Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

Quên

Thân chào các Bê (*),

Hôm nay xin viết về một đề tài cũ: bệnh lãng trí ở người già. Đề tài thì không mới nhưng thông tin thì lại có phần phấn khởi vì tin tức lạc quan: không nhớ việc, ngay trước đó, thì không chắc là triệu chứng khởi đầu của hội chứng Alzheimer's

Theo nhà khoa học Lisa Genova thì không nhớ một số việc mình vừa tính làm là chuyện... bình thường ở tuổi già (hay ở bất cứ tuổi nào). 

Tuy nhiên, Alzheimer's là một vấn nạn lớn cho người già và Đệ rất quan tâm về vấn đề y tế/xã hội này; nên xin lại viết lăng nhăng...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

Mở đầu bài này, xin lấy một trường hợp mà chắc ai cũng biết là người lái máy bay quân sự hay dân sự thì cũng phải dùng "checklist" (liệt kê các việc phải làm) trước khi bay cũng như trước khi hạ cánh. Các qui trình (procedure) này đòi hỏi người phi công phải dùng cái checklist chứ không được phép dùng trí nhớ của mình (mặc dầu họ là những người có trí nhớ và trí thông minh từ trên trung bình cho tới cực giỏi.) 
Tại sao? Tại vì nghiên cứu cho thấy là đã là con người thì sẽ có lúc quên, có lúc sai lầm. Dựa vào trí nhớ của mình tưởng là hay nhưng lại là việc làm tắc trách (trong nhiều trường hợp; nhất là việc làm quan trọng như bay máy bay với cả trăm sinh mạng trên máy bay).  

Bài nói chuyện trong TED của nhà khoa học Lisa Genova cũng xác quyết là không nhớ là chuyện bình thường của não: đơn giản là vì có nhiều chuyện, não không ghi nhận (recording) lại. Đã không ghi thì làm sao nhớ?

Sao lại không ghi? Não quyết định không ghi nhớ vì não không có khả năng ghi nhớ từng giờ từng phút, 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần trong đời sống chúng ta.

Bài nói chuyện khá dài nhưng có vài điểm xin nêu ra đây:
  • Não chỉ ghi nhớ nếu chúng ta chú ý, chú tâm vào một vấn đề nào đó.
  • Nhiều vị có cảm tưởng là mình yếu kém, mình gian lận khi mình phải viết ra những điều mình muốn làm. Trái lại, viết ra cái danh sách mình cần làm là một việc chứng tỏ sự nghiêm túc của mình.
  • Khi đã quên thì đừng tài khôn mà đoán. Thí dụ không nhớ tên tài tử đầu tiên đóng phim James Bond thì đừng du mình vào chỗ đoán mò là hình như tên ông có chữ... Conway thì phải. Khi đã vạch ra đường mòn Conway thì đầu óc mình cứ cố đi theo hướng đó. (Genova gọi cái này là "ugly sister"). Thứ nhất, quên tên một tài tử không có gì là quan trọng (chỉ làm tổn thương tự ái của mình nếu mình từng được tiếng nhớ dai). Thứ hai, ngày nay muốn tìm ra tên người tài tử này thì chỉ cần giao cho ông Gúc Gồ.  
  • Nếu quên thì trở lại "hiện trường", khung cảnh của nơi phát sinh ý định làm gì đó sẽ giúp ta gợi nhớ lại ý dịnh. Thí dụ lúc trong phòng ngủ thì tính là qua phòng làm việc để lấy thuốc uống. Qua tới phòng làm việc thì không nhớ là mình tính làm gì ở phòng làm việc. Điều cần làm là trở về phòng ngủ; may ra thì mình sẽ nhớ ý định là qua phòng làm việc lấy thuốc uống. 
  • Vậy thì có cần kiểm tra, theo dõi sức khỏe tâm não của mình không? Chắc chắn rồi! Bạn phải nói chuyện với Bác Sĩ của bạn. Quá trình xác định Alzeheimer's là một quá trình theo dõi và thử nghiệm lâu dài với sự giúp đỡ của Bác Sĩ chuyên môn chứ không phải là quên việc này, việc kia mà vội kết luận. Nhiều khi Bác Sĩ phải nói chuyện với người nhà của mình để so sánh kiểm chứng.
    • Khi không nhận ra chiếc xe mình đang đậu trong bãi đậu xe thì nghiêm trọng hơn là quên một việc tính làm. 
    • Khi không nhận ra người thân mà mình gặp thường xuyên thì nghiêm trọng hơn là không nhớ tên người mà mình gọi là Cậu Năm. 
Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì người già hay quên như chúng ta cũng đang có sự trô giúp:
  • Điện thoại thông minh (smartphone) thường có ứng dụng "calendar" (lịch) mà mình có thể dùng calendar để nhắc nhớ cho mình ngày/giờ (trong tương lai) mà mình phải làm việc gì.
  • Calendar, không chỉ có trong smartphone, mà còn chứa thông tin qua nhiều giao diện (interface) mà mình dùng. Trong trường hợp Bê dùng ứng dụng calendar của Google, chẳng hạn, thì calendar lưu hành thông tin qua tất cả các giao diện mình có. Thí dụ, Bê thiết lập một "reminder" (nhắc nhớ) trong ứng dụng calendar trên máy tính bàn (desktop Windows) thì tự động cái reminder này cũng xuất hiện trên phone và sẽ gởi email cho mình (nếu mình muốn).
  • Calendar event (Sự kiện với ngày/giờ) có thể được cấu tạo (create) là sự kiện xảy ra hàng ngày/hàng giờ/hàng tháng/hay ở một số ngày/giờ nhất định (repeating events). Cái này Đệ xài khá nhiều, thí dụ như tạo calendar events để nhắc mình đặt mua qua mạng (order on line) đồ lọc không khí cho máy sưởi trong nhà mỗi ba tháng. chẳng hạn.
  • Một thí dụ nữa là ở bệnh viện mà hai vợ chồng Đệ đi khám thường xuyên. BV có làm một ứng dụng cho máy tính/tablet/phone gọi là Mayo Clinic Portal (MCP). Ứng dụng này tồn trữ tất cả chi tiết thông tin liên quan tới mình và cả những ngày hẹn đi BV. Ứng dụng MCP còn có cái hay là nó hỏi mình có muốn sao chép (copy) những ngày hẹn qua Calendar không. Khi trả lời có thì gần đến ngày hẹn, Calendar sẽ nhắc mình.
  • Smartphone còn có thể dùng để nhớ vị trí mình đậu xe (với điều kiện mình nhớ bảo cái phone nó ghi nhớ chỗ đậu :-) ). Chuyện này thì hơi khó! Đệ không làm việc này vì Đệ có gắn vào xe một bộ phận (device) của T-Mobile gọi là SyncUp Drive. Phone dùng ứng dụng SyncUp Drive thì sẽ chỉ cho Bê biết xe đang đậu ở đâu.
  • Quên không nhớ hôm nay mình uống thuốc chưa: dùng cái hộp đựng thuốc có đề ngày trong tuần. Cái hình thí dụ ở phụ chú C hoặc tìm "Medication organizer" hay "Pill organizer"
Điều mà Genova nhấn mạnh là muốn trợ giúp cho trí nhớ thì mình phải ngủ đầy đủ và phải học hỏi điều mới thì não mới phát triển (cố gắng nhớ điều cũ không có ích cho não nhiều).

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Đôi khi chỉ muốn quên bớt những ưu phiền của đời sống.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. How your memory works — and why forgetting is totally OK

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021

Lạm Dụng

Thân chào các Bê (*),

Hôm nay xin viết về một loại thuốc mà có một thời, nam giới ở Việt Nam (và nhiều nơi trên thế giới) đồn thổi là hiệu nghiệm vô song, là cứu tinh của nam nhân, vân vân... Testosterone là loại thuốc được nhắc tới như thần dược sẽ chắc chắn hồi phục nam tính cho người đàn ông đang trên đường chậm lại... về libido. 

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Bài này không nói về libido mà muốn dùng Testosterone như là một ví dụ khi người tiêu dùng xử dụng sai với ý định của ngành Y trong nỗ lực trị bệnh: Testosterone được Bác Sĩ  chỉ dịnh dùng cho người cần lượng Testosterone cao hơn mà cơ thể họ có thể sản xuất. 
Phụ chú B có nói tới hypogonadism (bệnh nhân bị suy sinh dục do cơ thể hoạt động không bình thường) hội chứng này thường do rối loạn não hoặc tuyến yên (pituitary gland)/tinh hoàn (testicle). Chỉ định là như vậy nhưng không biết làm sao mà nhiều người đồn thổi lên là chích Testosterone thì... sung hết biết. 
Càng chích càng phải chích thêm, dẫn đến phụ thuộc vào nó, dẫn đến lạm dụng. Theo Đệ thì điều này dễ hiểu, với nam giới, libido theo thời gian tăng lên khi trưởng thành nhưng rồi sẽ giảm theo thời gian (thiên nhiên cho rằng quá tuổi sanh sản thì đâu cần nữa!). Khổ cái là người, ông không chịu! Đang... mà bây giờ...! Thế là... vái tứ phương. Thế là chạy tới "thằng" bạn Bác Sĩ xin chích Testosterone.

"People who have abused testosterone at high doses have also reported withdrawal symptoms, such as depression, fatigue, irritability, loss of appetite, decreased libido, and insomnia, FDA said." (Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cảnh báo: người dùng Testosterone liều cao sẽ có những hậu quả như trầm cảm, mệt mỏi, ngứa ngáy khó chịu, biếng ăn, giảm sinh dục và mất ngủ). Theo Đệ cái nguy hiểm của lạm dụng chích Testosterone còn gây ra một tai hại khác: cơ thể ngưng sản xuất Testosterone vì thấy có nguồn Testosterone từ ngoài vào; thế là các cơ quan trong cơ thể phụ trách sản xuất Testosterone sẽ mất chức năng theo thời gian mà người chích Testosterone sẽ nhận ra và sẽ phải chích thêm Testosterone để bù đắp.  

Chuyện nay tưởng là chuyện "dzĩ dzãng" nhưng ngày này nó tái xuất hiện qua một dạng khác: có người tin là thuốc chủng ngừa Covid, vừa được FDA chuẩn thuận, là an toàn tuyệt đối nên vội vàng tìm cách gian dối mà chích lần thứ ba (cho mRNA vaccine như Pfizer hay Moderna). Chính phủ Hoa Kỳ và cơ quan CDC thì tuyên bố là chỉ nên chích mũi thứ ba sau 8 tháng kể từ lúc chích mũi thứ hai. Xin xem phụ chú C để nghe vị Bác Sĩ nói về liều thứ ba. Bà Bác Sĩ nói là chắc không có ảnh hưởng gì xấu nếu chích mũi thứ ba quá sớm nhưng bà cũng nhấn mạnh là cần nghiên cứu thêm mới biết được.

Đó là nói về Y khoa. Còn nói về xã hội nhân văn thì khai gian là không lương thiện. Thuốc có giới hạn (mặc dầu sẽ không thiếu khi Bê đến lượt chích) nên cần nghĩ tới:
  • Người cần thuốc ngay lúc này (người bị immunocompromised) 
  • Trẻ dưới 12 tuổi.
  • Người ngoài nước Mỹ
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê mà tham thì coi chừng... thâm!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. FDA Warns of Testosterone Abuse
— Adverse events tied to abuse include heart attack, heart failure, and stroke

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

Đăng Gì

Thân chào các Bê (*),

Hôm nay xin viết nhăng về một đề tài mà có thể làm phật lòng một số người: nên đăng (posting) gì trên mạng xã hội như Facebook. Câu trả lời khá là phức tạp...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Vì là mạng xã hội xuất xứ từ Hoa Kỳ nên có thể nói là FB khá là... tư bản trong lề lối làm ăn. Tự do ngôn luận cho phép bất cứ ai đăng gì thì đăng và section 230 (phụ chú B) cho FB tự do trong việc kiểm duyệt (hay không). 

Với nội dung bạo động, dâm dục, tục tĩu, hay vấn đề bản quyền thì khá là rõ ràng để FB cấm. (1) 

Cái không rõ ràng ở đây là vấn đề nêu ra bởi một số người cho rằng người viết không nên đăng một số đề tài vì lý do tế nhị, như thế giới còn quá nhiều những đau khổ nên "xin" mọi người hạn chế những đề tài... phản cảm. 

Cái khó là cái gì thì phản cảm, cái gì thì không. It is in the eye of the beholder!

Vấn đề này rất chủ quan (subjective). Một chuyện mà Bê cho là phản cảm có thể là ok với người khác.
  • Như hình các món ăn, những buổi tiệc, những buổi khiêu vũ, những bằng chứng là người viết đang du lịch, ăn chơi, hưởng thụ. Nặng hơn nữa là cái "tội" khoe quần, khoe áo, khoe xe, khoe máy bay, thậm chí là khoe giàu có, khoe bằng cấp, khoe con, khoe cháu, khoe thành đạt, vân vân... (xem phụ chú C)
  • Một bài hát vui: có người cho là trong cái thế giới sầu thảm này sao lại hát nhạc vui. Có người thì ngược lại mà bảo hát nhạc vui để thế giới bớt thảm sầu. 
  • Thậm chí có người bảo thôi đừng hát nữa: nhạc vui hay buồn gì thì cũng đừng hát vì hát dở quá. Ơ, người ta thấy mình hát hay nên mới đăng, đó chớ!
Thế giới thì luôn có nghèo đói, chiến tranh, chết chóc, thiên tai, nhân tai. Nếu chờ thế giới hòa bình thịnh vượng cho mọi nhà, mọi người (rồi mới được khoe, được nổ) thì chờ tới khi nào?

Theo thiển ý của Đệ thì cứ để mọi người tự do; cá nhân mình không thích xem thì đừng xem (chắc ai cũng biết cách... không xem bằng cách snooze, unfollow, block các bài minh không thích). 
Hãy để mọi người chọn lựa cái mình muốn xem và xin đừng dạy khôn người khác là cái này phản cảm, cái kia không nên đăng, vân vân...(2) Vả lại, con người có khả năng làm nhiều việc, mang nhiều tâm trạng trong cùng một khoảng thời gian và đời thì luôn có buồn vui lẫn lộn. Không có bóng tối thì lấy gì cho thấy giá trị của ánh sáng (và ngược lại).

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê thì dễ thấy cái gì cũng là phản cảm.
(1) Ngài cựu TT bị cấm trên mạng xã hội vì cổ xúy cho phong trào phản dân chủ và bạo động thì cũng là rõ ràng. 
(2) Cái trớ trêu là Bê có thể bảo là Bê có quyền tự do ngôn luận nên Bê có quyền phát biểu là mọi người đừng đăng những đề tài phản cảm. Hừm, Bê có thấy là Bê đang ngăn người khác không được tự do phát biểu hay không?

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

Có Ngu Không?

Thân chào các Bê (*),

Hôm nay xin phá lệ viết về chính trị tại Hoa Kỳ. Từ lâu nay Đệ cứ thắc mắc là sao có những chính khách (politicians) học hành rất khá, tốt nghiệp từ những trường danh tiếng tại Hoa Kỳ, giữ những chức vụ quan trọng trong chính giới Hoa Kỳ, mà lại chống Khoa Học, lại tuyên bố những câu... ngu, không ngửi nổi! Hôm nay mới vỡ lẽ ra là họ không ngu chút nào cả!

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Ngoài vị cựu TT Trump với thành tích nói láo (trên 30,000 lần nói láo, nói khống trong bốn năm cầm quyền) thì chúng ta không ngạc nhiên. 

Thế còn những vị dân cử khác? Là người có ăn học, tại sao mà họ có thể nói những câu trái ngược với Khoa Học hiện đại (thí dụ như tuyên bố bất lợi cho việc khuyến khích người dân chích ngừa, vân vân...). 

Trước khi giải thích tại sao thì xin đơn cử 3 trường hợp (trong số 435 Dân Biểu, 100 Thượng Nghị Sĩ và 50 Thống Đốc): DeSantis (Thống Đốc bang Florida), Kennedy (Thượng Nghị Sĩ Liên Bang), và Hawley (Thượng Nghị Sĩ Liên Bang):
  • DeSantis: Harvard Law, Yale
  • Kennedy: University of Virginia, University of Oxford, Vanderbilt University
  • Hawley: Yale Law, Stanford
Hôm nay nghe bài bình luận của Jim Acosta (phụ chú B) thì Đệ mới ngẫm thấy là mấy ông... cố nội này không có ngu! Nếu ngu thì mấy ông này đã không ở trong thượng tầng lãnh đạo của nước Mỹ!

Trở lại câu hỏi là sao mấy Ngài nói nhiều câu ngu... không chịu được!!! Câu trả lời là các Ngài biết mình nói ngu nhưng đó là cái tính toán của các Ngài: một số không nhỏ cử tri cho là họ nói rất đúng. Mà số cử tri này thì lại sẽ bảo đảm cho các Ngài đắc cử lần tới. Tóm lại là các Ngài thà là mang tiếng ngu chứ các Ngài không muốn mất những cái chức dân cử.

Lỗi là lỗi của những cử tri ủng hộ những luận điệu của các Ngài. Ngày nào mà họ còn cho là các Ngài nói đúng thì các Ngài còn nói... ngu!

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Acosta: People shouldn't have to die so some politicians can 'own the libs'

Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2021

Khác Biệt

Thân chào các Bê (*),
Cả tháng nay, đọc tin tức thế giới và rất lo lắng cho con người trong cơn đại dịch Covid. Đệ vẫn biết là mình chẳng làm được gì ngoài cái lo lắng trong lòng. 
Y khoa có thể ngừa và sẽ trị được con vi rút này; nhưng cái không chắc là xã hội con người có sẵn lòng, có quyết tâm để tự bảo vệ hay không? Lâu nay, Đệ đã hứa là sẽ không đá động gì tới cách đối phó của nước này, nước kia với Covid-19: mình không ở nơi đó thì biết gì mà nói... 

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Đó là nói về việc không viết nhăng chuyện bên bờ kia của đại dương; nhưng châu Mỹ nằm giữa hai đại dương: Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, nên xin nhắc lại một sự kiện quan trọng cuối thế kỷ trước. Cái chết của Công Nương Diana tại Paris (chuyện bên bờ kia của Đại Tây Dương). 

Xin nói trước là Đệ nói chuyện đã xảy ra nhiều năm qua và vấn đề vẫn còn trong vòng bàn cãi. Xác định đúng hay sai sẽ là việc bất khả thi. Nên chỉ nói ra đây như là một hướng nhìn tích cực để cải thiện chuyện một hệ thống Y tế trong việc cấp cứu người chứ không nhằm mục đích chê bai, hạ thấp giá trị của nền Y tế một nước nào khác. 

Trước hết xin nói tới khái niệm "golden hour": một số lớn chuyên gia thì cho là 60 phút đầu sau khi người bị chấn thương là thời gian rất quan trọng cho việc áp dụng những phương cách cứu cấp và hồi sinh cho người gặp tai nạn. Lý thuyết này cũng gặp nhiều phản biện cho là không có đủ dữ kiện để đi đến kết luận này. 

Dù gì thì golden hour cũng có phần đúng với người gặp tai nạn xe như Công Nương Diana. Tai nạn quá nặng và đã giết hai người tại chỗ nên việc ổn định tình trạng cho người còn thoi thóp lúc đó là cần thiết. 
Đây cũng là chỗ hai phương án của Pháp và Mỹ khác nhau: Pháp thì làm việc ổn định tại chỗ (hơn một tiếng sau mới vào bệnh viện với "stay and play procedure"); Mỹ thì tìm biện pháp ổn định trên xe cứu thương và chở nạn nhân vào bệnh viện càng sớm càng tốt (nếu nạn nhân cần giải phẩu thì 10 phút đầu sau tai nạn là rất quan trọng nên vào bệnh viện càng sớm càng tốt)

Tranh cãi là ở cái kết quả oan nghiệt: Công Nương Diana qua đời vì tim ngưng đập và mất máu (vết thương nội tạng cũng quá trầm trọng). Một trăm mười phút (110 phút) sau mới tới bệnh viện. Quá trễ trong quan điểm của nhiều chuyên gia. 

Vấn đề là chúng ta không thể chứng minh là trong trường hợp này thì phương cách "scoop and run procedure" của Hoa Kỳ để mang nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt có cứu mạng cho Diana được không. 

Hay là làm theo cách Pháp hay cách Mỹ gì thì Diana cũng chết. Diana cũng đã không thoát khỏi "cái số" chết vì vết thương quá nặng. Ở đây, chúng ta cũng xin không đưa ra một triết lý như sống mà tàn tật thì có tốt hơn là cái chết hay không. Chúng ta chỉ muốn nêu lên vấn đề là golden hour hay 10 phút đầu sau tai nạn có quan trọng như nhiều chuyên gia khẳng định không? Hay là chủ yếu còn tùy thuộc vào vết thương nặng nhẹ và sức (muốn) sống của nạn nhân. Đặt vấn đề thì dễ; đi đến một kết luận thì chắc phải có thêm nhiều nghiên cứu trên bình diện rộng thì trong tuong lai mới có kết luận một cách khoa học hơn bây giờ (1).

Nói chuyện người mà ngẫm chuyện nhà.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Các bác không phải là sợ chết nhưng thật sự là còn bao chuyện muốn làm.
(1) Ở nhiều thành phố của Hoa Kỳ thì luật định là bất cứ nơi nào trong thành phố thời gian chờ toán cấp cứu (Emergency Medical Services, EMS) là khoảng 12 phút là tốt (như San Diego thì quá 24 phút thì hãng xe EMS cấp cứu bị phạt 5,000 USD). Thành phố lớn thì bệnh viện có trực thăng tải thương nếu cần trong trường hợp kẹt xe hoặc ngoài phạm vi thành phố xa bệnh viện (phụ chú E).

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Princess Diana's Death Offers Lessons for Health Care Debate, 12 Years Later