Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Khi Can Phạm Trở Thành Nạn Nhân

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay Đệ lại xin nói về một đề tài mà chắc ai đã từng học qua bậc Trung Học đều có trải nghiệm qua: bị bạn bè bắt nạt hay sách nhiễu (being bullied). Có khi nào Bê đã là kẻ sách nhiễu (the Bully), không đây? Hy vọng là không bởi vì nếu đọc hết bài này thì Bê sẽ biết là làm người sách nhiễu người khác, rốt cuộc cũng không sung sướng gì! Vì vậy bài này mới có cái tên "Khi Can Phạm Trở Thành Nạn Nhân" (1)

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Sách nhiễu từ bạn học (thường là Tiểu Học hoặc Trung Học) là một vấn nạn rất lớn trong xã hội Hoa Kỳ. Phim ảnh Hollywood cũng như phim tài liệu cũng đã nói đến vấn nạn này. Hôm nay, Đệ xin đề cập tới một phim khác đặc biệt cho đề tài này: A Girl Like Her (phụ chú B).
Đặc biệt là ở chỗ, khi Đệ xem phim này thì đã biết, phim dựng lên (fictional), phim không có thật; nhưng suốt quá trình xem phim vẫn luôn có cảm giác là câu chuyện thật. "Thật" đến mức mà nhà sản xuất còn tung một phát súng ân huệ (coup de grace) là "muốn biết Jessica có được cứu sống không thì vào trang mạng...". Đệ xin thú thiệt là, mặc dầu biết Jessica là nhân vật phim; chứ không có thật ngoài đời, Đệ có vào trang mạng này để hy vọng là người viết phim "cho" nhân vật Jessica được sống lại sau khi hôn mê kéo dài tại cuối phim (kết quả của tự tử bằng thuốc ngủ của mẹ). Câu chuyện giả tưởng nhưng được quảng cáo là "Based on a million true stories," (phụ chú C) thế mới thật là hay!
Hay nhất có lẽ là phim dùng một kỹ thuật dựng phim (film montage) khá mới mẻ  với ba thành phần:
  1. Diễn xuất với diễn viên vào vai nhân vật.
  2. Dùng footages (những đoạn clip video của máy camera được giấu trong món trang sức cài trên ngực áo của Jessica). Film montage có một nghĩa mới với kỹ thuật này, phải không?
  3. Đặc biệt là phim lại có một số phân cảnh mà người xem "thấy" được sự hiện diện của người viết phim và cũng là giám đốc Amy S. Weber. Thấy mà không thấy vì chỉ thường là chỉ thấy cánh tay và tay cầm máy vi âm (microphone) của Weber. Nhưng nghe thì rất rõ sự hiện diện của Weber vì những đối thoại với Avery (người sách nhiễu).

Hay trên cả nhất có lẽ là khi Avery nói câu cuối cùng trong phim, trong nước mắt. Avery nói gì? Bê phải coi phim thôi!
Xem phim mà Đệ nghĩ đến hiện tượng nữ học sinh ở Việt Nam đánh bạn học và công khai chia sẽ video thành tích trên youtube và mạng xã hội. Một điểm quan trọng là bà mẹ của Jessica nhắc đi nhắc lại bên giường bệnh là bà không ngờ và không biết được sự thể trước đó. Phim muốn cảnh báo cha mẹ là hiện tượng này rất phổ biến và sự tai hại của nó thì hủy hoại đời người. Lý lẽ "kid being kid" (con nít thời nào chẳng vậy), không đứng vững cho người coi phim này.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê mà biết là con cháu mình bị sách nhiễu thì chắc là bực mình lắm! Với kinh nghiệm sống sót qua cuộc chiến thì để bị sách nhiễu là thật không chịu được!
(1) Khác với bài Khi Nạn Nhân Trở Thành Can Phạm.


Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Variety--Film Review: ‘A Girl Like Her’
C. Based on a million true stories 

Nếu Chỉ Một Lần Lắng Nghe Đại Nhân - Cập Nhật III

Thân chào các Bê (*),

Thôi, thôi! Ông lại dở cái mửng "Nếu chỉ một lần..." nửa, hả? Dạ thì Đệ sợ là đặt cái tít khác thì Bê không thèm xem bài blog này, nên phải dùng cái "chiêu" này, một lần nữa, đây! Một lần nữa xin xác minh là Đệ không chuyên về âm nhạc nên đây chỉ là viết nhăng cho đầu óc làm việc trong tuổi... sắp già.

Cập Nhật I: Xin giới thiệu đến các Bê bài về Đại Nhân của RFI Hoài Dịu:  Ludwig van Beethoven, biểu tượng văn hóa rock. Trong bài này Hoài Dịu cũng đề cập tới Dr.Viossy playing Ludwig van Beethoven's Sonata in C#m n° 14 "Moonlight" - 3rd movement. Phần trình diễn của Dr. Viossy, nghe lại vào mùa Thu như bây giờ thì thật tuyệt. 
Cập Nhật II: https://www.facebook.com/100000187866216/posts/2198453266837581/

Cập Nhật III: 
A Brief History of Ludwig van Beethoven


Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Đại Nhân này thì Bê cũng đã có, ít nhất là, nghe qua tên. Những công trình để lại cho hậu thế thì thật đồ sộ và quý giá trong giá trị văn học, nghệ thuật. Xin Bê nghe qua một đoạn của một tác phẩm nổi tiếng của Đại Nhân và xin đừng đọc tiếp nếu chưa nghe xong cái mp3 này.


<<< Cố tình để trống >>>
(xin nghe cho xong đoạn nhạc trên trước khi đọc tiếp)



Thế Bê có biết ai là Đại Nhân ở đây, không? Đúng ra là phải dùng chữ "Vĩ Đại" (The Great); nhưng vì hai chữ này, thiên hạ dùng quá nhiều lần để nói đến mấy ông ác ôn, côn đồ nên ở đây Đệ xin dùng hai chữ "Đại Nhân" với ý nghĩa trân trọng nhất có thể dùng cho một người đã để lại cho nhân loại biết bao tác phẩm âm nhạc vượt thời gian và không gian; mà ra cả ngoài vũ trụ nữa (phụ chú B về nhạc được gởi theo phi thuyền Voyager).
Ngài là ai? Bê mà đoán đúng thì khi nào gặp Đệ xin nhắc Đệ thì Đệ đãi cà phê, nghe.  Đại Nhân mà không phải Mozart; cũng không phải Bach thì nhất định phải là thiên tài âm nhạc: Ludwig van Beethoven. Beethoven rất xứng đáng để chúng ta ngưỡng mộ thuần túy về lý do âm nhạc. Nhưng tình thật mà nói, Đệ không có cửa mà bình luận/đánh giá những di sản này. Bản Giao Hưởng số Năm và Bản Giao Hưởng số Chín, chỉ hai bản giao hưởng này không thôi đã đủ để đặt Beethoven lên chiếu trên của làng âm nhạc thế giới. Hai bản giao hưởng này quá nổi tiếng nên xin Bê cứ vào Youtube.com mà nghe. Cuộc đời Beethoven thì xin Bê vào phụ chú C và J đọc thêm. Đệ chỉ xin nêu ra đây một vài chi tiết nổi bật của Beethoven.
  • Beethoven bị điếc khá sớm trong đời. Chứng bệnh này đã là nỗi đau khổ và lo sợ của Beethoven trong suốt thời gian ông có thể sáng tác.
  • Đời sáng tác của ông có thể chia ra ba giai đoạn: 1) trước khi có triệu chứng điếc, 2) giai đoạn điếc bắt đầu và ngày càng nặng (đa số tuyệt phẩm ra đời trong thời kỳ này), 3) giai đoạn cuối với bản Giao Hưởng số Chín (khi ông chấp nhận số mệnh).
  • Sau này, sử gia và bình luận gia vẫn tranh cãi về bệnh điếc giúp công việc sáng tác của ông hay là nếu ông không điếc thì ông có thể làm nhạc còn hay hơn nữa. Ngày nay, có vẻ như mọi người đồng ý là bệnh điếc đã không ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng sáng tác của ông; mặc dầu là có ảnh hưởng đến khả năng làm nhạc trưởng cũng như khả năng giao tiếp của ông. Mà cũng chính vì thế nên ông rất siêng đối thoại trên giấy (documented conversations) và nhờ vậy hậu thế biết chi tiết về ông nhiều hơn các vĩ nhân khác.
  • Trong giai đoạn hai khi ông bắt đầu điếc thì ông tránh dùng các nốt nhạc cao và ông dùng nhiều nốt nhạc trầm hơn (vì ông còn nghe được nốt trầm rõ hơn nốt cao). Bài Giao Hưởng số Năm (Symphony No. 5) và bài Sonata No.14 "Quasi Una Fantasia" Opus 27 No.2 (Moonlight Sonata) ra đời trong giai đoạn này. 
  • Bản Giao Hưởng số Chín (Symphony No. 9), ông làm vào cuối đời khi ông đã chấp nhận số phận và không còn tìm cách chữa chạy nữa. Trong tác phẩm này các nốt cao lại trở lại với ông bằng âm thanh trong đầu ông. Điều này các nhà bình luận đều đồng ý là những người có khả năng âm nhạc cao có thể "nghe" được âm thanh trong đầu (không cần thính giác). 
  •  Công phu tập luyện của các nhạc sỹ/nhạc công thường bị coi nhẹ vì người nghe thường hời hợt nghe với cảm tính và nhìn với con mắt bên ngoài. Đệ cho là chúng ta có con mắt bên trong có thể nhìn cả "quá khứ/hiện tại/tương lai" và "nhìn" được không những những thành quả mà còn nhìn ra được những "công phu/cố gắng/tập luyện" dẫn đến thành quả mà "con mắt trần", "đôi tai trần" đang xem, đang nghe. Xin Bê xem phụ chú G để thấy bậc thầy dạy học trò như thế nào về cách cảm nhận và diễn tả một bản Sonata theo ý mình. 
  • Đời tư của Beethoven thì sao? Ai bảo Bê tò mò vấy? Nghe Beethoven thì nghe thôi! Xem nghệ sỹ trình diễn nhạc Beethoven thì chú ý tới âm nhạc thôi! Nói vậy chứ nếu Bê nào vẫn muốn biết thêm về Beethoven, con người và sự nghiêp, thì xin vào phụ chú F. Nhớ đọc cả lời bình luận của Janette Miller trong video này.
Trong bài này Đệ chỉ xin trả lời câu hỏi: "Nếu chỉ một lần tôi muốn nghe Đại Nhân, thì nghe bài gì?". Dạ, từ đáy trái tim, Đệ đề nghị là nghe bài Moonlight Sonata (cả ba phần mà phần ba Bê đã nghe với cái MP3 ở trên). Sonata chỉ có nghĩa là một bản nhạc viết cho nhạc cụ (đối lại với Cantata là bản nhạc viết cho người hát). Bản sonata này lại cũng là một bản nhạc nói về Đêm Trăng (1) và không biết tại sao mà nhạc viết về ban đêm thường là hay? Chắc tại vì nó nói lên sự tập trung (hay sự cô đơn) của nhà soạn nhạc. "Ai không nghe thì đi ngủ đi!", ý nhà soạn nhạc là như vậy, chăng?
Và đây, Bê chọn một đêm trăng thanh vắng, ngồi một mình mà nghe Moonlight Sonata. Bài này Bê có nghe thì xin đọc luôn lời bạt để biết tên gốc của bài nhạc cũng như những truyền thuyết liên quan tới bài này. Thật ra Moonlight Sonata First Movement không kéo dài 2 tiếng đồng hồ như vậy đâu. Hai tiếng là tại vì người làm video nhân đôi bản "một tiếng". Và ngay như phiên bản "một tiếng" thì cũng đã nhân khoảng 14 lần first movement, rồi. Có người lại thích nghe phần trình diễn của Wilhelm Kempff (phụ chú D).
Bê sẽ hỏi: "Ông nói tới "first movement" (premier mouvement; chuyển khúc đầu) rồi thì second movement đâu? Dạ, đây, cả ba chuyển khúc (khoảng 15 phút) Valentina Lisitsa - Moonlight Sonata Op.27 No.2 Mov.1,2,3 (Beethoven). ĐỪNG có bấm vào đường dẫn nếu Bê không có đủ 15 phút để nghe. Có đoạn hơi chậm nhưng xin đừng cho qua (skip), đã nghe thì xin nghe cho trọn, để không phụ lòng Đại Nhân và Valentina Lisitsa (2). Với nhiều người (kể cả nhạc sĩ) thì ba movements này có thể coi như ba bài nhạc riêng rẽ và có người chỉ trình tấu một hay hai "movement". Bê ơi, Beethoven viết ba chuyển khúc là có lý do chứ chẳng phải là tình cờ (3).
Đệ đặc biệt thích phiên bản Moonlight Sonata - Beethoven - Bass Guitar tiếng đàn bass rất hợp với chuyển khúc số một. Còn Heavy Metal 1st Movement thì sao? Đệ cho 8 điểm (trên 10) nhưng chỉ 4 điểm về ưa thích. Cùng người chơi thì Đệ cho 7 điểm ưa thích cho Heavy Metal 3rd Movement (4).


Cám ơn Bê đã đọc trọn bài này. Một bài blog khá mất thì giờ khi đọc! Hy vọng là Bê sẽ nghe Beethoven với cảm quan mới. Đệ học hỏi khá nhiều khi tìm tài liệu để viết bài này. Như một lời cám ơn, tặng các Bê video Beethoven Moonlight Sonata 3rd Movement played by 24 pianists. Mỗi người một vẻ; có người chơi bài này hai lần trong video nhưng hai lần cũng khác biệt.


Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. "Giời ơi, tưởng gì chứ ông Bi này thì tôi nghe hoài", Bê sẽ nói. Thế thì nhất Bê rồi! Nhưng đã nghe Moonlight Sonata với đàn guitar điện chưa?
(1) Xin Bê đừng nhầm với bản Nocturne của Chopin.
(2) Lisitsa trình diễn bản Hungarian Rhapsody No. 2 của Liszt rất xuất sắc.
(3) Các Bê nào really into music thì xin tham khảo bài giảng số 9 của vị thầy trường Yale, Craig Wright, về Lecture 9. Sonata-Allegro Form: Mozart and Beethoven để hiểu thêm về cấu trúc của một bản Sonata. Wright dùng thí dụ từ Mozart và Beethoven (Giao Hưởng số 5) để giảng về cấu trúc âm nhạc.
(4) Nghe nhạc sỹ trình diễn (sống hoặc thâu hình qua video) rất khác với nghe/nhìn qua thâu âm trong studio. Các nghệ sỹ chuyên nghiệp cũng vẫn trình diễn cùng một bài mỗi nơi, mỗi lúc một khác. Xin lấy thí dụ như nghe bài Diễm Xưa khi Khánh Ly hát ở tuổi đôi mươi rất khác với nghe cụ hát ở tuổi bốn lần đôi mươi (đùa vậy thôi chứ KL chưa tới 80 đâu). Nghệ sỹ trình diễn cũng vậy nên có khi cùng người trình diễn mà video này hay hơn video kia. Nếu Bê tìm được một video nào mình ưa thích thì phải đánh dấu để khỏi phải tìm kiếm sau này. Bài trình diễn của MP3 ở trên là từ Dr.Viossy playing Ludwig van Beethoven's Sonata in C#m n° 14 "Moonlight" - 3rd movement. Xin Bê nghe lại.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài 
B. Voyager Golden Record
C. Wikipedia - Ludwig van Beethoven (English) - Tiếng Việt
D. Beethoven's Moonlight Sonata mvt. 1 - Wilhelm Kempff Ông trình diễn bài này năm ông khoảng 80 tuổi thì phải. Khen thì rất nhiều nhưng có một số cho rằng ông đánh khác với bản gốc ở một số chỗ. Who cares?
E. Yundi Li - Beethoven Moonlight Sonata (2014 Japan)
F. Beethoven - A Portrait
G. BBC. Barenboim on Beethoven - Masterclass on the Sonatas
I. Moonlight - Electric Cello (Inspired by Beethoven) - ThePianoGuys
J. Great Composers: "Beethoven Ludwig van"

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Tản mạn về ngày Tưởng Nhớ--Memorial Day--2016

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay lại xin tản mạn về ngày Tưởng Nhớ--Memorial Day. Năm ngoái, đã viết Tản mạn về ngày Tưởng Nhớ--Memorial Day. Nên xin không viết lại những gì đã viết. Năm nay, xin được đề cập đến chuyện người mà ngẫm về chuyện mình. Nhớ để mà tránh thì thật là nên nhớ. Nhớ để mà khoe khoang tự hào thì có lẽ không nhớ thì tốt hơn.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Hoàng Hải năm 1953, biên giới biển Bắc Đăng (Northern Limit Light; NLL), đường ranh biển mà UNC (United Nations Command) định đặt, với sự miễn cưỡng chấp nhận của Bắc Hàn. Phía Bắc NLL thuộc về Bắc Hàn (Triều Tiên; DPRK), phía nam NLL thuộc về Nam Hàn (Hàn Quốc; ROK). Xin xem bản đồ trong phụ chú B. Miễn cưỡng vì Bắc Hàn vẫn cho là đường ranh phải nằm sâu hơn về phía Nam; vì vậy nên tàu thuyền Bắc Hàn vẫn thường xâm nhập dưới đường NLL.

NLL năm 2002, hai chiến thuyền tuần duyên Nam Hàn phát hiện hai chiếc thuyền Bắc Hàn vượt lằn ranh tiến về phía Nam nên cảnh cáo và theo dõi hai chiến thuyền này với ý định bắt buộc họ rời lãnh hải Nam Hàn. Chuyện đáng lý là thường xảy ra và tàu thuyền Bắc Hàn, sau một lúc dọa nạt sẽ rút lui,  quay về phương Bắc; nhưng tình huống lúc bấy giờ thì lại tương tự như năm 1999: Hải Chiến Tại Yeonpyeong lần thứ nhất: Tàu Bắc Hàn phát hỏa trước với súng phóng lựu (RPG; Rocket-propelled Grenade), súng 85 ly (có lẽ là súng từ xe tăng cải biến thành ụ súng trên chiến thuyền) và súng 35 ly. Tuần duyên 357 bị pháo bất ngờ nên trở tay không kịp vả lại chiếc này chỉ có súng 30 ly và 40 ly. Bắn trả đã không có hiệu quả vì thương vọng và tàu bị hư hại mất khả năng điều hành. Tuần duyên 358 quay lại (cũng như các tàu Hải Quân Nam Hàn khác đến ứng cứu) nhưng quá trễ để bảo vệ chiến thuyền lâm nạn. Tuần duyên 357 chìm trước sự bất lực của các tàu bạn.
Tình tiết của trận hải chiến tại NLL lần thứ hai (2002) thì đã được dựng thành phim: N.L.L.: Yeonpyeong Haejeon. (1)
Bê muốn biết thêm về trận hải chiến này thì xin đọc phụ chú B hoặc có Netflix hoặc mua DVD thì có thể xem phim này. Có coi phim thì xin Bê coi cho hết phim vì phần cuối khi phim đã hết có chiếu những người lính đã thật sự tham dự trận chiến khi họ nói về đồng đội đã hy sinh.
Bài này xin không nói chi tiết về trận hải chiến này mà chỉ muốn phiếm bàn về sự hy sinh của người lính nhân ngày Tưởng Nhớ và Tri Ân, những người nằm xuống cho tổ quốc của họ.

Tản Mạn

  • Sự hy sinh của người lính thì thật là cao cả và đáng được tri ân. Hai thí dụ trong trận hải chiến: người lính bị bắn, ruột đổ ra ngoài thân, vẫn dùng tay nhét ruột vào; người lính cầm lái chiếc tuần duyên lâm nạn, cột tay mình vào bánh lái và chết theo tàu.
  • Chiến tranh thì thật là vô nghĩa với người đã hy sinh (cho tổ quốc) và thân nhân của họ. Người mẹ câm đã khóc con giờ lâm chung trong bệnh viện với những âm thanh não lòng nói lên sự vô nghĩa này (trong phim kể trên).
  • Học thuyết về chiến tranh với chính nghĩa (phụ chú C và D) ra đời và được cải thiện qua bao thế kỷ mà sao kẻ ác vẫn lờ đi mà xâm lược, mà tàn phá để thỏa mãn mộng xâm lăng bành trướng (2). Có lẽ tất cả các nước văn minh đều phải cam kết tuân thủ học thuyết này. Nước nào vi phạm thì tất cả các nước khác (đã ký kết) phải có bổn phận giải giới nước đã vi phạm công ước về chiến tranh chính nghĩa. Ôi! dĩ nhiên đây chỉ là mộng!
  • Chiến tranh như là sự cần thiết xấu xa (un mal nécessaire; a necessary evil) nhưng chắc chỉ đúng cho bên tự vệ. Mặc dầu phe bành trướng hoặc xâm lược cũng dùng lý thuyết này để hô hào kích động. 
  • Nhớ Hoàng Hải mà ngẫm về Đông Hải, mà ta gọi là Biển Đông: chỉ có Trung Quốc mới tin là xâm chiến/cưỡng đoạt biển đảo ở Biển Đông là hành dộng bảo vệ chủ quyền. Như đáng buồn thay là niềm tin (lố bịch) này là của một tỷ ba trăm triệu con người! Các nước khác có cần tự vệ không? có nên, không? Cần chứ, nên chứ! Nhưng lại chính con người sẽ gánh chịu hậu quả của chiến tranh.
  • Chiến tranh sẽ tồn tại và phát triển vì con người vẫn vô cảm với sự đau khổ của kẻ khác và năm tới, Đệ sẽ thêm một bài blog? Thôi đi!!!

Xin chúc tất cả các Bê (nhất là các Bê sống tại Hoa Kỳ) một ngày thứ Hai an bình bên gia đình.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê 60 thì chắc là có trải nghiệm qua cuộc chiến Việt Nam, ở một mức độ nào đó. Một cuộc chiến mang quá nhiều tên như chung quy thì vẫn là tương tàn.
(1) Người cầm lái trên tuần duyên 357 là người đóng vai anh chàng Thượng Sĩ Nhất trong phim Hậu Duệ Mặt Trời.
(2) Xin Bê đừng lẫn lộn học thuyết này với những mỹ từ như cuộc chiến tranh thần thánh hay những cuộc chiến tranh giải phóng mà người "được giải phóng" lại bị phỏng... toàn thân (chứ chẳng phải chỉ phỏng cái ấy).


Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Second Battle of Yeonpyeong
C. Doctrine de la guerre juste
D. Just war theory

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

Đủ Đông- Critical Mass

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay lại viết lăng nhăng về một lý thuyết trong sự tương giao xã hội (Social Dynamics). Lý thuyết này bắt đầu trong Khoa Học Vật Lý, hay chính xác hơn là Vật Lý Nguyên Tử (Nuclear Physics). Bài này hoàn toàn không bàn về chính trị mà chỉ muốn bàn về một hiện tượng xã hội và phiếm bàn về việc tại sao có những phong trào xã hội rất hay, rất cần thiết cho xã hội thì lại chết yểu trong khi có những thói hư tật xấu thì lại bình ổn và sống dai. Câu trả lời là vì thói hư/tật xấu thường là có critical mass (CM) rất thấp; trong khi những phong trào ích nước lợi dân thì CM lại thường là cao. Cái ngưỡng CM này là điều mà những người khởi xướng phong trào cần phải lưu tâm.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Critical Mass [Đủ Đông; Đủ Đô (adequate dose); Đủ Số], theo Wikipedia thì khi có đủ nhân tố tham dự vào một phong trào nào đó trong xã hội thì phong trào sẽ được duy trì và lớn mạnh (self-sustaining and creating further growth). Số lượng này, có thể đưa phong trào đạt được trạng thái bền vững và phát triển, gọi là critical mass (xem phụ chú B).
Lý thuyết về critical mass được áp dụng trong đa số trường hợp trong xã hội. Có những phong trào hoặc cải cách xã hội rất hay, rất cần thiết mà lại yểu mệnh (dying down; dying out) hoặc không "cất cánh" (phát triển) được là vì số người tham gia dưới cái ngưỡng (threshold) critical mass number. Critical Mass không cần là đa số tuyệt đối, tỉ dụ như trên 50%.
  • CM có thể là 20% tổng thể thì phong trào đạt được trạng thái bình ổn. Đây là chuyện xảy ra trong Hải Quân Hoa Kỳ, phụ chú C, khi luật Quốc Hội bắt buộc phải để phụ nữ tham dự vào tất cả các sinh hoạt/nhiệm vụ trong quân đội. Khi đầu vì mỗi tàu chiến chỉ có một, hai nữ quân nhân thì chuyện hòa đồng nam nữ trên các tàu này đã thất bại vì cả nam giới lẫn nữ giới trên tàu đều không thoải mái sinh hoạt và làm việc với nhau. Sự thất bại này đã được phân tích và tìm hiểu để có phương án mới (PT&TH). PT&TH đưa đến kết luận là số quân nhân nữ (trên một tàu) chưa đạt được CM để thành công. Sau đó Hải Quân Hoa Kỳ, đã đưa nhiều nữ sỹ quan vào các đơn vị trước để đạt được sự tuân phục của binh lính trong đơn vị và ngay sau đó đưa nữ quân nhân các cấp vào đơn vị. CM đạt được ở tỷ lệ 20% nữ binh. Ngày nay, Hải Quân Hoa Kỳ nhắm đến tỷ lệ 25%. Có những phong trào đòi hỏi CM ở mức 30% hoặc 40%; có những phong trào đòi hỏi CM ít hơn hoặc nhiều hơn.
  • Đó là chuyện ở Mỹ, còn chuyện xả rác nơi công cộng bên kia biển thì sao? Ai cũng biết rác nơi công cộng làm ô nhiễm môi trường (hoặc nếu không biết nhiều chữ nghĩa thì cũng hửi được mùi thối tha, phải không). Thế sao xả rác nơi công cộng vẫn là chuyện nhức nhối cho quê hương tôi? Có những phong trào tự nguyện nhặt rác sau mỗi tết lễ/hội hè mà sao rác vẫn lềnh bênh trên sông, trên biển, vẫn tràn lan trong xóm, ngoài ngõ? Có nơi có lúc, rác phủ ngập bảng cấm đổ rác!!! Đổ cho nhà nước? Đổ cho người dân (thiếu ý thức)? Bê ơi, đổ cho ai thì cũng đúng hết; nhưng... "rác vẫn còn đây..." (1). Đệ xin đề nghị là đồng hương nào có trọng trách hoặc có lòng muốn làm sạch thành phố thì xin nghĩ tới Critical Mass. Phải thí điểm xem ngưỡng không xả rác nơi công cộng tại các thành phố ở Việt Nam là khoảng bao nhiêu phần trăm dân số. Hình như Đà Nẵng hoặc Nha Trang hiện giờ khá sạch, thì phải. Sau khi biết được CM không xả rác nơi công cộng thì mới đặt luật lệ, mới kêu gọi, mới khuyến khích, mới ép buộc, mới xử phạt, mới giáo dục, mới... vân vân và vân vân. Tất cả các biện pháp trên phải nhắm vào việc làm cho số người không xả rác nơi công cộng đạt được CM. Khi nào đạt được CM thì chuyện không xả rác trở thành thói quen mới, thôi. Điểm này rất quan trọng và nói theo chữ nghĩa quân sự là phải tạo ra các mũi tiến công, nhắm vào các đối tượng/thành phần nào giúp ta đạt được CM chứ không mơ mộng với luật lệ nhắm vào 100% dân số. Get it?
  • Lý thuyết về CM được ứng dụng vào thương mại như cách bảo vệ thương hiệu nhưng không phải là trọng tâm bài này. Còn ứng dụng vào đâu nữa thì chắc Bê phải đoán thôi.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Trên sáu mươi năm cuộc đời thì chắc Bê phải có lúc sống trong không khí trong lành, sống nơi đất lành chim đậu rồi.
(1) Nhái tên bản nhạc cải lương: "Tình vẫn còn đây". Cũng là tên Việt của một phim bộ Đài Loan.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

B. Wikipedia - Critical mass (sociodynamics)
C. Women in the United States Navy

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

Sao Chỉ Heineken? Cập Nhật II

Thân chào các Bê (*),

Hôm nay lại viết lăng nhăng về đề tài bia. Không khéo có người tưởng Đệ là bợm nhậu thứ thiệt! Không phải đâu là không phải đâu! Đệ chỉ là người... nhiều chuyện; nên khi thấy bạn bè ca tụng bia Heineken quá thì mới tò mò thắc mắc và tìm hiểu thêm về bia, rượu... cho biết với đời!

Dạ, dạ Đệ xin vào đề....

Nếu Bê là người tuân theo "khuôn vàng thước ngọc" như "Ăn cơm Tàu; Ở nhà Tây; Lấy vợ Nhật" thì chắc là khi uống bia thì phải chọn bia Đức. Bia Đức được đồn thổi quá nên ai cũng mạnh dạn tuyên bố là "Tôi... mê bia Đức! Tôi chỉ uống Heineken!!!"
What? Heineken không phải là bia Đức, thưa quý vị!
Đã đành là Heineken có sức tiêu thụ lớn nhất thế giới nhưng Heineken là bia sản xuất từ Hòa Lan (Holland) chứ không phải là bia Đức theo cái nghĩa là bia sản xuất tại Đức (nhất là vùng Baravia, xứ sở của bia Đức) và bởi người Đức (1). Chất lượng của bia chịu ảnh hưởng rất lớn từ nguồn nước (pure water source) dùng để nấu bia nên nơi sản xuất rất quan trọng (2). Bê nào thích Heineken thì cứ thích thôi! Đệ không có quyền lực gì mà xen vào; vả lại bia Heineken là bia mà BB thích nhất nên Đệ không "ngu" gì mà phản đối bia này, phải không các Bê!
Bài này chỉ có mục đích nêu lên một chuyện: "Ngoài Heineken, còn có rất rất nhiều loại bia (beer types), từ nhiều quốc gia (international/multinational beers), từ nhiều nguồn nước (water source để nấu bia)". Sao lại chỉ chuộng bia Heineken? Thói quen?  Thời thượng? Hay là chỉ dựa vào quảng cáo nên chỉ biết sản phẩm nào quảng cáo, khuyến mãi mạnh nhất?

Phiếm

  • Thói quen: Quen uống Heineken để thể hiện đẳng cấp thì là một vấn đề có lẽ cần xét lại. Nếu Bê quen một loại bia nào đó và rất thoả mãn với chất lượng của nó thì xin cứ tự nhiên cho. Nhưng nếu chỉ để thể hiện đẳng cấp thì nên cẩn thận khi thời trang/thời thượng (à la mode; the "In's") có thể thay đổi hồi nào không hay. Và nếu, thí dụ như, mình thích bia nào ngọt hơn (hoặc đắng hơn) Heineken mà vì thói quen và áp lực xã hội nên vẫn không rời được Heineken thì quả là phí cả đời.
  • Vì đi đâu, ở đâu cũng thấy quảng cáo một loại sản phẩm nên mình cũng theo? Ở bên kia biển gọi cái này là chủ nghĩa "bầy đàn" (chắc là dịch từ chữ herd mentality). Thật ra chủ nghĩa này có cái hay là nó giống đồ ăn làm sẵn, người "theo" chỉ việc ăn và mọi người chấp nhận là người "theo" thuộc loại... chơi được. Hay ở chỗ chất lượng được nhiều người thử và bằng lòng dùng nên mình khỏi phải tìm tòi, thử nghiệm. Dở ở chỗ là nếu người "bầy" (người quảng cáo) có mục đích vụ lợi mà bầy ra thì ăn theo, uống theo, chơi theo là... dại. 
Cứ nhìn vào lịch sử của bia (phụ chú B) và bản phân loại các loại bia (phụ chú C) thì Bê chắc thấy là bia có khoảng ba nhóm chính: Ale, LagerStout/Porter (tùy theo cách phân loại; ở đây Đệ chỉ cho là ba nhóm chính nên có thể người sành bia/rượu sẽ không đồng ý nếu dùng tài liệu khác). Thí dụ như theo wikipedia tiếng Việt thì chỉ có hai nhóm chính là Ale và Lager (phụ chú E). Đa số bia Mỹ (và bia Heineken) là từ nhóm Lager gọi là Pilsner (Pilsener)-phát xuất từ thành phố Plzeň, ở Cộng hòa Séc (Tiệp Khắc). Vả lại theo nhiều "chuyên gia" nửa mùa (semi-pro) mà Đệ quen biết thì nhất hạng không phải là bia Đức mà là bia làm tại Bỉ (Belgium). Cái này là ý kiến các cá nhân này chứ Đệ không có thẩm quyền để xác định là họ đúng hay không (phụ chú J; trong danh sách này có nhiều bia là Trappist (nói ở phần phiếm bên dưới).

Lại Phiếm

Thử bia.
  • Bia từ nhóm Lager rất phổ thông nhất tại Việt Nam (mà mình thường gọi là "la de"); nhưng đối với thế giới thì Ale và Stout cũng phổ thông không kém. Có lẽ vì độ đắng của Ale và Stout thường khá cao nên không được chuộng tại Việt Nam. Nếu có dịp thì Bê nên thử EPA (Extra Pale Ale) hoặc IPA (Indian Pale Ale) xem, biết đâu lại thích bia đắng hơn "la de". Còn Stout thì xin thử Stout của Ái Nhĩ Lan (Irish Stout) Guinness Draught (phụ chú I). 
  • Nói đến bia thì phải nói đến cách uống.  Ở Mỹ, bia thường được uống lạnh; nhưng xin đừng uống với đá cục vì làm loãng bia và nước đá có thể có mùi thịt cá trong tủ lạnh hoặc không sạch (3). Chai hoặc lon được làm lạnh bằng cách ướp đá trong tủ lạnh hoặc bình đựng đá (cooler). Nhà hàng tại Mỹ thì cung cấp ly được ướp lạnh cùng với chai bia cũng ướp lạnh. Tại Âu Châu, thì bia phần lớn uống ở nhiệt độ  bình thường
  • Còn cách rót bia thì... đủ kiểu, đủ trò mà người rót bia chuyên nghiệp khá là nghiêm chỉnh trong kiểu cách rót bia của họ (phụ chú K).
  • Có quán bia còn giữ truyền thống bia loại nào thì dùng ly có nhãn hiệu loại bia đó. Truyền thống này rất đáng trân trọng (xem hình Sam Adams bên dưới hoặc vào đường dẫn Beer Glass - Free images). Tiếc thay là Mỹ Nhân (người Hoa Kỳ) chế thành công loại nhôm tráng men plastic hoặc sáp ở mặt trong của lon nên thực phẩm và bia trong lon không có mùi kim loại. Sáng chế này thật đáng phàn nàn nếu chỉ nghĩ về bia: không có gì thiếu thẩm mỹ bằng mời tri kỷ uống bia trong lon! Bí quá thì xin quân tử rót bia từ lon ra ly một cách kín đáo và mời bạn bằng ly, nhe!
  • Cách thử bia thì là một đề tài riêng nên Bê nào muốn biết thêm thì vào phụ chú D và F. Đại khái thì phải có nhiều loại bia (thường là từ ba đến sáu loại) sắp xếp theo loãng trước đậm đặc sau, ngọt trước đắng sau, vân vân... Bê nên nhớ là thử là thử cho mình xem mình thích loại nào, thứ nào. Cùng thử mà người thích thứ này, kẻ thích thứ khác là chuyện bình thường.


  • Nói đến bia, rượu mà không nói tới Thiên Chúa Giáo thì e có phần thiếu xót.  Khi nào trong thực đơn nhà hàng, quán nhậu có bán Trappist bia và phô mai thì xin Bê tạm quên Heineken dùm Đệ mà thử bia và phô mai của các cố đạo dòng Cistercian/La Trappe (Cistercian order). Lịch sử dòng Trappist khá phức tạp mà cũng không là đề tài của bài này nên xin các Bê nào thích biết thêm về dòng tu này thì Gúc Gồ Cistercian, La Trappe, hoặc Cîteaux thì tha hồ mà đọc. Đệ đã thử bia Trappist nhưng chưa có hân hạnh nếm Trappist cheese. Bia rất ngon và nổi tiếng toàn cầu. Lạc đề: không biết có phải đời sống đơn giản và khổ hạnh mà các Cha, các Sœur làm bia, làm rượu, làm phô mai ngon tuyệt không? Đùa vậy thôi chứ Đệ biết là các dòng tu Công Giáo có truyền thống lâu năm trong việc tự sản xuất thực phẩm và các sản phẩm thủ công nghệ với phẩm chất rất cao. Bê mà ở Pháp hoặc có dịp đi Tây thì xin xem/nghe bài Pháp : Sản phẩm nhà dòng ngày càng quyến rũ của đài Pháp Quốc Quốc Tế (RFI).
  • Nói đến bia mà không nói tới Micro Brewery (Hãng bia tầm trung; thường sản lượng chỉ 1,8 triệu lít một năm hoặc ít hơn) thì thật là thiếu xót. Hãng lớn (Mega Brewery) như Heineken, Anheuser-Busch (Budweiser), vân vân thì vì nổi tiếng và quảng cáo nhiều nên số bán thì khỏi nói rồi. Nhưng hãng bia tầm trung mà sống được nhiều năm thì Bê nên uống thử; phải có chất lượng và ưu điểm nào đó mà hãng tầm trung mới cạnh tranh được với các hãng lớn, phải không? Trường hợp Samuel Adams có thể nói là từ nhà bếp, đến hãng tầm trung và phát triển đến mức doanh thu khoảng 1 tỷ USD thì mới thấy là bia không phải là đặc quyền của các anh lớn như Heineken đâu.
  • Samuel Adams - Boston Lager là bia Mỹ chính cống nhưng phẩm lượng có thể sánh với bia Âu Châu

     LTS (tắt của "Life's Too Short") một công ty bia non trẻ do hai kỹ sư IBM quyết định bỏ nghề vi tính để theo đuổi ước mơ làm bia. Craft beer ở đây rất ngon.
  • Boston Beer Company (Samuel Adams) rất hãnh diện với lý lịch là từ nhà bếp nhỏ sản xuất "craft beer" nên chúng ta nên tìm hiểu chút ít về craft beer. Phụ chú L cho chúng ta định nghĩa chính xác về craft beer; nhưng đại khái là muốn được gọi là craft beer thì phải hội đủ ba điều kiện: 
    1.  Dưới sáu triệu thùng (6 million barrels) mỗi năm.
    2. Hãng độc lập (dưới 25% cổ phần từ các hãng bia lớn). Điều nay hay thay đổi vì các anh lớn cứ thấy hãng nhỏ nào ăn nên làm ra thì cứ tìm cách mua lại và sau đó lũng đoạn và bắt em mới nhập gia thì phải phục tùng.
    3. Hãng phải coi bia như sản phẩm với chất lượng và nấu bia theo truyền thống và sáng tạo làm tăng phẩm chất chứ không sáng tạo để tăng sản lượng và doanh thu.
  •  Ở thành phố Đệ đang ở có ba bốn cái craft beer companies nên cũng rất tiện nếu muốn thử craft beer. Thường hãng craft beer mà sống quá hai, ba năm thì sẽ rất đáng thử.
  • Còn nhiều điều muốn nói về bia nhưng chắc để khi khác vậy: bia Lambic có phải là bia không? thú "chơi" bia bằng cách trao đổi trên mạng xã hội (qua Untappd), vân vân...
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân. Hơn nữa có "dô, dô" thì xin đừng lái xe sau đó mà... mất vui.
Thân,

Chú thích:

(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Các Bê nào mê bia thì coi chừng có "beer belly" (bụng bia) đó. Xin đọc thêm The Truth About Beer and Your Belly - By Kathleen M. Zelman, MPH, RD, LD
(1) Sự nhầm lẫn này có lẽ từ chữ Dutch và chữ Deutsch; nhưng mà thôi ở đây xin không phân biệt hai chữ này.
(2) Điều này cũng giống như vấn đề "thổ nhưỡng" (terroir) trong việc trồng nho để làm rượu vang. Nguồn nước rất quan trọng vì khoáng chất trong nước và độ axit-kiềm (pH) của nước ảnh hưởng rất nhiều vào phẩm chất của bia. Điều này cũng nói lên là nếu một hãng bia nổi tiếng nào đó xây dựng nhà máy sản xuất bia tại nên khác với nơi gốc thì khi mua bia của hãng này xin Bê xem cho kỹ là sản xuất tại đâu (nếu họ thành thật khai báo).
(3) Khác với "whiskey on the rocks" (whisky uống trong ly có đá cục), xin đừng bỏ đá cục vào bia!!! Lại nữa, ngay như whiskey on the rocks thì đá cục này phải mua từ tiệm rượu chứ không ai dùng đá cục từ tủ lạnh, vì đá cục ở đây làm riêng để uống bia rượu.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. History of Beer part 1 of 6
C. The Taxonomy Of Brewing: 500 Beers On One Ridiculous Chart
D. For The Love Of Beer - Beer Types
E. Wikipedia - Bia (đồ uống)
F. How to Review a Beer
G. Oktoberfest
H. The International Trappist Association
I. Things You Don't Know about Guinness Beer
J. Top rated Belgian Brewers
K. Beer: the Perfect Pour
L. Craft Beer: What Is It, Anyway?