Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

Ad Hominem

Thân chào các Bê (*), 
Trong tiếng La tinh, Ad Hominem được đặt cho một loại ngụy biện (logical fallacy group) trong lý luận. Ad hominem, hay nôm na là công kích cá nhân (thay vì tập trung vào phần phản biện một định đề hay định kiến), mang tính phổ thông một cách khá là đáng kinh ngạc... 

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Tính phổ thông của ad hominem vì:
  • Không những giới ít học dùng mà giới có học cũng thường dùng!
  • Mang tính quốc tế vì trong văn hóa nước nào cũng có người xử dụng nó vì lười suy luận, để không nhận là mình đuối lý.
  • Con người thường không hoàn hảo nên công kích cá nhân là khá dễ dàng (so với vận dộng trí não để tìm ra cách phản biện đúng đắn).
  • Người nghe lại có khuynh hướng đồng tình với người dùng ad hominem (vì nghe được cái "xấu" của người khác).
Thí dụ thì khá nhiều, Bê nào có thì giờ thì vào phụ chú B mà đọc thêm.

Đệ chỉ xin lấy một thí dụ mà Đệ nghe khá nhiều lần và đã thấy là rất nhiều người nghe và cho là có lý:

 "Anh có hát được như cô ca sĩ ABC không mà anh bầy đặt phê bình là cô ta không hát nổi nốt C5 (Do cao)".

Hừm, cổ họng tôi không cho tôi hát nốt C5 NHƯNG tai tôi có điếc đâu mà tôi không biết là ca sĩ ABC không hát tới nốt C5? Ấy thế mà khối người vẫn cứ đồng tình mà cho là tôi không được phê bình người khác nếu tự mình tôi không làm được!

Cái khó để tránh ad hominem là có những trường hợp chỉ ra sự thiên vị của người nói thì chấp nhận được, không được cho là công kích cá nhân. Thí dụ: "Ông ta là người giàu nên hay chê bai đồ rẻ tiền". Trong trường hợp này thì chỉ ra ông ta là người có tiền có thể là chấp nhận được vì đây có thể là sự thật (xin xem thêm phụ chú C).

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Người già nên tránh dùng ad hominem thì con cháu mới nể phục.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Không có nhận xét nào: