Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

Xin Tiền...Cho Tiền

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay tình cờ đọc một bài tham luận về Từ Thiện và Tầm Nhìn của TS Nguyễn Phương Mai (phụ chú B) mà Đệ muốn viết lăng nhăng về một đề tài (hoàn toàn khác) xảy ra ở xứ sở Hoa Kỳ trong hiện tại. Hiện tượng này cũng có thể cho là phổ biến tại nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn tại Hoa Kỳ.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Du khách Việt đến Little Saigon tại quận Cam thì có thể là khá choáng (shocked) với sự xỗ xàng của người xin tiền đứng trước các chợ: Thí dụ như: "Đ.M., cho năm đồng, coi!" (1). Bài này xin không nói đến hiện tượng xỗ xàng và phi pháp đó (2).
Panhandling (xin tiền người lạ nơi công cộng) là chuyện mà quý vị nào sống tại Hoa Kỳ thì sẽ thấy nhiều lần nơi công cộng; đặc biệt là các ngả tư giao thông mà xe phải ngừng đèn đỏ. Và tuỳ theo luật lệ của thành phố mà việc panhandling này bị cấm hoặc giới hạn (2). Cấm hay cho phép việc xin tiền người lạ nơi công cộng là đề tài tranh luận thường xuyên tại Mỹ.
Phe muốn cấm thì có cái lý của họ; nhưng đừng quên là phe bênh vực cũng có... cái lý của họ.

Cấm

Đơn giản là phe muốn cấm có những lý luận sau đây:
  • Sao không đi làm tự kiếm tiền mà lại đi ăn xin? Nước Mỹ không thiếu việc (jobs) cho họ làm mà chỉ vì lười muốn ăn bám vào xã hội, hay sao?
  • Panhandling, ăn xin nơi công cộng, làm giảm thẩm mỹ quan của thành phố. Du khách thấy bị phiền nhiễu; và đôi khi cảm thấy sợ hãi.
  • Hiện tượng xin tiền đổ xăng (tại cây xăng) là không chấp nhận được! Lo cho xe có xăng để chạy là trách nhiệm của chủ xe (hoặc người lái). Tại Mỹ, hết xăng trên xa lộ thì bị phạt, là một thí dụ về trách nhiệm này.
  • Panhandling tại đèn giao thông gây thêm nguy hiểm cho cả người xin lẫn người cho. Người lái xe, thấy trời lạnh, mặc quần áo phong phanh, mà người xin cầm cái bảng Đói (Hungry) hoặc Xin Giúp (Need Help) mà không cho thì lòng không an và bất nhẫn. Cho thì tạm thời làm trở ngại giao thông và có thể gây nguy hiểm cho người xin (chạy xuống đường để nhận tiền).
  • Truyền hình/truyền thông làm rất nhiều phóng sự về những người thật sự là lười và muốn lợi dụng lòng thương của tha nhân. Các phóng sự này luôn đề cập tới việc dùng tiền xin được để mua thuốc lá và bia rượu.
  • Thường là người xin tiền độ nhật sẽ không dừng khi kiếm đủ tiền ăn cho ngày đó. Xin tiền rồi để dành cho... ngày mưa (rainy day) là khó chấp nhận với một số người cho.

Cho Phép

  • Ngỏ lời xin giúp đỡ (cho ít tiền) từ một người cần tiền đến một người đồng loại (dù là lạ) là quyền hiến định (First amendment; Tu chính án số 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ). Quyền tự do ngôn luận này bao gồm quyền được cầu xin giúp đỡ.
  • Xin ít tiền để độ nhật (panhandling) hoàn toàn khác với sách nhiễu/hăm dọa để vòi tiền (mugging). 
  • Không phải ai cũng kiếm được việc làm. Đặc biệt là những người mới mất việc. Có tiền độ nhật có thể giúp họ qua cơn túng quẩn và có cơ hội tìm việc làm mới.
  • Cho là tùy "hảo" tâm. Không ai ép buộc người khác phải cho. Đa số panhandlers xin một cách nhỏ nhẹ. Xin Bê xem phụ chú C để biết bài mạng chỉ dẫn cách xin tiền.
  • Panhandlers tại Hoa Kỳ KHÔNG dùng trẻ em/trẻ thơ để kể khổ mà mong đánh động lòng trắc ẩn của tha nhân. Chuyện cố tình gây thương tích cho trẻ em với mục đích xin tiền cũng không thấy có. 
  • Người tàn tật (disabled person) cũng không đi xin tiền nơi công cộng được vì xã hội đã trợ cấp cho người tàn tật.

Giới Hạn

  • Phe này thì... ba phải! Có lòng giúp người nhưng không muốn bị thiệt hại về kinh tế/tài chính: xin đừng đứng trước cửa tiệm/nhà hàng của tôi, xin đừng đứng gần trường học mà tạo gương xấu cho con trẻ, xin đừng... vân vân và vân vân.
  • Có lẽ phe này là thực tế và có lòng nhất. Không chủ trương cấm mà cũng không để luông tuồng.

Bê Phải Làm Sao? 

Đệ có là Thánh đâu mà dám bảo Bê phải làm sao!
Phần cá nhân thì cho hay không cho là tùy Bê. Cho cũng được mà không cho cũng được.
NHƯNG xin đừng dùng lý luận để biện minh (justifying) cho hành động của mình. Xin Bê làm theo cái mình cảm ngay lúc đương cơ (ái chà, dùng từ của Thiền!). Không cho thì đừng áy náy mà cho thì cũng đừng "ghi điểm".


Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.

Thân,

Chú thích:

(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Trên 60 tuổi rồi thì Bê chắc nhận cũng nhiều, mà cho cũng nhiều rồi. Thôi thì cái gì làm mình vui thì làm: cho cũng được mà không cho thì cũng... tốt thôi!
(1) Đây là chính tai Đệ nghe, khoảng hai mươi năm trước tại siêu thị đối diện với khu Phước Lộc Thọ. Đã khá lâu Đệ không về "Cali" nên hy vọng là chuyện này chỉ là chuyện quá khứ! Nếu còn thì chắc không phải là năm đồng mà phải là mười, hai mươi đồng (vì tiền mất giá).
(2) Phi pháp vì có nhiều thành phố cho panhandling nhưng không được đứng gần máy lấy tiền (ATM), gần trường học, gần cơ sở thương mại như chợ. thường là du khách thì không rành luật lệ của thành phố mà mình đến thăm.

Phụ chú:

A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Nguyễn Phương Mai - Từ thiện và tầm nhìn
C. How to Panhandle

1 nhận xét:

Hoa Tran nói...

(Post dùm NMTrang)

Cách đây vài năm, gia đình tôi có ghé đến 1 quân ăn VN tại San Jose để ăn trưa vào cuối tuần. Vừa bước ra khỏi hiệu ăn thì có 1 người đàn ông VN tiều tuy, nhem nhuốc cất lời, "xin anh chị giúp em ít đồng ". Trời ơi, tôi không thế tin được đôi mắt của mình nữa. Một kỹ sư trẻ tuổi, đẹp đẻ , lanh lợi, tháo vác mà giờ đứng ăn xin. Tôi được biết anh ta là vị lúc đó tôi la Product manager của công ty bên tôi, còn anh ta là Quality manager của công ty làm components cho bên tôi. Thỉnh thoảng tôi có qua bên đó để kiếm tra process & product , vì thế tôi có gặp anh ta đôi ba lần. Sao bây giờ lại ra nông nỗi thế. Sau này tôi được biết, anh ta rời VN một mình khi còn rất trẻ. Qua Mỹ, đi học trung học rồi đại học. Anh ta có bằng BS về mechanical engineering ở Minnesota, về California làm việc. Tuổi trẻ đi làm có tiền không có người thân thuộc, nên thường la cà ở các quán làm bạn với những người hút thuốc ma tuy nên mới ra nông nỗi thế. Chúng tôi và anh ta đều có biết nhau nên "Xin tiền ... cho tiền" thật ngở ngàng cho cả hai bên .
NMTrang