Thân chào các Bê (*),
Hôm nay lại xin bàn lăng nhăng về một đề tài mà Đệ không phải là nhà chuyên môn. Bàn là bàn chơi nhưng nếu Bê nào chịu khó đọc hết bài thì biết đâu lại thấy hữu ích, không chừng (1).
Việc ca hát với máy karaoke là rất phổ biến với người Việt và nhà nào hoặc buổi tiệc tùng nào thì cũng có dàn máy karaoke để... tra tấn lỗ tai của nhau. Máy càng lớn thì âm thanh phát ra càng lớn. Và vấn nạn không tránh được là máy thu âm (microphone)(2) và máy khuếch đại tạo một vòng feedback mà thường là người mình gọi là máy bị hú. Âm thanh từ máy thâu âm được khuếch đại rồi cái âm thanh đã khuếch đại đó lại nhập vào microphone mà làm lớn thêm và tiếng hú xảy ra càng lúc càng lớn...
Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Ước mong có dàn máy âm thanh xịn với âm thanh mạnh mà không có tiếng hú là ước mong của tất cả người sở hữu máy cũng như người... bị ngồi nghe. Cái khổ cho người có mặt ở hiện trường với tiếng hú là mọi người ai cũng...
tưởng là mình có thể chỉnh sửa máy ngay lập tức và làm im tiếng hú trong giây phút và... giải cứu mọi người khỏi cơn nguy biến điếc tai, nhức óc. Đặc biệt là các Ông thì 10 người, hết 9 người tưởng là mình có thể chỉnh dàn âm thanh ở bất cứ nhà nào. Lại cũng là mộng tưởng vì chính chuyên gia âm thanh cũng khuyên là
chỉnh chống hú phải làm trước khi trình diễn (lâm trận mới chỉnh súng thì... hỏng). Thường thì càng chỉnh càng hư thêm và cuối cùng thì vặn nhỏ lại hoặc chịu bị hú; chủ nhà thì ấm ức vì tại sao thường không hú mà có khách thì lại hú. Chắc tại thằng A, thằng B gì vặn lung tung...(3)
Trước khi nói tới các cách chống hú, Đệ xin liệt kê ra đây những lý do tạo hú (sound feedback):
- Máy thu âm là loại omnidirectional (nhận âm thanh mọi chiều hướng) nên nhận âm thanh kể cả từ loa khuếch đại.
- Thiết kế căn phòng và vật liệu làm vách cũng ảnh hưởng lớn tới độ hú.
- Không chỉ máy thâu âm tạo hú mà dương cầm (piano), đàn điện (electric guitar), vân vân cũng có thể tạo hú.
- Cách cầm microphone cũng làm hú. Có người vì không biết hoặc vì điệu nên "cup" đầu microphone như nắm trái banh. Chắc chắn là cách cầm này sẽ tạo tiếng hú. Nói về cách cầm microphone thì chắc là phải viết nguyên một bài blog khác!
- Người hát hú thì người nghe... tiếng hú.
- Người đeo mắt kiếng cũng tạo hú.
- Nhiệt độ hiện trường cũng ảnh hưởng độ hú.
- Độ ẩm hiện trường cũng ảnh hưởng độ hú.
- Đám dông cũng ảnh hưởng đến âm thanh hiện trường với tiếng ồn...
Nói tóm lại là việc chỉnh âm thanh chống hú là phải làm tại hiện trường chứ không phải là chế ra được cái máy chống hú mà người mua cứ bỏ tiền ra mua và xử dụng là từ đó... Bờm cười!
Vậy mà không biết bao nhiêu hãng sản xuất máy chống hú và Sound Equalizer chống hú. Các máy này có hiệu quả không? Câu trả lời là còn tuỳ! Máy xịn, máy mắc tiền thì chống hú tốt hơn máy dỏm. Nguyên tắc chính là tìm các tần số (frequencies) tạo tiếng hú mà cắt xuống (cut down these frequencies). Cái khó là các tần số này thay đổi theo các yếu tố trên nên phải chỉnh tại hiện trường (in situ) vì vậy nên cần 2 người như trong video ở phụ chú C.
Tối hảo là không dùng máy chống hú mà dàn âm thanh không hú bằng cách giảm thiểu những điều kiện tạo hú. Còn nếu Bê dùng máy chống hú thì phải hiểu điều sau đây :
- Chống hú bằng cách cắt giảm các tần số hú thì có nghĩa là những tiếng hát ở những tần số này cũng bị cắt giảm.
- Máy chống hú thường trực (permanent) tự chọn các tần số nên nếu hiện trường làm hú ở tần số khác thì máy vẫn hú (4).
- Máy chống hú linh hoạt (dynamic) thì vẫn phải chỉnh tại hiện trường và khá đắt.
Vậy giảm thiểu các điều kiện trên như thế nào?
- Máy thu âm là loại unidirectional. Microphone chỉ nhận âm thanh ngay đầu microphone. Chỉnh microphone sao cho âm lượng (volume) vừa đủ và miệng hát rất gần đầu microphone. Tốt nhất là microphone thẳng góc với gương mặt và đầu mic gần miệng. Khi không dùng thì đầu microphone chĩa xuống sàn. Xin đừng cầm microphone như cầm một bó hoa (đầu thâu của microphone chỉa lên trần nhà chứ không chỉa vào miệng người ca).
- Phòng với vách chống vang là lý tưởng nhất. Tiếng vang (echo) tốt là từ máy chứ không vang từ tường.
- Không đặt microphone lên trên dương cầm vì dương cầm có độ rung/vang đáng kể.
- Không dùng lòng bàn tay ôm (cup) đầu microphone vì sẽ tạo ra feedback (phụ chú B).
- Người hát hú thì hú vừa thôi.
- Không dùng máy khuếch đại ở surround sound mode.
- Người đeo mắt kiếng thì chỉnh mắt kiếng và khoảnh cách microphone sẽ giảm điều kiện hú.
- Di chuyển chỗ đứng của người hát; đứng đối diện với loa. Không xoay lưng về phía loa.
- Dây dẫn âm thanh cũng cần dùng loại tốt vì nếu dây dẫn tín hiệu lúc mạnh lúc yếu thì mình có khuynh hướng chỉnh âm thanh lớn hơn bình thường.
- Đừng bắt quá nhiều microphones. Những microphones chưa dùng thì phải tắt đi hoặc chuyên viên âm thanh vặn âm lượng nhỏ lại.
- Quan trọng là máy chỉnh âm lượng và mixer phải gần người hát với microphone chứ không gần cái màn hình TV. Rất nhiều gia đình có thói quen đặt tất cả máy móc vào tủ kính ngay dưới cái TV. Mỗi lần cần chỉnh âm thanh thì phải bỏ microphone mà chạy đến chỗ đặt cái mixer, rất bất tiện. Âm thanh tốt nhất là âm thanh gần máy chỉnh nên máy chỉnh phải đặt chỗ người nghe chứ không đặt dưới (hay gần) cái TV.
Nhưng nếu tiền không thành vấn đề thì sao? Mua máy chống hú cũng là giải pháp không tệ! Nếu đã mua thì nên mua loaị kha khá; chứ đừng tiếc tiền. Và nên hiểu những điều sau đây:
- Máy chống hú giảm âm lượng âm thanh ở những tần số gây hú. Có nghĩa là nếu người hát ra âm thanh ở những tần số này thì âm lượng (volume) nhỏ hẳn đi so với những tần số khác.
- Máy chống hú có thể làm chậm (delay/latency) tiếng hát vì phải "process" âm thanh để gạn lọc tần số.
- Chỉ nên gắn thêm bộ phận chống hú ở những nguồn có thể tạo hú như microphone, đàn điện, vân vân chứ không nên can thiệp chống hú vào nguồn không gây hú như nguồn nhạc từ DVD chẳng hạn. DVD đâu có làm hú! Bỏ máy chống hú giữa nguồn DVD và máy khuếch đại (amplifier) thì sẽ mất một số tần số!
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,
Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Càng cao tuổi càng nghe kém nên lúc nào cũng muốn vặn âm thanh rõ to!
(1) Đệ thích tìm hiểu không phải để khoe đâu. Cũng giống như học và tìm hiểu cách nấu ăn không phải là để nấu giỏi mà để khi người ta nấu cho mình ăn, mình hiểu cái công khó mà biết thưởng thức. Học cách chống hú để đi đâu còn biết thán phục người kỹ sư âm thanh; chứ không phải là khoe giỏi.
(2) Đúng ra microphone phải gọi là máy vi âm.
(3) Nguyên tắc thì nếu mình là khách thì đừng có nhào tới chỗ máy móc mà chỉnh lung tung; dễ bị đổ thừa và thường thì chủ nhân cũng không thích.
(4) Trường hợp cụ thể là máy chống hú khá thông dụng ở Việt Nam là
Test Feedback XTR 2.0 - Auto eliminate microphone feedback. The lastest new technology in 2017
Máy vẫn hú mà ông biểu diễn vẫn ngang nhiên bảo là không hú (phút 2:55)!
Phụ chú:
Đệ xin nói ngay đây là Đệ không quảng cáo cho bất cứ hãng nào. Trích dẫn là với mục đích tham khảo mà thôi. Người đọc xin tự quyết định.
A.
Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B.
Regarding The Old Hand-Over-The-Mic Test For Monitor Feedback
C.
Ringing Out Your Venue PA | Tuning Your Sound System Graphic Equalizers
D.
[Tâm Nam Audio] Bo Mạch Chống Hu Míc Tâm Nam Hướng Dẫn Lắp Đặt Và Test trực tiếp
Cách này đòi hỏi người dùng phải mở máy khuếch đại (amplifier) mà hàn gắn bo mạch mới vào. Taý máy với đồ điện là phải cẩn thận và hơn nữa phải "you know what you are doing".