Hôm nay xin mở đầu bài blog với một câu hỏi:
“Trên đường xa lộ, đến ngã tư có bảng STOP (chiều cắt ngang không phải ngừng), vào ban đêm, bạn lái xe có cần phải ngừng không khi nhìn thấy không một ánh đèn xe (car headlights) ở cả hai chiều của đường cắt ngang?” Đây là tình huống xảy ra rất nhiều tại Hoa Kỳ. Câu hỏi cũng có thể áp dụng trong trường hợp ở sa mạc, dù là ban ngày.
Câu trả lời là CÓ: bạn phải FULL STOP (ngưng hoàn toàn) dù là đoán chắc là không có xe chạy đường cắt ngang. Có rất nhiều người xứ khác chế diễu người Mỹ là tuân thủ luật lệ một cách mù quáng.
Tại sao lại… dở hơi, như vậy?
Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Không dở hơi đâu! Vì nhiều lý do:
- Vẫn có thể bị phạt nếu xe cảnh sát "núp" ở gần đó mà tắt đèn hoặc bạn không thấy. Phụ chú C là tiền phạt vượt bảng STOP tại California. Mức phạt có thể tới $238 mặc dầu Bê có thể nhờ luật sư tranh tụng để không phải nộp tiền phạt.
- Vẫn có thể gây tai nạn nếu không dừng vì không cứ là chiều cắt ngang phải có xe mà có thể là người đi bộ hoặc có xe chạy nhưng quên bật đèn (vào đêm sáng trăng thì quên bật đèn là chuyện thường).
- Bạn là người tin vào nguyên tắc hoặc có hiểu biết: không lý do gì mà không ngừng khi có bảng STOP.
Phụ chú B là bài báo tại Việt Nam với luận điểm là người Việt Nam sao không bắt chước người Nhật trong việc giữ kỷ luật; ngay cả khi đi di tản (để tránh sóng thần, Tsunami) họ cũng không chen lấn.
Phiếm
- So sánh người Nhật (hay người nước khác) với người Việt mới thật sự là dở hơi! Người Việt sẽ không bao giờ làm theo một cách hành xử văn minh của người nước ngoài nếu cách hành xử đó không thích hợp với phong thổ Việt Nam (1). Nói như vậy không có nghĩa là người Việt kém văn minh. Người Việt có lẽ là còn văn minh hơn ai hết. Chỉ không giữ kỷ luật là tại vì thế này, thế kia mà thôi.
- Người Việt rất ghét cái thói dạy đời từ người khác; nhưng lại cũng rất thích dạy đời người khác.
- Cứ nhìn người Việt tại Hoa Kỳ (nhất là nơi có ít người Việt) thì thấy chúng ta "văn minh" không thua gì người bản xứ. Chúng ta cũng tuân thủ luật lệ, phong tục xã hội như ai! Thậm chí còn... khinh những dân tộc khác (cũng sống tại Mỹ) mà không giữ kỷ luật. What's going on?
- Té ra là không phải là bản tính người Việt là vô kỷ luật! Xã hội (và chính quyền) đóng một vai trò rất lớn trong vấn đề dân sinh/dân trí/dân quyền.
- Chuyện thật xảy ra tại Việt Nam khi một ông Đại tá Quân Đội Nhân Dân (nhưng đã hồi hưu) ngồi sau xe do người cháu chở, cả hai bác cháu ngừng ở ngã tư khi đèn đỏ và chết thảm vì xe tải phía sau không dừng kịp và càn lên chiếc xe máy làm chết hai bác cháu tại chỗ. Đúng là đánh Đông, đánh Tây thì không chết mà chết vì cái lỗ chân trâu.
- Té ra là người Việt không ngừng đèn đỏ vì không muốn chết (hoặc chí ít thì cũng bị người khác chửi là: đồ hâm!) Người Nhật xếp hàng di tản là vì họ cũng sợ chết và biết rằng là kỷ luật làm tăng xác xuất sinh tồn trong trường hợp đông người.
- Cha mẹ mà hay so sánh con người khác với con mình là KHÔNG BAO GIỜ nên làm; đặc biệt là để khuyến khích con mình. Ngày còn nhỏ, bố mẹ Đệ cứ nói: "Con có thấy con ông A, bà B, không?" Đệ nghĩ trong đầu: "Dạ không. Con có thấy con ông C, bà D thôi. Thằng này dốt hơn con, nhiều lắm!" Nghĩ vậy nhưng không dám nói đâu!
Phiếm... Loạn
- So sánh để mà chứng tỏ ta đây học rộng hiểu sâu mà thôi thì xin đừng. Nhà báo và người đọc có tranh cãi thì cũng là vô ích mà có khi còn tạo phản ứng ngược. Vả lại thì so sánh giữa hai thực thể có nền tảng hoàn toàn khác nhau là không mang tính khoa học, hay ta còn gọi là so sánh khập khiễng.
- So sánh mà để đưa tới hành động, đến thi hành kế hoạch thì so sánh là cần thiết. VỚI điều kiện là trong phần phân tích của kế hoạch PHẢI nêu lên sự khác biệt giữa nước khác và nước mình. Đặc biệt là những khác biệt khi áp dụng cùng một biện pháp. Thí dụ, ở Nhật có ai phải gào lên là mọi người phải trật tự (khi di tản) đâu! Mọi người "nhìn ra vấn đề" trước khi có cảnh báo sóng thần, kia mà. Ở Việt Nam, mà gào lên là mọi người phải trật tự thì ai nghe cái thằng... dở hơi! Đặc biệt là cái thằng gào lên lại cũng nhào vào chen lấn!
- Nên nhớ là mục đích chính là gì. Thí dụ là chuyện giao thông thì mục đích chính không phải là tuân thủ luật giao thông hay đèn đường mà mục đích chính là AN TOÀN GIAO THÔNG (không có tai nạn) và DI CHUYỂN HỮU HIỆU (không kẹt xe), có phải không? Người Nhật, người Mỹ chọn cách tuân thủ luật lệ vì luật lệ và trật tự đã làm đúng chức năng là tránh kẹt xe, tránh tai nạn, cũng như là dành sự công bằng cho người tham gia giao thông.
- Ở Việt Nam, luật lệ thì đối với "một bộ phận không nhỏ" là vô lối và vô lý. Rồi người có chức, có quyền thì không cần tuân thủ pháp luật. Vậy thì kêu gào tuân thủ luật lệ để bảo đảm AN TOÀN GIAO THÔNG và DI CHUYỂN HỮU HIỆU đâu có thành công! Đã vậy mà còn muốn so sánh với xứ khác thì thật là phản cảm.
- Cái gốc của vấn đề là quan dốt thì dân không tin. Dân sẽ dựa vào khả năng sinh tồn, vào năng khiếu vận hành xe cộ (vũ khí có khả năng giết người; lethal weapon) để MONG bảo đảm sự DI CHUYỂN HỮU HIỆU cho chính mình và khái niệm TẬP THỂ trở thành chuyện dở hơi.
- Chữa cái gốc của căn bệnh thì mới mong khỏi bệnh, Bê ơi! Nếu người Việt Nam không muốn đụng tới cái gốc thì còn kẹt xe dài dài, còn ngập nước mênh mông. Your choice!
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,
Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Già rồi mà ra đường thì bọn trẻ có nhường nhịn mình đâu. Chúng còn cằn nhằn là già rồi còn ra đường làm gì!
(1) Ngoại lệ là những thói ăn chơi, thói xấu của người nước ngoài.
Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Người Nhật luôn xếp hàng kể cả trong thảm họa, còn ta?
C. Stop Sign Tickets