Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2020

Primum Non Nocere -- Xin Cẩn Trọng

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay vì đi làm răng nên có thời giờ mà viết lăng nhăng. Chuyện thì cũng có phần liên quan tới Nha Y Dược hay nói chung là ngành thuốc: primum non nocere (ngạn ngữ La tinh này có lẽ là  câu chữ La tinh đầu tiên mà sinh viên  Nha Y Dược phải biết).

First, do no harm!
Premièrement ne faites pas de mal!
Trước tiên là không làm thêm bệnh!
Bác sỹ khi chữa bệnh thì đầu tiên là thực hành châm ngôn: không làm bệnh nhân bệnh nặng hơn hoặc thêm bệnh mới. Lời dặn dò này hợp lý và tưởng là dễ nhưng thật là không dễ chút nào. Thầy thuốc (Bác sỹ, Nha sỹ và Dược sỹ) thường có tham vọng và tự tin (sau bao năm học và sau bao nhiêu tiếp xúc với bệnh nhân... dễ tính!) 


Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Thật thì châm ngôn này có thể (và phải áp dụng) cả trong những lãnh vực khác, ngoài ngành thuốc. Nhưng ở đây Đệ xin chỉ giới hạn bài viết vào ngành thuốc và hơn nữa trong một số điểm sau đây:
  • Đệ không nhớ là khi mình còn ở Việt Nam, khi mình đi gặp Bác sỹ, thì các ông các bà này có giải thích cho bệnh nhân là họ sẽ làm gì trong quá trình trị bệnh cũng như những rủi ro có thể xảy ra với giaỉ phẩu, với thuốc? Ngày nay tại Mỹ thì điều này là bắt buộc (mandatory) Bác sỹ phải cho bệnh nhân biết trước họ sẽ làm gì, rủi ro ra sao và bệnh nhân có cho phép không. Tại Mayo Clinic, nơi thành phố Đệ ở: trước khi giải phẩu là có từ tám tới hơn chục toán nhân viên khác nhau tới kiểm tra và ký tên xác nhận.
  • Cô Nha sỹ trước khi xịt hơi vào răng của Đệ cũng phải nói là; "Tôi sẽ thổi hơi vào răng của ông; ông có thể cảm thấy lạnh ở răng, nghe!"
  • Nói về thuốc thì không biết bao nhiêu sự việc đáng tiếc xảy ra hàng ngày vì lộn thuốc. Đệ còn nhớ Dược khoa Sài Gòn bắt sinh viên
    - Đọc nhãn chai thuốc trên kệ
    - Dùng tay phải mang chai thuốc xuống
    - Chuyển chai thuốc từ tay phải sang tay trái và đọc nhãn lần thứ hai
    - Lấy thuốc
    - Đọc nhãn chai lần thứ ba khi trả chai thuốc trở lên kệ.
  • Luật Mỹ không cho đặt tên thuốc quá gần nhau dễ gây nhầm lẫn.
  • Không phải Dược sỹ không được phát thuốc
  • Việc giới thiệu những bài thuốc thần tràn lan trên mạng là một vấn nạn cho nhân loại. Người giới thiệu thường có lòng tốt nhưng thật tình mà nói là thường không đủ kiến thức y học. Có những bài nói tới cách trị bệnh Gout, Parkinson's, loét bao tử, vân vân và người đọc thường là tin và áp dụng không suy nghĩ!
    Không tự đặt câu hỏi là sao phương thuốc hay thế mà Bác Sỹ Y Khoa không biết, ngành Y Khoa Tây Phương không biết!!! Cái khó là Y Khoa chân chính chữa bệnh-nhân-có-bệnh chứ không chữa bệnh: có nghĩa là bài thuốc có thể tốt cho bệnh nhân A có bệnh Z chứ không chắc là tốt cho bệnh nhân B có cùng căn bệnh Z. Những bài thuốc trên Internet thường là không quan tâm gì đến những yếu tố riêng tư của mỗi bệnh nhân như cân nặng, dị ứng với đồ ăn, với thuốc, có thêm bệnh khác hay không. Thí dụ bệnh nhân A không bị loét bao tử nên dùng thuốc này thì hết; nhưng bệnh nhân B, ngoài cái bệnh giống bệnh nhân A, còn thêm cái bao tử bị loét nên uống thuốc trên không những không khỏi mà còn bệnh thêm.
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Xưa nay, Đệ đây sợ nhất là những người biết 50% (biết mà không biết hoàn toàn). Khoa học khác với kiến thức phổ thông ở chỗ khoa học bị kiểm định chặt chẽ với các phương pháp giám định bởi cộng đồng khoa học. Kiến thức phổ thông thật giả thì ai kiểm chứng đây?

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

1 nhận xét:

Bạn học ĐHDK 1972-1978 nói...

Cám ơn Anh Trần Thủ Hoà đã nhắc lại những việc này. Ở đây (Pháp) nhưng cũng có người không hẳn tôn trọng triệt để những nguyên tắc như anh vừa kể . Có Bác sỹ chuyên nuôi bệnh, Pharma cie thì có người còn lấy lại những hộp thuốc bán ra nhưng bệnh nhân không xài hết đem nộp lại cho Dược phòng để thiêu huỷ, có Nha sỹ khuyên bệnh nhân "cưa răng thật " đi để trồng răng giả dù là có những phương pháp khác tốt hơn để có thể chữa răng .v.v.

Thấy bất mãn nhưng mình bây giờ không phải trong nghề nên cũng không đóng góp được gì, ngành y bị tụi trẻ "bỏ rơi " đi theo học về thương mại+ IT kiếm nhiều tiền hơn+ dễ hơn, nên chính phủ Pháp khuyên khích rất nhiều các BS-DS-NS ở các nước Đông Âu đến làm việc.
Chúc Anh và gia đình một năm Canh Tý 2020 tràn đầy Hạnh Phúc -Bình An và Vạn Sự Cát Tường.
HiệpMinhTú và các con