 (3) Có nơi tại Mỹ và một số nước khác, Bác sỹ có quyền từ chối bệnh nhân nếu bệnh nhân không nghe lời Bác sỹ mà giảm cân hoặc cai thuốc.

Phụ chú:

B. TED - Inside the Mind of a Master Procrastinator
C. Why Procrastinators Procrastinate?
D. MindTools - Procratinator
E. Recent-ted-talk-procrastination-changed-perspective/
F. Psychology Today - Procrastination 
G. Procrastination - Wikipedia
H. Stephen Covey‘s Time Management Matrix Explained

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

Một Bản Tăng Gô Buồn - Tango Triste

Thân chào các Bê (*),
Tối nay, đang soạn bài viết cho dịp lễ cuối tháng Năm thì lại có được cái duyên để biết đến một người nhạc sỹ sáng tác mà lại là sáng tác cho Tây Ban Cầm (Spanish Guitar). Một nhạc khí mà Đệ thích nhất trong mọi nhạc khí. Bây giờ thì Bê đã biết rồi đó: con nhà bình dân thì chỉ thích guitar. Thời các anh, các chị mình thì chuộng dương cầm nhưng thằng em út thì bình dân với Tây Ban Cầm thôi...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Thật ra thì duyên biết đến người nghệ sỹ này là một cái duyên mà Đệ cố hết sức tránh: chuyện buồn lòng! Ôi, đời thì lắm đau thương! Chuyện buồn lòng, chuyện bất như ý thì quá nhiều rồi nên tránh nghĩ và tránh đề cập tới chuyện buồn không phải là ý kiến hay, hay sao?

Paris. Thứ Sáu, Ngày 13, Tháng 11, Năm 2015 (Phụ chú B). 

Thế giới để tang cùng người dân Paris. Phong trào đổi nền avatar trên Facebook thành ba màu cờ Pháp Quốc và biết bao chia sẻ trên chính trường, báo chí, và mạng xã hội. Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến tới bây giờ, tổn thất này là lớn nhất với nhiều người vô tội nhất đối với Pháp Quốc.

Per-Olov Kindgren mất ngủ đêm đó với nỗi bàng hoàng, buồn phiền. Ông trở dậy lúc ba giờ sáng (11/14/2015) và với lòng phiền muộn đó, Kindgren sáng tác bản Tăng Gô Buồn (nguyên tác Tango Triste (Vimeo). Bê có thể xem ở bên Vimeo hay xem ở Youtube. Trong lời bạt cho video (phụ chú C) ông viết câu kết: "I hope I can communicate my sadness with this music." (Tôi hy vọng là bạn cảm nhận nỗi buồn của tôi qua bài nhạc này). 
Per-Olov ơi! Ước vọng chung sống trong hòa binh, tình yêu, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau của bạn đâu phải là ảo tưởng. Khủng bố muốn chứng minh ước vọng của bạn là ảo tưởng (cho tới khi họ chiến thắng). Nhưng ước vọng của bạn đã và đang có đấy thôi! Hòa bình, tình yêu, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau vẫn là có trong đa số chúng ta. Thôi thì đành phải chấp nhận là bao giờ cũng có người xấu, sự việc xấu trong đời sống và vững niềm tin là họ là thiểu thiểu số và ta vững niềm tin yêu đời, yêu người (dĩ nhiên là cảnh giác và không lạc quan tếu).
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.  
Thân,
 

Chú thích:  
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê ơi! Let live our lives like there is no tomorrow!

Phụ chú:
B. Attentats du 13 novembre 2015 en France,  
November 2015 Paris attacks,  
Các vụ tấn công Paris tháng 11 năm 2015

C. Lời bạt của Tango Triste: 
After I heard of the terror attacks in Paris on the 13th. Nov. 2015 I went to bed but couldn't sleep. I got up at 3am and composed this and during the next day, I made the last touches and later the same evening, I recorded it.
It is sad that we cannot live in peace, love, understanding and respect regardless of religious and political views. We all are human beings. And we only have this one planet to share! Why not do it in the best way? With respect and love. I don't get it!!
Paris is "the city of cities" and I have spent many happy and wonderful days there with the woman I loved and it is heartbreaking to think of the innocent people that was out that evening enjoying the city and now are gone or wounded.
- "We must mourn all victims. But until we look honestly at the violence we export, nothing will ever change".
BEN NORTON
I hope I can communicate my sadness with this music.
 

--- Lời dịch từ Google Translator --- (Lời dịch của máy tính thì vẫn còn ngây ngô nhiều chỗ...)

Sau khi tôi nghe nói về các cuộc tấn công khủng bố tại Paris vào ngày 13. Tháng 11 năm 2015 tôi đi ngủ nhưng không thể ngủ được. Tôi thức dậy lúc 3:00 và sáng tác này và trong ngày hôm sau, tôi đã chạm trước và sau buổi tối cùng ngày, tôi ghi lại nó.
Thật đáng buồn là chúng ta không thể sống trong hòa bình, tình yêu, sự hiểu biết và tôn trọng bất kể quan điểm tôn giáo và chính trị. Chúng ta đều là con người. Và chúng ta chỉ có một hành tinh này để chia sẻ! Tại sao không làm điều đó một cách tốt nhất? Với sự tôn trọng và tình yêu. Tôi không nhận được nó !!  << Đúng ra thì nên dịch "I don't get it!" là "Thật (tôi) không hiểu nổi!"
Paris là "thành phố của các thành phố" và tôi đã dành nhiều ngày hạnh phúc và tuyệt vời với những người phụ nữ tôi yêu và nó là đau lòng khi nghĩ đến những người dân vô tội mà đã ra tối hôm đó thưởng thức thành phố và bây giờ đã biến mất hoặc bị thương.
- "Chúng tôi phải để tang các nạn nhân Nhưng cho đến khi chúng ta nhìn một cách trung thực tại bạo lực chúng tôi xuất khẩu, sẽ không có gì bao giờ thay đổi.".
BEN NORTON
Tôi hy vọng tôi có thể giao tiếp nỗi buồn của tôi với âm nhạc này.

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Marou - Chở Củi Về Rừng.

Thân chào các Bê (*),


"Chở củi về rừng, Chú Hòa chở củi về rừng!" Đó là lời phát ngôn... linh tinh của cô cháu gái đang sống ở Sài Gòn, khi cô con gái của tôi nhờ nó mua sô cô la "Ma De In Việt Nam" (made in Vietnam). Ở đó mà chở củi về rừng! Marou là sô cô la có phẩm chất không thua gì chocolate ngon nhất thế giới. Really?


Dạ, dạ Đệ xin vào đề....

Chuyện là cách đây bốn năm năm có hai chàng Tây (môt lai Nhật, một lai Mỹ) gặp nhau tại Sài Gòn và cùng nhau xây dựng một công ty làm sô cô la đen (dark chocolate). Chuyện đã đi vào lịch sử chocolate như chuyện cô bé Lọ Lem trong ngành thực phẩm đặc biệt này. Như cô bé Lọ Lem được chàng Hoàng Tử có lòng yêu. Marou Faiseur de Chocolat đoạt giải thưởng tại thủ đô Paris của Pháp Quốc. Dạ đúng vậy. Không tin thì xin Bê cứ đọc vài cái đường dẫn ở cuối bài (phụ chú F là tiếng Việt).

Chocolate adds "extra" to "ordinary"!

Chocolat ajoute 'extra' à 'ordinaire'!
Quote from Trần Thủ Hòa.

Năm loại Marou (Việt Nam) và một từ Nam Mỹ (85% Cocoa) (1)
Khen thì quá nhiều rồi. Giải thưởng thì cũng khá nhiều. Bê cứ đọc các bài báo thì sẽ thấy.
Chê? Chắc là có nhưng ai nỡ? Ai nỡ?

Thật tiếc là người Việt (nhất là trong nước) chưa quen với khẩu vị của dark chocolate. Thường thì sô cô la đen "bị" cho là đắng và... chua chua. Quả là khó ăn với người hảo ngọt, với xứ sở của chè (đặc biệt là chè với công thức: một ký đậu + ba ký đường). Nhưng Bê ơi! Nghĩ mà xem: mình cũng có món ăn thức uống đắng đấy chứ. Cà phê, trà, khổ qua, vân vân... Chẳng qua là phải... thoáng trong cách tiếp cận với cái gì mới và lạ. Đương nhiên là không a dua, không chạy theo bầy đàn, rồi.

Cách nếm sô cô la đen

Cũng là đơn giản thôi. Đệ có được năm loại Marou nên muốn thử cũng không khó.
Và thường thì nên làm "tasting" khi có đông gia đình/bạn bè vì mỗi người chỉ "sample" các mẫu nhỏ thôi.
  1. Mua vài loại chocolate. Thí dụ theo phần trăm chất cacao: Marou - Dắk Lắk (64%+6%); Đồng Nai (66%+6%); Lâm Đồng (68%+6%); Bà Rịa (72%+4%); Bến Tre (72% cacao + 6% bơ cacao)
  2. Một chai nước ấm và mấy cái ly.
  3. Vài mẫu bánh mì hoặc bánh lạt (unsalted, unscented cracker).
  • Nguyên tắc thử thức ăn, đồ uống là bao giờ cũng đi từ nhẹ/lạt tới nặng/đặc. Thí dụ rượu vang bao giờ cũng đi từ trắng qua đỏ; chocolate cũng vậy: đi từ ít đắng tới đắng nhiều (theo phần trăm cacao).
  • Giữa mỗi lần ăn thử phải làm sạch miệng với nước ấm và bánh mì/bánh lạt.
  • Nếm một mẫu nhỏ (đừng quá lớn mà trở thành "no" trước khi qua mẫu thức ăn mới). Nhai chậm rãi để nước miếng (saliva) có cơ hội hòa quyện với sô cô la. Điều này rất quan trọng vì mỗi người sẽ có trải nghiệm dựa trên chính sự nếm của miệng mình (ăn cho mình chứ không ăn cho ai khác). Nên nhớ là lưỡi có các đặc khu cho vị ngọt, vi chua, vị đắng, vị mặn vân vân... (phụ chú L); phải chuyển thức ăn đang nếm đến tất cả các đặc khu này.
Trong hình trên, Đệ có thêm ông Sô Cô La Nam Mỹ (85% cacao+cacao butter) để làm chuẩn ở mức cao nhất.
Bê đừng ngạc nhiên sau khi thử thì mỗi người chọn cái ngon nhất và dở nhất theo ý mình: "À chacun son goût". Đệ sẽ rất ngạc nhiên nếu tất cả mọi người tham dự đều chọn lựa y như nhau. Để công bằng và khoa học (hừm khoa học trong chuyện ăn chơi?) thì kết quả nên viết ra giấy trước và mọi người sẽ cho nhau xem sau (hoặc giữ bí mật cho riêng mình). Giữ bí mật cho riêng mình là dại dột vì nếu không biết mình thích gì thì người ta cứ mua tặng cái mình không thích thì ráng chịu, nghe. 

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.


Thân,


Chú thích:

(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Các Bê thường nói sô cô la rất nóng. Thì đúng rồi: Chocolate mà không làm Bê nóng mới là lạ!!!
(1) Tin mới nhất thì Marou ra được 7, 8 loại rồi (không kể các loại sản xuất riêng: special editions).

Phụ chú: