Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Tổng Kết một Chuyến Về Thăm Cali

Thân chào các Bê(*),
Hôm nay xin cho Đệ được dông dài về một chuyến trở lại thăm California, USA (người mình gọi là "Cali") sau rất nhiều năm không có dịp trở lại, nơi Đệ bắt đầu cuộc sống trên đất Mỹ. Sống, học và làm việc tại California cả một thập niên nên cũng có khá nhiều kỷ niệm buồn vui. Trở lại California cũng đã nhiều lần, công tác cũng có mà về chơi thăm người thân cũng có. Nhưng có lẽ lần này là đặc biệt vì nhiều lý do... Xin nói ngay ở đây là viết cho vui thôi. Ý kiến cá nhân thôi; đúng sai chả có ý nghĩa gì đâu!

Dạ dạ Đề xin vào đề...
Sau chuyến đi, khi trở về nhà (từ California) mọi người đều đồng ý là chuyến hội ngộ ở Cali là thành công "woàn toàng". Người lớn, ai cũng có được những ngày giờ sống lại tuổi mới lớn bên anh chị em và cả thân mẫu, cậu cô của nhiều người. Lớp cháu thì rất nhiều đứa lần đầu gặp nhau (sống ở Việt Nam, Hoa Kỳ, Phần Lan, Nhật Bản, vân vân). Dư âm của chuyến đi là Facebook của mọi người có một số khá khá "friends" mới. Hơn nữa vì có đám cưới nên cả một số bạn thời trung học cũ cũng về tham dự.

Trọng Điểm 

Chuyến về California là để làm hai chuyện sau nhiều năm bận rộn công việc. Trước là dự đám cưới cô em vợ, nhỏ nhất nhà (đây cũng là dịp gặp gỡ bà con bên Ngoại). Và quan trọng hơn là một lần đi cả Quận Cam (Orange County) và Thung Lũng Hoa Vàng (San Jose) để thăm tất cả các anh các chị bên Nội của cháu. Gặp gỡ lần này là rất vui mừng, hạnh phúc cho cả mọi người. Thật khó có một cơ hội như vầy lần thứ hai! Sau đây chỉ là cảm nghĩ rất mạnh trong chuyến đi này...Thế hệ trên Đệ, mẹ/chú/cô/anh/chị, quả là đã già và họ vẫn... như ngày nào trong tư duy! Đệ nhìn ra là không có gì có thể thay đổi tư duy của thế hệ này. Thế hệ đã quá tự hào với kiến thức và khả năng của mình. Kiến thức và khả năng này là những gì Đệ từng ngưỡng mộ nhưng kiến thức thì phần nào đã lỗi thời, khả năng thì không còn nữa. 

Nhưng Bê ơi, xin đừng cho là người già sống bằng kỷ niệm. Họ sống với kỷ niệm nhưng bằng tình thương yêu, lo lắng của con cháu.   Họ có thể phạm lỗi lầm trong đời (cũng như mọi chúng ta) nhưng ai có thể trách họ đã làm mọi thứ (đôi khi bất chấp thủ đoạn) để mang con cháu đến nơi đất lành này? Ai đã hy sinh tất cả cho thế hệ tương lai? Khó khăn, gàn, chướng, cổ hủ và gì nữa mà chúng ta gán cho họ có phải là lý do để chúng ta bỏ mặc họ nơi xứ người không? Đối với chúng ta, đây là xứ mình nhưng rất nhiều người già không hội nhập được thì đây mãi là xứ người! Chuyến đi này là đặc biệt bởi nó có thể là lần cuối được gặp mặt một số mẹ/chú/cô/anh/chị. Nhìn ông anh Cả, 75 tuổi, ngồi đàn dương cầm mà không biết sẽ còn dịp nào nghe nữa hay không!

Tâm Tình Vụn Vặt...

- Duyên may mà cả nhóm mướn được một ngôi nhà nhiều phòng tại Quận Cam (Orange County) một tuần lễ. Mặc dù nhiều người vẫn ở khách sạn nhưng ngôi nhà này trong suốt những ngày đó không ngớt vang lên tiếng cười từ sáng sớm đến hai, ba giờ sáng vì là nơi hội tụ và cũng là nơi nấu ăn cho mọi người. Mặc dầu là vẫn ăn tiệm nhưng phải nói là các đầu bếp trong nhà này nấu ngon hơn tiệm rất rất là nhiều. Hơn một trăm cân tôm hùm tươi (Main lobsters) được bay qua từ Rhode Island, USA. Thịt bò đủ loại để nấu phở. Một va li loại to nhất với đầy thức ăn Nhật từ Nhật Bản qua cũng có mặt. Buồn cười là bao bì chỉ có tiếng Nhật nên luôn phải nhờ ông em thông dịch xem những gói đó đựng thức ăn gì... Đặc sản Minnesota (xin xem Ô Mai... không Mơ!) cũng có mặt cùng chị cùng em.

- Già trẻ lớn bé mỗi người một cái điện thoại thông minh! Đi tìm lỗ cắm điện để sạc phôn là... một vấn đề trong căn nhà nhiều phòng này. Giữ cho không lẫn lộn máy sạc (1) và dây sạc lại cũng là một vấn đề nữa! Phe Táo Khuyết (Apple) bị phe Tam Tinh (Samsung) chê quá mà không có ai chống chế cho họ (đơn giản là phe Tam Tinh có người nói nhiều hơn phe Táo Khuyết). Còn phần Đệ thì vì xài cả hai loại cho công việc nên không tham dự cuộc tranh chấp không hồi kết này.

- Có một số người hội ngộ sau hơn 40 năm (không gặp nhau cả trước 1975). Đủ thứ chuyện để kể; có điều mọi người cũng... không còn trẻ nữa và ai cũng hiểu đây là một dịp hãn hữu mới xẩy ra nên nếu có đề tài nào có vẻ nhạy cảm thì mọi người tự động dẹp nó qua một bên ngay. Mọi người đều muốn tận dụng tuần lễ quý  báu này.

- Trên là về đề tài nhạy cảm; nhưng còn bất cứ việc gì khác thì đều được nhiều người góp ý phải làm thế này, phải làm thế kia, vân vân! Ai dà! Thương nhau nên muốn giúp nhau, mà. Quả thật là tán loạn nhưng cũng không có gì đáng phàn nàn.

- Phi trường San Jose đã tân trang rộng rãi, lịch sự và không quá bận rộn. Phi trường Los Angeles mà người mình gọi là phi trường "Lốt" vẫn bận rộn đông đúc như xưa. À mà nhà hàng Skewers của Iron Chef Morimoto, bên trong phi trường, bán một cái hamburger 16 USD; ăn khá ngon. BB thích khoai tây rán ở đây.

- Giới trẻ lớn lên bên Mỹ đã bắt đầu mở nhiều nhà hàng Việt nhưng từ trang trí, món ăn cho tới phục vụ đều khá chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn mà mình có thể an tâm mời bạn ngoại quốc đến thưởng thức. Tuy nhiên bên cạnh đó là nhiều nhà hàng vẫn... dơ bẩn, người phục vụ vẫn... coi thường khách hàng! Đệ chỉ có it thì giờ đi ăn tiệm trong dịp này nên những nhận xét này có thể là rất khiếm diện.
Và cái mốt phải ghi tên vào danh sách chờ (waiting list) tại nhà hàng là khá mới với Đệ. Có lẽ một ngày tương lai, chúng ta sẽ thấy loại "cháo mắng, phở chửi" xuất cảng từ Việt Nam sang "Cali"?

- Passion Fruit -- Chanh giây: phong trào trồng chanh giây và uống nước chanh giây nở rộ ở Cali mà không ai thông báo cho Đệ! Đùa vậy thôi chứ chanh giây thì đã phổ biến từ lâu chỉ có là ngày nay rất nhiều nhà hàng thể hiện cá tính (featuring) bằng nước giải khát chanh giây.

- Ốc các loại và nấu các cách cũng là mới đối với người đã xa California khá lâu như Đệ. Đi đâu cũng thấy ốc!

Chúc Bê một cuối tuần vui vẻ.

Thân,

Chú thích:
(*) Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Các Bê đã "lục thập nhi nhĩ thuận" nên đáng lý ra là "Khi nhìn hay nghe thấy điều gì, người ta không những không cảm thấy chướng-ngại mà còn hiểu thấu ngay mọi lẽ" (xin xem bài Luc Thập Nhi Nhĩ Thuận ); nhưng thực tế thì vẫn còn rất bực mình khi thấy chuyện trái ý.

(1) Việt Nam gọi là củ sạc. Chắc nhiều người tưởng là cái máy sạc này mọc trong đất như khoai lang?!

Phụ chú:
(A)  Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Không có nhận xét nào: