Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

Toán Chạy III - Cập Nhật I

 Thân chào các Bê (*),

Toán chạy là gì thì đã nói trong bài trước: Toán Chạy I

Chiêu hai đã nói trong bài Toán Chạy II

Hôm nay, xin nói đến chiêu thứ ba: sao thấy gần thành công mà loay hoay hoài vẫn không đúng.

Cập Nhật I: Xin xem chú thích (2)

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

Thí dụ sau đây là một chiêu khá dễ mà mình nhìn không ra:

  • Chỉ còn hai cột chưa đúng tổng số (cột 4 và 5; từ trái qua phải; xem hình 1).

  • Vì các tổng số hàng ngang đã chỉnh nên không thêm bớt gì được cho các tổng số. Chỉ có thể thêm bớt cùng một số cho mỗi hàng. 
     
  • Tổng số cột 4 dư 3.
  • Tổng số cột 5 thiếu 3.

  • Hàng thứ 3 (trên đếm xuống) có tổng số đúng là 18.

  • Nếu cột 4 mất 3 và cột 5 thêm 3 thì tổng số hàng ngang 3 vẫn là 18 và tổng số hai cột dọc được giải (xem hình 2)
Hình 1


Hình 2

Voilà!
Một thí dụ khác gồm hai hoán chuyển (vì một cột dư 6 một cột thiếu 6)



Chiêu này luôn đúng khi các tổng số hàng ngang đểu đúng VÀ các tổng số cột dọc (trừ hai cột) đều đúng.

Bài đã khá dài nên xin chờ bài "Toán Chạy IV" để biết thêm về thủ thuật kế tiếp.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.

Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê mà bảo nhanh thì nhanh cỡ ông bà 70's.
(1) Thêm một thí dụ nữa

(2) Cập Nhật I: 
  • Cột 2 và cột 4 không có cặp nào cùng số (hình A cho cặp [5,3], [1,4], và [2,5]) nên không thể hoán đổi để giữ tổng số hàng ngang.
  • Hàng 1, đổi số 5 bằng hai số 3 và số 2 (hình B). Kết quả là hai cột chưa đúng tổng số đổi từ cột 2 và cột 4 qua hai cột 2 và cột 7 (hình C).
  • Bây giờ mới có thể hoán đổi cặp [2,2] từ cột 2 qua cột 7 (hình D).

Hình A

Hình B

Hình C

Hình D



Thứ Tư, 20 tháng 12, 2023

Toán Chạy II

Thân chào các Bê (*),
Toán chạy là gì thì đã nói trong bài trước: Toán Chạy I

Hôm nay, xin nói đến chiêu thứ hai: chọn ô trong hàng/cột để có một tổng số nhất định...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Chọn ô trong hàng/cột để có một tổng số nhất định:

  • Cứ cộng thử các ô, thủng thỉnh mà cộng, thử tới thử lui, thì cũng sẽ tìm ra các ô cần chọn.
  • Tuy nhiên vô chiêu như trên thì có khi mất khá nhiều thì giờ cho một hàng.
  • Phân tích hàng sau:
  • Tổng số là 12 nên toán chạy giỏi cho ta thấy 1+3+6 = 10 ==> chỉ chọn thêm ô có số 2 là đủ 12.
    Rút tỉa ra là số 10 khá là quan trọng loại toán chạy này. Dẫn đến điểm kế tiếp dưới đây.
  • Phân tích hàng sau:

    1+9, 2+8, 3+7, 4+6, 5+5, 6+4, 7+3, 8+2, hay 9+1 đều cho ra 10. Trong hình trên có cặp 9+1 và cặp 4+6 nên hai cặp này đã cho 20 rồi. Thêm 6 nữa là đạt được tổng số 26.
  • Thử phân tích hàng sau:


    • Tổng số là 42 nên toán chạy giỏi cho ta thấy 6 x 7 = 42.
    • Hàng này có hai cặp 6,8 (6+8=14 nghĩa là 2 số 7) nên 6,8 và 6,8 là 4 số 7 rồi thêm hai số 7 nữa là đủ 42. 
    • Kết luận cho hàng này là chọn hết các ô (trừ ô có số 2).
  • Thử phân tích hàng sau:
    Sau khi chọn 5, 5, và 9 để đạt tổng số 19. Thì  mới thấy là 5+9 là 14 mà 7+7 cũng là 14. Phải ghi nhớ điểm này vì có thể cột 1 cần số 7 và cột 6 không cần số 5 (hoặc cột 3 cần số 7 hoặc cột 7 không cần số 9). "Chạy lẹ" thì phải biết du di.

Bài đã khá dài nên xin chờ bài "Toán Chạy III" để biết thêm về thủ thuật kế tiếp.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.

Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê mà bảo nhanh thì nhanh cỡ ông bà 70.

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2023

Toán Chạy I

Thân chào các Bê (*),

Không nhớ là năm nào. Chỉ mang máng nhớ là trong những năm tiểu học, có năm, Thầy dạy Toán cắc cớ ra trò chơi "toán chạy". Cả lớp náo loạn vì toán chạy nhưng học trò thì rất hào hứng. 

Toán chạy là dịp để vừa học Toán vừa thi đua...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Toán chạy đơn giản chỉ khác các bài tập Toán ở chỗ:
  • Làm tại lớp như "live contest". 
  • Đề ra thì phải giải liền.
  • Giải xong phải cầm lời giải chạy lên nộp cho Thầy.
  • Thầy chỉ nhận lời giải của bao nhiêu đứa nộp đầu tiên; chẳng hạn là 10 trò.
  • Toán chạy thường không quá khó nhưng phải làm rất nhanh.
  • Toán chạy là cách kiếm điểm "dễ dàng" cho những trò giỏi và nhanh nhẹn.
Ngày nay vì Đệ chơi Sumplete 7x7 Daily (phụ chú B) nên phải ngày một nhanh hơn khi giải ma trận với những tổng số cho trong đề bài vì trò chơi tính giờ từ khi bắt đầu cho tới khi hoàn tất với lời giải đúng. 
Mục tiêu là nhìn hàng, nhìn cột mình phải biết ô nào dùng để cộng số cho ra tổng số cho sẵn. 

Một cách thức rất hay áp dụng là phân một bài toán phức tạp thành nhiều bài toán nhỏ hơn. Ma trận 7x7 gồm 49 ô nên phải loại càng nhiều ô càng tốt, sau khi loại một số ô thì tìm cách cộng các ô còn lại của mỗi hàng, mỗi cột để tổng số bằng với tổng số cho sẵn.

Thí dụ cột 7 (đếm từ trái qua phải) phải chọn những ô mà tổng số phải là 6.


  • Ô (1-7; hàng 1 cột 7), mang số 5, bị loại bỏ vì cột này không có ô nào có số 1 để cho tổng số 6.
  • Tương tự ô (4-7), mang số 2, cũng bị loại bỏ vì cột này không có ô nào có số 4 để cho tổng số 6.
  • Ô  (6-7), mang số 8, cũng bị loại bỏ vì tổng số chỉ là 6. Tám cộng mấy thì ra 6?
  • Cột 3 ((đếm từ trái qua phải) thì loại ô có số 9, 8, 5, và 8 vì lớn hơn tổng số 1. 
  • Những ô mang số 1 thì chưa biết là ô nào sẽ được dùng vì đều mang số 1. Mà tổng số là 1; nghĩa là chỉ một ô được chọn.
  • Tóm lại là:
    • Loại mỗi ô phải có lý do chắc chắn mới loại được. Thí dụ như hàng 4, ô (4-7) chứa số 2 mà tổng số hàng này là 4 thì tại sao bị loại? Bị loại là vì số 2 không "cặp" với số nào trong cột 7 mà cho tổng số 6.
    • Loại được càng nhiều ô thì càng làm bài toán dễ hơn.
    • Hàng hay cột có tổng số 0 (zero) là loại tất cả các ô trong hàng hay cột đó.
    • Tổng số nhỏ hơn 9 thì loại tất cả các ô, trong hàng hay cột đó, có số lớn hơn tổng số. Hàng 6 là thí dụ khi tổng số là 4 thì loại ô có số 9, 8, 5, 8.
Bài đã khá dài nên xin chờ bài "Toán Chạy II" để biết thêm về thủ thuật kế tiếp.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê mà bảo nhanh thì nhanh cỡ nào?

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2023

Bài Học Bó Đũa

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay xin lấy can đảm để viết bài này: không dám dạy đời ai; chỉ xin nhắc ra đây về một bài học khá xưa và phổ biến. Bó đũa mà để nguyên như vậy mà bẻ thì thật là khó. Tháo ra và bẻ từng chiếc đũa thì không khó chút nào...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Bài học này thì dễ hiểu nhưng khi "đụng chuyện" thì có khi lại không nhớ để thực hiện. Ngày bắt đầu chơi Sumplete and My Personal Best (xin xem phụ chú trong bài này) tôi những tưởng là mình có thể chơi bảng khó nhất gồm 9x9 (81 ô) ngay lập tức. Quả là khó vì chưa có kinh nghiệm với trò chơi này. 

Trong đầu cứ nghĩ: "Phải có cách, phải có cách" và tôi cũng không tìm ra được cách!!!

Cho tới một ngày, tôi mới trở lại trạng thái "bình thường" và quyết định là sẽ dùng một phương pháp (đã được mọi người công nhận): chơi từ bảng dễ hơn rồi từ từ mới "leo" lên bảng khó hơn. 

C'est à dire: chơi bảng 3x3 (9 ô) trước; khi chơi khá rồi thì lên bảng 4x4... Cuối cùng thì tôi chơi được bảng 7x7 (49 ô) và vẫn còn chơi bảng 7x7 vì thấy vẫn chỉ đủ kinh nghiệm để thắng bảng 7x7.

Thế thì còn bảng 8x8 và 9x9 thì sao?

Bài học bó đũa.

Nếu bảng 8x8 mà loại được một hàng ngang và một hàng dọc thì còn lại gì? ==> một bảng 7x7
Nếu bảng 9x9 mà loại được hai hàng ngang và hai hàng dọc thì còn lại gì?   ==> một bảng 7x7

Cách loại bỏ một (hay hai) hàng ngang và một (hay hai) hàng dọc VÀ điều chỉnh tổng số mỗi hàng, mỗi cột (hàng dọc) thì như sau:
  • Trước hết là phải tìm cho ra chuỗi số độc (unique singleton; chú thích 1) cho một hàng VÀ một cột. Chuỗi số độc ở đây là chuỗi số mà tổng số bằng tổng số cho sẵn. 


    Trong hình trên thì hàng 1 là một thí dụ của unique singleton vì 1,3,5,9,1,8,6 là chuỗi số mà thứ tự quan trọng (order significance) và tổng số bằng 33.

    Tương tự cột 1 là unique singleton có thể loại ra khỏi ma trận (matrix).

  • Khi loại bỏ hàng 1 và cột 1 thì matrix từ 7x7 xuống thành matrix 6x6 với điều kiện là phải điều chỉnh các tổng số của các hàng, các cột còn lại.

    Hình trên là thí dụ của việc loại bỏ hai hàng, hai cột và điều chỉnh các tổng số của hàng và cột của bảng 5x5.
  • Chơi bảng 5x5 thì dễ hơn bảng 7x7 rất nhiều.
  • Không cứ gì là một bảng cho hàng và cột với chuỗi số độc ngay hàng một, cột một. Nếu singleton không ở bìa (hàng 1 trên cùng hoặc cột 1 bìa trái) thì phải tưởng tượng là rời nó lên hàng 1 hay rời nó về cột một.
  • Khi nói là loại thì có thể chỉ là loại ra trong đầu (trong tính toán của mình). Không cứ là phải loại ra trên giấy hoặc hình vẽ.

  • Bây giờ thì mời Bê chơi thử bảng 9x9 mà không "tháo bó đũa" http://sumplete.com/

    Chúc may mắn!

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê thì động não là cần thiết: làm gì đó mà... chẳng vì sao.

(1) Thí dụ unique singleton: 1, 2, 9, 4, 9, 6, 9 với tổng số 8 là x,2,x,x,x,6,x
Thí dụ chuỗi multitons: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 với tổng số 8 có thể là:
  •  x,2,x,x,x,6,x hay 
  • x,x,3,x,5,x,x hay  
  • 1,x,x,x,x,x,7.
      Hàng hay cột mà là multiton thì không loại được.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài














Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

Sumplete and My Personal Best -- Cập Nhật II

Thân chào các Bê (*),

Hôm nay, xin đặc biệt giới thiệu đến ACE một trò chơi tên là Sumplete. 

Từ vài tháng trước, một người bạn đã hỏi tôi có chơi Sumplete không. Tôi trả lời là không vì bận rộn các việc khác và lúc đó tôi cho là chơi Sumplete khá là mất thì giờ. 

Cho tới một ngày rảnh rỗi nọ: tôi muốn biết cách nào mà mình có thể thắng được Sumplete không (vì được biết là trí tuệ nhân tạo ChatGPT đã tạo ra trò chơi này) và từ đó tôi chơi khá thường xuyên.

Tìm ra phương pháp để chinh phục Sumplete mà không hoàn toàn dựa vào may mắn thì không phải là dễ. Vài ngày gần đây tôi tin là tôi đã "heuristically" tìm ra cách (1).

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Simplete là một trò chơi trên mạng khá là giống Soduku (hay có thể được xem là một biến thể của Soduku) nhưng độ phức tạp khá là cao. Vài điều về Simplete:
  • Có thể chơi từ dễ tới khó 3x3, 4x4, ..., 9x9.
  • Mức độ để chọn là từ Easy, Medium, Hard, Expert.
  • Chơi không hạn thời gian (trừ 5x5 Daily và 7x7 Daily)
  • 5x5 Daily7x7 Daily tính thời gian chơi từ lúc khởi đầu cho đến khi hoàn tất. Đây là cách mà Đệ tự đặt mục tiêu cho mình: chơi 7x7 Daily mỗi ngày và ghi lại thời gian ngắn nhất (personal best) mà mình đã từng đạt dược (2).
Xóa thời gian hoàn tất để ACE không nản khi bắt đầu chơi.
  • Bảng Daily chỉ đổi mỗi ngày một lần nên có tính cách hạn chế cho người chơi chỉ chơi một bảng trong một ngày (tránh tình trạng nghiện chơi game).
  • Các nút trợ giúp cũng khá là tốt cho người chơi (Đệ chỉ dùng Undo và New puzzle)         
Tôi hy vọng là ACE nào đã từng chơi Soduku thì nên thử Simplete 7x7 Daily (một ngày có một bảng mới) xem mất bao lâu thì mới giải được một bảng 7x7.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Lợi thế của người sắp lớn tuổi là có chút ít thì giờ (mà không phải tất tả đi làm kiếm tiền).
(1) Xin xem 
(2) Chủ ý không đăng thời gian chơi Simplete 7x7 Daily vì đây là thành tích cá nhân. Bê có chơi thì cũng là thành tích cá nhân của Bê. Tuy nhiên thì Đệ cũng xin nói là Simplete 7x7 Daily có thể hoàn tất dưới 10 phút.
(3) Cập Nhật 01/13/2024 Kỷ lục mới (dưới 5 phút)

(4) Cập Nhật 02/09/2024 Kỷ lục mới (dưới 3 phút)


Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

Wordle & my Stats

Thân chào các Bê (*),

Từ khi viết bài "Ăn Mừng Thất Bại - Celebrating Failure" đến nay Đệ cứ trông chờ cho tới ngày mà mình có thể đạt được thành tích mới. Thì chuyện này cũng đã đến...

Xin nói ngay là đây không phải là chuyện lớn lao gì. 

Thắng/Thua gì thì cũng là một chữ T!

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...


Hôm 10/26/2023

Hình này cho thấy  là sau 500 ngày (một lần một ngày) chơi WORDLE thì tỷ lệ thành công là 97%.
Có nghĩa là cứ 100 lần chơi thì có 97 lần thành công (hay còn gọi là "thắng"). 
Nhưng cũng có nghĩa là 100 lần chơi thì có 3 lần thua! 
Trong 500 lần chơi từ đầu đến nay thì có khoảng 15 lần chịu thua WORDLE. 
"Bại" tích này thì sẽ mãi trong lý lịch của Đệ.


Hôm 10/27/2023

Hai hình trên cho thấy là sau 500 lần chơi, số lần thắng liên tục lâu nhất là 111 lần. Cho tới lần chơi ngày 10/27/2023 thì mới lại thắng liên tục 111 lần (lần thứ nhì đạt được thành tích này).


Hôm 10/28/2023

Hôm nay thì số lần thắng liên tục (kỷ lục) đang tăng Current Streak là 112 mà Max Streak cũng là 112.

Nếu không thua lần nào nữa trong tương lai thì 15 lần đã thua vẫn ảnh hưởng vào thành tích toàn diện. Thí dụ là chơi 1000 lần và tương lai không để thua lần nào thì tỷ lệ vẫn chẳng bao giờ là 100%: 985/1000 = 98.5%. Tuy nhiên đây là mục tiêu mới với kỷ lục mong muốn là thắng 98.5% hay nói khác hơn là trong 500 lần chơi thứ hai sẽ không được thua lần nào. Đây là một mong muốn rất lớn vì mỗi lần chơi là một lần có thể thua!


Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Năm trăm ngày là hơn 16 tháng; tuy nhiên thời gian sẽ qua nhanh.


Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Wordle... Again!
C. Wordle - Bảo Đảm Giải trong 6 Lần Đoán
D. Wordle... Last. Cập Nhật II

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

Ice Cream @2am, Anyone?

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay xin "phiếm loạn" một chuyện riêng tư: tối qua điện thoại thông minh đánh thức Đệ dậy vào lúc 2 giờ sáng! Hóa ra là điện thoại với cài đặt Clarity app (1) cho biết là lượng đường đang xuống và sẽ xuống dưới 55 mg/dL. Hừm, nguy hiểm khi đường lượng qúa thấp (nguy hiểm hơn đường lượng quá cao). Bài này xin không nói về sự nguy hiểm của bệnh tiểu đường...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Đệ lật dật bò ra khỏi giường, ra tủ lạnh, ngăn đá, mà lấy kem ăn. Ngồi một mình trong phòng khách, ăn ice cream lúc 2 giờ sáng; kể ra cũng là cái thú (mà "ta" gọi là một trải nghiệm mới).
A, thì ra muốn ăn kem thì giờ cũng là có thể. 

Chỉ xin Bê nhớ là 
  • không nên cố tình tự tạo tình trạng đường lượng thấp để ăn kem.
  • thích món ngọt nào thì phải trữ sẵn trong nhà; mặc dầu 2 giờ sáng mà ra cây xăng (hay tiệm bách hóa) thì vẫn có đồ ngọt (ở một số đia phương). 
  • không tự lái xe khi lượng đường của mình đang thấp.
  • khi ăn kem (hoặc đồ ngọt mình ưa thích) thì phải ăn ít và ăn từ từ vì đường lượng trong máu lên chậm (lag time) so với lúc ăn và máy cũng báo chậm. Vừa nhâm nhi vừa để mắt vào điện thoại mà xem đường lên (2). Nếu ăn nhanh và ăn nhiều thì đường lượng lại tăng quá mức cần thiết thì lại cũng nguy hiểm (tuy không nguy hiểm bằng đường lượng quá thấp)


Disclaimer: 
  • Đệ không chịu trách nhiệm cho đường lượng của Bê. Trị tiểu đường là chuyện giữa Bê và Bác/Dược sỹ của Bê.
  • Hãy tự mình "ngâm cứu" ra cách giữ đường lượng ở mức an toàn theo hoàn cảnh của mình: nên nghe lời Bác sỹ và Dược sỹ (nhiều Bác sỹ/Dược sỹ càng tốt). 
  • Không nghe ai khác.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Không cứ là bác nào răng khỏe mới ăn được kem.

(1) Clarity app chỉ xài khi có cảm biến Dexcom G7 đeo trên người.
(2) CGM (Continious Glucose Monitoring) là cảm biến đo đường lượng liên tục và cập nhật trên điện thoại tức thì (khi CGM có dữ kiện mới, new data). Có thể chậm tới 5 phút. Riêng Dexcom G7 thì lag time ngắn hơn: Đeo trên tay thì 3,6 phút còn đeo ở bụng thì 3,4 phút trung bình (3.5 minutes, 3.6 minutes for the arm and 3.4 minutes for the abdomen).

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2023

Chống Ồn - Cope with Loud Noise

Thân chào các Bê (*),

Hôm nay lại xin viết nhăng về một vấn đề gây khổ đau cho rất nhiều người: người chung quanh mình ca karaoke hay là ngáy to làm mình điên đầu vì bị tra tấn lỗ tai. Hát karaoke thì có thể yều cầu (đề nghị) là họ vặn nhỏ lại hoặc hát trong phòng cách âm.

Tuy nhiên nếu người hát "thật lòng" muốn người nghe "phải" nghe họ hát hoặc ngủ ngáy (trên máy bay) thì thường là nạn nhân phải khổ đau thôi!

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Tuy nhiên có một giải pháp hoàn toàn trong vòng kiểm soát của nạn nhân:
  • Thủ sẵn một tai nghe (headphones hay ear plugs) có khả năng chống ồn. Thường lên máy bay là trong carry on của Đệ có một cái Active Noise Cancellation (ANC) headphones. 
  • Nếu trên máy bay mà quên không mang theo ANC headphones thì nói với Flight Attendant cho mình ear plug headphones để nghe nhạc hoặc xem phim. Không phải tranh chấp với người ngồi gần bên. Thường thì trên chuyến bay dài thì ngủ ngáy là khó tránh.
  • Dùng tại nhà cũng tránh bị hành hạ nếu mình dùng loại không dây (wireless). Wireless headphones sẽ không hạn chế việc đi lại của mình trong nhà.
  • Quên đi cái quyền được sống trong yên lặng của mình.
  • Thỉnh thoảng qua nhà hàng xóm xin hát vài bản karaoke. Đây là cách làm cho họ tắt máy rất nhanh. 
  • Đừng thi nhau vặn máy của mình lớn hơn, mong là át được tiếng nhạc nhà kế bên hoặc bên kia đường.
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê ngủ mà không ngáy thì mới là lạ!

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2023

To Whom It May Concern.

Thân chào các Bê (*),

Thường thì Đệ không dám động tới văn chương và thi ca vì mình chả biết gì về chúng. Hôm nay, nhân nghe một chương trình phát thanh nói về Angelou nên cảm khái mà viết bài này...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Cuộc đời và sự nghiệp của Maya Angelou thì đã có không biết bao nhiêu người nhắc đến nên xin không kê khai ra đây (xem phụ chú B để biết thêm).

Điểm kể ra đây là năm 1969, Bà đã viết tùy bút I Know Why the Caged Bird Sings. Một tác phẩm nổi tiếng thế giới kể lại tuổi thơ của bà. Tác phẩm mang một triết lý, một thông điệp rất lớn chỉ bằng cái tựa đề của nó: Tôi biết tại sao con chim, bị nhốt trong lồng, vẫn hót.

Triết lý này được Amazon.com tóm gọn như sau:
"Years later, in San Francisco, Maya learns that love for herself, the kindness of others, her own strong spirit, and the ideas of great authors (“I met and fell in love with William Shakespeare”) will allow her to be free instead of imprisoned." 
(Nhiều năm sau đó, ở San Francisco, Maya học được là mình phải tự thương mình, sự tử tế của tha nhân, sức mạnh tinh thần của chính mình, và chính kiến của các tác giả lớn (như William Shakespeare) đã mang lại tự do cho mình thay vì giam hãm mình)

Con chim trong lồng nó vẫn hót đấy thôi!

Mỗi khi bạn cảm thấy chán nản với hoàn cảnh thì xin nhớ tới Maya.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê thì nhớ đến sự may mắn của mình mà đừng nản, và cũng đừng chảnh!

(1) Cái tựa của bài này: To Whom It May Concern là mượn lời trong Wikipedia nói về tiểu sử của bà.
"Năm 3 tuổi, Marguerite và anh trai, khi đó 4 tuổi, đã bị cha mẹ gửi đi xa bằng xe lửa, từ Long Beach thuộc tiểu bang California, tới thị trấn Stamps thuộc tiểu bang Arkansas, và hai đứa trẻ thơ ngây chỉ có trên cổ tay hàng chữ ghi câu "Gửi người nào có liên quan" (To Whom It May Concern)."

Thứ Ba, 11 tháng 7, 2023

Ăn Mừng Thất Bại - Celebrating Failure Cập Nhật I

Thân chào các Bê (*),

Cập nhật I: 
April 17, 2024
Hôm nay đánh dấu một lần chơi mà thua! Số ngày thắng liên tục lập kỷ lục mới là 283 ngày.

Hôm trước vì quá vội nên giải chữ trong game Wordle bị sai sau 111 lần luôn thắng!
(the Max Streak là 111 ngày, mỗi ngày một lần chơi).
Buồn và tính ngừng chơi vì vẫn luôn muốn là mình sẽ có được Max Streak 200! 
Bây giờ thì lại phải chờ ít nhất là 200 ngày nữa (nếu không bao giờ sai trong 200 ngày tới) mới đạt được ước nguyện này..,

Chú thích 1.



Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Giải sai trong game Wordle là một thất bại. Và thất bại nào cũng gây... trầm cảm; nhưng điểm chính trong chương trình học Master về phần mềm có dạy rằng chúng ta nên ăn mừng thất bại vì có ăn mừng (cách nào đó) thì mình mới rút tỉa được những bài học bổ ích cho tương lai.

Ăn mừng chiến thắng thì đã đành còn ăn mừng thất bại là sao?

Ăn mừng thất bại để làm gì? Té ra ăn mừng thất  bại đem lại cho mình nhiều điểm thú vị:
  • Ăn mừng thất bại như thế nào? Thì giống như ăn mừng chiến thắng: vui mừng, chia sẻ, tụ tập, biểu lộ cảm xúc, vân vân... 
  • Ăn mừng thất bại giúp ta trực diện với thất bại. Công nhận sự thất bại là một bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình hồi phục và tiếp tục hoạt động trong tương lai. Không công nhận sự thất bại là dấu hiệu mình sẽ không thay đổi phương cách hành xử trong việc làm.
  • Hy vọng là, nó giúp ta "thấy" những nguyên nhân gây ra sự thất bại.
  • Có thấy những nguyên nhân này thì mới hy vọng là mình tránh được chúng trong hoạt động tương lại.
Trong trường hợp chơi Wordle kể trên thì Đệ bị "out" sau sáu lần đoán vì bị rơi vào cái bẫy; mà đáng lẽ Đệ phải thấy và tránh cái bẫy này:
Sau hàng 4 với "ROWER" mà OWER đã vào đúng chỗ, thì đây là cái bẫy vì quá nhiều five-letter words tận cùng với OWER như
BOWER, DOWER, COWER (chữ đúng), vân vân... 
Còn đoán được hai lần mà ít nhất có tới ba chữ khả thi thì chọn hai trong ba chữ là dễ bị sai.

Nhờ celebrating failure mà Đệ nghĩ ra cách tránh cái bẫy này: Sau hàng 4 thì hàng 5 phải dùng một chữ có mẫu tự B, C, D (vì POWER và TOWER là không đúng vì T, hàng 1, và P, hàng 2, đã màu đen, có nghĩa là lời giải không có P và T) như CUBED. 

Nếu chọn CUBED cho hàng 5 thì U, B, D sẽ đen (không có trong lời giải COWER và C, E sẽ xanh). Từ đó mình sẽ biết là lời giải là COWER.

Phụ chú B, là lời hay ý đẹp của danh nhân về sự thất bại. Chí ít thì Bê nên đọc (và dịch nếu cần) những câu sau:
  • “Thất bại là Mẹ của thành công” —Tục ngữ Việt
  • “A person who never made a mistake never tried anything new.” —Albert Einstein
  • “Success consists of going from failure to failure without loss of enthusiasm.” —Winston Churchill
  • “Every adversity, every failure, every heartache carries with it the seed of an equal or greater benefit.” —Napoleon Hill
  • “Do not be embarrassed by your failures, learn from them and start again.” —Richard Branson
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê thì chơi là cầu động não chứ không cầu đoán giỏi.

(1) Từ hình ta thấy:
  • Chơi được 391 lần 
  • Tỷ lệ thắng là 97% (chơi 100 lần chỉ thua 3 lần)
  • Quan trọng cho cá nhân Đệ là "Max Streak" 111 lần thắng trước khi thua một lần
  • "Current Streak" là 1 có nghĩa là sau khi thắng liên tiếp 111 lần thì thua 1 lần (current streak là 0) rồi nhờ thắng một lần tới nên current streak là 1. 
Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

Giá Sẽ Phải Trả - Cost of Fixing Bugs

The cost of detecting and fixing defects in software increases exponentially with time in the software development workflow. (phụ chú B, Chi phí phát hiện và sửa lỗi trong phần mềm tăng theo cấp số nhân theo thời gian trong quy trình phát triển phần mềm.)

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay xin viết nhăng về một đề tài có tính chuyên môn trong công nghệ viết phần mềm (software development). "Theo thời gian trong quy trình phát triển phần mềm" thật ra chỉ là theo những công đoạn (những bước) trong quy trình phát triển software. 
Có nhiều quy trình phát triển software khác nhau (waterfall, agile,  v-shaped, interative, incremental, etc...) nhưng tựu chung thì vẫn là qua quá trình từ nhu cầu/yêu cầu (requirements), tới thiết kế (design), tới viết code (development), tới thử nghiệm (testing), tới cài đặt (deployment/installation) và tới bảo trì (maintenance, bảo hành, bảo dưỡng hay nôm na là sửa lỗi) (xin xem hình trong phụ chú E).

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Bài này mục đích là vạch ra một chân lý ngàn đời: phát hiện lỗi (bugs) ở giai đoạn sau, thí dụ như ở giai đoạn design, thì sẽ rất tốn kém so với phát hiện lỗi ở giai đoạn trước, thí dụ như ở giai đoạn viết requirements (nên nhớ là viết ra giấy và hoàn thiện requirements phải được duyệt đi duyệt lại và phải được phê chuẩn (approved) bởi cấp thẩm quyền độc lập với các nhóm phát triển software (software development teams). 

"Tay mơ" sẽ nói:  "Có code xong và thử thì mới phát hiện lỗi chứ?" Thật sự thì theo chân lý trên thì giai đoạn nào cũng có thể có lỗi. Sửa càng sớm càng dễ và ít tốn kém. Xin lấy thí dụ có người khách đến tiệm bánh và đặt một chiếc bánh cưới. Requirements ở đây là: kích thước bánh, hình dạng bánh, các màu và lối phối màu (bánh màu kem, hoa màu như hoa thật, hoa gì, lá  màu xanh, trong bánh có kem không, bánh mấy lớp, bao giờ giao bánh, có phải chở tới nhà hàng không, etc...). Tất cả các requirements phải được sự đồng ý của hai bên (khách hàng và tiệm bánh). Khi hai bên thương thảo thì cũng là lúc tiệm bánh có thể yêu cầu sửa đổi requirements (thí dụ khách muốn kem với dâu tươi mà đang không phải mùa dâu). Requirements sau nhiều lần thương thảo thì hai bên phải đồng phê chuẩn. 

Đó! Nếu có lỗi ở giai đoạn requirements thì sửa khá dễ, khá nhanh vì chỉ cần hai bên đồng ý với requirement mới (thí dụ như dùng dâu đông lạnh). Nhưng nếu vì sơ xuất mà tiệm bánh không tim ra dâu tươi mà thế đại bằng dâu đông lạnh thì có thể bị thưa kiện vì không làm đúng thỏa thuận (lỗi này khá là khó sửa).
Chân lý trên nói là sửa lỗi ở giai đoạn sau phải trả giá tăng theo cấp số nhân (thí dụ sửa lỗi ở requirements là $10 (giá của số giờ thương thảo) thì nếu để tới giai đoạn giao cho khách hàng (deployment) thì phải đổi từ dâu đông lạnh sang dâu tươi thì chỉ có hai cách: 
  • hoặc cho không khách hàng cái bánh với dâu đông lạnh và đền thêm một số tiền (giá của cách này có thể là $(10 x 10 x 10 x 10 x 10) = $10,000 + tiền đền + mất tiếng tăm tiệm bánh
  • hoặc cho người bay qua nước nào có dâu tươi, mua và mang về bằng chuyên cơ hỏa tốc và làm lại chiếc bánh với việc tăng số thợ làm bánh và tăng giờ phụ trội!
Tất cả những điều nói trên. trong thập niên 2000's, bị một hãng software của Mỹ đã phá và hãng này đưa ra một luận cứ mới: cứ đưa sản phẩm ra thị trường sớm và nếu người tiêu thụ tìm ra lỗi thì sửa sau (beta test by real customers). 
Phụ chú F nói về việc IBM sáng tạo ra khái niệm Alpha Testing và Beta Testing (nhưng beta testing theo IBM là giao cho một nhóm nhỏ khách hàng tự nguyện thử nghiệm sản phẩm mới). Phải đến 2004 thì Google công khai giao GMail, được ghi rõ là bản Beta, cho khách hàng dùng. Từ đó, lịch sử đã sang trang...

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê thì Life is short. Don't make it shorter!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. The exponential cost of fixing bugs

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

Ba Vòng Kim Cô

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay lại xin viết nhăng về một đề tài tổng quát cho bất cứ hãng xe hơi nào muốn bán xe trên các bang Hoa Kỳ và muốn gia nhập thị trường chứng khoán tại Hoa Kỳ. Vàng thật thì không sợ lửa nhưng nếu không thật thì sẽ có ít nhất ba cơ quan (1) tại Hoa Kỳ sẽ hành các hãng xe này lên bờ xuống ruộng...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Ba cơ quan của liên bang Hoa Kỳ có nhiệm vụ:
  • NHTSA (National Highway Traffic Safety Administration) - Có nhiệm vụ giám sát các lỗi về an toàn của xe giao thông trên đường phố Hoa Kỳ.

  • SEC (U.S. Securities and Exchange Commission) - Có nhiệm vụ giám sát tất cả thị trường chứng khoán tại Hoa Kỳ. Cổ phần lên xuống phần lớn là do đề nghị của các chuyên gia tài chính theo dõi hoạt động của hãng ra cổ phần. SEC sẽ đòi báo cáo (reports form 10-K hàng năm và form 10-Q hàng quý, 3 tháng).

  • USPTO (U.S. Patent and Trademark Office) - Có nhiệm vụ cấp chứng chỉ (bằng) sáng chế cho người/nhóm nộp đơn xin cấp bằng cho sáng chế của mình. Quá trình từ hình thành ý tưởng (incubating), đến được hãng, mình làm việc, chấp thuận cho mình nộp đơn với USPTO (approval for filing), đến khi USPTO cấp bằng có khi là nhiều năm (các bằng sáng chế mà Đệ có góp phần thường là mất năm, sáu năm). 
Vài điều quan trọng:
  • NHTSA
    • NHTSA chỉ trách nhiệm các "recalls" (do khách hàng báo cáo trực tiếp cho NHTSA hoặc do hãng xe tự nguyện) mang tính an toàn (safety). Thí dụ ghế da trong xe mau bạc màu thì NHTSA không quan tâm; nhưng nếu ghế của người lái mà tự dưng bật ngữa thì là vấn đề an toàn và NHTSA sẽ công bố recall.
    • Mặc dầu người sở hữu xe có quyền không sửa xe theo khuyến cáo nhưng đây có thể là lý do mà hãng bảo hiểm vin vào và từ chối trả tiền cho chủ xe khi có tai nạn (có thể tránh được khi sửa chữa theo khuyến cáo của NHTSA). Tất cả chi phí sửa chữa recall là miễn phí cho chủ xe nên thường là họ làm theo khuyến cáo.
    • Khi có recall thì hãng phải có biện pháp khắc phục (hoặc lấy lại sản phẩm; đồng nghĩa với bồi hoàn tiền cho chủ xe).
    • Khi có recall thì hãng KHÔNG được mang xe mới ra lưu hành (hoặc bán hoặc cho thuê) cho đến khi xe được sửa chửa đúng như cam kết trong recall.
  • SEC
    • SEC mà có báo cáo thì rất nhiều chuyên gia phân tích và báo chí sẽ được biết. C'est à dire: không khai gian được. Khai gian mang đến nhiều hậu quả "sanctions & penalties" như nói trong phụ chú C. Hãng vi phạm có thể phải trả nhiều trăm triệu đô la (người tố cáo có thể hưởng từ 10% tới 30% tiền phạt. Theo phụ chú C thì tiền thưởng lớn nhất tới nay là 114 triệu đô la).
  • USPTO
    • USPTO thường không được chú ý nhiều như hai cơ quan trên nhưng vai trò cầm cân nẩy mực của USPTO, trong việc quyết định bằng sáng chế, làm hãng xe, với số lượng bằng sáng chế khiêm nhường, khốn đốn vì các hãng, có nhiều bằng sáng chế, thưa kiện là hãng này xâm phạm bằng sáng chế (patent infringements). Có nhiều vụ kiện kéo dài nhiều năm; phụ chú D cho một thí dụ về việc Toyota, Honda, và GM phải hầu tòa.
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Đang yên đang lành với cuộc sống bình bình thì nhào vô vòng tranh đua thế giới về xe hơi!
(1) Còn một cơ quan nữa: EPA (U.S. Environmental Protection Agency) nhưng xin nói về cơ quan này vào một dịp khác.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Chiếc vòng kim cô Tôn Ngộ Không đeo đáng giá bao nhiêu?

Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

Crumple Zones - Vùng Dễ Bị Biến Dạng

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay lại xin viết nhăng về một vấn đề mà kỹ sư xe hơi không ngừng cải tiến. Xin nói ngay là Đệ không có chuyên môn trong lãnh vực này. Viết bài blog này chỉ là gởi đến Bê những thông tin về vấn đề cũng như là những gợi ý cho Bê tìm hiểu thêm nếu muốn...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Từ khá lâu rồi, Mercedes, Béla Barényi, 1959, thế giới xe hơi đã đưa ra khái niệm ứng dụng tản lực bằng nguyên liệu dễ gẫy vỡ ở đầu và đuôi xe. Khi vật liệu bị biến dạng và gẫy vỡ trong quá trình đụng xe thì lực thay vì chuyển tới người trong xe thì lực được phân phối phần lớn qua sự biến dạng/gẫy vỡ của vật chất ở đầu và đuôi xe (sau này cả hai bên hông xe). Từ đó người ta gọi là thiết kế  "Crumple Zones - Vùng Dễ Bị Biến Dạng".

Vài nhận xét:
  • Vẫn có khá nhiều người chuộng kiểu mẫu "ăn chắc, mặc bền". Vẫn thích xe có độ cứng/bền quanh xe mà không hiểu là vật liệu cứng truyền lực chấn gần như 100% tới người trong xe và gây chấn thương cho người trong xe. 
  • Crumple zones và túi khí an toàn (airbags) ngày nay tản và triệt tiêu lực chấn để bảo vệ người trong xe.
  • Quan trọng là "khung xe" (từ cột A tới cột C; khung màu đỏ trong hình trong phụ chú C), mà người ngồi phía trong, thì phải chắc chắn, không được biến dạng để bảo vệ người trong xe. 
  • Xe có crumple zones khi đụng thì thường là phải bỏ (totalled) vì không còn sửa chữa được (xem hình trong phụ chú C); nhưng đây cũng là điểm chính: của đi thay người. Hơn nữa hãng bảo hiểm đền cho nên nó không phải là mối quan tâm lớn. 
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi già mà có bị chấn thương thì rất khó lành.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Therac 25 - Chết Người vì Coi Thường An Toàn

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay lại chợt nhớ tới một bài học trong chương trình Master of Science in Software Engineering (MSSE) mà Đệ có dịp học nhiều thập niên trước. Một ví dụ cho ngành Software Development mà tất cả mọi người lập trình những máy móc có liên quan tới sự an toàn về tính mạng con người đều nên đọc và nghiền ngẫm...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Xin trích dẫn ra đây phần mở đầu của phụ chú B (tiếng Việt):
  • Therac-25 là một máy xạ trị được công ty Năng lượng nguyên tử của Canada Limited (AECL) sản xuất vào năm 1982 sau các sản phẩm Therac-6 và Therac-20 (các sản phẩm trước đó đã được sản xuất trong quan hệ đối tác với CGR của Pháp).[1]
    Máy xạ trị này có liên quan đến ít nhất sáu vụ tai nạn từ năm 1985 đến 1987, trong đó các bệnh nhân được nhận quá liều bức xạ.[1] Các lỗi lập trình đã khiến nhiều bệnh nhân bị nhiễm phóng xạ liều lượng cao gấp hàng trăm lần cho phép, dẫn đến tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng.[2] Những tai nạn này nhấn mạnh sự nguy hiểm có thể gây ra do thiếu kiểm soát trong những máy móc yêu cầu độ an toàn cao và trở thành đề tài nghiên cứu cho các lĩnh vực tin học y tế, công nghệ phần mềmđạo đức nghề nghiệp.[3] Ngoài ra sự quá tự tin của các kỹ sư[4] và thiếu khả năng giải quyết các lỗi phần mềm[2] được nhấn mạnh như một trường hợp cực đoan mà các kỹ sư quá tự tin với sản phẩm và không tin các khiếu nại của người dùng để gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Phần cứng (hardware) có mục đích kiểm soát độ an toàn của máy (nếu có biến cố), trong hai máy mẫu trước, Therac 6 và Therac 20, đã bị lược bỏ để giảm chi phí: 
  • Therac 25 chỉ được kiểm soát an toàn bằng phần mềm (software). 
  • Lập trình sai và thiếu sót dẫn tới cái chết của nhiều bệnh nhân.
  • Các Bê nào muốn biết thêm về Therac 25 thì chỉ cần tìm kiếm (search) cụm từ "therac 25" hoặc dùng đường dẫn ở các phụ chú cuối bài.
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Có biết thì mới có sợ. Điếc thì làm gì có sợ tiếng súng!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Wikipedia - Therac 25
C. Sauvik Das - Case Study: Therac - 25

Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

ACC - Kiểm Soát Hành Trình Thích Ứng

Thân chào các Bê (*),
Sáng nay lại mưa Xuân nên ngồi nhà viết lăng nhăng. 
Đề tài hôm nay là một tính năng công nghệ của xe hơi mới (cả xăng và điện; ICE và EV): tính năng ACC (Adaptive Cruise Control). Trước hết xin minh định là ACC là một tính năng mới nên mỗi hãng xe thiết kế và vận hành tính năng này hơi KHÁC NHAU. Quan trọng là Bê phải tìm hiểu về tính năng này cho hãng xe, kiểu mẫu (model), và năm của xe.

ACC chỉ là một phần của ADAS (Advanced Driver Assistance Systems) ở cấp độ 2: người lái hoàn toàn chịu trách nhiệm cho hành vi của xe.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Tựu trung thì kiểm soát hành trình (cruise control) cho xe hơi thì đã có khá lâu. ACC chỉ là phát triển tính năng này lên một mức: ACC cho phép người lái thiết đặt tốc độ tối đa (setting maximum speed) cho xe VÀ giữ làn đường. Cũng như giữ khoảng cách an toàn với xe đàng trước (có nhiều hãng cho thiết đặt khoảng cách này).
  • Khi có xe chạy trước mặt (trong cùng một làn đường) và chạy chậm hơn thiết đặt tốc độ tối đa của xe mình thì xe tự động giảm vận tốc để giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe.
  • Khi không có xe trước mặt thì xe mình sẽ chạy ở tốc độ tối đa mà mình thiết đặt.
  • Điều quan trọng là mỗi hãng xe xử dụng phần mềm khác nhau (và phiên bản phần mềm cũng khác nhau) nên Bê vẫn phải quan sát/thử nghiệm cho chính mình ở đường vắng và an toàn trước.
  • ACC thường là biết được khi có xe chen vào làn đường (tạt vào trước đầu xe của mình); khi đó thì xe mình sẽ theo xe mới chen vào (giữ khoảng cách và tốc độ).
Như nói ở trên, mỗi hãng xe, mỗi phiên bản phần mềm sẽ khác nhau nên Đệ muốn các hãng xe thử nghiệm các tình huống (scenarios) sau đây:
  • Xe mình đang "theo" xe tải đằng trước (xe tải nên che khuất cảnh vật đàng trước)
    • Xe tải vượt đèn vàng (hoặc đèn đỏ)
    • Xe mình có biết ngừng tại đèn giao thông hay vẫn tiếp tục theo xe tải mà băng qua ngã tư khi đèn đỏ?
  • Xe mình đang "theo" xe tải đằng trước
    • Xe tải không ngừng tại bảng "STOP"
    • Xe mình có biết ngừng và chờ tới phiên mình chạy hay vẫn tiếp tục theo xe tải mà băng qua ngã tư?
  • Xe đến ngã tư, mình muốn chạy thẳng (khi đèn xanh); ngã tư không kẻ làn đường. Xe sẽ xử lý ra sao?
Dĩ nhiên là có hai loại thử nghiệm: ex situin situ
  • Ex situ là thử nghiệm trong môi trường được kiểm soát an toàn cho người và xe; thí dụ như tại một sân thử nghiệm với thiết bị an toàn (khả năng can thiệp khi trục trặc xảy ra cũng như khả năng chữa cháy). 
  • Thử nghiệm In situ khi đã thử ex situ thành công (nhiều lần) và thử nghiệm tại môi trường thực tế (trên đường phố). Tốt nhất là xin phép CSGT và trên đường vắng trước, và dùng stuntpeople/cascadeurs giả làm những người giao thông trên đường lại càng tốt hơn.
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Ôi sao phải lo lắng quá vào cái tuổi già? 

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

Nhìn Bê Chỉ Thấy Cái Đinh.

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay, ngồi nhà, đọc lại một bài blog cũ Nếu Tôi Sai... và rồi suy nghĩ vẩn vơ: tại sao? 
Tại sao ta thường không thấy được sự sai lầm của chính mình trong khi ta rất nhậy bén trong việc nhìn ra sai lầm của người khác. 
Có lẽ bản tính của con người là vậy: Ta thấy cái dằm (a speck) trong mắt người khác mà không thấy được cả cây cột (a log) trong mắt mình (phụ chú B). 
Đúng, đúng; nhưng vẫn còn là mông lung! Bài này Đệ chỉ muốn bàn về một khía cạnh của vấn đề này. Tư duy/phán đoán của mỗi con người chúng ta được cấu thành từ những kinh nghiệm/hiểu biết (KN/HB) mà chúng ta tích lũy. Vậy nên cách chúng ta nghĩ (và đưa ra kết luận) thường tùy thuộc vào KN/HB của chúng ta trong quá khứ (nếu không thu thập thêm dữ kiện mới). A, thế thì...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Đây là sự nguy hiểm của KN/HB chuyên sâu (deep understanding, deep learning, specialized learning) nếu chúng ta không ý thức được ngay trong sát na (giây phút) mà chúng ta dựa vào KN/HB. của chúng ta trong quá khứ, để đưa ra luận lý và đi đến một kết luận. Kết luận này thường sẽ đúng vì là kết quả của educated reasoning (tư duy hợp lý). NHƯNG không có gì bảo đảm nó là đúng 100% và đúng mãi mãi.
Xin lấy một thí dụ (xin nhấn mạnh là tôi không phải là Bác Sỹ Y Khoa): nếu một bệnh nhân than thở với ba người Bác Sỹ (một chuyên gia não bộ, một chuyên gia hệ thần kinh, và môt chuyên gia về sinh học tổng quát) về chứng nhức đầu của mình thì ba vị Bác Sỹ này sẽ có nhận định đầu tiên (preliminary prognostic) khác nhau (dựa trên KN/HB của họ). Nếu họ không đi một bước (hay nhiều bước) nữa như quan sát, thử nghiệm, phỏng vấn, vân vân thì kết luận của họ, với chỉ có KN/HB, có thể sai: chứng nhức đầu của người bệnh nhân này chỉ xảy ra khi ông ta nhận được thơ đòi tiền nhà, điện, nước, ga, điện thoại mỗi tháng! KN/HB về não bộ, hệ thần kinh, cân bằng hóa học, gì gì cũng chẳng giúp gì cho chứng nhức đầu này và các Bác Sỹ này nên giới thiệu ông với Bác Sỹ Tâm Lý thì hơn (mặc dầu sự trục trặc nào trong não bộ, hệ thần kinh, hay cân bằng hóa học nào cũng có thể dẫn đến nhức đầu).

Wait! Thế tại sao cả ba Bác Sỹ đều có KN/HB về Y Khoa mà lại đoán bệnh khác nhau? Khác vì KN/HB khác nhau. Người chuyên sâu về não bộ thì nghi là do bất thường trong não, người chuyên thần kinh thì đinh ninh là thần kinh, người giỏi về sinh học thì định đoán là do mất cân bằng hóa học, vân vân...

Trở lại đầu bài blog, Đệ có nói là mình dễ dàng nhận ra sai lầm của người khác là tại sao? Đơn giản là vì mình không có được cùng cái KN/HB của người khác (mình có thể có cái KN/HB của mình nên mình "nhìn" ra).
Hãy nhớ, 'To a man with a hammer, everything looks like a nail' (Đối với người có chiếc búa trên tay, mọi vật đều giống như một cái đinh)
(Abraham Maslow, phụ chú C). Hay nói khác đi thì dưới tầm nhìn của chuyên gia não bộ, bệnh nào cũng có nguyên nhân từ não! Còn khi Đệ cầm cái búa trên tay thì nhìn Bê chỉ thấy cái đinh.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Đường mòn giúp người già tìm đường về nhà; nhưng cũng vì đường mòn mà ta không còn sáng tạo được nữa.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Matthew 7:3-5 "Why do you see the speck in your neighbor's eye, but do not notice the log...

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023

Wordle... Last. Cập Nhật II

Thân chào các Bê (*),
Ok, ok lần này là lần cuối nói về Wordle. Một trò chơi đòi hỏi sự kiên nhẫn lẫn một số vốn kha khá tiếng Anh. Xin Bê đọc lại các bài trước:

    Wordle... Again!

    Hôm nay lại bầy ra một chiêu mới để chơi với Wordle. Trò chơi này lôi cuốn là mỗi ngày chữ bí ẩn một khác nên trò chơi biến chuyển mỗi ngày một khác...

    Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

    Hai, ba hàng và bốn điểm:

    • Vàng tính một điểm, không tính cùng một chữ hai hay nhiều lần.
      Thí dụ hàng một có chữ A màu vàng rồi ở hàng hai có chữ A, ở vị trí khác, màu xanh thì chỉ tính chữ A xanh (hai điểm)
    • Xanh tính hai điểm; cũng như trên chỉ tính một lần.
    • Có được bốn điểm (hoặc hơn) thì hàng tới phải "go for a kill" (đoán chữ bí ẩn).
      Bốn điểm có thể là có bốn vàng, hoặc hai vàng/một xanh, hoặc hai xanh.
    • Tại sao phải "go for a kill" sau khi có bốn điểm. Kinh nghiệm cho thấy là bốn điểm là đủ để mình đoán (khá chính xác) chữ bí ẩn. 
    • Nếu go for a kill mà trật thì sao? Không sao, thường là còn hàng năm, hàng sáu. Lo gì?

    Cập Nhật I: Nếu hàng đầu mà đã có bốn điểm thì khoan hẵng kill. Dùng hàng 2 với những chữ cái mới và hy vọng là thêm điểm rồi kill ở hàng 3. 

    Nếu hàng 2 toàn đen thì tùy: có thể kill vì đã có bốn điểm và nhiều đen đủ để kill. Nhát tay thì sẽ kill ở hàng 4.


    Cập Nhật II: Nếu hai hàng đầu cho 4 điểm (2 xanh) thì có thể kill ở hàng 3.

    Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.

    Thân,

    Chú thích:
    (*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê thì lâu lâu có thất bại cũng là vui.

    Phụ chú:

    A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài


    Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

    Thế Ai Kia Thì Sao?

    Thân chào các Bê (*),
    Ngoài trời thì giông bão mà lòng người thì cũng bất an. Bất an nên sân si mà nhớ tới một mẩu chuyện trao đổi cách đây vài tuần khi Đệ và BB chở ông bà A và bà B đi chơi. 
    Đường xa. Chuyện Trump phải ra tòa được bà B nhắc tới và ông A chận họng bằng câu hỏi: "Thế còn chuyện Hunter Biden thì sao?" Bà B tức quá (vì biết ông A rất bênh ông Trump) mới bắt đầu giải thích chuyện của Hunter là khác, vân vân...

    Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
    Người Anh đặt cho cách tránh né này một cái tên là "WhatAboutIsm" (Chủ nghĩa "Thế Ai Kia Thì Sao?" Chủ nghĩa "Thế Cái Kia Thì Sao?"). 

    Tránh né là tránh né chuyện mà người khác đưa ra để bàn hoặc để hỏi. 
    WhatAboutIsm là cách đặt một câu hỏi khác, với mục đích không trả lời câu trước và chuyển đề tài qua chuyện khác. 
    Thí dụ như bà B đưa ra chuyện ông Trump sắp ra tòa vì bị truy tố tội khai gian, thì ông A kê tủ đứng vào miệng bà B với câu hỏi mới: "Thế ông Hunter Biden thì sao?" (ý nói về hành vi, có thể là, phạm pháp của con trai TT Joe Biden, phe đối thủ của ông Trump, máy tính xách tay vân vân).

    Chuyện chỉ có vậy mà hai bên cãi nhau: 
    • ông A dùng WhatAboutIsm (ông A biết là mình thua nếu cứ bàn về ông Trump, vì tội Ngài rành rành ra đó). 
    • Bà B thì nghĩ Hunter vô tội nên muốn "giáo huấn" mọi người. (1)
    In My Humble Opinion (IMHO) thì nếu có bằng cớ thì dù là ai cũng phải đối mặt với pháp luật. 
    Đệ không ngây thơ mà nghĩ rằng nước Mỹ không có bao che, không có tệ nạn. COCC vẫn là nhiều lợi thế hơn DNCĐ. Cha đang làm TT nên Hunter có thể tạm thời thoát tội... Nhưng nếu vì không buộc tội được Hunter Biden thì không được buộc tội Trump, thì Đệ thấy là lý luận này không ổn.

    Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
    Thân,

    Chú thích:
    (*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Lý luận, ai không tội thì hãy ném đá, mang bản sắc quá lý tưởng.
    (1) Thật tình mà nói thì Đệ không chắc là Hunter vô tội. IMHO, ai có bằng chứng xác thực thì xin đưa ra; chứ phe ông Trump cứ vu vạ mà không có bằng chứng thì có vẻ... vô duyên.

    Phụ chú:
    A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
    B. whataboutism