Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Caruso, một bài ca trữ tình bất hủ -- Cập Nhật 2021

Thân chào các Bê*,

Hôm nay Đệ xin viết nhăng về một đề tài chẳng dính dáng gì tới tiền bạc và việc làm. Sướng nhé! Tuần này Bê không phải nhức đầu với tính tính toán toán, nghe. Xin nhắc các Bê là bài này có nhiều đường dẫn ngay trong bài (in context links); xin các Bê rà con chuột (hovering the mouse) lên trên những chữ khác màu để mở đường dẫn.

Xin nói trước là Đệ không phải chuyên gia về âm nhạc mà cũng chỉ "làng nhàng bậc trung" về lỗ tai âm nhạc (musical ear, oreille musicale), xin xem chú thích (1) để không lầm với musical tinnitus. Nên có viết gì không đúng thì xin "comment" nhẹ nhàng để dạy bảo chứ đừng trách mắng Đệ, nghe.

Update 03-14-2021: Caruso - Hauser - Trung hồ cầm

Update 01-11-2015: Đang cắm cúi trước computer để blog một bài khác thì bị "lôi" ra phòng khách để nghe lại bản caruso với giọng hát của Johnathan và Charlotte trong British Got Talent. Rất hay và xin chú ý lời bàn của Simon Cowell ở phần đầu và lời xin lỗi cũng của Simon ở phần cuối cái clip này.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Chắc các Bê còn nhớ, ngày nào ở Việt Nam, trăm phần trăm những người học Tây Ban Cầm cổ điển (guitar classics) đều tập cho được, ít nhất là một đoạn, bài Romance. Bài này còn được quốc tế biết đến với cái tên chính của nó là "Jeux interdits" (Forbidden games). Hôm nay, tại hạ không nói về bài này mà xin giới thiệu một bài tình ca có thể nói là bất hủ, là... trên cả tuyệt vời! Một bài ca mà tất cả danh ca trên thế giới, hoặc thầm kín hoặc công khai, đều luyện tập bài này. Bê sẽ hỏi: "Bài gì mà ghê gớm, vấy?"
Xin thưa, đó là bài hát mang tên "Caruso" mà tác giả là Lucio Dalla. Đây là một bài tình ca bất tử mà hầu như các danh ca tenor và các diva đều đã hát qua. Đệ xin kể ra đây vài tên để quý vị có hứng tiếp tục đọc bài này: Luciano Paravotti, Andrea Bocelli, Lara Fabian, Celine Dion, Mirielle Mathieu, Josh Groban, Julio Eglesias, Tứ ca Il Divo, và nhiều nữa... Bài này được ca bằng nhiều thứ tiếng: Ý, Pháp và Tây Ban Nha. Đó là các thứ tiếng Đệ có nghe qua, còn có dịch hoặc phóng tác qua những ngôn ngữ khác thì chưa thấy. Bản dịch ra tiếng Anh về lời ca thì vô số kể trên Internet. Đây là một ví dụ.

Sơ lược về nhân vật chính trong bài ca. Enrico Caruso vào đầu thế kỷ 20 là một ca sĩ ca kịch (opera singer) với giọng nam cao (tenor). Caruso có thể hát nốt Đô cao (High C) rất tròn chĩnh. Dạ thưa quý vị nào không rành về âm nhạc thì xin biết cho là nốt Đô cao cách nốt Đô thường hai bát âm (two octaves). Ca sĩ giỏi thường phải có đủ khả năng bao giàn hơn hai bát âm từ nốt thấp đến nốt cao thì mới hát được những bản nhạc vừa trầm vừa cao. Hơn nữa phải hát chứ không được gào thét, nghe quý vị. Xin Bê vào youtube với đường dẫn ở phụ chú P để nghe qua các ngài danh ca hát nốt High C (C5; Đô cao); xem nốt High C cao cỡ nào. Nghe ra mới thấy các ngài hát nhạc Rock gào nhiều hơn hát!!! Sự nghiệp ca hát, ca kịch, điện ảnh của Caruso thật là đồ sộ và gặp thời vì đúng vào thời điểm mà nhạc được thâu vào đĩa nhựa (sound recording on 78 rpm), và vào thời điểm điện ảnh bắt đầu phổ biến, thịnh hành. Quý vị nào muốn biết thêm về "đại" sử của Caruso thì xin vào đường dẫn cuối bài ở phụ chú B. Rất tiếc là bài wikipedia này được dịch ra nhiều thứ tiếng nhưng lại không có tiếng Việt! Nói chung thì Caruso là một nhân vật rất, rất là nổi tiếng; không những về tài năng âm nhạc, điện ảnh mà còn về... cuộc đời tình ái của ông ta. Còn phụ chú A là chính giọng hát của Caruso, tại hạ ghi ra đây để các Bê tham khảo chứ chính tại hạ đây cũng không hứng thú lắm khi nghe Caruso hát nhạc cổ điển...

Câu chuyện tình ái của Caruso chính là cảm hứng mà Lucio Dalla có để đặt ra bài tình ca bất hủ này. Chuyện là một ngày kia khi thuyền của Dalla bị hư máy giữa Sorento và Capri thì Dalla phải ghé Sorento và đến trọ ở khách sạn mà Caruso đã trải qua những ngày cuối đời với cơn bạo bệnh. Khi nghe chủ quán (quên, chủ khách sạn) và mọi người kể về Caruso, Dalla đã có cảm hứng dạt dào về cuộc đời Caruso và đã đặt ra bài tình ca Caruso này. Bản nhạc này quá hay đến nỗi người nghe không hiểu chính xác về lời ca và lời ca được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nên ý nghĩa lời ca cũng biến thể theo ngôn ngữ. Ngay như bản gốc tiếng Ý của Dalla, không ai chắc là lời ca diễn tả ý tưởng Caruso trên giường bệnh nói với người yêu (thua Caruso 20 tuổi) hay với đứa con Gloria mới hai tuổi lúc bấy giờ. Who cares? Người nghe thật sự cũng không cần biết chính xác chi tiết này. Cũng như xem tranh Picasso, có cần phải biết ngài Picasso vẽ gì không? Âm nhạc trong trường hợp này quả là vượt quá giới hạn của ngôn ngữ!

Nếu Bê không có thì giờ thì ít nhất cũng nên nghe Dalla và Paravotti hát bài này. Còn nếu Bê là fan của Andrea Bocelli thì nghe bài này. Có nhiều người lại chuộng tiếng hát của Josh Groban thì nghe bản này (có lời Ý trên màn hình). Các nữ danh ca thì theo ý tại hạ, phiên bản Lara Fabian mang nhiều cảm xúc nhất. Phiên bản này còn cho người nghe thấy thêm một điều: cách hát vừa hát vừa thở thường thấy ở ca sĩ dở nhưng với Fabian thì tiếng thở trở thành lợi khí đặc sắc khi biết dùng nó trong một số bài ca.  Bê nào sính nghe nhạc Pháp thì xin nghe tiếng ca điêu luyện của Mirielle Mathieu. Nếu cần có lời nhạc bằng tiếng Pháp thì đến với phiên bản này của Mirielle Mathieu. Hừm, nghe Mathieu phát âm chữ "magistral"... thiệt đã lỗ tai và nhớ ngày ấu thơ học tiếng Pháp! Bê nào biết tiếng Tây Ban Nha thì Mathieu cũng có phiên bản tiếng Tây Ban Nha. Đệ không biết tiếng Spanish nhưng nghe phiên bản này vẫn thấy hay! Phiên bản này có "slide show" với nhiều hình ảnh đẹp (ảnh hai người đàn ông trong video clip này là các ngài Caruso và Dalla, đấy). Thật là thiếu sót nếu Đệ không đề cập đến phiên bản song ca của Celine Dion và Florent Pagny. Phiên bản này quá hay nhưng tiếng vỗ tay nhiều quá làm người nghe hơi bị chia trí! Còn muốn nghe bốn giọng ca một lượt bản tình ca này thì đây xin giới thiệu bộ tứ ca Il Divo.

Một thoáng tự kỷ: khi nào quý vị ở Hoa Kỳ mà nghe trong đám đông có điện thoại reo  (ringtone) với tiếng hát của Paravotti, "Te voglio bene assai, ma tanto tanto bene sai!..." thì người trả lời điện thoại di động đó có thể là Đệ đây. Sao không đến... bắt tay một cái, nhỉ?

Để kết bài này, tại hạ xin chúc các Bê nghe Caruso mà... phê thật phê, nghe! Biết đâu có Bê nào hát được bài này thì xin thâu thành MP3 hoặc video rồi báo cho Đệ biết với! Hát hay, hát dở không thành vấn đề. Chỉ xin Bê nhớ cho rằng đây là một bản tình ca hát thì phải để cả tâm hồn vào trong lời ca tiếng nhạc, nghe. Tuần sau, xin trở lại vấn đề khai hưu: chiêu số 3, 5 và 33.

Chú thích: 
(*) Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê 60 thường hay nói chuyện khi về hưu sẽ du lịch; mệt... thì nghỉ... nghỉ rồi đi nữa. What a wonderful life!
(1) Oreille musicale (musical ear, lỗ tai âm nhạc) là để chỉ người biết nghe âm nhạc. Nhưng, "musical ear syndrome" (musical tinnitus) thì lại là hội chứng điếc với âm thanh ảo. Người bị hội chứng này nghe được những âm thanh không có thực (ảo).

Phụ chú: (Xin bấm đường dẫn (link) dưới đây để vào youtube hoặc trang mạng)

A. Một số video clips với tiếng hát của chính Enrico Caruso. Đệ không rành loại nhạc này nhưng thấy bài "La Donna e Mobile" là tiêu biểu cho nhạc Opera đầu thế kỷ 20. Mời các Bê nghe thử.
B. Tiểu sử Enrico Caruso theo Wikipedia
C. Mẫu tenors hát nốt High C
D. Lucio Dalla và Luciano Paravotti hát Caruso
E. Andrea Bocelli
F. Josh Groban
G. Lara Fabian
H. Mirielle Mathieu
I. Mirielle Mathieu với lời Pháp
J. Mirielle Mathieu với tiếng Tây Ban Nha
K. Celine Dion và Florent Pagny
L. Lời tiếng Ý
M. Lời tiếng Pháp
N. Lời tiếng Tây Ban Nha.
O. Tứ ca Il Divo
P. Tản mạn với nốt High C (C5; Đô Cao) và những nốt cao hơn từ các diva thực thụ Barbra Streisand VS Mariah Carey VS Whitney Houston VS Celine Dion
Q. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

 


Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Khai hưu: chiêu số 2



Thân chào các Bê 60*,

Hôm nay, Đệ xin viết tiếp về các chiêu mà Laurence Kotlikoff đã liệt kê chi tiết trong một bài viết của ông ta cho báo Forbes. Mục đích của tại hạ viết nhăng ở đây là để kích thích sự tò mò của quý vị với mục đích tham khảo. Xin quý vị đọc bản nguyên văn của giáo sư Kotlikoff ở đường dẫn cuối bài trước khi quyết định việc hưu trí của quý vị. Có lười thì xin nhờ con cháu nó đọc dùm. Sau này có chửi thì lôi nó ra chứ đừng chửi tại hạ. Bài này xin bàn về chiêu số 2.

Dạ, dạ, Đệ xin vào đề...

Chiêu số 2: Hoãn hưu

 Chiêu này thích hợp cho các Bê:
1. Chưa hưu và sức khỏe rất tốt hoặc tốt.
2. Còn ham làm mà việc làm lại nhàn và bền.
3. Nửa Kia thấy Bê nghỉ lễ và nghỉ phép một năm bốn hay năm tuần là quá đủ. Nhìn cái mặt Bê suốt ngày, Nửa Kia đã bắt chán và chiến dịch tuyên truyền vận động đã bắt đầu.

Chiêu này lợi chỗ nào? Lương hưu nếu bắt đầu ở tuổi 70 tăng 76% so với hưu bắt đầu ở tuổi 62 (làm thêm tám năm). Tăng thêm ba phần tư số tiền, tỉ như lãnh $1,000 ở tuổi 62 thì lãnh tới $1,760 ở tuổi 70. Bê sẽ nói: "Khoan, khoan! Đừng tưởng tôi không biết tính! Tám năm mà mỗi năm lãnh $12,000 thì tổng cộng là $96,000. Nếu chờ tới 70 tuổi thì đâu có được lãnh $96,000 (tính với lương hưu mỗi tháng $1,000). Chờ tới 70 mới lãnh thì đến 80 tuổi rưỡi số tiền lãnh từ 62 tuổi và số tiền lãnh từ 70 tuổi mới bằng nhau!" Dạ, đúng. Bê rất giỏi toán; nhưng Bê không nghĩ tới hai vấn đề:
   a) trong 8 năm đó không có tiền hưu nhưng có lương đi làm. Thường lương đi làm có thể gấp hai, ba, hoặc bốn lần lương hưu (có khi nhiều hơn bốn lần như trường hợp "Ông gì ơi!" mà Đệ không tiện nói tên). Mất một phần mà được hai, ba hoặc bốn lần nhiều hơn thì sao lại bỏ qua, nếu sức khỏe cho phép?
   b) nếu tiên giới bị nạn "tiên mãn" (thay vì nhân mãn), nên Nam Tào/Bắc Đẩu chậm kêu tên và Bê sống quá tuổi 81 thì lãnh $1,760 sướng hơn là lãnh $1,000. Đó là nói lãnh $1,000 mỗi tháng thôi. Nếu lãnh $2,000 thì là $3,520 đó!!!

Làm sao xuất chiêu này? Rất đơn giản: khi nào các Bê bạn mình bàn về chuyện về hưu thì mỉm cười lảng sang chuyện khác hoặc kiếm cớ đi chỗ khác! Đệ biết các Bê phần lớn là rất oải ở tuổi này nên khi nói đến tiếp tục đi làm thì không mấy người muốn nghe. Nhưng càng ngày các chuyên gia tại Hoa Kỳ càng nói nhiều hơn đến giải pháp này và đi làm có khi không còn là nhu cầu cơm áo nữa mà là nhu cầu sống sung mãn với tất cả những giao tiếp xã hội cần thiết do việc làm tạo ra.
Ngoài ra, nếu Bê thật sự không muốn đi làm nữa sau tuổi 62 thì cũng có thể hoãn hưu (tới 66 tuổi hoặc tốt nữa thì hoãn tới tuổi 70) bằng cách nghỉ làm nhưng không khai để lãnh lương hưu. Trong trường hợp này thì nếu có tiền 401K hoặc tiền để dành trong stocks chẳng hạn, thì trong những năm không đi làm mà không khai hưu lấy tiền này ra bớt để sống mà (có thể) tránh được thuế cao (vì không có lợi tức từ việc làm). Không có tiền savings thì bắt con cái mỗi đứa xoay tua nuôi một tháng. Ái chà! Cái này coi bộ khó nhưng cũng khả thi với một số gia đình. Xin đừng nói với chúng là Đệ xúi vậy, nhe!
À mà làm gì thì làm, đến 65 tuổi vẫn phải nộp đơn để có Medicare, nghe!

Để kết bài này, tại hạ xin chúc các Bê nhiều sức khỏe, sống sung mãn và năng động. Tuần sau xin hầu các Bê một bài về một đề tài... chẳng liên quan gì tới tiền bạc!

Chú thích: 
Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê 60 thường hay nói chuyện khi về hưu sẽ du lịch mệt... thì nghỉ... rồi đi tiếp.

Phụ chú:
A. 44 chiêu để tối ưu hóa tiền hưu - 44 Social Security 'Secrets' All Baby Boomers and Millions of Current Recipients Need to Know - Revised! http://www.forbes.com/sites/kotlikoff/2012/07/03/44-social-security-secrets-all-baby-boomers-and-millions-of-current-recipients-need-to-know/ 
B. Tiểu sử và thành tích của Laurence Kotlikoff http://en.wikipedia.org/wiki/Laurence_Kotlikoff 

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Lỡ khai hưu -- Làm sao hồi?

Thân chào các Bê*,

Hôm nay, xin được bàn về một đề tài tương đối đơn giản nhưng chỉ áp dụng cho một số nhỏ các Bê đã khai hưu. Như thường lệ, Đệ không phải là chuyên gia nên chỉ bàn phiếm thôi. Nếu quý vị nào muốn rút đơn hưu thì trước nhất phải vào trang mạng chính thức của Sở ASXH (với đường dẫn cuối bài) để hiểu tường tận vấn đề và suy nghĩ thật kỹ càng trước khi hành động. Nếu cần thì nhờ con cháu nó đọc dùm; sau này cứ lôi nó ra mà cằn nhằn chứ đừng chửi Đệ, nghe!

Khai hưu rồi nhưng trong vòng 12 tháng, Bê có thể rút đơn lại. Nếu rút đơn thành công thì Sở ASXH coi như Bê chưa khai hưu. Xin Bê nhớ cho là trong đời mình chỉ được quyền rút đơn MỘT lần thôi; nên cần phải suy nghĩ rất, rất, rất kỹ!!!

Lý do gì mà Bê muốn rút đơn lại? Đệ đâu có biết tại sao Bê lại muốn rút đơn! Nhưng thường là những lý do sau đây:


1. Bê đã khai hưu năm 62 tuổi. Ở nhà bắt đầu chán mà Nửa Kia cũng bắt đầu cằn nhằn là sao tiền không vô như "xưa" và nhìn cái "mặt" Bê suốt ngày chắc chết quá! Lại thêm, tuần trước gặp xếp cũ ở siêu thị, nó hỏi "Có muốn đi làm lại không? Tao chán mấy đứa mới vô quá!". Hừm, té ra mình cũng còn được cần chứ không phải đồ bỏ (giống như cái nhìn của Nửa Kia, mấy bữa rầy). Sức khỏe thì rất ok! Hay là... đi làm lại?
2. Bê đã khai hưu năm 65 tuổi vì cũng vừa tròn để hưởng Medicare. Gặp lại bạn trò chuyện mới thấy thật ra ráng thêm một năm nữa thì sẽ về hưu ở tuổi 66 thì lợi hơn (xin đọc mấy bài tuần trước để biết tại sao không nên hưu non). Mà sức khỏe thì có "kéo" thêm vài năm nữa cũng còn "dư xăng".
3. Bê không muốn đi làm lại nhưng cũng chưa cần lãnh lương hưu. Hoặc tiền để dành nhiều quá nên phải lấy ra từ từ để tránh thuế cao hoặc con cái nó... trên cả có hiếu nên lo hết cho Bê từ A tới Z. Cái này thì hơi bị hiếm nhưng không phải là không có.
4. Bê có lý do thầm kín gì đó để rút đơn hưu mà Đệ không được biết.

Rồi, lý do thì đã có 1, 2, 3 hoặc 4 ở trên. Nhưng xin Bê đọc tiếp dùm! Rút đơn là một quyết định rất cá nhân và quan trọng cho hạnh phúc của Bê và gia đình. Xin đừng làm chỉ vì người ta xúi! Muốn rút đơn thành công thì Bê phải:

1. Trả lại hết tất cả các khoảng chi (payments) mà Sở ASXH gởi cho Bê từ ngày lãnh hưu.
2. Nếu người hôn phối hoặc con cái cũng ăn theo vào hưu bổng của Bê thì họ phải đồng ý việc rút đơn này bằng văn bản (consent in writing).
3. Nếu Sở Thuế có giữ thuế hoặc có tiền Medicare phần B, C và D thì phải liên lạc với Sở Thuế để thanh toán. Điều số 3 này thật tình tại hạ không hiểu rành. Các Bê phải nói chuyện với Sở ASXH và Sở Thuế để làm cho đúng thủ tục.

Bây giờ xin bàn về lợi ích của việc rút đơn:
1. Số tiền trả lại có thể lên tới nhiều chục ngàn (thí dụ, nếu lãnh được 11 tháng rồi thì cứ lấy hưu tháng nhân cho 11). Nhưng cái lợi là không phải trả tiền lời. Coi như vay của nhà nước không lời gần một năm. Đây cũng là lý do tại sao nhà nước giới hạn việc rút đơn phải dưới một năm. Trước tháng 11 năm 2011, không có giới hạn 12 tháng này nên nhiều Bê lợi dụng để vay tiền nhà nước mà không trả lời.
2. Nếu rút đơn thành công thì coi như chưa khai hưu nên khi lãnh hưu trong tương lai, tiền hưu sẽ cao hơn (vì lãnh hưu trễ hơn).
3. Xin Bê suy nghĩ kỹ càng, nghe! Nếu sức khỏe không cho phép hoặc biết chắc mình không sống thêm được bao lâu nữa thì ĐỪNG có rút đơn. Ai có thể tiên đoán là mình sống lâu hay không? Nobody!!! Nếu loại trừ tất cả các tai nạn thì mình có thể dựa vào tuổi thọ trung bình của ông bà, cha mẹ, anh chị em mình để đoán (đương nhiên là phải căn cứ vào chính hồ sơ sức khỏe của chính mình rồi). Còn tuổi thọ trung bình tại Hoa Kỳ thì xin Bê đọc lại bài "Mười Điều Cần Biết về An Sinh Xã Hội -- Hoa Kỳ -- Phần I" viết vào ngày 11 tháng 4 năm 2014, điều II.

Để kết bài này, tại hạ xin chúc các Bê nhiều sức khỏe và tuần sau xin hầu các Bê một bài về khai hưu, chiêu số 2.

Chú thích:
Bê: Từ chữ tắt Bê 60,  B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê 60 thường háo hức chờ ngày về hưu.

Phụ chú:
A. Khai rồi nay muốn rút đơn http://www.ssa.gov/retire2/withdrawal.htm

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Khai Hưu: Chiêu số 1

 Thân chào các Bê*,
Hôm nay, Đệ xin bắt đầu viết về các chiêu mà Laurence Kotlikoff đã liệt kê chi tiết trong một bài viết của ông ta cho báo Forbes. Mục đích của tại hạ viết nhăng ở đây là để kích thích sự tò mò của quý vị với mục đích tham khảo. Xin quý vị đọc bản nguyên văn của giáo sư Kotlikoff ở đường dẫn cuối bài trước khi quyết định việc hưu trí của quý vị. Có lười thì xin nhờ con cháu nó đọc dùm. Sau này có chửi thì lôi nó ra chứ đừng chửi tại hạ.

Dạ, dạ, Đệ xin vào đề...

Kotlikoff có một tiểu sử rất đáng ngưỡng mộ về kinh tế và tài chánh. Bài này xin không đi vào chi tiết kinh nghiệm và thành tích của ông. Nếu quý vị nào thích, xin vào đường dẫn ở phụ chú B.

Chiêu số 1:

 Chiêu này thích hợp cho các Bê
    a. đang lãnh hưu (lãnh từ 62 tuổi, hưu non, hoặc trước tuổi 66)
    b. đang đến tuổi toàn hưu (full retirement age, 66 tuổi)
    c. từ 66 tuổi đến 70 tuổi (bốn năm) có thể sống mà không cần tiền hưu. 
Các Bê có đủ ba điều kiện a, b và c có thể dùng chiêu số một này (Kotlikoff gọi chiêu này là Start Stop Start): Khi đến tuổi toàn hưu thì xin treo, không lãnh hưu trong những năm từ 66 đến 70 tuổi. Đến 70 thì xin lãnh lại. Tiền hưu sẽ tăng 32%, có nghĩa là tăng 1/3.

Các Bê có thể bảo: "Cái ông Kotlikoff này dở hơi! Nhịn bốn năm là "mất" mười hai lần cái 1/3 lương. Có nghĩa là 12 năm sau (ở tuổi 82) mới huề vốn. Chiêu khùng!!!"
Dạ đúng! Nhìn tổng thể thì chiêu này chả có lợi gì!
Nhưng nếu Bê nào có thêm những điều kiện sau đây thì cái lợi của chiêu này mới hiển thị:
    d. có một số tiền lớn trong 401K chẳng hạn; thì trong những năm không lãnh lương hưu (từ 66 đến 70) Bê có thể rút bớt tiền từ 401K mà trả thuế ít hơn (vì lợi tức ít hơn khi không lãnh hưu).
    e. đến 66 tuổi, Bê mới vỡ lẽ ra là từ lâu nay nghe người ta xúi dại tập thể dục và ăn uống điều độ nên chẳng bệnh hoạn gì và viễn ảnh sẽ sống lâu... lâu lắm!

Để kết bài này, Đệ xin chúc các Bê nhiều sức khỏe là trước nhất còn tính toán như thế nào thì nó vẫn là một bài toán rất riêng tư. Không ai có thể cóp của ai được như giáo sư Kotlikoff chỉ ra là có 2,728 điều luật (rules) trong bộ cẩm nang của bộ An Sinh Xã Hội (Program Operating Manual System, POMS). Tính là để "tận nhân lực" chứ còn... ai biết được ngày mai. Tuần tới, Đệ xin lan man qua một đề tài khác trước khi trở lại chiêu số hai.

Chú thích:
Bê: Từ chữ tắt Bê 60,  B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê 60 thường hay than "tiền hưu chẳng có bao nhiêu!" khi gặp nhau.

Phụ chú:
A. 44 chiêu để tối ưu hóa tiền hưu - 44 Social Security 'Secrets' All Baby Boomers and Millions of Current Recipients Need to Know - Revised! http://www.forbes.com/sites/kotlikoff/2012/07/03/44-social-security-secrets-all-baby-boomers-and-millions-of-current-recipients-need-to-know/ 
B. Tiểu sử và thành tích của Laurence Kotlikoff http://en.wikipedia.org/wiki/Laurence_Kotlikoff

Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

Nỗi khổ của nhà giàu

Thân chào các Bê*,
Hôm nay, Đệ xin phép để lan man sang một lãnh vực mà tại hạ đây chưa từng trải qua: làm nhà giàu nó như thế nào?! Hơn nữa đây là một đề tài rất nhạy cảm mà Đệ cứ bâng khuâng là ở thời điểm nào là thích hợp cho một đề tài như thế này khi mà chiến tranh đang cướp đi bao nhiêu mạng người trên thế giới, khi mà bão biển, sóng thần, máy bay rơi, phà chìm, vân vân vẫn thường xảy ra hằng ngày. Không lẽ chúng ta sẽ không bao giờ được đề cập tới nỗi khổ nhà giàu khi thế giới còn nhiễu nhương đau khổ. Thế nên, đây...nỗi khổ nhà giàu. Quý vị nào không thích đọc thì xin ngưng ở đây, mỉm cười, lướt mạng... phượt đi nơi khác!

Ở đây xin được định nghĩa nhà giàu là 1% (one-percenter) người đóng thuế ở Hoa Kỳ ở bảng thuế cao nhất (xin đọc bài tuần trước "Thuế lợi tức liên bang Hoa Kỳ -- Lũy tiến và làm thêm giờ/tăng lương  (progressive taxing vs. overtime pay/pay increase"). Như phụ chú B, one-percenters giữ 80% sự giàu có ở nước Mỹ và đóng khoảng 90% thuế lợi tức liên bang Hoa Kỳ. Con số này có thể không chính xác trăm phần trăm nhưng đại khái nói lên hai điều: 1) Phần lớn sự giàu có mằm trong tay một thiểu số nhà giàu. 2) Nhà giàu đóng rất nhiều thuế với hai lý do: a] Lợi tức hằng năm lớn nên thuế nhiều. b] Thuế lợi tức là thuế lũy tiến nên đóng càng nhiều hơn. Thí dụ như thuế với một hạng thuế (flat rate tax) là 25% thì với người làm $40,000 (taxable income) đóng 25% là $10,000 thuế trong khi người làm $400,000 phải đóng $100,000 thuế. Nhưng trên thực tế với phương pháp lũy tiến hiện nay thì người làm $40,000 chỉ phải đóng $5081 + ($40,000 - $36,900) x 25% = $5,856 (ít hơn $10,000) trong khi người làm $400,000 phải đóng $45,353.75 + ($400,000 - $186,350) x 33% = $115,858.25 (nhiều hơn $100,000). Các Bê thấy không? Lũy tiến giúp rất nhiều cho nhà nghèo và còn giúp cả giới trung lưu nữa.

Hãy nghe câu này từ Bê Quan Tòa: "A, mấy thằng nhà giàu, á! Hơi (một) chút là than là thở! 'Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột'! Than gì mà than không thấy người ta khổ thế nào sao mà dám mở miệng than."

Bê Quan Tòa này đưa ra nhiều "kết luận". Thứ nhất nhà giàu là phải gọi bằng thằng này thằng nọ hay con này con nọ. Không biết Bê Quan Tòa có bị uẩn ức và mặc cảm không? "Kết luận" thứ hai là: bọn nhà giàu hay than hơn nhà nghèo. "Tụi nó" mới đứt tay là kêu rùm trời trong khi nhà nghèo có đổ ruột ra đất cũng cắn răng không than! Kết luận như vậy là hàm hồ võ đoán. Cũng có nhà giàu chảnh, hay than, hoặc tỏ ra mình quan trọng. Nhưng Bê ơi! Đệ đã thấy biết bao người "không giàu mà cũng chẳng cao sang" cũng chảnh, cũng hay than, hoặc cũng tỏ ra mình quan trọng, vậy. "Kết luận" thứ ba, Bê Quan Tòa bắt bọn nhà giàu nếu có than thì phải than sau tất cả những nỗi khổ của người khác. Các Bê có thấy sự độc tài vô lý này từ Bê Quan Tòa không? Té ra là Bê Quan Tòa dùng thủ thuật ngụy biện để áp đặt nhiều luật lệ về đạo đức hơn cho "mấy thằng giàu". Hôm nào xin hầu các Bê về đề tài ngụy biện nhưng ở đây xin không bàn tiếp về ngụy biện.

Bây giờ Đệ xin phép đề cập (chứa không dám bàn) tới một vấn đề mà các chính khách và các nhà xã hội đã, đang, và sẽ bàn cãi không bao giờ dứt. "Tại sao nhà giàu phải đóng thuế nhiều hơn?" Đệ xin không đứng về bên nào cả. (Đây là chỗ đứng dễ chết nhất vì sẽ bị cả hai phía tấn công). Phụ chú A cho rằng đa số người giàu là ích kỷ và đóng thêm thuế sẽ không ảnh hưởng gì tới tài sản của người giàu. Ông hay Bà nào viết phụ chú A còn kết luận dứt khoát là "con người nhà giàu phải ngưng chuyện ích kỷ đi!". Ông hay Bà này chắc chưa từng thấy người nghèo mà ích kỷ khủng hoảng luôn! Ông hay Bà này không hiểu cho là đối với nhà giàu đóng thêm thuế là nỗi đau có thật! Khoan hãy nói đến đổ ruột, tôi đang bị đứt tay mà không cho tôi than?!!! Vấn đề đau khổ là vấn đề tinh thần làm sao so sánh hai nỗi đau khác nhau trừ khi quý vị là Thượng Đế.
Phái bên kia thì cho là người giàu có được ngày nay là nhờ cần cù làm ăn, "năng nhặt thì chặt bị". Cái này cũng không hoàn toàn đúng trong tất cả các trường hợp giàu có. Cũng có khi là con ông cháu cha; cũng có khi là chó nhảy bàn độc. Nhưng chỉ vì có một số thành phần không xứng đáng trong những người giàu mà phạt tất cả phải đóng thuế cao hơn là vô lý. Thành phần bất hảo trong những người không giàu cũng cao vậy? Đó là chưa kể trong phụ chú B, Ông hay Bà nào còn nói là thật vô lý khi người giàu phải gánh chịu chi phí y tế xã hội cho những kẻ "làm biếng".

A! thì ra là vấn đề là ở chỗ: "của người thì Bồ Tát, của mình thì lạt buộc". Người nghèo và người trung lưu có khuynh hướng "bầu" (vote) cho nhà giàu trả nhiều thuế bởi vì không phải tiền của mình! Nhưng họ lại cũng có khuynh hướng nại ra những lý do về đạo đức và luân lý thay vì nói trắng ra là "tụi bay nhiều tiền quá phải chia cho chúng tao chứ!".

Tất cả mọi người (giàu, trung lưu hay nghèo) đều được khuyên là phải có một số tiền khẩn cấp (emergency money) có thể lấy ra bất cứ lúc nào thí dụ tiền mặt trong trương mục ngân hàng là khoảng 3 tới 6 tháng lương để phòng khi bị thất nghiệp. Người làm $400,000 một năm là phải có khoảng một hoặc hai trăm ngàn dự bị khi cần. Số tiền này khó để dành hơn là mười hay hai mươi ngàn mà người làm $40,000 phải có. Xin các Bê khoan đừng chửi Đệ! Dạ, Đệ biết đây là nỗi khổ mà ai cũng muốn có, "problem that everyone wants to have". Nhưng dù gì chăng nữa thì nó cũng là vấn đề mà giàu hay nghèo đều phải trải qua.

Mà theo tại hạ thì nhà giàu thì "lớn thuyền, lớn sóng"; chi phí sẽ nhiều hơn nên không chắc là họ có thể để dành bằng hay hơn giới trung lưu. Hơn nữa, nhà giàu là không "đủ tiêu chuẩn" để được hưởng các chương trình miễn phí hoặc giảm phí. Nếu có thì giờ xin các Bê đọc bài với đường dẫn ở phụ chú C, cuối bài để thấy nhà giàu cũng có cái khổ. Bài báo có thể nói quá (để thuyết phục người đọc; quý vị đọc phần "Comments" thì biết). Nhưng nỗi khổ này là thật! Ít nhất là thật đối với người "trong chăn". Thật là vô lý khi chúng ta cứ muốn nhà giàu là phải nghe người khác về cách xài tiền! Nhà giàu là phải đóng thuế tối đa! Không có oong đơ (un, deux) gì hết!

Nhà giàu còn có cái khổ mà nhà nghèo không có: sợ bị cướp, không tin ai, ăn tiêu phải giữ thể diện không thì người ta nói mình bủn xin, trùm xò, keo kiệt. Khi hoạn nạn thì không ai thèm giúp mà bỏ tiền ra giải quyết thì thiên hạ nói là mình cậy có đồng tiền nên đi đâu cũng vung tiền ra. Nhà giàu thì lại hay... cô đơn vì không muốn giao tiếp nhiều.

Để kết bài này, Đệ chỉ xin là chúng ta nhìn nhận sự đóng góp của nhà giàu và trân trọng sự đóng góp này. Đệ không thuộc phe chủ trương giảm thuế nhà giàu nhưng tại hạ chỉ xin chúng ta trả lại công đạo cho nhà giàu và nhận thức là giàu hay nghèo thì cũng khó thoát được cái khổ.Và quan trọng hơn hết: xin ĐỪNG gọi nhà giàu bằng thằng này thằng nọ, con này con nọ. Xin hãy gọi là anh, chị, cô, bác, ông, bà như mình thường gọi mọi người.

Chúc các Bê, một ngày sẽ hết khổ còn nếu còn khổ thì xin được cái khổ của nhà giàu. Tuần sau, xin trở lại đề tài hưu trí: một chiêu để lãnh tối đa nếu đúng vào hoàn cảnh.

Chú thích:
Bê: Từ chữ tắt Bê 60,  B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê 60 thường hay so sánh giàu nghèo và hay phê phán người khác vì nghĩ với kinh nghiệm sống của mình đã phán là phải đúng.

Phụ chú:
A. "I think the rich should ABSOLUTELY pay more because the majority of them are selfish and don't care about anybody but themselves! Trust me, if you are a millionaire, it is NOT going to hurt you if you just pay a little more in taxes. I believe that if you are a good and righteous person, you would want to help the poor or people that are less fortunate. It's as simple as that! People need to stop being so selfish." trích từ http://www.debate.org/opinions/should-the-rich-be-required-to-pay-higher-taxes-in-the-us"
B. "If by higher taxes you mean higher taxes than they already do, than NO
Be it as it may that the 1% own 80% of the wealthy, they pay 90% of all the federal income taxes in our country, Obama all the time says that everyone should pay their fair share, tell that to the 47% mr. president, why should the rich have to pay more so that the lazy can earn more for doing nothing" trích từ http://www.debate.org/opinions/should-the-rich-be-required-to-pay-higher-taxes-in-the-us"
C. Why rich people feel poor: http://finance.yahoo.com/news/why-rich-people-feel-poor-210418578.html