Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Marou - Chở Củi Về Rừng.

Thân chào các Bê (*),


"Chở củi về rừng, Chú Hòa chở củi về rừng!" Đó là lời phát ngôn... linh tinh của cô cháu gái đang sống ở Sài Gòn, khi cô con gái của tôi nhờ nó mua sô cô la "Ma De In Việt Nam" (made in Vietnam). Ở đó mà chở củi về rừng! Marou là sô cô la có phẩm chất không thua gì chocolate ngon nhất thế giới. Really?


Dạ, dạ Đệ xin vào đề....

Chuyện là cách đây bốn năm năm có hai chàng Tây (môt lai Nhật, một lai Mỹ) gặp nhau tại Sài Gòn và cùng nhau xây dựng một công ty làm sô cô la đen (dark chocolate). Chuyện đã đi vào lịch sử chocolate như chuyện cô bé Lọ Lem trong ngành thực phẩm đặc biệt này. Như cô bé Lọ Lem được chàng Hoàng Tử có lòng yêu. Marou Faiseur de Chocolat đoạt giải thưởng tại thủ đô Paris của Pháp Quốc. Dạ đúng vậy. Không tin thì xin Bê cứ đọc vài cái đường dẫn ở cuối bài (phụ chú F là tiếng Việt).

Chocolate adds "extra" to "ordinary"!

Chocolat ajoute 'extra' à 'ordinaire'!
Quote from Trần Thủ Hòa.

Năm loại Marou (Việt Nam) và một từ Nam Mỹ (85% Cocoa) (1)
Khen thì quá nhiều rồi. Giải thưởng thì cũng khá nhiều. Bê cứ đọc các bài báo thì sẽ thấy.
Chê? Chắc là có nhưng ai nỡ? Ai nỡ?

Thật tiếc là người Việt (nhất là trong nước) chưa quen với khẩu vị của dark chocolate. Thường thì sô cô la đen "bị" cho là đắng và... chua chua. Quả là khó ăn với người hảo ngọt, với xứ sở của chè (đặc biệt là chè với công thức: một ký đậu + ba ký đường). Nhưng Bê ơi! Nghĩ mà xem: mình cũng có món ăn thức uống đắng đấy chứ. Cà phê, trà, khổ qua, vân vân... Chẳng qua là phải... thoáng trong cách tiếp cận với cái gì mới và lạ. Đương nhiên là không a dua, không chạy theo bầy đàn, rồi.

Cách nếm sô cô la đen

Cũng là đơn giản thôi. Đệ có được năm loại Marou nên muốn thử cũng không khó.
Và thường thì nên làm "tasting" khi có đông gia đình/bạn bè vì mỗi người chỉ "sample" các mẫu nhỏ thôi.
  1. Mua vài loại chocolate. Thí dụ theo phần trăm chất cacao: Marou - Dắk Lắk (64%+6%); Đồng Nai (66%+6%); Lâm Đồng (68%+6%); Bà Rịa (72%+4%); Bến Tre (72% cacao + 6% bơ cacao)
  2. Một chai nước ấm và mấy cái ly.
  3. Vài mẫu bánh mì hoặc bánh lạt (unsalted, unscented cracker).
  • Nguyên tắc thử thức ăn, đồ uống là bao giờ cũng đi từ nhẹ/lạt tới nặng/đặc. Thí dụ rượu vang bao giờ cũng đi từ trắng qua đỏ; chocolate cũng vậy: đi từ ít đắng tới đắng nhiều (theo phần trăm cacao).
  • Giữa mỗi lần ăn thử phải làm sạch miệng với nước ấm và bánh mì/bánh lạt.
  • Nếm một mẫu nhỏ (đừng quá lớn mà trở thành "no" trước khi qua mẫu thức ăn mới). Nhai chậm rãi để nước miếng (saliva) có cơ hội hòa quyện với sô cô la. Điều này rất quan trọng vì mỗi người sẽ có trải nghiệm dựa trên chính sự nếm của miệng mình (ăn cho mình chứ không ăn cho ai khác). Nên nhớ là lưỡi có các đặc khu cho vị ngọt, vi chua, vị đắng, vị mặn vân vân... (phụ chú L); phải chuyển thức ăn đang nếm đến tất cả các đặc khu này.
Trong hình trên, Đệ có thêm ông Sô Cô La Nam Mỹ (85% cacao+cacao butter) để làm chuẩn ở mức cao nhất.
Bê đừng ngạc nhiên sau khi thử thì mỗi người chọn cái ngon nhất và dở nhất theo ý mình: "À chacun son goût". Đệ sẽ rất ngạc nhiên nếu tất cả mọi người tham dự đều chọn lựa y như nhau. Để công bằng và khoa học (hừm khoa học trong chuyện ăn chơi?) thì kết quả nên viết ra giấy trước và mọi người sẽ cho nhau xem sau (hoặc giữ bí mật cho riêng mình). Giữ bí mật cho riêng mình là dại dột vì nếu không biết mình thích gì thì người ta cứ mua tặng cái mình không thích thì ráng chịu, nghe. 

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.


Thân,


Chú thích:

(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Các Bê thường nói sô cô la rất nóng. Thì đúng rồi: Chocolate mà không làm Bê nóng mới là lạ!!!
(1) Tin mới nhất thì Marou ra được 7, 8 loại rồi (không kể các loại sản xuất riêng: special editions).

Phụ chú:

Không có nhận xét nào: